XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 13.03. CẢI CÁCH CỦA PHÙNG THÁI HẬU VÀ HIẾU VĂN ĐẾ

 Tháng 5 năm 465, Văn Thành Đế của Bắc Ngụy mất. Bắc Ngụy là triều đình của họ Thác Bạc, tộc Tiên Ty kiến lập ở phương bắc, theo các phong tục tập quán của người Tiên Ty, sau ba ngày, người chết sẽ được làm nghi thức hỏa táng. Hôm đó, văn võ bá quan trong tiếng nhạc thương xót cùng nhau tới nơi làm lễ, người ta đưa thi thể nhà vua cùng các đồ dùng lên đài cao, sau đó đốt lửa.
Ngọn lửa cháy ngày càng lớn, khi thi thể của Văn Thành Đế còn chưa cháy hết, người ta đột nhiên thấy một người đàn bà chừng hai mươi tuổi, tóc xõa chạy tới cùng với tiếng khóc thảm thương hướng về phía đài lửa xem như muốn chết theo.
Những người xung quang vô cùng bất ngờ trước sự việc này. Thì ra đó là Phùng Hoàng hậu. Đang quỳ phía sau, các cung nữ không còn giữ được nghi lễ, vội cùng nhay chạy tới giữ Hoàng hậu lại, không để cho chạy tới gần đài lửa. Một số tôn thất, và văn võ đại thần cũng theo sau, khuyên Hoàng hậu coi xã tắc làm trọng, không thể coi thường mạng sống để chăm lo những người sẽ nốt gót bậc quân vương.
Nhưng Phùng Hoàng hậu vẫn như muốn liều mạng, vừa khóc vừa giãy giụa, hết lần này tới lần khác tìm cách thoát ra sự ngăn cản của mọi người, nhào về phía trước. Cuối cùng, tới khi trước mắt Hoàng hậu chỉ còn ngọn lửa leo lét cháy, thi thể của nhà vua cũng không còn, một cơn đau ghê gớm khiến bà mất hết cảm giác, ngất đi.
Hoàng hậu còn trẻ tuổi mà nhà vua đã tạ thế chính là người sau này đã vươn tới đỉnh cao quyền lực, là nhà chính trị dân tộc thiểu số nổi tiếng trong lịch sử, Phùng Thái hậu.
Lúc đó, nguy cơ của xã hội Bắc Ngụy đã vô cùng nghiêm trọng, thuế thu ngày càng ít đi, quốc khố ngày càng cạn kiệt, những cuộc đấu tranh phản kháng ở các nơi không ngớt bùng phát. Phùng Thái hậu quyết tâm cải cách, xoay chuyển cục diện bất lợi của đất nước.
Nguyên nhân chủ yếu tạo nên tình trạng này là do thế lực của đại địa chủ ở các địa phương ngày càng bành trướng, họ chiếm đoạt ruộng đất của nông dân, cưỡng bức nông dân trở thành người phụ thuộc để tha hồ bóc lột, lại tìm cách trốn tránh việc nộp thuế cho triều đình. Để giải quyết tình trạng này, đại thần Lý Xung đã đề nghị thực hành “tam trường chế” (1). Trên thực tế, việc thực hành “Tô dung điền” đảm bảo quyền khống chế của quốc gia cho nông dân tự canh tác và bảo đảm thu nhập về tài chính.
Phùng Thái hậu triệu tập các đại thần thảo luận ý tưởng này. Có người thể hiện thái độ phản đối, nói sợ dân chúng không tán thành. Lý Xung nói:
– Chỉ cần dân chúng thực hành cho tốt “tam trường chế”, làm lao dịch đều đặn, tô thuế sẽ giảm nhẹ, họ nhất định sẽ ủng hộ.
Lại có người đe dọa, thay đổi thói quen cũ không phải việc dễ dàng, nếu ép buộc thay đổi e sợ có loạn.
Phùng Thái hậu sau một hồi trầm ngâm, dứt khoát kết luận:
– Thói quen cũ tại sao lại không thể thay đổi? Khư khư bảo thủ chỉ làm cho quốc khố trống rỗng, quốc gia suy yếu. Thực hành “tam trường chế”, thu tô thuế có tiêu chuẩn, sẽ có thể kiểm tra được người trốn thuế. Như vậy dân chúng và quốc gia đều có lợi, ta thấy cần phải thực hiện.
Không lâu sau, dưới sự chủ trì của Phùng Thái hậu, Bắc Ngụy lại thực hành “quân điền chế”, đem đất hoang do chính phủ nắm giữ chia cho nông dân cày cấy. Thực hiện hai chế độ này, chế độ chính trị Trung Quốc sau mấy trăm năm đã có cơ sở vững chắc.
Năm 490, Phùng Thái hậu mất, tình hình đất nước đã ổn định, cháu của bà là Hiếu Văn Đế Thác Bạt Hoằng tự nắm đại quyền triều chính, tiếp tục thực hiện các cải cách sâu sắc hơn.
Được sự giáo dục của bà nội, Hiếu Văn Đế đọc nhiều sách, có sự hiểu biết khá sâu sắc với văn hóa Hán. Ông cho rằng , người Tiên Ty muốn đặt chân ổn định ở Trung Nguyên, cần phải vứt bỏ những thiên kiến dân tộc tiếp thụ văn hóa tiên tiến của dân tộc Hán. Lúc đó, kinh đô của Bắc Ngụy ở Bình Thành (2), ở đây khí hậu khắc nghiệt, vị trí địa lý cũng quá gần phía bắc, không có lợi để Bắc Ngụy thống trị khu vực Trung Nguyên, càng không lợi cho việc phát triển về phía nam, thống nhất Trung Quốc.
Việc Hiếu Văn Đế quyết định dời đô về Lạc Dương là một sự kiện lớn, quan hệ rất nhiều tới lợi ích của giới quý tộc Tiên Ty. Phái quý tộc thủ cựu cho rằng đất đai và cuộc sống của họ gắn liền với kinh đô cũ, sợ dời đô, cuộc sống sẽ có nhiều thay đổi, kịch liệt phản đối. Để dời đô, Hiếu Văn Đế đã phải thực hiện một diệu kế.
Mùa thu năm 493, Hiếu Văn Đế đích thân mang ba mươi vạn bộ binh và kỵ binh xuống phía nam chinh phạt nước Tề. Toàn quân đã tới Lạc Dương, đang trong những cơn mưa không dứt của mùa thu, văn võ đại thần đi theo đang nhớ tới thất bại của  Thái Vũ Đế Thác Bạt Đảo trong cuộc nam chinh đánh Lưu Tống còn chưa ai quên. Họ sợ lần ra quân này sẽ chẳng khác gì lần trước, chỉ tốn người hại của mà chẳng  kết quả gì.
Đang trong lúc các đại thần lo lắng, Hiếu Văn Đế bỗng ra lệnh xuất phát tiến về phía nam. Văn võ đại thần thấy quyết định của Hiếu Văn Đế, tất cả kêu lên một tiếng rồi cùng quỳ xuống, cúi đầu xin nhà vua dừng việc nam tiến.
Lão vương gia, một vị đức cao vọng trọng thay mặt mọi người nói với Hiếu Văn Đế những nguy hại khi nam tiến. Hiếu Văn Đế thấy mục đích đã đạt được, bèn nói:
– Chúng ta nam chinh lần này, huy động toàn quân, thanh thế rất lớn, dù thành công hay thất bại, quyết không thể tay không trở về. Nay các ngươi lại không muốn ra trận, vậy hãy nghe lời ta, dời đô từ Bình Thành tới đây. Đợi tương lai, khi có cơ hội, sẽ tiêu diệt nước Tề, thống nhất cả nước.
Các đại thần nghe nói, vui mừng khôn xiết, đồng thanh nói:
– Chỉ cần bệ hạ dừng việc nam tiến, chúng thần nhất định tán thành việc dời đô.
Không lâu sau, tin dừng nam tiến lan truyền khắp toàn quân, mọi người đều hô vang “vạn tuế”. Việc dời đô về Lạc Dương thành công nhờ diệu kế này của Hiếu Văn Đế.
Sau khi  dời đô, Hiếu Văn Đế thực hiện chính sách Hán hóa một cách toàn diện, việc làm của ông hiếm thấy trong lịch sử. Ông ra lệnh cấm mặc quần áo kiểu người Hồ, cấm nói tiếng Tiên Ty, thay đổi họ Tiên Ty toàn bộ thành họ Hán đơn âm. Đổi tên Thác Bạt thành Nguyên, đổi họ của mình thành Nguyên Hoằng. Ông còn ủng hộ các gia đình quý tộc Tiên Ty thông gia với các gia đình quý tộc Hán, bản thân mình cũng chọn một cô gái Hán tộc làm phi, để năm người em trai lấy các cô gáo Hán làm vợ. Công chúa cũng kết hôn với một chàng trai nhà quý tộc Hán.
Nhưng những cái cách của Hiếu Văn Đế chỉ là khúc vĩ thanh cho những việc làm ở Trung Quốc của dân tộc Tiên Ty Thác Bạt. Vì không lâu sau, Bắc Ngụy đã phân chia thành Đông Ngụy và Tây Ngụy, sau lại trở thành Bắc Tề, Bắc Chu. Trong lịch sử, Thác Bạt, Tiên Ty hầu như không còn để lại dấu vết. Nhưng xét theo quan điểm lịch sử, những cải cách khi ấy về một phương diện nào đó đã khiến tộc Tiên Ty và các dân tộc thiểu số khác dần hòa hợp với tộc Hán, mặt khác, nó làm cơ sở cho sự tái thống nhất của Trung Quốc, tránh được sự hỗn loạn không có lợi trong lịch sử.

Chú thích:
(1)  Tam trường chế: 5 nhà hợp thành một lân, 5 lân hợp thành một lý, 5 lý hợp thành một đảng. Lân có lân trưởng, lý có lý trưởng, đảng có đảng trưởng. Các trưởng phụ trách kiểm tra hộ khẩu, thu tô thuế và trưng tập lao dịch.
(2)  Bình Thành: đông bắc Đại Đồng, Sơn Tây ngày nay, là nơi sáng nghiệp sớm nhất của người Thác Bạt, tộc Tiên Ty.
(3)  Thái Vũ Đế Thác Bạt Đảo (408 – 452), ở ngôi 423 – 452, con trưởng của Minh Nguyên đế. Năm 439 thống nhất phương bắc, năm 450 cất quân xuống phái nam đánh Tống nhưng thất bại.
Người dịch: Dương Đình Giao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét