XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 17.18. PHONG TRÀO THÁI HỌC Ở ĐÔNG KINH

 
 Người dịch: Dương Đình Giao
Năm Tuyên Hòa thứ 7 (1125), sau khi tiêu diệt nước Liêu, Kim Thái Tông (1)  lập tức đăt ra một mục tiêu trước mắt là Bắc Tống.
Tháng 10 năm đó, quân Kim chia làm hai đường đông, tây tiến xuống phía nam. Quân phia tây do Tông Hàn chỉ huy, tiến đánh Thái Nguyên. Quân phía đông do Tông Vọng chỉ huy, đánh vào Yên Kinh. Cánh quân phía tây gặp phải sự kháng cự quyết liệt ở Thái Nguyên. Cánh quân phía đông tới Yên Kinh, tướng Quách Dược đầu hàng quân Kim. Được Quách Dược dẫn đường, quân Kim tiếp tục xuống phía nam, hướng về Biện Kinh.
Trước khi quân Kim đánh xuống phía nam,  Tống Huy Tông không cảnh giác và phòng bị. Vua chỉ lo giữ tính mạng nên vội ra lệnh bỏ Hoa Thạch Cương và Cục chế tạo các nơi, để Tham nghị quan (2) Vũ Văn Hư thảo “Tội kỷ chiếu”, thừa nhận những sai lầm của mình trong quá khứ, muốn dùng cách này để lừa dối dân chúng, lấy lại lòng nguời. Nhưng tình thế vô cùng khẩn cấp, những tính toán này còn có tác dụng gì?
Tin quân Kim áp sát Biện Kinh bay tới, Tống Huy Tông còn đang an giấc trên long sàng. Tỉnh dậy, nhà vua quơ lấy giấy, bút, viết: “Hoàng thái tử sẽ nối ngôi vua”. Đó là tháng 12 năm ấy, Tống Huy Tông thoái vị, xưng “Thái Thượng hoàng”. Con của vua là Triệu Hoàn lên ngôi, đó chính là Tống Khâm Tông. Cũng như cha, Tống Khâm Tông chỉ biết cúi đầu.
Tháng 1 năm sau, quân Kim tới bờ bắc sông Hoàng Hà, Tống Huy Tông, Thái Kinh, Đổng Quán tự biết lòng dân mở rộng, tội lỗi khó lẩn tránh, mượn tiếng “thiêu hương” bỏ chạy về phía nam. Tống Khâm Tông cùng Tể tướng Bạch Thời Trung, Lý Bang Ngạn cũng muốn bỏ Biện Kinh chạy theo. Nhưng Lý Cương đứng đầu một số ít tướng lĩnh yêu nước, kiên quyết giữ chủ trương kháng chiến để giữ thành. Lý Cương nói với Tống Khâm Tông:
  • Bệ hạ sao có thể bỏ mặc lãnh thổ của quốc gia?
Tống Khâm Tông im lặng, không nói một lời nào.
Bạch Thời Trung đứng bên cạnh, nói:
– Không thể bỏ kinh thành.
Lý Cương nói:
  • Thành trì trong thiên hạ sao so được với sự vững chắc của kinh thành? Huống hồ, ở đây còn có rất nhiều các quan và dân chúng, sao có thể để mất?
Tống Khâm Tông hỏi:
  • Ai có thể cầm quân giữ kinh thành?
Lý Cương trả lời:
  • Đó là trách nhiệm của Bạch Thời Trung, Lý Bang Ngạn.
Bạch Thời Trung vốn sợ quân Kim, lại cũng sợ mọi người, lớn tiếng nói:
  • Lý Cương liệu có thể ra trận không?
Lý Cương không một chút sợ hãi, nói:
– Nếu cần đến tôi, tôi nhất định chết vì nước.
Sau đó, Tống Khâm Tông giao cho Lý Cương cầm quân giữ thành.
Sáng hôm sau, Lý Cương vào triều, thấy Tống Khâm Tông đã chuẩn bị xe ngựa và cấm vệ quân sắp xuất phát. Vốn là Tống Khâm Tông đã thay đổi ý định, vẫn muốn bỏ chạy. Lý Cương lớn tiếng hỏi các tướng chuẩn bị lên đường:
  • Các ông muốn ở lại tử thủ hay muốn bỏ chạy?
Các tướng sĩ đồng thanh:
– Tử thủ!
Lý Cương tới trước mặt Tống Khâm Tông, nói:
– Gia đình của các tướng sĩ đều ở trong thành, làm sao họ muốn ra đi? Vạn nhất đi giữa đường, họ quay lại, đến khi ấy ai bảo vệ bệ hạ? Huống hồ, kẻ địch đã tới gần, nếu chúng biết bệ hạ chưa đi xa, nhanh chóng đuổi theo, làm sao thoát được?
Lời nòi này đã thức tỉnh Tống Khâm Tông, nhà vua không dám đi nữa. Lý Cương tuyên bố với mọi người:
– Chủ ý của Hoàng thượng đã định, ai dám nói tới chuyện ra đi sẽ chém đầu!
Tướng sĩ lại đồng thanh hô vang:
– Vạn tuế!
Lý Cương đích thân lãnh đạo quân  dân, dùng thời gian ba ngày để chuẩn bị mọi công việc bảo vệ thành. Lúc đó, quân Kim đã đánh tới Biện Kinh, tiến công cửa Tuyên Trạch. Chúng dùng thuyền nhỏ men theo dòng sông. Lý Cương tổ chức hơn hai nghìn lính cảm tử, dùng trường câu đâm, lấy đá ném  vào thuyền địch. Trên sông lại cắm cọc gỗ và  đất đá chặn dòng chảy. Quân Tống giết được hơn trăm quân Kim. Tông Vọng thấy Biện Kinh đã có sự chuẩn bị, muốn quân Tống cử sứ thần tới trại quân Kim giảng hòa. Điều này rất hợp ý của Tống Khâm Tông, nhà vua lập tức cử nguời tới trại quân Kim, tiếp nhận những điều kiện nhục nhã: đồng ý cắt đất ba trấn Thái Nguyên, Hà Gian và Trung Sơn (Hà Gian tức Hà Gian, Hà Bắc ngày nay, Trung Sơn tức huyện Định, Hà Bắc ngày nay), nạp năm trăm vạn lượng vàng, năm nghìn vạn lượng bạc, một vạn trâu ngựa, một vạn xúc lụa, còn nhục nhã tôn xưng Hoàng đế triều Kim là “bá phụ”. Lý Cương cực lực phản đối, nhưng cũng không thể thay đổi. Để cống nạp, Tống Khâm Tông bắt dân chúng trong thành nộp vàng bạc nhưng cũng không thể nào đủ số lượng đã chấp nhận.
Đúng lúc đó, viện quân từ khắp nơi đổ về, một Tướng quân  là Diêu Bình Trọng kiến nghị chờ đêm tối, lẻn vào trại quân Kim, bắt sống chủ tướng Tông Vọng của kẻ địch. Tống Khâm Tông tỏ ý tán thành. Không ngờ, Diêu Bình Trọng còn chưa kịp thực hiện, tin tức đã rò rỉ, quân Kim phòng bị trước, kết quả, Diêu Bình Trọng thất bại.
Tông Vọng cử sứ giả tới trách mắng. Tể tướng Lý Bang Ngạn trả lời:
– Đây là chủ ý của Lý Cương, Diêu Bình Trọng, không phải là ý của triều đình.
Tống Khâm Tông cử sứ thần tới trại quân Kim giải thích, mang theo bản đồ ba trấn ở Thái Nguyên, cùng với việc bãi miễn chức vụ của Lý Cương để tạ tội với quân Kim.
Tin Lý Cương bị bãi miễn truyền đi, mọi người vô cùng phẫn nộ. Thái học sinh Trần Đông cầm đầu mấy trăm Thái học sinh đến cửa Tuyên Đức dâng thư, nói:
– Lý Cương không làm gì cho riêng mình, có trách nhiệm với công việc, là trung thần của quốc gia. Lý Bang Ngạn chỉ vì bản thân, không lo đến việc nước, là gian thần của quốc gia.
Họ thỉnh cầu bãi miễn Lý Bang Ngạn, phục hồi quan chức cho Lý Cương. Quân dân Biện Kinh ủng hộ, nhanh chóng tập hợp mấy vạn nguời. Lúc đó, Lý Bang Ngạn đang vào triều, quần chúng phẫn nộ nguyền rủa trước mặt ông ta, lấy đá, ngói ném. Quần chúng như ngọn thủy triều, lại kéo đến trước cửa Hoàng cung, lời hò reo kinh động trời đất. Tống Khâm Tông sợ việc này lan rộng, cho người ra ngoài nói dối:
– Lý Cương dụng binh thất bại nên mới bị bãi miễn. Đợi khi nào quân Kim rút đi mới có thể phục chức.
Quần chúng rất bất bình, không chịu giải tán.
Tri phủ Khai Phong Vương Thời Ung dọa dẫm Thái học sinh, nói:
– Các ngươi muốn uy hiếp Thiên tử phải không? Còn chưa chịu lui hay sao?
Các Thái học sinh trả lời một cách nghiêm túc:
– Dùng trung nghĩa uy hiếp Thiên tử chẳng lẽ lại không bằng dùng gian tà?
Vương Thời Ung sợ sức mạnh của quần chúng, vội biến mất. Tống Khâm Tông đang ở trong cung, rất lo sợ. Nhà vua sợ phát sinh biến cố, cho hoạn quan Chu Hồng Chi đi triệu hồi Lý Cương. Chu Hồng Chi vô cùng miễn cưỡng, dùng dằng mãi. Quần chúng vốn đã căm ghét ông vua này cùng với bọn hoạn quan, thấy Chu Hồng Chi như thế càng như lửa đổ thêm dầu, có người bỗng kêu to “đánh”, mọi người nhất tề động thủ, đánh chết Chu Hồng Chi cùng mấy chục hoạn quan khác. Lát sau, Tống Khâm Tông dành phải tuyên bố khôi phục chức vụ cho Lý Cương, lại lệnh cho ông kiêm nhiệm Phòng ngự sứ (3) cai quản kinh thành. Lúc đó mọi người mới hoan nghênh rồi giải tán. Sự kiện này nổi tiếng thời mạt Tống, được gọi là “Phong trào Thái học”.
Lý Cương lập tức bố trí phòng thủ, hạ lệnh trọng thưởng cho những nguời giết giặc lập công. Quân sĩ giữ kinh thành tinh thần phấn chấn. Quân Kim thấy quân Tống tăng cường phòng bị, quyết tâm chiến đấu cao, rất bất lợi, bèn không đợi triều Tống cống nạp đủ vàng bạc rút lui.
Chú thích:
  • Kim Thái Tông (1075 – 1135), tên Hoàn Nhan Thịnh, ở ngôi 1123 – 1135, em của Kim Thái Tổ.
  • Tham nghị quan: có từ đời Tống, còn gọi là Tham quân sự. Địa vị loại thấp của quan tham mưu.
  • Phòng ngự sứ: có từ đời Đường, nắm việc quân sự ở quận lớn. Từ đời Nguyên Phong Bắc Tống đổi thành Đoàn luyện sứ, Quan sát sứ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét