XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Tư, 2 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 04.03.U VƯƠNG ĐỐT LỬA NHẠO CHƯ HẦU

 Năm 781 trước CN, Chu Tuyên Vương mất, con của ông là Cơ Cung Niết kế thừa ngôi vua, đó là Chu U Vương, đời vua cuối cùng của Tây Chu.
Chu U Vương lúc mới nối ngôi, trong nước không ngớt tai họa, trước là sinh ra hạn hán, các dòng sông đều cạn khô, hoa màu chết hết, dân chúng buộc phải dời bỏ quê hương, thảm thương không lời nào tả xiết. Sau đó lại có động đất, lưu vực các sông Kinh Thủy, Vị Thủy, Lạc Thủy gặp nạn lớn “bờ cao thành vũng, nơi sâu thành gò”.
Trong hoàn cảnh ấy, Chu Vũ Vương mặc kệ, ngày ngày ăn chơi hưởng lạc. Vương có một người phi được sủng ái là Bao Tự. Vì người đàn bà này, ông ta đã làm nhiều việc kỳ lạ, khiến giang sơn triều Chu lâm vào tai họa.
Sau khi Chu Vũ Vương lập con gái của Thân Hầu làm hoàng hậu, sinh được một người con trai đặt tên là Nghi Cữu. Nghi Cữu được lập làm thái tử. Nhưng sau đó, U Vương lại sủng ái Bao Tự, sinh với Bao Tự một con trai đặt tên là Bá Phục. Vì yêu Bao Tự, U Vương muốn phế truất thái tử của Nghi Cữu để lập Bá Phục. Luật lệ của triều Chu là chỉ có con trai trưởng của hoàng hậu mới được lập làm thái tử, có quyền nối ngôi, con trai của ái phi sinh ra không được quyền lợi này. Vì thế, U Vương muốn giết Nghi Cữu, phế truất ngôi hậu của mẹ Nghi Cữu, phong Bao Tự làm hoàng hậu, lập Bá Phục làm thái tử.
Một hôm, thái tử Nghi Cữu đang chơi trong vườn hoa, U Vương cố ý cho người nhốt con hổ trong một cái hòm mang tới, muốn cho con hổ ăn thịt Nghi Cữu. Nhưng gan của Nghi Cữu rất lớn. Trong khi con hổ đang nhe nanh múa vuốt, Nghi Cữu không những không né tránh mà còn hét lên một tiếng lớn, con hổ giật mình lui lại mấy bước, rồi giống như con chó, gục đầu, quỳ xuống không dám động đậy. Âm mưu của Chu Vũ Vương không thể thực hiện. Thái tử Nghi Cữu sợ sẽ bị hãm hại một lần nữa phải ra khỏi cung vua về nhà ông ngoại là Giáp Hầu. Nghi Cữu đi rồi, U Vương như nhổ được cái đinh trước mắt, rất vui vẻ. Sau 3 năm, ông ta hạ lệnh phế truất Giáp hậu và Nghi Cữu, phong Bao Tự làm hoàng hậu, lập Bá Phục làm thái tử.
Bao Tự là người như thế nào? Thực ra, Bao Tự không phải người xuất thân trong gia đình công hầu quý tộc mà là con của một cung nữ. Sau khi  sinh con, mẹ Bao Tự đã đem đứa trẻ vứt ra bên ngoài. Có một cặp vợ chồng tốt bụng, thấy đứa trẻ mới sinh bị vứt ngoài cánh đồng kêu khóc, liền mang về nhà, rồi đưa đến nuôi dưỡng ở một nước nhỏ gọi là nước Bao. Sau mười mấy năm, cô bé đã trở thành một cô gái xinh đẹp. Có một quý tộc nước Bao đắc tội với Chu U Vương. Để chuộc tội, ông ta đem tiền mua nàng, đặt tên là Bao Tự, dâng cho Chu Vũ Vương. Bao Tự tuy thân ở trong cung vua, danh là hoàng hậu, nhưng thực ra chỉ là một thứ đồ chơi của Chu U Vương. Vì con đường trắc trở, số phận bi thảm nên chưa hề thấy tiếng cười.
Chu U Vương dĩ nhiên không thể hiểu nổi những uẩn khúc trong nỗi lòng của Bao Tự, cố cho Bao Tự cười. U Vương đã tìm đủ trăm phương nghìn kế cho Bao Tự cười mà không thành công. Ông ta loan báo treo thưởng, nói ai có thể làm cho Bao Tự cười sẽ thưởng nghìn vàng. Đó chính là nguồn gốc của điển cố “nghìn vàng khó mua được tiếng cười”.
Tay chân của U Vương có một quan đại thần là Quắc Thạch Phụ, một kẻ giỏi nịnh bợ, tâng bốc. Hắn nghe nói U Vương thưởng nghìn vàng, muốn cho Bao Tự cười liền hiến kế với U Vương. Kế của hắn là “đốt lửa trêu chư hầu”. Hắn thì thầm bên tai U Vương. U Vương nghe xong, vui khôn xiết, nói:
–         Hay! Hay!  Phải làm kế này!
Vốn là vào thời Tây Chu, để đề phòng sự xâm nhập của các bộ tộc Khuyển Nhung từ biên giới phía tây, ở Lệ Sơn gần Cảo Kinh đặt rất nhiều các đài lửa. Nếu phát hiện Khuyển Nhung tiến công, buổi tối, trên các đài lửa sẽ đốt lửa lớn, ban ngày trên các  đài lửa sẽ đốt phân sói cho khói bốc lên, cảnh báo cho các chư hầu. Các chư hầu ở xa thấy khói hay ánh lửa, biết là kinh thành  báo động, thiên tử gặp nạn sẽ cử ngay quân đội và chiến xa tới cứu viện. Đài đốt lửa là thiết bị cảnh báo quan trọng như vậy mà U Vương nghe lời xúi giục của Quắc Thạch Phụ để lấy nó làm công cụ đổi lấy tiếng cười.
Một hôm, U Vương đưa Bao Tự đến lầu thành Kiều Đông. Ông ta cho người lên đài đốt lửa thật lớn. Cảnh thật náo nhiệt. Các chư hầu thấy ánh lửa, nghĩ là thiên tử gặp nạn, vội cử đại quân đến cứu viện. Các tướng lĩnh ngồi trên chiến xa, quân lính rầm rập trên đường, ai nấy chạy thở hổn hển, mồ hôi đầm đìa. Họ chạy tới chân thành Cảo Kinh, không thấy quân Khuyển Nhung, chỉ thấy U Vương và Bao Tự đang ngồi trên lầu thành uống rượu, bên cạnh có người tấu nhạc rất vui vẻ. Các chư hầu đến trước, hỏi U Vương có việc gì. U Vương ôm Bao Tự, nói:
–         Không có việc gì đâu! Ta cho đốt lửa chỉ là cái thú vui để uống rượu, các ngươi quay về đi!
Các chư hầu biết mình bị lừa, trong lòng nén giận, đảnh ra lệnh lui binh. Lúc này còn có một số toán quân chưa biết, vẫn không ngừng kéo đến. Bên lui bên tiến tạo nên tình thế vô cùng hỗn loạn. Bao Tự ngồi trên lầu thành, thấy thế, cười rất tươi. U Vương thấy Bao Tự cười, vui vẻ khôn tả, lập tức thưởng cho Quắc Thạch Phụ nghìn vàng.
Lại nói Giáp hầu là cha của hoàng hậu Giáp, nghe nói U Vương phế truất con gái và cháu ngoại mình rất tức giận. Thử nghĩ xem, ông vốn là ông ngoại của thái tử, bây giờ làm gì cũng không được, sao khỏi tức giận được? Ông bèn liên hợp với các nước Trịnh và Khuyển Nhung mang quân đánh Cảo Kinh.
U Vương thấy Khuyển Nhung đánh thật, vội cử người đi đốt các đài lửa cầu cứu các chư hầu, nhưng lần này, các chư hầu cho rằng U Vương mua vui nên không xuất quân. Mọi việc hỏng hết. Cuối cùng, Cảo Kinh bị Khuyển Nhung đánh phá, U Vương phải chạy đến Lệ Sơn rồi bị giết. Bao Tự bị bắt, mọi của cải quý giá của nhà Chu qua bao năm bị vét sạch.
Đến khi các chư hầu hiểu ra Khuyển Nhung tấn công thật vội mang quân đến cứu viện thì đã muộn. Các chư hầu thấy U Vương đã chết, đành phải thương lượng với Giáp hầu, đưa con của U Vương là Nghi Cữu nối ngôi. Đó chính là Chu Bình Vương.
Sau khi lên ngôi, sợ Khuyển Nhung lại tấn công, Chu Bình Vương không dám ở Cảo Kinh nữa. Năm 770 trước CN, Bình Vương dời đô từ Cảo Kinh về Lạc Ấp ở phía đông. Vì Cảo Kinh ở phía tây nên lịch sử gọi trước khi Bình Vương dời đô là Tây Chu. Triều Chu sau khi dời đô gọi là Đông Chu.
                                               Bao Tự 
Người dịch: Dương Đình Giao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét