XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 19.17. NỖ NHĨ CÁP XÍCH “TÚC TRÍ ĐA MƯU”

 Người dịch: Dương Đình Giao
Thời Minh, ở đông bắc Trung Quốc, có một dân tộc thiểu số tên gọi Nữ Chân, đó chính là tộc Mãn về sau này. Họ có tài săn bắn, chăn thả gia súc, hái lượm và cả bắt cá, qua năm tháng, dân số của họ ngày càng đông. Vào lúc ấy, các sản vật vùng đông bắc rất phong phú, nào nhân sâm, da thú, rồi hạt thông, mộc nhĩ, các loại nấm, …đều là những đặc sản nổi tiếng. Nguời Nữ Chân thường đem các sản vật này tới chợ để đổi lấy lương thực và các thứ hàng tiêu dùng khác.
Ở chợ, nguời ta thường thấy những nguời đàn ông có vóc nguời cao lớn, sắc mặt hồng hào, đôi bờ vai rộng mang những thứ tìm được như nhân sâm và hạt thông tới đây, trong đám nguời qua lại, thỉnh thoảng nghe cất lên tiếng cười sảng khoái. Trong đó có một nguời, sau này chính là đại anh hùng của nguời Mãn, nguời đặt nền móng cho triều Thanh: Nỗ Nhĩ Cáp Xích.
Ông nội và cha của Nỗ Nhĩ Cáp Xích đều là võ tướng, gia cảnh sung túc. Nhưng khi mới 10 tuổi, mẹ Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã mất. Nguời mẹ kế thường ngược đãi ông, dù còn nhỏ tuổi, Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã không cam chịu bị ngược đãi, ông bỏ nhà tự lập thân. Còn ít tuổi, ông chỉ còn cách đi kiếm nhân sâm và hạt thông để sống qua ngày.
Vì thường tiếp xúc với nguời Hán, Nỗ Nhĩ Cáp Xích rất nhanh chóng hiểu biết nhiều điều, ông còn học được tiếng Hán, biết được chữ Hán. Ông đặc biệt thích “Tam quốc diễn nghĩa” và “Thủy hử” (1), hai bộ sách này đã được ông đọc đi đọc lại. Cái trung nghĩa của những Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi, võ nghệ của Triệu Vân, mưu trí của Tào Tháo, sáng suốt của Gia Cát Lượng, … đã để lại trong ông ấn tượng sâu sắc. Ông thường nói với bè bạn:
– Muốn lập nên sự nghiệp, tất phải có chí và đông anh em bè bạn, lại phải có võ nghệ, có trí tuệ và nhiều mưu kế.
Từ đó, Nỗ Nhĩ Cáp Xích bắt đầu tìm kiếm bè bạn, khổ luyện võ nghệ. Một lần, nghe nói bộ lạc của mình tổ chức thi bắn tên, những nguời tham gia đều là các trang nam tử võ nghệ cao cường. Nguời dự thi phải từ xa bắn rơi cái lá liễu. Đến lượt Nỗ Nhĩ Cáp Xích, ông bước ra khỏi đám đông, tới cầm lấy tên rồi giương cung. Chỉ nghe thấy mấy tiếng “pựt, pựt, pựt!”, một loạt tên bay về hướng cây liễu. Nỗ Nhĩ Cáp Xích bắn tất cả năm mũi tên, mũi tên nào cũng trúng lá liễu mà  những chiếc lá này đều cách nhau khoảng năm thốn.  nguời chủ trì tuyên bố Nỗ Nhĩ Cáp Xích thắng cuộc. Tất cả đều hoan nghênh, mọi người ai cũng khen ngợi. Trong lòng họ, Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã trở thành một nguời đàn ông đáng tin cậy, ai cũng muốn được nghe theo sự chỉ huy của ông.
Năm 24 tuổi, ông nội và cha của Nỗ Nhĩ Cáp Xích bị quân đội của triều Minh giết hại. Nhận được tin, ông than khóc đến ngất đi. Từ đó, ông thù hận triều Minh, thề nhất định sẽ trả thù cho ông nội và cha. Để có thể chiến thắng triều Minh, khi ấy ông chưa có sự chuẩn bị đầy đủ, trước hết, Nỗ Nhĩ Cáp Xích quyết định sẽ phải thống nhất tất cả nguời Nữ Chân.
Nguời Nữ Chân chia thành rất nhiều các bộ lạc lớn nhỏ, giữa họ thường xảy ra bất hòa. Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã chiêu tập được một số nhân mã, dùng vũ lực chinh phục được một số bộ lạc. Ban đầu, ông chỉ có 13 bộ giáp trụ được ông cha để lại, lực lượng rất nhỏ bé, nhưng sau hơn chục năm đánh đông dẹp bắc, ông đã chinh phục được các bộ lạc, thống nhất được tộc Nữ Chân. Thành công này nhờ vào sự “túc trí đa mưu” của ông.
Một lần, Nỗ Nhĩ Cáp Xích đưa quân tập kích thành Ông Đặc Lạc. Ông vượt lên trước binh lính, trèo lên nóc nhà bắn tên vào trong thành. Không ngờ, binh lính ở trong thành cũng bắn tên ra, trúng vào cổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích. Tên trúng vào xương quai xanh, sâu có tới hơn một thốn. Nỗ Nhĩ Cáp Xích nén cơn đau, rút tên ra, máu chảy lênh láng. Ông cảm thấy đau như thắt tim. Mọi người thấy chủ tướng bị thương vội chạy tới đỡ ông dậy.
– Không được tới gần, cứ mặc tôi! Nỗ Nhĩ Cáp Xích nói nhỏ.
Ai cũng thấy lạ, lát sau tới hỏi ông nguyên cớ. Ông cố nén đau, trả lời:
– Các nguời sao biết được cái lợi hại ở đây! Hai bên đang giao chiến, nếu đối phương biết ta bị trọng thương, không thể tiếp tục chiến đấu, chúng sẽ thừa cơ ra khỏi thành tiến công chúng ta.
Nói xong, ông ngất đi. Lần ấy, tuy không thắng lợi, nhưng mọi người càng khâm phục Nỗ Nhĩ Cáp Xích.
Từ sau khi Nỗ Nhĩ Cáp Xích thống nhất, tộc Nữ Chân ngày càng mạnh, bắt đầu thường xuyên có những xung đột với triều Minh. Mặc dù lúc đó, Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã được triều Minh phong Tướng quân, nhưng ông vẫn không quên mối thù lớn ông nội và cha bị giết hại nên quyết định thành lập một quốc gia để đối địch với triều Minh. Năm 1616, Nỗ Nhĩ Cáp Xích chính thức xưng Hãn, quốc hiệu là Đại Kim (để phân biệt với nước Kim thời Nam Tống, lịch sử về sau thường gọi là Hậu Kim). Sau khi Hậu Kim được kiến lập, Nỗ Nhĩ Cáp Xích bắt đầu chuẩn bị lực lượng tiến công triều Minh. Qua hai năm, ông triệu tập các đại thần và tướng sĩ, khích lệ mọi người:
– Bây giờ, ta muốn phát binh chống lại triều Minh. Vì sao ta lại muốn tiến công triều Minh? Vì ta có bảy mối đại hận (2). Cái hận đầu tiên, các ngươi đã biết, ông, cha ta đã bị triều Minh giết hại, ta phải báo mối thù này!
– Báo thù, báo thù! Các tướng sĩ hô vang.
Nỗ Nhĩ Cáp Xích lại nói thêm những mối hận khác. Cuối cùng, ông nói:
– Triều Minh ỷ có sức mạnh, lừa dối, ức hiếp  chúng ta. Lần này, ta cùng các ngươi sẽ đánh bại chúng, đánh tới tận kinh thành của triều Minh, đánh hết cả nước chúng.
Dứt lời, Nỗ Nhĩ Cáp Xích đưa hai vạn đại quân xuất phát. Ban đầu, mọi việc vô cùng thuận lợi, ông liên tiếp đánh thắng mấy trận, chiếm được mấy tòa thành của kẻ địch.
Tin truyền tới Bắc Kinh, Hoàng đế Thần Tông của triều Minh vội cử Dương Cảo (3) đưa quân chia làm bốn đường tiêu diệt Hậu Kim. Nghe nói đại quân của triều Minh tới, các tướng lĩnh không hẹn mà cùng nhau tới hỏi Nỗ Nhĩ Cáp Xích:
– Quân Minh chia làm bốn đường, chúng ta đối phó thế nào?
– Không sợ, không cần biết chúng chia làm mấy đường, chúng ta chỉ có một đường.
Nỗ Nhĩ Cáp Xích bình tĩnh đáp.
– Chúng ta binh ít, không thể đôi công với chúng. Cho nên nhất định chỉ tập trung binh lực vào một hướng.
Đang lúc ấy, thám tử về báo, nói toán quân đầu của quân Minh do Đỗ Tùng chỉ huy đã tới, hạ trại ở núi Tát Nhĩ Hử (nay là phía đông Phủ Thuận, Liêu Ninh). Nghe xong, Nỗ Nhĩ Cáp Xích vui vẻ huơ tay:
– Được! Chúng ta trước hết tập trung binh lực đối phó với Đỗ Tùng, đánh một trận thật đẹp ở Tát Nhĩ Hử!
Sau khi hạ trại ở Tát Nhĩ Hử, Đỗ Tùng để lại hai vạn quân giữ trại, còn đích thân mang một vạn quân tiến công Hậu Kim. Nỗ Nhĩ Cáp Xích nhân cơ hội này, tập trung toàn bộ bốn vạn quân đánh vào đại bản doanh của Đỗ Tùng.
Quân Minh nghe nói kẻ địch tới, vội bày sẵn trận thế, chuẩn bị nghênh chiến. Bỗng một trận cuồng phong nổi lên, đất đá bay tứ tung, bầu trời tối đen, nguời đối diện chẳng thấy mặt nhau. Quân Minh vội đốt đuốc. Ai ngờ, quân Hậu Kim đã nắm ngay cơ hội này. Quân Minh không thấy quân Hậu Kim, nhưng quân Hậu Kim nhờ có đuốc, nhìn thấy quân Minh rõ như ban ngày. Nỗ Nhĩ Cáp Xích ra lệnh, quân lính bắn tên như mưa làm chết rất nhiều quân tướng triều Minh. Quân Minh đại bại, đại doanh bị mất. Đỗ Tùng nghe nói đại bản doanh thất thủ, vội trở về cứu viện nhưng bị quân Nỗ Nhĩ Cáp Xích bao vây tứ bề. Đỗ Tùng mấy lần phá vây mà không thành. Kết quả, toàn bộ quân Minh bị tiêu diệt, Đỗ Tùng cũng chết trong đám loạn quân. Nỗ Nhĩ Cáp Xích thừa thắng truy kích, lại đánh bại liền hai cánh quân Minh nữa. Quân Minh chia làm bốn đường tiến công thì ba đường đã thất bại phải  bỏ chạy, còn một đường không dám nghênh chiến, đành phải rút lui.
Trận Tát Nhĩ Hử thể hiện đầy đủ tài năng chỉ huy quân sự kiệt xuất của Nỗ Nhĩ Cáp Xích. Sau đó, Nỗ Nhĩ Cáp Xích nhờ tài “túc trí đa mưu” của mình, đưa Hậu Kim từ bị động chuyển thành chủ động, từ quân sự đến kinh tế sức mạnh ngày càng phát triển vượt bậc, không lâu sau, dời đô tới Thẩm Dương, để về sau, khi  quân Thanh nhập quan, làm cơ sở vững chắc cho việc thống nhất toàn Trung Quốc.

Chú thích:
  • “Thủy hử truyện”, tác phẩm văn học cuối Nguyên đầu Minh của Thi Nại Am.
  • Bảy mối hận: Nỗ Nhĩ Cáp Xích thống kê bảy mối nguy hại của triều Minh với tộc Nữ Chân, từ đó mượn cớ tiến công triều Minh.
  • Dương Cảo ( ? – 1629), nguời Thương Khâu, Hà Nam. Đỗ Tiến sĩ đời Vạn Lịch. Do thua trận ở Tát Nhĩ Hử bị tống ngục rồi bị giết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét