XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Tư, 2 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 05.02. TÀO QUỆ CHỦ ĐỘNG KHIÊU CHIẾN

Năm Chu Trang Vương thứ 13 (684 trước CN), nước Tề và nước Lỗ xảy ra tranh chấp. Lúc đó, Tề Tuyên Công mới nối ngôi, rất muốn lập nghiệp bá, vì thế, trước hết bắt tay vào làm nước mình mạnh lên, rồi lệnh cho quân Tề đánh đến Trường Thược của nước Lỗ (nay là vùng gần Lai Vu, Sơn Đông).
Nước Lỗ có một người tên gọi Tào Quệ, chỉ là người dân thường nhưng ông ta rất quan tâm đến sự hưng vong của quốc gia, nghe nói đại binh của Tề áp sát biên giới, vô cùng bức xúc, vươn mình đứng dậy quyết tâm ra sức vì nước.
Có người khuyên ông ta rằng:
– Tào Quệ ơi, việc quốc gia đại sự có bao nhiêu quan tướng giải quyết, anh chẳng qua chỉ là một người dân thường, làm sao phải lo nghĩ như thế?
Tào Quệ nói:
– Bọn quan lớn ăn thịt tầm mắt nông cạn, làm sao có thể có cách gì được? Tôi nhất định đi yết kiến nhà vua, trình bày kế hoạch của tôi!
Lỗ Trang Công thấy quân Tề đánh đến nơi, lập tức chuẩn bị đem quân ứng chiến. Nghe nói có người đến hiến kế sách, lập tức cho gặp.
Tào Quệ gặp Lỗ Trang Công, bèn hỏi:
– Đại quân của Tề đã đánh đến, nghe nói ngài đã chuẩn bị chống lại, ngài sẽ làm gì để chiến thắng được quân Tề?
Lỗ Trang Công trả lời:
– Ta có sự ủng hộ của mọi người. Thường ngày ăn no mặc đủ, ta thường đem cho hạ thần, xưa nay chưa bao giờ dám hưởng thụ một mình, mọi người biết ơn ta, đương nhiên sẽ ủng hộ ta.
Tào Quệ nói:
– Đây chẳng qua chỉ là ơn huệ nhỏ, mà cũng chỉ là một số ít người bên cạnh ngài, trăm họ không phải ai cũng được hưởng cách đối đãi tốt của ngài, người ta không thể vì ngài mà chết vô ích.
Lỗ Trang Công lại nói:
– Khi tế lễ thần linh, ta đều thành tâm thành ý, cần gì thờ cúng nấy, cần nhiều ít cũng đầy đủ, xưa nay không dám dối trá, lừa người, thần linh sẽ phù hộ cho ta chiến thắng.
Tào Quệ lắc đầu, nói:
– Đó chỉ là những điều vụn vặt, tầm thường, thần linh không thể phù hộ cho người thắng trận được. Phải nói cái thiết thực cơ!
Lỗ Trang Công lại nói tiếp:
– Dân chúng đến cửa quan, ta tuy không dám đảm bảo quan tâm được mọi việc, nhưng tất cả những việc ta xử lý đều cẩn trọng, công bằng, hợp lý.
Tào Quệ vui vẻ nói:
– Những việc như thế không nhiều. Nghĩ đến nỗi khổ của dân chúng là có lòng vì dân, dựa vào việc này có thể thắng lợi được.
Lỗ Trang Công chưa hiểu ý của Tào Quệ, không biết ông ta nói đến việc gì, lại hỏi:
–  Khanh có cách gì để có thể chiến thắng quân Tề?
Tào Quệ cười, nói:
– Để đánh thắng, phải tùy cơ ứng biến, sao có cách nhất định được? Mời ngài cùng tôi lên xe, đến chiến trường, xem tình thế ra sao.
Lỗ Trang Công nghe Tào Quệ nói rất có lý, đoán ông ta nhất định có cách gì, bèn cùng ông ta lên xe, đến Trường Thược.
Ở Trường Thược, quân Tề và Lỗ đang chờ trận đánh lớn. Bao Thúc Nha của nước Tề đã từng đánh bại quân Lỗ, cho nên lần này coi quân Lỗ không phải là đối thủ ngang tài. Ông ta muốn thắng ngay nên vừa vào trận đã hạ lệnh nổi trống tiến công. Lỗ Trang Công nghe quân Tề nổi trống vang trời, không nén được cơn giận cũng hạ lệnh nổi trống xung phong. Tào Quệ vội ngăn lại:
– Khoan đã!
Rồi sau đó đề nghị Lỗ Trang Công đổi lại mệnh lệnh: “Kẻ địch có gào thét ầm ĩ cũng để nó tùy ý hành động, không nghe lời chỉ huy sẽ bị xử tử!”
Khi quân Tề nổi trống xông lên, quân Lỗ không mảy may nhúc nhích. Quân Tề thấy không có sơ hở, đành phải rút lui.
Một lúc sau, quân Tề lại nổi trống xung phong. Bao Thúc Nha thúc quân tiến công một lần nữa, quân Lỗ vẫn không có động tĩnh gì. Quân Tề lại đành phải rút lui. Hai lần liên tiếp tiến công mà không thấy quân Lỗ động tĩnh, Bao Thúc Nha đắc ý, có vẻ coi thường.:
– Quân Lỗ sợ muốn vỡ gan, không dám xuất chiến. Ta lại tiến công một lần nữa, chúng nhất định sẽ vỡ trận.
Nói xong, lại hạ lệnh thúc trống. Lần này, trong chớp mắt, quân Tề đã tới trước trận tiền của quân Lỗ. Quân Lỗ kìm nén đã lâu, quyết tử chiến. Tào Quệ tay cầm bảo kiếm, chỉ hướng bắc:
– Đánh bại quân Tề là ở trận này.
Sau đó mới Lỗ Trang Công hạ lệnh thúc trống tiến công.
Lại nói quân Tề, hai lần tiến công mà không thấy quân Lỗ động tĩnh, đều cho rằng lần thứ ba này cũng chẳng khác gì, cho nên qua, mâu, đao, thương ngả nghiêng rời rạc, rõ là coi thường quân Lỗ. Không ngờ, lúc ấy, trong trận của quân Lỗ tiếng trống rền vang. Quân Lỗ như mãnh hổ xông tới, đao khua tên bắn làm cho quân Tề hoảng sợ thất kinh, tả tơi bỏ chạy. Lỗ Trang Công lập tức hạ lệnh đuổi theo. Tào Quệ vội ngăn lại:
– Đừng vội, để xem đã!
Ông ta xem xét trận thế, lại lên xe, quan sát phía trước, một lát sau mới nói:
–  Có thể truy kích!
Lỗ Trang Công chỉ huy quân Lỗ đuổi theo hơn ba mươi dặm, thu được rất nhiều xe ngựa và binh khí của quân Tề, thắng lợi trở về.
Quân Lỗ giành toàn thắng. Lỗ Trang Công chưa thật hiểu rõ, hỏi Tào Quệ:
– Quân Tề hai lần nổi trống, khanh không để ta nghênh chiến. Đến lần thứ ba chúng nổi trống, khanh mới để ta xung trận, vì sao lại thế?
Tào Quệ trả lời:
–  Đánh trận rất cần tinh thần. Tinh thần hăng hái sẽ thắng lợi, tinh thần bạc nhược sẽ thất bại. Nổi trống là để cổ vũ tinh thần. Lần thứ nhất nổi trống, tinh thần phấn khích nhất, nổi trống lần thứ hai, tinh thần đã giảm sút, nổi trống đến lần thứ ba, tinh thần quân sĩ không còn bao nhiêu. Tôi không vội nổi trống là để giữ tinh thần hăng hái của quân sĩ, để cho họ nổi trống ba lần, sau khi tinh thần của quân Tề thấp nhất, chúng ta mới nổi trống tiến công, làm sao họ không bại được?
Lỗ Trang Công lại hỏi:
–  Quân Tề đã đại bại bỏ chạy, sao khanh không lập tức đuổi theo?
Tào Quệ nói:
– Tề là nước lớn, sức mạnh hùng hậu, đánh trận có nhiều ngụy kế, thần không yên tâm, sợ chúng giả bỏ chạy để mai phục, cho nên không dám vội vàng truy kích. Đến khi thấy trận thế của chúng hỗn loạn, từ xa thấy quân kỳ của chúng ngả nghiêng, thấy việc chúng bỏ chạy là đúng, lúc ấy mới dám mời ngài hạ lệnh truy kích.
Lỗ Trang Công nghe Tào Quệ giải thích một hồi, rất khâm phục, khen:
– Khanh thật là một vị tướng tinh thông việc quân.
Đây chính là trận Trường Thược trong lịch sử. Lý luận chiến tranh của Tào Quệ rất sáng suốt, ông cho rằng thắng lợi trong chiến tranh tất phải có lòng dân, trước trận đánh ông đã hỏi Lỗ Trang Công  thực ra là xét lòng với dân. Trong chiến đấu, ông còn giỏi dùng trống cổ vũ quân sĩ, hạn chế uy phong quân địch. Ông còn là một người rất giỏi tâm lý.   
Người dịch: Dương Đình Giao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét