Quản Trọng, nhà chính trị lớn của nước Tề, là trợ thủ đắc lực của Tề Hoàn Công khi xưng bá. Người tiến cử Quản Trọng cho Tề Hoàn Công là Bao Thúc Nha. Quản Trọng và Bao Thúc Nha là hai người bạn tốt, “Quản Bao chi giao” là một giai thoại trong lịch sử.
Khi còn ít tuổi, Quản Trọng và Bao Thúc Nha đã từng cùng nhau buôn bán. Nhà Quản Trọng nghèo, tiền vốn bỏ ra phần lớn của Bao Thúc Nha, nhưng đến khi chia lãi, ông ta cứ đòi phần hơn. Thủ hạ của Bao Thúc Nha đều rất không vừa lòng, mắng Quản Trọng là tham lam. Bao Thúc Nha lại giải thích:
– Ông ta đâu có tham mấy đồng tiền này? Nhà ông ta khó khăn, đó là ta tự nguyện nhường cho ông ta đó.
Quản Trọng cũng đã từng lâm trận, khi tiến công, ông ta toàn đi sau, khi rút lui, ông ta lại là người chạy trước hết. Binh sĩ dưới quyền đều coi thường, không muốn cùng ông ta ra trận. Bao Thúc Nha lại giải thích:
– Nhà Quản Trọng có một mẹ già, ông ta phải lo cho bản thân để phụng dưỡng mẹ già, chứ không phải là sợ chết!
Bao Thúc Nha ra sức bảo vệ Quản Trọng, hoàn toàn vì yêu cái tài năng của Quản Trọng. Quản Trọng nghe được những việc ấy rất cảm động, thở dài, nói:
– Sinh ra ta là cha mẹ, hiểu được ta chỉ có Bao Thúc Nha!
Từ đó, Quản Trọng và Bao Thúc Nha đã kết thành đôi bạn sống chết có nhau.
Tế Tương Công không có con, chỉ có hai người em khác mẹ, một người là công tử Củ, một người là công tử Tiểu Bạch. Tề Tương Công cai trị tàn bạo, trong nước hoàn toàn không được thái bình, vì thế, Quản Trọng đưa công tử Củ chạy sang nước Lỗ, Bao Thúc Nha đưa công tử Tiểu Bạch chạy sang nước Cử (nay thuộc huyện Cử, Sơn Đông).
Năm 686 trước CN, nước Tề có nội loạn, Tề Tương Công bị giết, các đại thần nước Tề chuẩn bị đưa các công tử về nối ngôi. Hai công tử nghe nói nước Tề không có vua, đều muốn nhanh chóng về nước, ai về trước sẽ có khả năng tranh được ngôi vua. Lỗ Trang Công đích thân đem quân hộ tống công tử Củ về nước, lại cử Quản Trọng mang quân đi ngăn chặn đường về của công tử Tiểu Bạch.
Quản Trọng đi không kể ngày đêm, khi đến biên giới nước Cử, quả nhiên đuổi kịp được đội quân của công tử Tiểu Bạch. Quản Trọng hỏi:
– Công tử đi đâu vậy?
Công tử Tiểu Bạch cố làm ra vẻ bình tĩnh, nói:
– Về nước để chuẩn bị việc tang Tương Công.
Quản Trọng nói:
– Công tử Củ lớn hơn công tử, lo việc tang do công tử Củ làm, sao ngài phải vội vàng thế?
Công tử Tiểu Bạch xa xầm nét mặt, bình tĩnh nói:
– Việc trong nhà ta, ngươi không phải lo, ngươi đi đi!
Tùy tùng của công tử Tiểu Bạch cũng vây lấy như là sẵn sàng bảo vệ.
Quản Trọng thấy yếu thế, đành phải bỏ đi. Nhưng ông ta chưa đành lòng, trong bụng nghĩ: “Dứt khoát ta không chịu, chi bằng hạ thủ hắn đi!” Rồi Quản Trọng lén giương cung, đột nhiên bắn một mũi tên nhắm vào công tử Tiểu Bạch. Chỉ nghe thấy công tử Tiểu Bạch kêu lên một tiếng, máu trong miệng đổ ra liền bỏ chạy.
Quản Trọng sau khi bắn chết được công tử Tiểu Bạch, vội về báo cáo với công tử Củ và Lỗ Trang Công. Nghe nói Tiểu Bạch đã chết, thấy yên tâm, không phải vội vàng nữa.
Ai ngờ là công tử Tiểu Bạch chưa chết, mũi tên của Quản Trọng chỉ bắn trúng cái móc áo của ông ta, Tiểu Bạch cố ý cắn lưỡi, nhổ ra máu, lừa Quản Trọng. Khi Quản Trọng đi xa rồi, ông ta mới dứng dậy. Đoàn người đi gấp, có đường tắt thì đi đường tắt, chỉ mấy ngày đã về đến kinh đô Lâm Truy. Lúc đó, bọn công tử Củ mới đi được nửa đường.
Nội bộ nước Tề còn chia rẽ khi chọn công tử nối ngôi. Họ hỏi ý kiến Bao Thúc Nha, nói nếu lập công tử Tiểu Bạch, đến khi công tử Củ về đến nơi thì làm thế nào?
Bao Thúc Nha trước hết xem xét công tử Tiểu Bạch, nói ông ta là người khoan hậu, nhân từ, tài năng hơn người, công tử Củ không thể sánh bằng, hơn nữa, công tử Củ do Lỗ Trang Công hộ tống trở về, nếu đưa lên làm vua, sợ rằng sẽ chịu sự khống chế của nước Lỗ. Tề vốn là nước lớn, làm sao có thể chịu như thế được?
Mọi người nghe theo, thấy rất phải, liền lập công tử Tiểu Bạch lên ngôi vua, đó chính là Tề Hoàn Công.
Lại nói mấy hôm sau, Lỗ Trang Công, công tử Củ và mọi người mới về đến nơi, nghe nói công tử Tiểu Bạch đã lên ngôi, vô cùng tức giận, lập tức phát động tiến công, định dùng vũ lực để giành lấy ngôi vua. Tề Hoàn Công đích thân mang quân nghênh chiến, quân Lỗ bại trận. Lỗ Trang Công buộc phải giết công tử Củ, còn phải giao Quản Trọng, kẻ đã bắn tên định giết công tử Tiểu Bạch.
Thấy Lỗ Trang Công chuẩn bị giao Quản Trọng cho nước Tề, mưu sĩ của ông là Thi Bá, nói:
– Quản Trọng là một nhân tài, sao có thể giao chó nước Tề được? Nếu nước Tề trọng dụng ông ta, nhất định sẽ trở nên hùng mạnh, tương lai sẽ vượt qua nước Lỗ, trở thành hậu họa.
Lỗ Trang Công nói:
– Nước Tề đang đòi người, làm sao giữ lại được?
– Vậy thì đem giết đi, đem xác trả cho nước Tề, để tránh việc nước Tề có thể dùng được ông ta. Thi Bá nói.
Khi đó, Bao Thúc Nha cử người đến nước Lỗ nhận Quản Trọng, nghe nói nước Lỗ định giết Quản Trọng, sứ giả nói với Lỗ Trang Công:
– Hoàn Công bị trúng tên, hận Quản Trọng đến xương tủy, chỉ có tự tay giết hắn mới hả giận. Xin ngài giao hắn cho tôi.
Lỗ Trang Công đành phải giao Quản Trọng cho sứ giả mang về.
Về đến nước Tề, Bao Thúc Nha vội vàng đến mở xe tù, mời Quản Trọng lên xe của mình, bố trí cho ông ta ở trong nhà. Hai người bạn hoàn toàn không nói gì đến việc tranh ngôi vua mà vẫn giữ hòa khí.
Ngày hôm sau, Bao Thúc Nha đến yết kiến Tề Hoàn Công, nói:
– Nước Tề có một nhân tài, tài trí hơn người, không ai bì kịp, chỉ có trọng dụng ông ta, nước Tề mới có thể hùng mạnh. Muốn làm nên nghiệp bá trong các chư hầu, không thể không dùng ông ta.
Tề Hoàn Công vui vẻ hỏi:
– Người đó là ai vậy. Nói mau ta nghe!
Bao Thúc Nha nói:
– Đó chính là Quản Trọng.
Tề Hoàn Công nghe nói là Quản Trọng,, nổi giận:
– Hắn có phải là thầy của công tử Củ không? Mũi tên thù hận còn chưa trả được, làm sao ta có thể trọng dụng được hắn?
Bao Thúc Nha nói:
– Đó gọi là vì chủ của mình. Khi đó, Quản Trọng là người của công tử Củ, tất nhiên phải hại ngài. Nay công tử Củ đã chết, nếu đại vương trọng dụng ông ta, ông ta cũng hết sức trung thành với ngài.
Tề Hoàn Công nói:
– Ngài chẳng phải cũng trung thành với ta hay sao? Ta đang chuẩn bị để ngài làm Tướng quốc, giúp ta cai trị quốc gia.
Bao Thúc Nha nói:
– Đại vương quá yêu, tôi rất cảm kích. Nhưng tôi chẳng qua chỉ là người cẩn thận, hiểu việc, tôn trọng công lý, làm theo luật pháp. Quản Trọng mới là nhân tài trị quốc làm nên nghiệp bá.
Nghe vậy, Tề Hoàn Công nói:
– Vậy thì cho ông ta đến gặp ta.
Quản Trọng gặp Tề Hoàn Công, lập tức quỳ xuống nhận tội, Tề Hoàn Công nâng ông ta dậy, hỏi về cách trị nước. Quản Trọng nói thẳng thắn. Nói đến khi Tề Hoàn Công vui lòng, để cho ông làm khanh.
Sau khi Quản Trọng làm khanh của nước Tề, lập tức tiến hành một loạt những cải cách. Sau năm năm, mọi mặt của nước Tề đổi mới, chính trị, quân sự, nông nghiệp, thủ công nghiệp đều phát triển. Nước Tề nhanh chóng trở thành nước mạnh đứng đầu các chư hầu.
Bao Thúc Nha chủ động tiến cử người hiền, đưa Quản Trọng lên vũ đài chính trị của nước Tề. Sau đó, Quản Trọng không vì tình xưa tiến cử Bao Thúc Nha thay mình làm tướng quốc mà tiến cử người hiền năng hơn Bao Thúc Nha. Bao Thúc Nha không những không vì thế oán trách Quản Trọng còn cho rằng Quản Trọng làm như thế là đúng.
Quản Trọng và Bao Thúc Nha là hai người bạn tốt, đồng thời lại gánh vác việc lớn của quốc gia, lòng dạ ngay thẳng. Người đời sau ca ngợi tình cảm chân chính này “Quản Bao chi giao” là có ý như vậy.
Người dịch: Dương Đình Giao
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét