Trong lúc Tần Thủy Hoàng bận thống nhất Trung Nguyên, Hung Nô (1) ở phía bắc nhân cơ hội bành trướng về phía nam, họ dần chiếm lấy vùng đất rộng lớn ở phía nam Hà Sáo (2), Hoàng Hà, quấy rối sản xuất nông nghiệp của người Hán, thậm chí còn bắt người Hán về làm nô lệ.
Thời Chiến Quốc, ba nước Yên, Triệu, Tần có biên giới với Hung Nô đã bị Hung Nô quấy nhiễu. Để đảm bảo sự an toàn cho mình, đề phòng người Hung Nô tiến về phía nam, ba nước ở vùng giáp giới Hung Nô ở phía bắc xây dựng bức trường thành vừa cao vừa dầy.
Để bình định phương bắc, Tần Thủy Hoàng cử đại tướng Mông Điềm mang theo 30 vạn quân tiến đánh Hung Nô, thu hồi lại vùng Hà Sáo, thiết lập ở đó 44 huyện. Để tăng cường phòng bị ở phương bắc, Tần Thủy Hoàng quyết định nối liền trường thành của ba nước Yên, Triệu, Tần lại.
Nhà vua quyết định trưng tập mấy chục vạn nhân công, lại cho rất nhiều binh sĩ giám sát để đào núi phá đá, đắp lò nung gạch, trước hết gia cố trường thành cũ và xây thêm không ít những đoạn trường thành mới, tạo nên một Trường thành vạn dặm, bắt đầu từ Lâm Đào (Cam Túc) (nay là huyện Mân, Cam Túc) chạy tới Liêu Đông ở phía tây (nay là Liêu Ninh, Áp Lục Giang), chặn ngang con đường Hung Nô tiến xuống phía nam, đảm bảo an toàn sinh mệnh và tài sản cho người Hán.
Xây dựng trường thành là một công trình to lớn khác thường, lúc đó, sức sản xuất và trình độ kỹ thuật còn rất thấp, thợ thuyền lao động vô cùng gian khổ. Trong quá trình xây dựng Trường thành, số người chết không ít, hàng nghìn, hàng vạn nhân công bị trưng tập, gió thổi sương sa, vai sưng tấy, chân run rẩy dưới ngọn roi, không ngày không đêm, máu và mồ hôi tuôn chảy, nhiều người chảy tới giọt máu cuối cùng, giọt mồ hôi cuối cùng, rồi chết thảm dưới chân Trường thành. Truyện nàng Mạnh Khương khóc dưới chân Trường thành lưu truyền trong dân gian đã phản ánh điều này:
Truyện kể chồng nàng Mạnh Khương là Vạn Hỷ Lương. Họ mới kết hôn được hơn một tháng, Vạn Hỷ Lương đã bị trưng tập đi đắp Trường thành. Vạn Hỷ Lương đi đã mấy năm, nàng Mạnh Khương ở nhà mỏi mắt trông chờ chồng trở về nhưng vẫn biệt vô âm tín. Sau nàng sốt ruột, sợ chồng không chịu được cái rét phương bắc đã khâu một chiếc áo bông, buộc thành gói, cõng trên lưng, dời quê hương, vượt dặm thẳm đường xa đến nơi xây dựng Trường thành mang áo cho chồng. Nàng Mạnh Khương lên đường từ lúc gà gáy sáng, đến khi mặt trời lặn mới nghỉ chân, vượt núi qua sông, trải bao gian khổ mới tới được chân Trường thành. Nhưng nàng chỉ thấy Trường thành nhìn không thấy đỉnh, cao không thể vượt qua, không tìm thấy chồng mình. Hỏi thăm mọi người, nàng mới biết chồng mình đã chết và được chôn cất cùng với những người chết khi xây dựng Trường thành dưới chân thành. Nàng Mạnh Khương vô cùng đau xót, nàng khóc than dưới chân Trường thành, khóc đến trời sầu đất thảm, gió nổi cuồn cuộn, mây đen mù mịt, tuyết trắng cũng phải đổi màu. Bỗng nhiên có một tiếng nổ lớn giồng như trời long đất lở, tiếng khóc của nàng đã làm đổ 800 dặm của Trường thành.
Tần Thủy Hoàng xây dựng Trường thành vốn là một việc làm tốt, nhưng do lao dịch nặng nề, người chết rất nhiều nên mang lại nhiều oán hận. Còn việc Tần Thủy Hoàng để hưởng lạc cả khi sống lẫn khi chết mà xây dựng cung A Phòng hay khu lăng mộ ở Ly Sơn cực kỳ xa xỉ đã gặp phải sự phản đối của dân chúng.
Cung A Phòng bắt đầu xây dựng năm Tần Thủy Hoàng thứ 9 (213 trước CN). Quần thể kiến trúc này nằm trên vùng đất hơn ba trăm dặm, tổng cộng có hơn 700 cung điện. Thậm chí trong một ngày khí hậu của mỗi cung điện không giống nhau. Cung A Phòng xây dựng xong, Tần Thủy Hoàng đem các mỹ nữ và vàng bạc châu báu của 6 nước cất giấu trong các cung điện. Bản thân ông ta hôm nay ở cung điện này, ngày mai lại chuyển sang ở cung điện khác, luôn thay đổi. Cho tới khi chết, Tần Thủy Hoàng vẫn chưa ở hết các cung điện trong cung A Phòng.
Tần Thủy Hoàng có quyền uy vô hạn, có thể tha hồ hưởng thụ cho nên ông ta không muốn chết. Nghe Từ Phúc, người nước Tề nói ở biển Đông có ba ngọn núi thần là Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu. Trên núi có thần tiên, thần tiên ở đó có thuốc bất tử, chỉ cần uống một viên thuốc bất tử, con người sẽ có thể trường sinh bất lão, Tần Thủy Hoàng cử Từ Phú mang theo mấy ngàn đông nam, đồng nữ vượt biển đi tìm thuốc tiên. Không may, họ có đi mà không có về, có lẽ bị đắm thuyền (3). Tần Thủy Hoàng lại cử Lư Sinh người nước Yên đi cầu tiên cũng không có kết quả. Lại cử Hàn Chung, Hầu Công, Thạch Sinh mấy người đi tìm thuốc bất tử nhưng vẫn không tìm được. Vì không tìm được thuốc bất tử, Tần Thủy Hoàng đành phải lo chết già, tính việc xây dựng phần mộ cho mình.
Ông ta chọn vùng đất ở Bắc Lộc, Ly Sơn, xây dựng một ngôi mộ sâu 50 trượng, chu vi của ngôi mộ này khoảng 5 dặm (4) Mộ ở Ly Sơn trưng dụng hơn 70 vạn nhân công, tiêu tốn vô số tiền tài vật chất khiến cho nhân dân lại chịu sự bóc lột tàn bạo, lao dịch nặng nề. Dân chúng càng ngày càng khổ, thật khó bề sống nổi. Hạ tầng xã hội tiềm ẩn ngọn lửa phản kháng.
Người dịch: Dương Đình Giao
Chú thích:
- Hung Nô: dân tộc thiểu số trong lịch sử Trung Quốc, thời kỳ Chiến Quốc ở một vùng phía bắc của Yên, Triệu, Tần. Họ sống cuộc sống du mục, di chuyển trên đồng cỏ, giỏi cưỡi ngựa và bắn cung, tính cách mạnh mẽ. Thủ lĩnh xưng là Thiền Vu.
- Khu Hà Sáo chỉ vùng quanh co Hoàng Hà, nay là khu vực Nội Mông Cổ và bắc Thiểm Tây, khi đó đồng cỏ phì nhiêu, sau dần bị sa mạc hóa.
- Ở Nhật Bản có truyền thuyết, Từ phúc cùng một số đồng nam, đồng nữ đến một số hòn đảo của Nhật Bản, định cư ở đó, trở thành một bộ phận của dân tộc Nhật Bản.
- Lăng Tần Thủy Hoàng đến nay vẫn còn, quy mô rất lớn. Tuy nhiều lần đã bị đào trộm nhưng kẻ đào trộm không thể thâm nhập. Việc bảo tồn sau khi khai quật gặp khó khăn rất lớn nên hiện chưa tiến hành. Khi nước Trung Hoa mới thành lập, đã đào được tượng binh mã trong lăng, được thế giới công nhận là di sản văn hóa nhân loại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét