XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Năm, 3 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 09.01. LƯU TÚ NHẪN NHỎ THÀNH NGHIỆP LỚN

Hoàng đế khai quốc của Đông Hán là điển hình nổi bật trong lịch sử của nhân sĩ thành công, phân tích nguyên nhân ông từ một thủ lĩnh của nông dân khởi nghĩa trở thành một Hoàng đế, phát hiện ngoài tác dụng của những cơ duyên trong lịch sử, còn chủ yếu là do sự tương quan giữa thành công với tính cách.
Khổng Tử nói: “Xảo ngôn loạn đức, tiểu bất nhẫn tất loạn đại mưu”. Ý câu này muốn nói, gặp việc nhỏ không chịu nhẫn nhịn sẽ làm đảo lộn cả kế hoạch. Lưu Tú là người đã học được câu danh ngôn này của Khổng Tử. Ông đã đem câu cách ngôn này vận dụng vào cuộc đời mình, tích những nhẫn nhịn nhỏ thành mưu lược lớn giành ngôi vua.
Bây giờ chúng ta xem Lưu Tú đã “tiểu nhẫn thành đại mưu” như thế nào.     Tổ của Lưu Tú là tông thất đời Tây Hán, nhưng đến đời ông đã thành bình dân. Lưu Tú từ khi còn nhỏ đã có suy nghĩ khác người, nhưng ông không lộ ra bên ngoài. Trong gia đình, ông vô cùng chịu khó, chịu mọi kham khổ, rõ là người phúc hậu. Do đó, anh của ông là Lưu Diễn tự so với Lưu Bang (hồi nhỏ, Lưu Bang từng là công tử lang thang), còn so Lưu Tú với em thứ hai của Lưu Bang là Lưu Hỷ (Lưu Hỷ tầm nhìn hạn hẹp, không có chí lớn), rất coi thường ông, thường cười ông là thật thà chất phác, nhưng Lưu Tú không hề có phản ứng gì.
Trong thời gian Vương Mãng nắm triều chính, Lưu Tú đến Trường An đọc sách, do hoàn cảnh không được dư dật, tiền ăn học rất nhanh chóng đã hết. Để tiếp tục học tập, Lưu Tú cùng bạn học tìm cách kiếm tiền, cùng mua một con lừa chở đồ cho người ta lấy tiền theo đuổi việc  đọc sách. Đúng vào lúc đó, ông học những kinh điển của nhà Nho “Luận ngữ”, “Thượng thư” . Khi  đọc “Luận ngữ”, đến thiên “Vệ Linh Công”, đọc câu Tử viết: “Xảo ngôn loạn đức, tiểu bất nhẫn tắc bất thành đại mưu”, ông hoa chân múa tay, nói: “Thật là hay quá! Hay quá!” . Từ đó, ông lấy câu danh ngôn chí lí này làm mẫu mực cho hành vi của mình,  thể hiện rất xuất sắc sau khi anh của ông bị giết.
Lại nói cuối đời Vương Mãng, loan lạc nổi lên, chính vào khi anh hùng trong thiên hạ dụng võ, hai anh em Lưu Diễn, Lưu Tú tháng 10 năm 22 (năm thứ 3 Tân Mãng Địa Hoàng) phát động khởi nghĩa Thung Lăng. Không lâu sau, họ đem quân Thung Lăng hợp nhất với hai đạo quân khác vũ trang tạo phản. Tuy thế, hai anh em họ Lưu trong hành động này vẫn giữ vai trò lãnh đạo. Nhưng người anh họ Lưu Huyền được quân khởi nghĩa suy tôn. Năm 23, Lưu Huyền được lập làm Hoàng đế, đó là “Canh Thủy Đế”. Khi Lưu Huyền xưng đế, bụng người trong dòng tộc là Lưu Diễn không được vui. Lưu Huyền trong lòng rất rõ điều này. Lưu Diễn vốn là người tính tình thô bạo, lại nóng nẩy, thêm vào đó, quân đội do anh em họ lãnh đạo, trong quá trình tác chiến với quân chính phủ giành nhiều thắng lợi, chiến công nổi bật. Điều này thật là uy hiếp đến ngai Hoàng đế của Lưu Huyền. Vì thế, Lưu Huyền rắp tâm tìm cách tiêu diệt anh em Lưu Tú.
Một bộ hạ tin cậy của Lưu Diễn là Lưu Tắc rất không vừa ý với việc Lưu Huyền làm Hoàng đế, ông ta bực tức nói:
– Chúng ta khởi binh làm việc lớn, rõ ràng công lao toàn là của Lưu Diễn, Lưu Huyền làm được việc gì, có tư cách gì mà làm Hoàng đế?
 Lời nói này đến tai Canh Thủy Đế Lưu Huyền. Lưu Huyền mới đầu muốn mua chuộc Lưu Tắc, hứa cho Tắc chức tước, bổng lộc, chỉ cần Tắc nói Lưu Diễn có ý đồ làm phản. Lưu Tắc không chịu, Lưu Huyền đã giết Tắc. Lưu Diễn ra mặt ủng hộ bộ tướng của mình. Lưu Huyền không làm thì thôi, đã làm thì làm đến cùng, giết cả Lưu Tắc và Lưu Diễn. Lúc đó, Lưu Tú đang cầm quân ở bên ngoài. Để trừ cỏ phải trừ tận gốc, Lưu Huyền quyết định tìm cơ hội giết cả Lưu Tú. Ông ta cho người mang chiếu thư của mình đi thăm dò Lưu Tú, chỉ cần Lưu Tú có một biểu hiện khác thường, sẽ có thể danh chính ngôn thuận giết ngay.
Sứ giả vừa tuyên đọc chiếu thư cho Lưu Tú nghe, vừa quan sát sắc mặt của Lưu Tú.
– Thái thường phiên Lưu Tú anh dũng thiện chiến, phong làm Phá lỗ đại tướng quân, Vũ Tín hầu.
 Chưa đợi Lưu Tú tạ ơn. Lại đọc tiếp:
– Đại tư đồ Lưu Diễn có ý gây rối, thường kháng thánh ý của Hoàng đế nên đã bị giết.
 Nghe tin anh bị giết, nhưng Tú vẫn thông minh để hiểu Lưu Huyền đang  muốn thăm dò thái độ có dụng ý diệt tận gốc? “Tiểu bất nhất tắc loạn đại mưu”. Sau khi nghe chiếu thư, Lưu Tú cố nén mối hận anh bị giết, vội rập đầu tạ ơn:
– Bệ hạ thưởng phạt rõ ràng. Chẳng qua công của tôi còn nhỏ.  Hoàng thượng ban thưởng như thế này, Lưu Tú thật hổ thẹn. Còn việc huynh trưởng Lưu Diễn có ý làm phản, thần đã khuyên bảo nhiều lần, không muốn anh ta mê muội, để đến ngày hôm nay bị giết, thật là hắn phải đền tội không oan.
 Lời nói của Lưu Tú rất chân thành, sứ giả do Lưu Huyền sai đến cũng không nghi ngờ gì, ngay cả bộ hạ của Lưu Tú cũng tin là thật.
Sứ giả đi rồi, Lưu Tú về trại của mình, trong phòng kín đáo cất tiếng khóc, bằm môi nghiến răng nói: “Hận anh ta phải trả!” Nhưng Lưu Tú cũng hiểu rằng thực lực của mình bây giờ chưa thể đương đầu với Lưu Huyền, còn phải chờ thời cơ báo thù. Sáng sớm ngày hôm sau, Lưu Tú vội vàng đến hành cung của Lưu Huyền. Thấy Canh Thủy Đế, Lưu Tú lời tâu bệ hạ, miệng ơn Hoàng thượng  vô biên, tuyệt không một lời nói về công lao của mình, cũng không để tang anh, rõ ràng là hết sức cung kính, lại thể hiện vô cùng khoan hậu. Ông cười nói tự nhiên như thường , không để lộ một chút đau thương, chỉ có khi đêm tới tĩnh mịch, mới thầm khóc thương cho cái chết của anh. Màn kịch “nhẫn nhục thâu sinh” của Lưu Tú, cuối cùng  đã xóa tan mối nghi ngờ của Lưu Huyền, bảo vệ được tính mệnh của mình. Ba tháng sau, Lưu Tú được cử đi Hà Bắc phát triển sức mạnh của quân khởi nghĩa. Từ đó, Lưu Tú dần thoát khỏi sự giám sát và khống chế của Lưu Huyền, nhanh chóng chiêu binh mãi mã, tìm kiếm nhân tài, bổ sung lực lượng. Trong thời gian chưa đến một năm, quân của Lưu Tú đã phát triển đến hơn 10 vạn người. Ông cón có một đội quân thiện chiến, các chiến tướng cực kỳ trung thành, tự mình hành động, công khai đối đầu với Lưu Huyền.
Dựa vào lực lượng này, qua chiến đầu, đến năm 25, Lưu Tú xưng đế, thành lập chính quyền Đông Hán. Lại qua thời gian 12 năm, Lưu Tú cuối cùng dẹp được đám quần hùng, hoàn thành việc thống nhất quốc gia, thu được giang sơn.

Chú thích:
(1) Thiên tướng quân: đặt thời Tây Hán. Phó tướng, Tiểu tướng,  dưới chủ tướng. Thời Đông Hán, địa vị thấp hơn so với Tạp hiệu tướng quân.
(2) Đại tư đồ: một trong Tam công đời Hán. Đời Thành Đế, Tây Hán, tam công là Thừa tướng, Đại tư mã, Đại tư không. Năm Nguyên Thọ thứ 2 (năm 1 tr.CN)  đổi tên thành Đại tư đồ, dưới Đại tư mã.
(3) Hà Bắc: chỉ vùng phía bắc sông Hoàng Hà, khoảng nay là tỉnh Hà Bắc, tương đương với vùng Hà Bắc, Bắc Kinh, Thiên Tân, Sơn Đông nay.
Người dịch: Dương Đình Giao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét