Năm 613 trước CN, Sở Trang Vương nối ngôi. Lúc này, ông ta chưa đầy 20 tuổi, đại quyền của nước Sở được một số đại thần giúp đỡ. Lên ngôi đã ba năm, Sở Trang Vương vẫn suốt ngày rượu chè, săn bắn, không quan tâm gì đến chính sự, còn treo một tấm biển lớn trước cửa cung, viết: “Ai dám khuyên can, lập tức chém đầu!”
Một hôm, đại phu Ngũ Cử yết kiến Sở Trang Vương. Sở Trang Vương tay cầm chén rượu, miệng nhai thịt hươu, say khướt thưởng thức ca múa. Ông ta liếc mắt, hỏi:
– Đại phu đến đây là để uống rượu hay muốn xem ca múa?
Ngũ Cử chậm rãi, nói:
– Có người ra cho thần một câu đố, thần không biết giải thích thế nào, muốn gặp ngài để thỉnh giáo.
Sở Trang Vương vừa uống rượu, vừa hỏi:
– Câu đố thế nào, có gì mà khó giải, ngươi hãy nói cho ta nghe!
Ngũ Cử nói:
– Kinh đô nước Sở có một con chim lớn, năm màu sặc sỡ, dáng vẻ mỹ miều; chỉ suốt ba năm không bay không hót, các quan văn võ trong triều không hiểu vì sao. Ngài thử xem, cuối cùng đây là chim gì?
Sở Trang Vương mới nghe, trong lòng đã hiểu ý của Ngũ Cử, cười mà nói:
– Ta biết rồi. Đây có thể không phải là loài chim thường. Con chim này ba năm không bay, nhưng khi bay vút tận trời xanh, ba năm không hót nhưng khi hót là người người khiếp sợ. Ngươi xem có đúng không?
Ngũ Cử cũng hiểu được ý của Sở Trang Vương, vui vẻ cáo lui.
Qua mấy tháng, con chim lớn Sở Trang Vương này vẫn y như cũ, không “bay” cũng không “hót”, vẫn chỉ có uống rượu, đi săn, thưởng thức ca múa. Đại phu Tô Tòng không còn nhẫn nại được nữa, bèn đến gặp Trang Vương . Vừa bước vào cửa cung, ông ta đã khóc ầm lên. Sở Trang Vương hỏi:
– Tiên sinh có gì mà đau lòng thế?
Tô Tòng trả lời:
– Tôi đau lòng vì phải chết, cũng đau lòng vì nước Sở diệt vong.
Sở Trang Vương rất lạ, bèn hỏi:
– Ngươi làm sao mà phải chết? Nước Sở làm sao mà phải diệt vong?
Tô Tòng nói:
– Tôi muốn khuyên can ngài, ngài không nghe, nhất định sẽ giết tôi. Ngài suốt ngày say mê ca múa, đi săn, du ngoạn, triều chính bỏ bễ, sự diệt vong của nước Sở chẳng phải ở ngay trước mắt rồi sao?
Sở Trang Vương nghe thế, tức giận, bảo Tô Tòng:
– Ngươi muốn tìm cái chết phải không? Ta đã nói từ lâu: ai dám khuyên can, ta sẽ giết, ngươi biết còn phạm, thật quá ngu dốt.
Tô Tòng vô cùng trầm tĩnh, nói:
– Tôi thật ngu, ngài có ngu kém gì tôi. Nếu tôi bị ngài giết, sau khi chết, tôi được tiếng tốt là trung thần. Ngài làm như vậy, nước Sở sẽ sớm diệt vong, ngài sẽ trở thành ông vua mất nước. Chẳng phải ngài cũng ngu không kém gì tôi sao? Điều tôi muốn nói đã hết, ngài hãy giết tôi đi!
Sở Trang Vương bỗng nhiên xúc động, đứng dậy nói:
– Ngươi thật là bậc lương đống mà ta cần tìm.
Sở Trang Vương lập tức giải tán đôi nhạc, đuổi hết các vũ nữ, sau đó ngồi ngang hàng với Tô Tòng, kề gối tâm sự. Tô Tòng lúc ấy mới biết đó là Sở Trang Vương cố ý sống buông thả. Lúc bấy giờ, quyền thần hỗn loạn, tình hình chính trị vô cùng phức tạp, ông ta phải giả làm như thế, một mặt là để tự bảo vệ, tránh bị bọn gian thần mưu hại; một mặt muốn gian đảng bộc lộ, các hiền thần cũng lộ rõ.
Ngày hôm sau, Sở Trang Vương thiết triều, triệu tập văn võ bá quan, tuyên bố một số điều chỉnh về nhân sự. Gian thần bị bãi miễn, các hiền thần được xếp đặt vào những vị trí trọng yếu. Qua 6 năm khổ tâm chấn chỉnh, thế lực và tiếng tăm của nước Sở đã vang khắp bốn phương.
Một lần, sau khi Sở Trang Vương bình định xong phản loạn trong nước, về đến Dĩnh Đô, mở đại yến để mừng công, các đại thần văn võ và phi tần đều tham dự. Sở Trang Vương nói:
– Ta sáu năm nay vất vả vì chính sự, không uống một giọt rượu, không nghe một lời ca. Nay phản loạn đã dẹp yên, bốn phương đã an định, ta phá lệ mở tiệc gọi là “tiệc thái bình”, mời bá quan văn võ đều tham gia, uống rượu thoải mái.
Trong đại sảnh diễn tấu âm nhạc, mọi người vui vẻ uống rượu, uống đến khi mặt trời ngả về tây mà tiệc vẫn chưa tàn. Sở Trang Vương lại ra lệnh đốt nến để uống tiếp. Mọi người vừa uống vừa cười nói, càng uống càng hứng thú. Trang Vương uống rượu vui vẻ, còn gọi Hứa Cơ là người đẹp được ông ta thích nhất ra cho các đại thần chúc rượu. Khi nàng tiên nữ Hứa Cơ vừa bước ra, cả đại sảnh lập tức im phăng phắc, con mắt mọi người đều ngây ra.
Đang lúc ấy, bỗng một trận cuồng phong nổi lên khiến nến trong đại sảnh tắt hết. Không biết là ai nhân lúc nến tắt, kéo tay áo của Hứa Cơ, cầm lấy tay trái của nàng. Hứa Cơ thông minh dùng tay phải giật lấy dải mũ của người ấy, người ấy bèn vội vàng buông tay Hứa Cơ ra. Hứa Cơ cầm dải mũ, đến trước Sở Trang Vương, kể thầm lại câu chuyện, xin Trang Vương cho thắp nến lên để tra xét. Lúc có người mang lửa đến để thắp nến, Trang Vương vội đứng lên, nói to:
– Đợi một chút hãy thăp nến, tối nay, chúng ta đã thoải mái, không cần phải áo mũ nghiêm chỉnh, gò bó như thế, mọi người đều phải dứt dải mũ đi, không dứt dải mũ là chưa vui hết lòng.
Các đại thần đều không hiểu vì sao phải dứt dải mũ nhưng cũng làm theo lệnh của Trang Vương. Đợi tất cả đều xong việc, Sở Trang Vương mới cho thắp nến, mời mọi người tiếp tục uống rượu.
Trang Vương và Hứa Cơ đều không biết ai là người đã kéo áo, cầm tay Hứa Cơ. Tan tiệc, Hứa Cơ không hiểu ý của Sở Trang Vương, trách ngài. Trang Vương bảo nàng:
– Mọi người đều vui vẻ vì nước Sở vừa dẹp được phản loạn, uống rượu nhiều, nhiều người có thể say, thấy nàng xinh đẹp, ai mà không xúc động? Nếu tra xét để luận tội, chẳng phải sẽ làm mọi người mất vui sao?
Hứa Cơ nghe xong, vô cùng cảm phục lòng độ lượng như biển cả của Sở Trang Vương.
Về sau, khi nước Sở đi đánh nước Trịnh, kiện tướng Đường Giảo xung phong đi tiên phong mở đường, tiến quân thần tốc. Sở Trang Vương triệu kiến Đường Giảo, muốn ban thưởng cho ông ta. Ông nói:
– Bệ hạ đã thưởng rất hậu cho thần rồi, nay thần mới báo đáp, không dám nhận thưởng nữa.
Sở Trang Vương thấy lạ, hỏi:
– Ta chưa hiểu ý của ngươi, ta thưởng cho nhà ngươi lúc nào?
Đường Giảo trả lời:
– Trong bữa tiệc ở cung đình, kéo áo của mỹ nhân, phạm vào tội khi quân chính là thần. Nhờ ơn của nhà vua không giết nên bây giờ mới quên mình để báo đáp.
Trang Vương nói:
– Lúc ấy nếu xác minh trị tội, nay ngươi có thể giúp ta như thế này được chăng?
Nói xong, định Đường Giảo công đầu, chuẩn bị để trọng dụng. Tin truyền đi, các đại thần và tướng sĩ đều thêm lòng cảm phục.
Quân của nước Sở dã đánh bại nước Trịnh. Minh chủ của nước Trịnh, bá chủ ở Trung Nguyên là nước Tấn nhân khi nước Sở rút quân về nước cho quân đánh Sở. Quân hai nước gặp nhau ở Bật Thành (nay ở phía bắc thành phố Vinh Dương, tỉnh Hà Nam). Kết quả, quân Sở đánh bại quân Tấn. Tướng sĩ Sở vui mừng như điên. Một đại phu tên Phan Đảng, nhân đó nói với vua Sở:
– Hôm nay thắng trận, quân Tấn bị giết thây chất đầy đồng, thắng lợi này rung động chư hầu ở Trung Nguyên. Đại vương sao không nhân cơ hội này, đem xác của quân Tấn chất lên, trên đống xác đó xây một đài cao, dùng nó để biểu thị sức mạnh của nước Sở, biểu dương thanh thế của nước Sơ?
Sở Trang Vương cười, nói với ông ta:
– Làm như thế không được!. Ông dùng kiếm vạch trên đất chữ “Võ”, nói tiếp:
– Ngươi hãy xem, chữ “võ” này chẳng phải do chữ “qua” và chữ “chỉ” hợp lại sao? Chu Vũ Vương sau khi lật đổ vương triều Thương Ân kiến lập triều Chu đã nói: “ Mục đích của chinh phạt là cần cho thiên hạ thái bình. Ta nay dùng võ công, vốn là để trừng phạt cường bạo, dừng đao gác kiếm, phủ dụ trăm họ; ta nếu chất xác xây đài, chỉ là thể hiện sự cường bạo của ta, việc này không được lòng người!
Phan Đảng nghe nói, liền ca ngợi:
– Đại vương thật sáng suốt, thật là ông vua nhân đức, hạ thần vô cùng kính phục.
Vì thế, sau khi Sở Trang Vương ở bên sông Hoàng Hà tế lễ thần Sông, bèn đưa quân về nước.
Sở Trang Vương ba năm không kêu cuối cùng tiếng kêu làm người người khiếp sợ, ông cuối cùng cũng trở thành bá chủ của thời kỳ Xuân Thu. Sở Trang Vương xưng bá ở Trung Nguyên không chỉ vì nước Sở hùng mạnh, uy danh vang xa, còn vì thống nhất Hoa Hạ, có tác dụng to lớn trong việc hình thành và phát huy tinh thần dân tộc.
Người dịch: Dương Đình Giao
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét