XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 15.16. TRƯƠNG TUẦN GIỮ THÀNH TUY DƯƠNG

Một buổi tối tháng Giêng năm Đường Túc Tông Chí Đức thứ 2 (757), An Lộc Sơn bị người con thứ của hắn là An Khánh Tư (1) giết chết. An Khánh Tư lên ngôi xưng là “Đại Yên Hoàng đế”.
Sau đó, An Khánh Tư cử đại tướng  Doãn Tử Kỳ mang theo ba vạn người ngựa tiến công Tuy Dương (2), mục đích là chiếm lấy vùng đất Giang Hoài có nhiều sản vật. Thái thú Tuy Dương Hứa Viễn cấp báo với Trương Tuần ở gần  đó. Trương Tuần là người đặc biệt có tài phản ứng nhanh, trước đó, với ba nghìn quân, ông đã  giữ được Ung Khâu (huyện Kỷ, tỉnh Hà Nam ngày nay) chống với bốn vạn quân Lệnh Hồ Triều của An Lộc Sơn. Trương Tuần được tin, mang theo ba nghìn quân tới chi viện, cả hai cộng lại có hơn 6.800 quân, cùng giữ Tuy Dương.
Doãn Tử Kỳ chỉ huy 13 vạn quân phiến loạn tiến công thành. Trương Tuần khích lệ tướng  sĩ, đêm ngày chiến đấu, qua hơn mười ngày, bắt sống hơn sáu mươi tướng, giết chết hơn hai vạn quân địch, làm giảm khí thế bọn phiến quân, khiến quân Đường càng hăng hái. Hứa Viễn nói với Trương Tuần:
– Tôi chưa thật hiểu phép dụng binh, ngài trí dũng toàn tài, từ nay về sau, tôi mời ngài chỉ huy quân tác chiến, tôi xin đảm nhận việc quân lương, sửa chữa binh khí, bảo đảm hậu cần.
Trương Tuần đồng ý, hai người hợp tác với nhau chặt chẽ, vượt qua mọi khó khăn, giữ được thành trong một thời gian dài. Kẻ địch thấy thành Tuy Dương đánh mãi vẫn chưa xong, lại ngày càng tổn binh hại tướng , bèn dần giảm quân số bao vây.
Đến tháng 5, Doãn Tử Kỳ tăng cường binh mã, tiếp tục bao vây thành Tuy Dương. Chúng nghĩ quân Trương Tuần ít, chắc chỉ cố thủ như lần trước. không dám nghênh chiến nên sau khi bao vây, yên tâm chuẩn bị lực lượng đánh thành.
Ai ngờ ngay hôm ấy, Trương Tuần hạ lệnh cho quân sĩ thúc trống, giương cờ chuẩn bị xuất kích. Doãn Tử Kỳ nghe tiếng trống, lập tức chỉnh đốn đội ngũ, bày sẵn thế trận chuẩn bị nghênh chiến, nhưng chờ đợi suốt đêm, không thấy bóng dáng một tên lính Đường nào ra khỏi thành. Hắn thấy rất lạ, bèn sai lính leo lên cao, trinh sát động tĩnh trong thành nhưng cũng không thấy có chuyện gì. Doãn Tử Kỳ cùng tướng  sĩ thức suốt đêm, vô cùng mệt mỏi liền hạ lệnh bỏ thương cởi giáp, trở về doanh trại ngủ lấy lại sức. Đây mới chính là lúc Trương Tuần cùng Lôi Vạn Xuân, Nam Tề Vân và hơn năm trăm  kỵ binh đột kích vào doanh trại của quân An Lộc Sơn. Cả trại quân đang giấc ngủ say, đột nhiên hoảng loạn. Quân Đường thả sức chém. giết, diệt hơn năm mươi tướng  và hơn năm nghìn binh sĩ địch.
Đánh vào trại quân phản loạn, Trương Tuần muốn giết Doãn Tử Kỳ nhưng không thấy hắn đâu, bèn lập kế cho quân sĩ dùng thân sậy làm mũi tên, bắn sang quân Doãn Tử Kỳ. Quân của Kỳ cho rằng quân Đường đã hết tên, bèn báo cho Tử Kỳ biết. Tử Kỳ đích thân đến trước thành khiêu chiến. Nam Tề Vân nhận ra đúng mặt Tử Kỳ bèn giương cung bắn một phát trúng mắt trái. Tử Kỳ đau quá nằm rạp xuống ngựa tháo chạy. Trương Tuần đổ quân ra đánh, giết được rất nhiều quân phản loạn.
Doãn Tử Kỳ thề nhất định sẽ trả mối thù này. Hắn chỉnh đốn quân ngũ, tăng thêm mấy vạn nữa, tới tháng 8 mới tiếp tục tiến công thành Tuy Dương, tăng cường vây hãm.
Một thời gian sau, lương thực trong thành Tuy Dương đã cạn, binh lính giữ thành mỗi ngày chỉ được một số gạo ít ỏi, nấu lẫn với vỏ và lá cây ăn cho đầy bụng. Ăn uống như vậy khó mà sống được, nhiều binh lính đã chết đói, có tới một nghìn sáu trăm người vì đói mà mang bệnh, không thể đánh trận. Bên ngoài, Doãn Tử Kỳ lại cho đào ba đường hào, phía trên có hàng rào gỗ, chuẩn bị dùng cách trường kỳ vây hãm đẩy quân dân trong thành tới cái chết.
Trong thành Tuy Dương không còn một chút lương thực, đến vỏ cây cũng hết sạch. Một số bộ tướng  đề nghị rút khỏi thành, chuyển tới nơi khác. Trương Tuần và Hứa Viễn cho rằng, nếu bỏ trống thành Tuy Dương, khu vực Giang Hoài sẽ bị bọn phiến loạn chiếm mất, con đường tiếp tế lương thực cho triều đình sẽ bị chặn lại, cuộc chiến đánh dẹp bọn phiến loạn sẽ gặp khó khăn. Trương Tuần nói:
– Khu vực Giang Hoài quyết không thể để mất, phải giữ cho được Tuy Dương, chúng ta không thể rút lui. Giả sử các tướng  sĩ do đói không thể làm gì được có rút cũng sẽ chết trên đường, cho nên phải ở lại giữ vững.
Họ vẫn còn hy vọng vào quân tiếp viện tới cứu Tuy Dương.
Trương Tuần cử Nam Tề Vân chờ ban đêm đột vây khỏi thành, tới gặp Lâm Hoài Tiết độ sứ Hạ Lan Tiến Minh (3) cứu viện. Nào ngờ, Hạ Lan Tiến Minh vẫn ghen tỵ với Trương Tuần, không muốn Trương Tuần thành công, ngược lại còn muốn quân của ông ta bị bọn phản loạn đánh bại. Ông ta nói với Nam Tề Vân:
– Bây giờ, thành Tuy Dương còn mất chưa biết thế nào, tôi đưa quân đến phỏng có tác dụng gì.
Nam Tề Vân nói:
– Hai tướng  Trương, Hứa đang chiến đấu gian khổ, quyết không để mất thành Tuy Dương. Nếu thành Tuy Dương thất thủ, quân phản tặc nhất định sẽ tiến công Lâm Hoài, liệu ngài có thể ngồi nhìn không cứu được không?
Hạ Lan Tiến Minh vẫn chưa quyết định xuất quân, nhưng ông ta vô cùng khâm phục Nam Tề Vân là người dũng cảm, thiện chiến, muốn giữ làm trợ thủ cho mình, bèn mở tiệc mời.
Nam Tề Vân vừa thất vọng, vừa tức giận,  không cầm được nước mắt, nói với Hạ Lan Tiến Minh:
– Khi tôi dời Tuy Dương, trong thành, quân sĩ đã hơn một tháng không có gì để ăn. Bây giờ, ngài mời tôi yến tiệc thịnh soạn thế này, làm sao có thể ngồi ăn một mình được? Làm sao cho vào miệng, làm sao nuốt trôi được? Ngài đang có binh mạnh, ngồi nhìn thành Tuy Dương sắp thất thủ mà không cứu viện, trung thần nghĩa sĩ liệu có làm như thế được không? Tôi không thể hoàn thành sứ mệnh xin viện binh, đành phải để lại một ngón tay để biểu thị tấm lòng của mình rồi sẽ  trở về.
Nói xong, ông lấy kiếm chém đứt một ngón tay, rồi dời thành Lâm Hoài. Nam Tề Vân còn thề:
– Sau khi dẹp xong bọn phản loạn, nhất định sẽ tiêu diệt Hạ Lan Tiến Minh. Đó là quyết tâm của ta.
Nam Tề Vân về tới Tuy Dương, tình thế ngày càng nguy cấp. Trương Tuần hạ lệnh giết ngựa chiến để chống đói. Nhưng ngựa chiến số lượng không nhiều, mà cũng đã gầy yếu vì thiếu ăn lâu ngày, chỉ một thời gian ngắn đã hết sạch. Trương Tuần lại phát động quân dân giăng lưới bắt chim sẻ, đào hang bắt chuột. Chẳng bao lâu, chuột cũng chẳng còn.
Không còn cách gì, ai nấy đều tuyệt vọng. Đến lúc này, toàn thành chỉ còn có bốn trăm người. Nhưng dú tướng sĩ hay dân chúng, tất cả đều khẳng định dù có chết cũng chết ở trong thành Tuy Dương không đầu hàng hay bỏ chạy.
Một hôm, Trương Tuần cùng tất cả quân dân còn lại trong thành, hướng về kinh thành Trường An, thề:
– Lực lượng của chúng tôi đã hết, thành Tuy Dương chắc không còn giữ được lâu nữa. Chúng tôi thề sống sẽ giữ được thành để báo đáp với quốc gia, chết đi cũng biến thành ác quỷ diệt trừ bọn nghịch tặc.
Tháng 10 năm Chí Đức thứ 2 (757), cuối cùng, thành Tuy Dương mất. Trương Tuần, Hứa Viễn, Nam Tế Vân bị bắt. Doãn Tử Kỳ hạ lệnh đem Trương Tuần cùng 36 người giết chết. Trước khi chết, các tráng sĩ vẫn trung thành với nghĩa lớn, mặt không biến sắc, lớn tiếng nguyền rủa bọn phản loạn, khí thế lẫm liệt.
Trương Tuần, Hứa Viễn với quân số không đầy một vạn giữ thành Tuy Dương trong 9 tháng, tất cả đánh hơn bốn trăm trận, diệt hàng vạn quân địch, trong một thời gian dài, đã ngăn cản quân An Lộc Sơn tiến về phía nam đảm bào an toàn cho khu vực Giang Hoài và cung ứng mọi nhu cầu cho triều đình. Cuộc chiến đấu đã có những cống hiến vô cùng to lớn cho việc bình định cuộc phản loạn của An Lộc Sơn.

Chú thích:
(1)  An Khánh Tư ( ? – 759), người Liễu Thành, Doanh Châu (nay là Triều Dương, Liêu Ninh). Năm 755 cùng An Lộc Sơn nổi dậy, được phong Tấn vương, sợ không được làm Thái tử nên giết An Lộc Sơn rồi tự lập. Năm 759, bị Sử Tư Minh giết.
(2)  Tuy Dương: nay ở phái nam Thương Khâu, Hà Nam, có vị trí trọng yếu vì không chế đường giao thông quan tọng.
(3)  Hạ Lan Tiến Minh: Tiến sĩ năm Khai Nguyên, từng làm Thái thú Bắc Hải, trong loạn An Lộc Sơn, trì hoãn không khởi binh, bị Huyền Tông trách cứ. Sau làm Tiết đọ sứ Hà Nam rồi Lâm Hoài.
Người dịch: Dương Đình Giao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét