XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 15.21. BỐN MƯƠI NĂM “NGƯU LÝ ĐẢNG TRANH”

 Sau loạn An Sử, chính trị triều Đường ngày càng hủ bại, đế quốc Đại Đường qua một thời hiển hách cuối cùng đi tới chỗ suy vong. Cuối triều Đường, phiên trấn cát cứ, hoạn quan chuyên quyền và tranh chấp bè đảng là ba cái họa lớn, làm gia tăng tiến trình suy vong của nó. Tranh chấp bè đảng chính là nói tới Ngưu Lý đảng tranh.
Hai đảng Ngưu Lý đều là gồm những trọng thần lúc đó. Giữa các đại thần hình thành hai phe. Ngưu là Ngưu Tăng Nhụ, đảng Ngưu do Ngưu Tăng Nhụ, Lý Tông Mẫn là đại biểu; Lý là chỉ Lý Đức Dụ, đảng Lý do Lý Cát Phủ, Lý Đức Dụ làm đại biểu.
Cuộc tranh chấp giữa hai phe bắt đầu từ khi Đường Hiến Tông lên ngôi. Năm đó, Trường An tổ chức khoa thi chọn người có tài và cương trực để can gián nhà vua. Người tham gia cuộc thi, có hai viên quan cấp thấp, một là Lý Tông Mẫn và một là Ngưu Tăng Nhụ. Trong quyển dự thi, cả hai đều phê phán việc triều chính. Khảo quan đọc quyển, cho rằng hai người này rất phù hợp với các điều kiện đặt ra, đã tiến cử họ với Đường Hiến Tông.
Tể tướng  Lý Cát Phủ biết việc này. Lý Cát Phủ là quan lại xuất thân sĩ tộc không ưa số quan lại xuất thân khoa cử (2), giờ đây, thấy Lý Tông Mẫn và Ngưu Tăng Nhụ xuất thân thấp kém lại dám phê phán công việc triều chính và những yếu kém của mình càng thêm tức giận. Ông ta nói trước mặt Đường Hiến Tông, hai người này được tiến cử hoàn toàn do những quan hệ riêng tư với khảo quan. Đường Hiến Tông nghe và tin vào lời Lý Cát Phủ, giáng chức mấy viên khảo quan, Lý Tông Mẫn và Ngưu Tăng Nhụ đều không được chấp nhận.
Sau khi  Lý Cát Phủ chết, nhờ vào địa vị của cha trước đây, con của ông ta là Lý Đức Dụ làm Hàn lâm học sĩ. Khi ấy, Lý Tông Mẫn cũng làm quan trong triều. Với việc Lý Tông Mẫn phê phán cha mình trước đây, Lý Đức Dụ vẫn ôm mối hận. Khi Đường Mục Tông lên ngôi cũng tổ chức một khoa thi tiến sĩ. Hai đại thần vì có người quen ứng thí nên không được chọn làm khảo quan. Khảo quan Tiền Huy không nể mặt họ, trong khi Lý Tông Mẫn có người thân dự thi lại được trúng tuyển. Những đại thần này tố cáo với vua Mục Tông Tiền Huy làm chuyện khuất tất trong thi cử. Nhà vua hỏi Hàn lâm học sĩ, Lý Đức Dụ nói việc này là có thật, Đường Mục Tông bèn giáng chức của Tiền Huy, Lý Tông Mẫn cũng liên đới, bị đưa đi làm quan ở xa.
Lý Tông Mẫn cho rằng Lý Đức Dụ có âm mưu gạt bỏ mình, rất tức giận. Ngưu Tăng Nhụ tất nhiên đồng tình với Lý Tông Mẫn. Sau sự việc đó, Lý Tông Mẫn, Ngưu Tăng Nhụ cùng với các quan lại xuất thân khoa cử kết thành một phe, Lý Đức Dụ cũng cùng với các quan lại xuất thân sĩ tộc kết thành một phe, hai phe khi bí mật, lúc công khai tha hồ đả kích lẫn nhau.
Đến khi Đường Văn Tông lên ngôi, Lý Tông Mẫn đã trở thành hoạn quan, được làm Tể tướng, bèn tiến cử Ngưu tăng Nhụ với Văn Tông, Nhụ cũng được vua phong làm Tể tướng . Quyền hành trong tay, hai người thả sức công kích Lý Đức Dụ, khiến Dụ phải ra khỏi kinh thành đi Tây Xuyên (trị sở nay ở Thành Đô, Tứ Xuyên ngày nay) làm Tiết độ sứ.
Lý Đức Dụ đi Tứ Xuyên được một năm, công việc cai trị rất tốt. Tướng  Thổ Phồn ở gần Tây Xuyên rất kính phục Lý Đức Dụ, chủ động tới đầu hàng. Nhân cơ hội đó, Lý Đức Dụ thu được một trọng trấn là Duy Châu (trị sở ở huyện Lý, Tứ Xuyên ngày nay). Lẽ ra việc này phải coi là Lý Đức Dụ đã có công lớn, nhưng Tể tướng  Ngưu Tăng Nhụ lại nói với Đường Văn Tông:
– Thu phục được Duy Châu đâu có gì lớn, quan hệ với Thổ Phồn như vậy, phải xem xét. Đem trả lại Duy Châu mới chứng tỏ cái oai phong của Đại Đường.
Rồi khuyên nhà vua ra lệnh cho Lý Đức Dụ trả lại Duy Châu cho  Thổ Phồn. Nghe nói việc này, Lý Đức Dụ uất nghẹn đến cổ, đập bàn, quát:
– Ngưu tặc, ngươi chỉ vì tư thù mà đem chuyện đại sự quốc gia thành trò cười. Lý này không báo được thù thề không phải là con người.
Sau đó, một lần hoạn quan Vương Tiễn Ngôn nói với Đường Văn Tông:
– Trả Duy Châu là thất sách. Khi Duy Chây quy hàng đã làm Thổ Phồn kinh động, Nam Chiếu cũng lo lắng, đưa thư cầu hòa. Sau khi ta trả lại Duy Châu, hễ là người Đại Đường đều bị họ giết cả, rồi sau đó, cũng không có ai đầu hàng chúng ta nữa.
Đường Văn Tông nghe xong, hối hận không kịp, tức giận, nói:
– Ngưu Tăng Nhụ lừa ta! Ngưu Tăng Nhụ lừa ta!
Từ đó, xa cách Nhụ dần.
Đường Văn Tông vốn là người bị hoạn quan khống chế, không bao giờ có chủ kiến, khi dùng Lý Đức Dụ, khi dùng Ngưu Tăng Nhụ. Một phái nắm quyền, phái kia cũng có thế lực không kém. Hai phái găng nhau khiến triều chính vô cùng hỗn loạn. Đường Văn Tông cũng không biết phân biệt phải trái, mỗi khi bàn đến việc này, luôn miệng nói:
– Bình định Hà Bắc (chỉ phiên trấn Hà Bắc) thì dễ, diệt trừ phe đảng trong triều thật là khó!
Hai phái Ngưu Lý tranh quyền đoạt lợi cùng là hoạn quan cả. Khi Lý Đức Dụ làm Tiết độ sứ Hoài Nam họan quan giám quân Dương Khâm Nghĩa bị triệu hồi về kinh, mọi người nói Dương Khâm Ngĩa về triều để nắm quyền. Trước khi lên đường, Lý Đức Dụ mở tiệc thịnh soạn mời Dương Khâm Nghĩa, lại còn đưa tiễn bằng nhiều lễ vật. Về triều, Nghĩa tiến cử Lý Đức Dụ với Đường Vũ Tông. Tới khi Vũ Tông lên ngôi, Lý Đức Dụ được làm Tể tướng . Dụ tìm mọi cách để tấn công Ngưu Tăng Nhụ và Lý Tông Mẫn, đưa hai người đi làm quan ở nơi xa.
Lý Đức Dụ được Vũ Tông tín nhiệm, làm Tể tướng  mấy năm, xoay chuyển mọi việc, khiến cho không ít triều thần oán hận. Năm 846, Đường Vũ Tông bị bệnh chết, các hoạn quan lập chú của Vũ Tông là Lý Thẩm lên ngôi, đó là Đường Tuyên Tông. Tuyên Tông thanh trừng tất cả các quan lại thời kỳ Vũ Tông, ngay sau hôm lên ngôi, đã tước chức vụ Tể tướng  của Lý Đức Dụ. Năm sau, Lý Đức Dụ bị đưa đi Nhai Châu (nay là Hải Nam).
Cuộc tranh chấp phe đảng kéo dài suốt bốn mươi năm, nhưng những hỗn loạn do nó gây ra cho vương triều Đường còn kéo dài chưa dứt.

Chú thích:
(1)   Lý Cát Phủ (758 – 814), người quận Đường Triệu (nay là huyện Triệu tỉnh Hà Bắc), từng làm Thái thường bác sĩ, Thíc sử Trung Châu. Năm 807 làm Tể tướng . Tác phẩm “Nguyên Hòa quận huyện đồ chí”.
(2)   Khoa cử tức quan lại được tuyển chọn thông qua khoa cử. Từ đời Tùy, Đường, đây là phương thức chủ yếu để tuyển chọn quan lại.
Người dịch: Dương Đình Giao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét