XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Năm, 3 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 08.04. ĐIỀN HOÀNH VÀ NĂM TRĂM TRÁNG SĨ

 Trong các anh hùng tranh giành quyền lực cuối đời Tần, Lưu Bang tất nhiên là người chiến thắng cuối cùng. Nhưng rất nhiều người chiến bại, tuy bại mà vinh, họ cũng viết được những trang đẹp đẽ trong lịch sử. Ngoài Hạng Vũ đã nói ở trước,  Điền Hoành và năm trăm tráng sĩ của ông là một thí dụ điển hình.
Họ Điền là một dòng họ lớn của nước Tề, đến cuối đời Tần vẫn có thế lực lớn. Điền Đam và em họ là Điền Vinh, em của Điền Vinh là Điền Hoành đều là anh hùng hào kiệt, lúc bấy giờ rất được lòng người. Sau khi  Trần Thắng khởi binh, Điền Hoành giết huyện lệnh sở tại rồi tự lập làm vương. Về sau, Điền Đam và Điền Vinh lần lượt chết trong chiến đấu, con của Điền Đam là Điền Quảng được lập làm Tề vương, Điền Hoành làm tướng, tiếp tục tham gia vào cuộc quần hùng tranh bá vào cuối đời Tần.
Hán vương Lưu Bang từng cử thuyết khách là Lệ Thực Kỳ (1) đến gặp Tề vương Điền Quảng đề nghị liên kết chống Sở. Điền Quảng, Điền Hoành đều đồng ý sát cánh cùng Hán vương Lưu Bang. Đâu biết lúc đó đại tướng của Hán vương là Hàn Tín đã mang đại quân tập  kích Lịch Hạ (2), một tòa thành trọng yếu của nước Tề từ lâu chưa hạ được. Không biết họ Điền đã thuận theo Lưu Bang nên trong khi Tề vương đã cho sứ giả đến trách Hán vương Lưu Bang không thực hiện hẹn ước, Hàn Tín đã cho quân thẳng tiến đến Lâm Tri, kinh đô nước Tề. Thấy quân Hán đến gần thành, Điền Quảng, Điền Hoành đều vô cùng tức giận, cho rằng quân Hán không giữ chữ tín, bán rẻ Lệ Thực Kỳ bèn giết luôn Lệ Thực Kỳ, sau đó bỏ nước trốn đi. Nước Tề rất mau chóng bị Hàn Tín đánh chiếm tất cả.
Nước Tề mất, Điền Hoành chạy đến vùng Tri Bác, tụ tập tàn quân, tự lập làm vương, ý đồ sẽ chiếm lại Đông Sơn. Nhưng khi Điền Hoành mang quân phản công quân của Quán Anh bị Quán Anh đánh cho đại bại, Không làm sao được, Điền Hoành một lần nữa lại phải bỏ chạy, đầu hàng Bành Việt.
Lương vương Bành Việt một thời gian trung lập nhưng không kiên định, lúc thì theo quân Sở, lúc lại theo quân Hán. Đến khi Hán vương Lưu Bang giết được quân Sở và một số chư hầu, kiến lập vương triều Hán, Bành Việt được phong Lương vương như trước, thần phục vương triều Hán. Điền Hoành sống nhờ vào Bành Việt thực khó vì ông ta đã giết Lệ Thực Kỳ mưu sĩ của Lưu Bang, sợ sẽ có ngày Bành Việt nộp mình cho Lưu Bang xét xử, mạng sống sẽ khó bảo toàn. Sợ hãi, Điền Hoành một lần nữa lại bỏ trốn, mang theo khoảng năm trăm người chạy  đến Hải Trung, dự định chiếm hòn đảo này sống cuộc đời tiêu dao tự tại.
Nhưng Hán Cao Tổ Lưu Bang nghe nói bọn Điền Hoành chạy đến đảo Hải Trung rất lo lắng, ra tuyên cáo với thiên hạ: An hem họ Điền vốn là những người có công chống Tần bình định đất Tề, lại rất được lòng dân, các danh nhân hiền sĩ trên đất Tề đều vui vẻ quy thuận họ. Nay họ lại trốn ra hải đảo, nếu không chiêu an họ, sợ hoàng đế sẽ mang tiếng quên công người hiền. Lưu Bang sai sứ tới đảo tha tất cả các tội cho bọn Điền Hoành, triệu họ trở về làm quan cho triều Hán.
Nhưng Điền Hoành lại sợ Lưu Bang nói không giữ lời, rất không yên tâm, từ chối:
– Tôi là người có tội, tôi đã từng giết sứ thần Lệ Thực Kỳ của bệ hạ, Tôi nghe nói em của Lệ Thực Kỳ là Lệ Thương tướng quân rất nổi tiếng của triều Hán, được hoàng đế tín nhiệm và trọng dụng. Tôi rất không yên tâm nên không dám nghe theo lệnh triệu hồi về triều. BBeej hạ cứ yên tâm, chúng tôi chỉ mong làm một người dân bình thường, sống cuộc đời lâu dài trên hòn đảo này.
 Sứ giả trở về báo cáo với Lưu Bang. Lưu Bang nghe nói rất không vừa lòng, cho rằng Điền Hoành rõ ràng muốn chống đối mình, nhất định phải thu phục được mới yên tâm. Lưu Bang triệu Lệ Thương tới, nói với ông ta:
– Tề vương Điền Hoành muốn trở về đất liền quy thuận triều đình, nhưng ông ta rất sợ nhà ngươi sẽ báo thù cho Lệ Thực Kỳ là anh nhà ngươi. Giờ ta ra lệnh, nếu các ngươi có ai dám hại đến nhà Điền Hoành, ta nhất định sẽ tru di tam tộc.
Lệ Thương không còn biết nói gì, chỉ còn biết lấy việc lớn làm trọng mà nghe lời Lưu Bang, không nhớ đến oán thù nữa.
Lưu Bang lại phái sứ giả ra đảo, tuyên chỉ, nói rõ cho bọn Điền Hoành biết tất cả những chính sách, biện pháp của triều Hán để giải trừ những mối lo lắng của Điền Hoành. Sứ giả còn nói thêm với họ: Các ngươi trở về, có công lớn được phong vương, có công nhỏ được phong hầu. Rồi lại nói thêm: còn nếu không chịu phục tùng sẽ đưa quân lên đảo.
Đến nước này, Điền Hoành biết chỉ còn một cách là dời đảo, về quy thuận. Nếu kháng cự, Lưu Bang nhất định cho quân đến đánh. Nghĩ vậy, Điền Hoành cùng hai người tùy tùng trở về với sứ thần nghe lệnh triều đình.
Khi về tới Thi Thị (Yển Sư, Hà Nam ngày nay), Điền Hoành không khỏi lo sợ. Càng đến gần kinh thành càng cảm thấy sợ hãi, ông ta xin với sứ thần:
– Chúng tôi là thảo dân, nay bái kiến thiên tử, cần tắm gội chỉnh đốn để cho trang trọng, khỏi làm nhơ bẩn đến nơi tôn quý của bệ hạ.
Sứ thần nghe nói có lý, quyết định tạm nghỉ lại để Điền Hoành tắm gội sửa sang. Nhân lúc sứ thấn không có mặt, Điền Hoành nói với hai người tùy tùng:
– Năm đó ta được Hán vương Lưu Bang lập làm Tề vương. Nhưng nay người ta đã là thiên tử mà ta lại thành tù binh của ông ta, nối nhục này thật khó mà chấp nhận được. Ta lại đã giết Lệ Thực Kỳ, giờ lại cùng với Lệ Thương em ông ta cộng sự với Lưu Bang. Cho dù người ta có sợ lệnh thiên tử không dám làm hại chúng ta, nhưng ta còn mặt mũi nào mà nhìn người ta? Lưu Bang rất xảo trá, ông ta triệu ta chẳng qua sợ ta ở lại trên đảo sau sẽ de dọa ông ta. Nhất định muốn ta dời đảo trở về với triều đình chẳng qua để dễ khống chế ta, ông ta phải thấy đầu của ta mới yên tâm. Bây giờ ta chỉ còn cách Lạc Dương của Lưu Bang ba mươi dặm đường. Các ngươi chờ ta cắt đầu mình, mang về cho Lưu Bang, nhất định không được để thối rữa. Phải để cho Lưu Bang tận mắt tin rằng ta đã chết, như vậy chắc ông ta sẽ vừa lòng.
Không để hai người tùy tùng nói thêm, Điền Hoành đã rút kiếm tự sát. Sứ giả và tùy tùng đành mang đầu Điền Hoành về cho Lưu Bang.
Lưu Bang dù trong lòng rất vui, nhưng miệng luôn than thở:
– Chà, ba anh em Điền Hoành nối nhau xưng vương, không phải là những người hiền đức sao có thể làm như thế.
Rồi hạ lệnh hậu táng Điền Hoành theo nghi thức vương hầu, còn cử 2000 lính gác bên mộ, đồng thời, phong cho  hai người tùy tùng của Điền Hoành tước hầu.
Không ngờ, việc mai táng vừa xong, hai người tùy tùng vừa được phong hầu, lập tức tự sát ngay bên mộ của Điền Hoành. Lưu Bang lần này mới thật bất ngờ, cho rằng anh em họ Điền quả là nghĩa khí.
Lưu Bang vội cử sứ thần tới đảo triệu hồi những người đã theo Điền Hoành. Nhưng sứ giả ngay sau đó trở về, báo tin:
– Năm trăm người thân tín của Điền Hoành trên đảo, nghe nói Điền Hoành tự sát cũng lập tức tự sát hết để biểu thị lòng trung với Điền Hoành.
Lưu Bang nghe xong nức nở, thở dài, cảm phục nghĩa khí và lòng trung trinh của năm trăm tráng sĩ, ra lệnh khen thưởng và hậu táng cho họ.


Người dịch: Dương Đình Giao
Chú thích:
  1. Lệ Thực Kỳ: người làng Cao Dương, Trần Lưu (tây nam huyện Kỷ, tỉnh Hà Nam ngày nay), thích đọc sách, người đời gọi là “Cuồng sinh”, sau theo Lưu Bang. Trong cuộc chiến tranh Sở Hán thường được giao nhiệm vụ thuyết khách.
  2. Lịch Hạ: Tề ấp cuối đời Xuân Thu Chiến Quốc, ở phía tây thành phố Tế Nam, Sơn Đông ngày nay. Thành ở chân núi mà thành tên.
  3. Tư tưởng của nhà nho Trung Quốc cổ đại cho rằng: Hoàng đế không những tượng trưng cho quốc gia mà còn là mẫu mực về đạo đức. Hoàng đế tất nhiên phải có thái độ trọng kẻ sĩ, khiến cho mọi nhân tài trong thiên hạ đều có thể về với triều đình, tận lực với nước. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét