XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 16.02. LÝ TỒN ÚC MÊ KÉP HÁT

Chu Toàn Trung diệt Đường kiến Lương, lên làm vua, đặt đô ở Đại Lương. Khi ấy, ngang ngửa với Chu Toàn Trung là cha con Lý Khắc Dụng (1), Lý Toàn Úc trấn thủ Thái Nguyên.
Lý Khắc Dụng là người có công trong việc trấn áp cuộc khởi nghĩa Hoàng Sào được Đường Hỷ Tông phong Tiết độ sứ Hà Đông. Sau còn được phong Tấn vương. Ông ta dùng binh chiếm cứ một vùng lớn ở Hà Đông (nay là phần lớn tỉnh Sơn Tây và phía nam khu tự trị Nội Mông), trở thành một quân phiệt hùng hậu có sức mạnh.
Sau khi  Lý Khắc Dụng chết, con là Lý Tồn Úc kế thừa chức vị của cha. Lý Tồn Úc là người chiến đấu vô cùng dũng cảm, khi ra trận thường xông lên phía trước, đã mấy lần đại thắng, đánh bại mấy mươi vạn quân Lương. Lương Thái Tổ Chu Toàn Trung vừa  đau vừa giận, mang bệnh rồi bị con giết chết. Sau đó, Lý Tồn Úc lại mang quân lên phía bắc đánh U Châu, giết Lưu Nhân Cung, Lưu Thủ Quang trấn thủ ở đây. Khi quân Khiết Đan tiến về phía nam, năm Hậu Lương Long Đức thứ 3 (923), Lý Tồn Úc diệt Hậu Lương, tiến một bước trong việc thống nhất phương bắc lên ngôi vua, lập triều Đường, định đô ở Lạc Dương, đó là Hậu Đường, ông chính là Đường Trang Tông. Hậu Lương chỉ tồn tại được 16 năm. Lý Tồn Úc diệt Lương lên ngôi, cho rằng mình có công lớn quên đi cái dũng cảm thiện chiến, chỉ chăm lo hưởng lạc. Ông ta đặc biệt thích diễn kịch và đi săn. Khi còn trẻ, ông yêu thích âm nhạc, có thể sáng tác ca khúc. Về sau, khi ra trận, trong lúc hành quân, mọi người đều ca hát. Đánh trận xong, bất kể thắng hay thua, các tướng  sĩ cũng lại cùng nhau ca hát. Chính việc làm này đã có tác dụng cổ vũ tướng  sĩ. Khi lên ngôi, trong cung nuôi nhiều kép hát (2) chuyên môn diễn kịch để ông ta xem. Bản thân ông cũng thường mặc phục trang, cùng các kép hát lên sân khấu diễn kịch. Ông còn tự đặt cho mình nghệ danh là Lý Thiên Hạ.
Một lần, ông ta lên sân khấu diễn kịch, tự nhiên, kêu to lên hai lần:
– Lý Thiên hạ! Lý Thiên hạ!
Kép hát Kính Tân Ma liền đi tới, tát cho ông ta hai cái. Mọi người xung quanh vô cùng hoảng sợ, lo cho Kính Tân Ma đến đổ mồ hôi. Nào ngờ, Kính Tân Ma coi như không có chuyện gì, vừa cười, vừa nói:
– Chỉ có Thiên tử mới “lý thiên hạ” (hai chữ “lý” đồng âm nhưng khác nghĩa), ông sao kêu như thế?
Đường Trang Tông nghe thế có vẻ vui lắm, dù bị tát nhưng cũng không tức giận, thưởng cho Kính Tân Ma rất nhiều.
Đường Trang Tông thường ra ngoài đi săn, mang theo rất nhiều  tướng  sĩ, tùy tùng, kép hát, rồi nhiều chó săn, chim ưng, …Mỗi lần như thế tàn phá rất nhiều hoa màu. Một lần, đoàn săn của nhà vua tới huyện Trung Mâu. Tướng  sĩ chạy tới chạy lui, xua chó săn truy đuổi dã thú khiến cả một vùng rộng lớn hoa màu bị phá nát. Huyện lệnh Trung Mâu thấy thế, không đang tâm, tới trước mặt Đường Trang Tông, nói:
– Bệ hạ để vui trong chốc lát, cho binh lính xéo nát tất cả hoa màu, khiến nông dân mất hết cái ăn, mai kia chỉ có chết đói. Hoàng thượng là cha mẹ của  dân chúng, sao có thể làm như vậy?
Đường Trang Tông nghe thế, tức giận, quát mắng:
– Một viên huyện lệnh tép riu, dám sỉ nhục Thiên tử!
Lập tức hạ lệnh chém đầu. Kính Tân Ma thấy Huyện lệnh vì một câu nói mà bị giết thật là oan uổng, muốn cất lời can nhưng thấy vẻ tức giận của Đường Trang Tông, biết khó có thể nói phải trái với ông ta lúc này. Người kép hát vào vai, bước tới tóm lấy cổ huyện lệnh, mắng:
– Nhà ngươi chỉ là một viên Huyện lệnh, biết Hoàng thượng thích đi săn, sao không bảo dân chúng để đất hoang. Tại làm sao lại để dân đua nhau trồng cấy, cản trở tới việc đi săn của Hoàng thượng? Ngươi không biết trách bản thân mình lại còn to gan dạy bảo Hoàng thượng, tội này đáng vạn lần chết!
Các kép hát đứng xung quanh cùng cười. Đường Trang Tông nghe Kính Tân Ma nói thế, cảm thấy có điều phải suy nghĩ, bên ngoài là trách mắng Huyện lệnh, nhưng thực ra là có ý phê phán mình. Nhà vua không nói gì nhưng cũng nguôi giận, cuối cùng, tha cho Huyện lệnh Trung Mâu. Kính Tân Ma đã làm được một việc tốt. Đường Trang Tông cũng tỏ ra biết tiếp thu ý kiến đúng đắn, không giết hại người vô tội.
Nhưng những việc như thế không nhiều. Do nhà vua rất yêu thích kép hát, nên họ cũng được thể làm càn. Họ có thể tự ý ra vào cung cấm nên coi thường các triều thần, thậm chí cùng Trang Tông làm đùa cợt ầm ĩ. Kép hát được Đường Trang Tông quý nhất là Tiến Cảnh vì biết thỏa mãn ý thích của nhà vua, chuyên môn nghe ngóng những tin tức khắp nơi rồi về nói cho nhà vua nghe. Trang Tông đặc biệt ưa thích nghe những câu chuyện giật gân tầm phào bên ngoài. Ai đắc tội với mình, Tiến Cảnh có thể tự dưng đặt chuyện, “thêm dấm thêm ớt” để nói về người ấy trước mặt Trang Tông khiến người ta khốn khổ. Cho nên trông thấy Tiến Cảnh, ai cũng khiếp sợ. Một số triều thần và thủ lĩnh các phiên trấn đua nhau tặng quà, chỉ mong Tiến Cảnh nói những lời tốt đẹp về mình trước mặt Hoàng thượng, đường làm quan sẽ hanh thông, tương lai sẽ đều đều thăng chức. Đường Trang Tông không nghe các đại thần, lại nghe theo một anh kép hát để dùng người khiến các võ tướng , văn quan thật sự có công, có tài bị bỏ qua, kẻ vô tài bất lực lại được trọng dụng.
Đường Trang Tông có cuộc sống hủ bại, thường cho các kép hát hay hoạn quan đi các nơi tìm con gái đẹp bất kể thuộc hạng người nào đưa về cung hành lạc.
Cuối triều Đường, các hoạn quan đã được loại bỏ, Lương Thái Tổ Chu Toàn Trung cũng không sử dụng hoạn quan. Đến đời Đường Trang Tông, ông ta hạ lệnh chiêu tập hoạn quan triều Đường còn ở các nơi, vào cung để sai khiến. Hoạn quan ngày càng nhiều, có tới gần một nghìn người. Nhà vua ưu đãi hoạn quan, coi họ là những người tâm phúc của mình. Nghe lời xúi bẩy của hoạn quan, Đường Trang Tông đem ngân quỹ quốc gia chia làm hai loại “nội phủ” và “ngoại phủ”. Ngoại phủ là tiền bạc chi cho việc quốc gia, “nội phủ” là tiền để chi dùng vào việc riêng của nhà vua và ban thưởng. Kết quả, “ngoại phủ” thường trống rỗng, tiền của “nội phủ” thì chất cao như núi. Đường Trang Tông còn nổi tiếng keo kiệt, tiền tài đã nhiều, nhưng không muốn chăm lo đời sống quân sĩ. Những người đã từng giúp ông ta lên ngôi vẫn thường ăn đói mặc rách. Vua cũng bạc đãi công thần, người có công không được tín nhiệm, trọng dụng mà còn bị giết hại. Vì thế, Đường Trang Tông chỉ trị vì được có bôn năm, bị mọi người xa cách, cuối cùng, trong một lần binh biến, trúng tên mà chết.
Sau Đường Trang Tông, còn có ba Hoàng đế là Minh Tông, Mẫn Tông và Mạt Tông. Hậu Đường tồn tại sau một thời gian ngắn chỉ có 14 năm, cuối cùng, bị Từ Kính Đường lật đổ.
 Người dịch: Dương Đình Giao

Chú thích:
  • Lý Khắc Dụng (856 – 908), người Sa Đà, thuộc dân tộc thiểu số phương bắc, vốn họ Chu Da, Lý là họ do triều Đường ban cho, hỏng một mắt nên thường được gọi “Độc nhãn long”, tham gia đàn áp khởi nghĩa Hoàng Sào nên được phong Tiết độ sứ Hà Đông.
  • Linh nhân: tức Linh quan, có từ đời Chu, coi việc vũ nhạc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét