XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Năm, 3 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 09.10. LIÊN HOÀN KẾ VƯƠNG DOÃN DIỆT ĐỔNG TRÁC

 Năm Trung bình thứ 6 (năm 189), Hán Linh Đế bị bệnh chết, Tiền tướng quân Đổng Trác muốn chiếm ngôi vua, bèn giương cao ngọn cờ “Thanh gian uế (chỉ hoạn quan), khuông chính vương thất”, mang quân tiến vào kinh thành, sau đó cưỡng bức Hà Thái hậu, lật đổ Thiếu đế Lưu Biện mới lên ngôi, lập Trần Lưu Vương Lưu Hiệp mới 9 tuổi làm vua, tức Hiến Đế, còn bản thân ép Thiên tử điều khiển các chư hầu.
      Sau khi Đổng Trác chuyên quyền, lạm dụng quyền hành, sử dụng người thân tín đả kích các lực lượng khác, thả cho quân lính gian dâm, cướp giật, cho người khai quật mộ của Hán Linh Đế, lấy những của quý giá chôn trong mộ. Những hành động ngang ngược này khiến cho văn võ bá quan và các châu quận địa phương phản đối mãnh liệt và phẫn nộ. Đại tư đồ Vương Doãn không nhẫn nhục, quyết định phải giết chết Đổng Trác.
      Giết Đổng Trác không phải là việc dễ. Đổng Trác quyền to thế lớn, ra vào đều có quân lính bảo vệ, muốn diệt được hắn phải dùng mưu kế mới xong, chỉ cần hơi có một chút sơ ý là rơi vào cảnh cả nhà bị chết chém.
Đại tư đồ Vương Doãn ngày đêm suy nghĩ tìm cách diệt Đổng Trác, cuối cùng đã cùng với con nuôi là Điêu Thuyền nghĩ ra cách “mỹ nữ liên hoàn kế”.
Thủ hạ của Đổng Trác có một tên đại tướng tên gọi Lã Bố, dũng mãnh thiện chiến, không ai có thể địch nổi, được Đổng Trác rất trọng dụng, thường được tùy ý ra vào chỗ Đổng Trác. Lã Bố có một căn bệnh khó chữa là tham tài, háo sắc, Vương Doãn quyết định dùng tay Lã Bố giúp mình, bèn thường đem những vật quý giá trong nhà mình cho hắn, khiến cho Lã Bố vô cùng cảm động.
Một hôm, Vương Doãn đem cái mũ vàng nạm ngọc minh châu, cho người bí mật mang cho Lã Bố, được chiếc mũ vàng, Lã Bố vô cùng yêu quý, bèn đích thân đến phủ Vương Doãn tạ ơn. Vương Doãn lợi dụng cơ hội này, vừa cố ý tâng bốc Lã Bố, vừa mở tiệc khoản đãi, lại cho Điêu Thuyền vừa thông minh vừa xinh đạp mời rượu Lã Bố.
Điêu Thuyền là người quốc sắc thiên hương, giơ tay bước chân đều làm cho Lã Bố ngơ ngẩn. Vương Doãn thấy thế, bèn nói với Lã Bố:
– Tướng quân, tôi coi ông là người chí thân mới cho Điêu Thuyền gặp ông. Nếu như tướng quân không chê, tôi muốn gả Điêu Thuyền cho ông, không biết ông có bằng lòng không?
 Lã Bố đã sớm động lòng, nghe nói như thế, sung sướng vô cùng, vội đứng dậy tạ ơn. Vương Doãn nói:
– Tôi đã chọn được ngày tốt để Điêu Thuyền đến phủ tướng quân.
 Lã Bố vui ra mặt, cứ nhìn Điêu Thuyền chăm chắm, Điêu Thuyền cũng làm ra bộ vui vẻ, nhìn Lã Bố rất tình tứ. Vương Doãn nói:
– Tôi vốn muốn lưu tướng quân qua đêm ở đây, sợ Đổng Thái sư biết lại nghi ngờ.
 Lã Bố đành phải đứng dậy cáo từ.
Mấy ngày sau, Vương Doãn lại mời Đổng Trác đến nhà mình. Vương Doãn đã sớm biết Đổng Trác đã có dã tâm chiếm ngôi vua, bèn cố ý nói với Đổng Trác :
– Tôi từ nhỏ đã giỏi xem thiên văn, số phận của triều Hán đã đến ngày rồi, Thái sư ngài cũng chẳng qua chỉ như Thuấn thay Nghiêu, Vũ thay Thuấn vậy thôi, thế là hợp với ý trời, hợp với lòng dân.
Đổng Trác nghe nói hớn hở, ngay lúc đó tỏ ý sau này khi lên ngôi Hoàng đế sẽ trọng dụng Vương Doãn.. Vương Doãn cũng không từ chối, lại lệnh cho Điêu Thuyền ca múa cho Đổng Trác xem. Đổng Trác vừa nhìn thấy Điêu Thuyền, mắt đã sáng lên. Tuy nói là trong phủ mình đã có hàng trăm mỹ nữ, nhưng không có ai sánh được với Điêu Thuyền.. Vương Doãn cười trong bụng, tỏ ra rất kính trọng Đổng Trác, nói:
– Tôi muốn đem nó dâng Thái sư, không biết ngài có bằng lòng không? Đổng Trác vô cùng vui vẻ, lập tức đứng dậy mang Điêu Thuyền trở về cung.
Tin Điêu Thuyền đến phủ Thái sư rất nhanh chóng đến tai Lã Bố, hắn tức giận vô cùng, lập tức tìm đến Vương Doãn, lớn tiếng chửi mắng. Vương Doãn vội giải thích, nói:
– Ngày hôm qua, trong triều, Thái sư nói với tôi: Nghe nói ông có một con gái là Điêu Thuyền, đã hứa gả cho Lã Bố, có thể cho ta xem không? Tôi đành phải thuận ý. Hôm nay Thái sư đến nhà tôi, sau khi thấy Điêu Thuyền, nói ngày hôm nay là ngày tốt, nên lập tức mang Điêu Thuyền về phủ để cùng ngài thành hôn, tướng quân không mau trở về phủ chuẩn bị tiệc cưới sao?
 Lã Bố nghe xong, hết sạch mọi tức giận, vội trở về phủ.
Sau khi Lã Bố về phủ, đợi một đêm, cũng không thấy động tĩnh gì. Sớm ngày hôm sau, lại vội đến hậu đường tướng phủ nghe ngóng, thị nữ nói: “Thái sư mới có thiếp, bây giờ còn chưa dậy.” Lã Bố tức giận, vội lẻn đến sau cửa sổ phòng ngủ của Đổng Trác., tận mắt thấy Điêu Thuyền vừa mới dậy, đang chải đầu.
Điêu Thuyền cũng đã nhìn thấy Lã Bố, cố ý nhăn nhó đôi mày, không ngừng dùng tay lau nước mắt. Lã Bố đứng đến nửa ngày cũng không có cách gì đến gần Điêu Thuyền. Đến khi Đổng Trác ăn sáng xong, hắn lại phải đến bên cạnh Đổng Trác bảo vệ, mới đến gần được Điêu Thuyền, Điêu Thuyền cũng nhìn hắn tình tứ, thỉnh thoảng lại dùng tay chỉ vào tim mình. Đổng Trác vô tình phát hiện thần sắc không bình thường của Lã Bố, bèn nghi ngờ, đuổi Lã Bố đi.
Từ sau đó, có đến mấy tháng, Lã Bố không gặp được Điêu Thuyền, trong lòng rất bực bội. Đúng khi đó, Đổng Trác ốm, Lã Bố nhân cơ hội đến thăm, vào được phòng ngủ của Đổng Trác. Đổng Trác đang ngủ, Điêu Thuyền ngồi im lặng bên giường. Thấy Lã Bố vào, Điêu Thuyền dùng tay chỉ chỉ vào tim mình, lại chỉ Đổng Trác, nước mắt tuôn chảy, Lã Bố thấy thế, vừa giận vừa buồn. Đúng lúc đó Đổng Trác tỉnh giấc, thấy Lã Bố và Điêu Thuyền như vậy, lập tức nổi giận, gọi vệ sĩ đuổi Lã Bố ra ngoài, lại ra lệnh:
– Từ nay về sau, không được để Lã Bố vào trong nhà.
Từ đó, Lã Bố rất khó không thể gặp được Điêu Thuyền, nhưng hắn không chịu, vẻ đẹp của Điêu Thuyền đã làm cho hắn điên đảo, hắn không ngừng tìm cách để đến gần Điêu Thuyền. Một lần, trong cung, Lã Bố thấy Đổng Trác và Hoàng đế đang đàm luận rất vui vẻ, liền lén bỏ ra ngoài, vội tìm đến Tướng phủ tìm gặp Điêu Thuyền, Điêu Thuyền nói:
– Đây không phải là chỗ nói chuyện, chàng mau đến đợi thiếp ở Phụng nghi đình sau vườn hoa. Lã Bố chờ ở bên đình đến nửa ngày, mới thấy Điêu Thuyền từ trong khóm hoa bước ra, dáng vẻ thật như tiên nữ giáng trần. Lã Bố ôm lấy Điêu Thuyền, nói:
– Ta mà không lấy được nàng thì thật không phải là  anh hùng.
 Điêu Thuyền cũng nói:
– Thiếp thấy bây giờ ngày dài tựa năm, mong chàng thương cho cảnh này của thiếp, sớm cứu thiếp!
 Lã Bố nói:
– Ta ngầm lẻn về đây để gặp nàng, tên lão tặc Đổng Trác có thể sinh nghi, ta vội phải về đây.
 Điêu Thuyền kéo tay Lã Bố, tức giận nói:
– Ta vốn sớm nghe nói chàng là vị anh hùng không ngờ lại sợ tên lão tặc này, thiếp sợ khó có ngày gặp lại.
 Lã Bố nghe nói thế, rất xấu hổ, vội tạ lỗi, quay  lại với Điêu Thuyền.
Trong cung, Đổng Trác đang chuyện trò cùng Hoàng đế, bỗng phát hiện Lã Bố đã bỏ đi, lập tức sinh nghi, vội trở về phủ, quả nhiên thấy Lã Bố và Điêu Thuyền đang trò chuyện ở Phụng Nghi đình; cơn giận bốc lên, quát lớn, xông về phía trước, giành lấy cái kích của Lã Bố đang để bên cạnh người. Lã Bố vội bỏ chạy, Đổng Trác thấy đuổi không được , ném cái kích về phía Lã Bố, suýt nữa giết Lã Bố.
Điêu Thuyền thấy Đổng Trác trở về, khóc vật vã, nói với Đổng Trác:
– Vừa rồi, thiếp vừa mới tới Phụng Nghi đình ngắm hoa, không ngờ Lã Bố đột nhiên xuất hiện từ phía sau, ôm lấy thiếp. Thiếp muốn kêu lên, hắn nói sẽ ném thiếp xuống hồ, May mà Thái sư đã về kịp cứu tính mệnh của thiếp. Đổng Trác nghe xong, tức giận muốn cầm dao giết ngay Lã Bố, chỉ vì Lã Bố là đại tướng, còn cần cho việc bảo vệ mình, đành nuốt hận, chỉ ra lệnh cho binh lính tăng cường bảo vệ Điêu Thuyền, không cho gặp ai.
Tất cả những việc này Vương Doãn đều biết cả, thực ra đó cũng là kế ly gián do ông và Điêu Thuyền cùng bố trí. Vương Doãn bèn tìm đến Lã Bố, mời hắn đến nhà mình, nói:
– Điêu Thuyền một lòng muốn cùng tướng quân kết làm chống vợ, không ngờ Đổng Trác lại làm như vậy khiến tướng quân rơi vào cảnh thế này.
 Lã Bố tức giận giậm chân. Vương Doãn nói:
– Tướng quân đã theo Đổng Trác, nam chinh bắc chiến, lập bao chiến công hiển hách, không ngờ Đổng Trác chỉ vì muốn có Điêu Thuyền mà hận muốn giết chết ông. Cứ như thế này, sợ tướng quân gặp chuyện chẳng lành.
 Nói rồi, Vương Doãn vừa khích vừa khuyên, khiến cho Lã Bố nghiến răng bậm môi, thể hiện thái độ không đội trời chung với Đổng Trác. Vương Doãn thấy thời cơ đã đến, bèn đem chiếu thư mật của Hoàng đế hạ lệnh giết Đổng Trác đưa cho Lã Bố xem, nói:
– Lão tặc Đổng Trác, hoành hành ngang ngược, tội đáng vạn lần chết. Tướng quân nếu có thể bỏ tối theo sáng, giết tên lão tặc này, tất sẽ được Hoàng đế trọng dụng, lại có thể vĩnh viễn cùng Điêu Thuyền sánh đôi.
 Lã Bố đồng ý ngay, bèn cùng với Vương Doãn bàn kế hoạch giết chết Đổng Trác.
Một ngày tháng 4 năm Sơ Bình thứ 3 (năm 192), Hiến Đế hồi phục sau khi bị bệnh, các quan  theo lệ đến Ương cung chúc mừng. Đổng Trác có thị vệ tiền hô hậu ủng cũng tới dự. Lã Bố lệnh cho tướng tâm phúc của mình mang theo hơn chục lính ngụy trang chờ ở cửa Bắc Dịch trong Hoàng cung, làm nội ứng. Lã Bố đi cùng Đổng Trác. Đổng Trác đến cửa cung, ngựa bỗng ngừng lại không đi. Đổng Trác có vẻ sợ hãi, đã muốn trở về phủ Thái sư. Do Lã Bố thúc giục, mới miễn cưỡng bước vào cung. Bọn Lý Túc đã sớm chuẩn bị trước, xông lên phía trước, đâm một kích về phía Đổng Trác, nhưng không trúng, Đổng Trác hoảng sợ la lớn:
– Lã Bố đâu, mau bảo vệ lão phụ!
 Lã Bố đáp ngay:
– Có chiếu thư của Hoàng đế lệnh giết Đổng Trác!
 Đổng Trác lúc này mới hiểu ra mọi việc, chửi rủa:
– Bọn chó đẻ dám đối với ta như thế này sao?
 Lã Bố cầm họa kích đâm chết Đổng Trác.
Sau khi Đổng Trác chết, dân chúng vô cùng hoan nghênh, họ đem cái xác béo núc bêu trên đường phố, Dân chúng tức giận còn chặt đầu hắn, giẫm lên xác hắn để trút hận, binh lính đốt lửa từ cái bụng của hắn, mỡ chảy ra, mấy ngày mới hết. Lã Bố sau khi giết Đổng Trác liền lập tức trở về phủ Thái sư, giữ lấy Điêu Thuyền, giết luôn thân thuộc của Đổng Trác.
Sau khi Đổng Trác chết, dư đảng của hắn vào Trường An, Vương Doãn bị hại, Lã Bố bỏ trốn, cả nước rơi vào cảnh loạn lạc. Nhưng liên hoàn kế của  Vương Doãn đã giết được Đổng Trác, đúng là trừ được mối hại cho dân. Nhưng chẳng bao lâu đất nước bước vào tình thế hỗn loạn.
Chú thích:
(1) Đổng Trác: người Lâm Đào, Lũng Tây (huyện Mân Cam Túc nay), vốn là hào cuờng ở Kinh Châu, theo Trương Hoán đánh Khương, được làm Lang trung. Năm 184 đại phong Trung lang tướng, đàn áp cuộc khởi nghĩa Khăn Vàng, cuộc khởi nghĩa của người Khương, được phong Tiền tướng quân, đóng quân ở Hà Đông, sau nhân loạn vào Lạc Dương chiếm quyền.
(2) Lã Bố: người Ngũ Nguyên, Cửu Nguyên (tây Bao Đầu, Nội Mông Cổ nay), giỏi cưỡi ngựa bắn cung, có hiệu là Phi Tướng. Thời Linh Đế, làm Thích sử Tịnh Châu, sau theo Đổng Trác.
(3)  Kích: binh khí cổ, chế tạo bằng đồng hoặc thép.
Người dịch: Dương Đình Giao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét