Đỗ Phủ tự Tử Mỹ, sinh ra trong một gia đình có truyền thống văn học ở huyện Củng, tỉnh Hà Nam. Tổ phụ của ông là Đỗ Thẩm Ngôn, một nhà thơ có tiếng ở thời Võ Tắc Thiên. Năm 7 tuổi, Đỗ Phủ đã có thơ, năm 14, 15 tuổi đã giao kết với những văn nhân nổi tiếng ở Lạc Dương.
Cũng giống như Lý Bạch, thời còn trẻ, ông đã từng du lãm qua biết bao ngọn núi, dòng sông suốt từ nam tới bắc của đất nước, viếng thăm biết bao danh thắng cổ tích. Khi lên ngọn Thái Sơn, ông đã viết bài ngũ ngôn cổ thi nổi tiếng “Vọng nhạc”, trong đó hai câu:
“Hội đương lăng tuyệt đỉnh,
Nhất lãm chúng sơn điểu.”
(Lên chóp đỉnh mà trông,
Lè tè muôn núi dưới.
Bản dịch của Khương Hữu Dụng)
Hai câu thơ đã bày tỏ chí hướng lớn lao và tài hoa của nhà thơ trẻ tuổi.
Năm 746, Đỗ Phủ tới Trường An, khát vọng thực hiện hoài bão của mình. Nhưng hiện thực cuộc sống khắc nghiệt đã khiến ông thất vọng. Không chỉ hỏng thi, ngay việc lo sinh kế cũng trở thành vấn đề lớn. Trong hoàn cảnh ấy, bất đắc dĩ, ông phải nhờ người tiến cử làm một chức quan nhỏ.
Lần thứ ba, ông phải tới phủ Hầu Gia. Mỗi lần tới đây, ông đều tự hứa với mình “nhất định phải cố gắng”, nhưng lần nào cũng trở về thất vọng. Xem ra, Hầu Gia cũng chẳng khác gì những ông quan khác, cũng chỉ hứa hẹn cho qua mà thôi.
Ra về, Đỗ Phủ leo lên con lừa buộc ở gốc cây ven đường, con lừa chậm chậm bước đi. Con lừa đưa ông trên đường như chẳng có mục đích gì, trong đầu ông chỉ có những trăn trở về cuộc sống ngày mai.
Đang lúc đó, những tiếng khóc thê thảm khiến ông chợt tỉnh, quay đầu lại nhìn, ông thấy trên đường Quan Trung có một số lính mới. Những người lính này hầu hết mới chỉ 16, 17 tuổi, những khuôn mặt trẻ măng nay được đưa ra mặt trận. Vốn triều đình đang thất bại ở Nam Chiếu (1), cần trưng tập các tráng binh ra trận trả thù. Ai muốn đưa người thân ra trận để nhận lấy cái chết? Những người phụ nữ trong thảm cảnh sinh ly tử biệt khiến Đỗ Phủ không cầm được những giọt nước mắt. Tình cảm dồn nén lâu nay khiến ông viết được bải thơ nổi tiếng “Binh xa hành”:
“Xa lân lân
Mã tiêu tiêu
Hành nhân cung tiễn các tại yêu
Gia nương thê tử tẩu tương tống
Trần ai bất kiến Hàm Dương kiều
Khiên y đốn túc lan đạo khốc
Khốc thanh trực tượng can vân tiêu.”
(Dịch:
Xe rầm rầm,
Ngựa hí vang
Người đi cung tên đeo bên lưng
Cha mẹ vợ con chạy theo tiễn
Bụi mù chẳng thấy cầu Hàm Dương
Níu áo, giậm chân chặn đường khóc
Tiếng khóc xông lên thẳng chin tầng.
Khương Hữu Dụng dịch)
Trên đường đời gian khổ, Đỗ Phủ bắt đầu có sự đồng cảm với những nỗi khổ của con người, bắt đầu suy nghĩ một cách nghiêm túc về cuộc sống, về xã hội, bắt đầu dùng thơ ca lên tiếng vì nhân dân. Thơ của ông dần dần thay đổi.
Cho tới năm 755, khi đã 44 tuổi, Đỗ Phủ mới được nhận một chức quan rất thấp. Trước khi tới nhậm chức, ông về huyện Phụng Tiên, Thiểm Tây thăm vợ con sau bao ngày xa cách.
Trên đường đi, ông nhìn thấy cuộc sống xa hoa dâm dật của bao ông quan thành đạt và Hoàng thân quốc thích, ông cũng nhìn thấy bao cái đầu trần giữa cánh đồng, những giọt mồ hôi lã chã của những người nông dân miệt mài cầy cuốc. Cuộc sống sống của người dân quả thực không chịu nổi, tâm trạng của nhà thơ nặng trĩu như đá.
Hai ngày sau, Đỗ Phủ về tới ngôi nhà của mình. Ông vốn đã nghĩ tới những nụ cười hồn nhiên vui vẻ trên khuôn mặt mấy đứa con, hoàn toàn không thể nghĩ tới âm thanh đầu tiên dội vào tai ông lại là tiếng khóc thảm thiết của người vợ. Vừa mở cửa, ông đã thấy nước mắt đầm đìa trên mặt người vợ ngước nhìn mình, với lời nói yếu ớt:
– Con chết rồi!
Ông có cảm giác trời rung đất chuyển, những giọt nước mắt thấm qua kẽ mắt.
Đêm đó, lòng thương cảm khiến ông không ngủ được. Trên con đường từ Trường An về tới nhà, bao điều tai nghe mắt thấy không ngừng tái hiện trong đầu ông: những bữa tiệc rượu ê hề trong Hoàng cung, những người dân đói khát, những đứa trẻ với cánh tay khô đét… Tất cả đã dồn lên ngọn bút để viết nên bài thơ “Tự kinh phó Phụng Tiên huyện vịnh hoài ngũ bách tự” (Năm trăm chữ vịnh nỗi lo nghĩ trên đường từ kinh đô về huyện Phụng Tiên), đau xót vạch trần thói xa hoa của giai cấp thống trị, miêu tả cuộc sống thống khổ của nhân dân mà mình đã được chứng kiến. Từ đó, ông khái quát một cách sâu sắc sự đối lập trong cuộc sống của hai tầng lớp người trong xã hội, để lại những câu thơ làm chấn động tình cảm từ xưa tới nay:
“Chu môn tửu nhục xú
Lộ hữu đống tử cốt.”
(Dịch:
Cửa son rượu thịt ôi
Ngoài đường xương chết buốt.
Khương Hữu Dụng dịch).
Cũng trong năm ấy, đế quốc Đại Đường sau một thời huy hoàng cuối cùng sụp đổ. An Lộc Sơn đã khởi binh nổi dậy ở Hà Bắc, thế như chẻ tre, tiến công kinh đô. Đường Huyền Tông phải bỏ chạỵ về Tứ Xuyên. Đỗ Phủ cùng với gia quyến cũng phải kéo nhau về đây tị nạn.
Đang khi lâm cảnh khốn cùng, Đỗ Phủ được tin một người bạn cũ là Nghiêm Vũ đang làm quan châu ởajThành Đô, Tứ Xuyên khi chiến tranh lan tới. Sau hơn một tháng trèo non lội suối vất vả, ông đã đưa được cả gia đình tới Thành Đô.
Được sự giúp đỡ của người bạn cũ, bên dòng suối nhỏ ở ngoại ô Thành Đô, ông dựng một Thảo đường (3), sống qua những ngày dù còn thiếu thốn nhưng nhàn hạ. Ở đây, Đỗ Phủ đã viết được những áng thơ tuyệt hay để miêu tả căn nhà cỏ và tâm trạng vui vẻ sau khi thoát khỏi loạn lạc của mình.
Hai năm sau, Nghiêm Vũ bị bệnh mất. Ở Thành Đô, Đỗ Phủ mất chỗ dựa bèn trở về mảnh đất Hà Nam quê hương khi tuổi đã xế chiều.
Từ Quỳ Châu đi về phía đông tới Nhạc Châu, rồi từ Nhạc Châu lại đi xuống phía nam tới Đàm Châu, đó là vào năm 770. Không rõ Đỗ Phủ ở Đàm Châu được bao nhiêu ngày tháng thì nơi ấy lại có loạn, cuộc sống bất ổn. Thấy tình cảnh như thế, Đõ Phủ cùng gia đình lên thuyền dời đi nơi khác. Khi từ bến sông Tương Giang đi lên phía bắc, ông bị bệnh nặng. Người nằm cứng đơ trong khoang thuyền hẹp, chỉ qua ô cửa nhỏ ngóng nhìn bên ngoài. Ông thấy bầu trời xám xịt, giống như sắp có bão tuyết. Rồi gió bắc thổi về lạnh buốt, thấu tới xương cốt. Đỗ Phủ gọi vợ con tới bên mình dặn dò:
– Xem ra ta khó qua được năm nay. Sau khi ta chết, hy vọng sẽ đem được nắm xương về nơi quê cũ ở Trung Nguyên. Mọi người đừng làm khác.
Cả nhà nghe xong, khóc không thành tiếng.
– Đưa cho ta bút mực.
Đỗ Phủ nói với đứa con. Đợi mực mài xong, ông nhờ người đỡ ngồi dậy, dùng bàn tay run rẩy, viết những câu thơ cuối cùng. Trong thơ, ông ghi nhớ không quên những thảm cảnh của đất nước và bất hạnh của dân chúng. Mấy ngày sau, ông mất trên con thuyền nhỏ khi mới 59 tuổi.
Cả đời Đỗ Phủ đã viết mấy nghìn bài thơ, dùng thơ ghi lại một giai đoạn lịch sử phức tạp đầy biến động, phản ánh sâu sắc hiện thực xã hội bi thảm và cuộc sống khốn khổ của con người. Cho nên, người đời sau gọi thơ ông là “thi sử”, coi ông là nhà thơ hiện thực chủ nghĩa vĩ đại nhất trong lịch sử văn học Trung Quốc.
Chú thích:
(1) Nam Chiếu: ở vùng nay thuộc Vân Nam. Nam Chiếu thường cùng triều Đường tranh chấp.
(2) Đỗ Phủ thảo đường: Đỗ Phủ ở nơi đây khoảng 4 năm, sau đó, thảo đường không còn. Đến thời Ngũ Đại, một ngôi nhà cỏ được dựng lại, gọi là “Từ tự”, sau đó có được sửa chữa. Đến năm 1954, Đỗ Phủ thảo đường kỷ niệm quán” được xây dựng, trở thành một cảnh quan văn hóa nổi tiếng.
(3) Hiện thực chủ nghĩa là một phong cách văn học, yêu cầu chú trọng hiện thực, miêu tả trung thành hiện thực, phân biệt một cách tương đối với lãng mạn chủ nghĩa.
Người dịch: Dương Đình Giao
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét