Thời Sở Hán tranh hùng, Lưu Bang để mua chuộc các bộ hạ, trước sau đã phong 7 “dị tính vương” (vương khác họ). Sở Hán tranh hùng kết thúc, các dị tính vương chiếm một vùng đất lớn, có cả binh lính, trở thành mối đe dọa lớn cho thiên hạ của họ Lưu.
Thỏ chết, giết chó săn, Lưu Bang cũng muốn thanh toán các dị tính vương này. Trong quá trình đó, Lữ Hậu (tên là Lữ Trĩ, vợ của Lưu Bang) có thể nói đã bộc lộ hết bộ mặt hung tàn của mình. Đầu tiên, Hàn Tín bị giáng làm Hoài Âm hầu. Hán Cao Tổ vốn chưa có ý giết ông ta, nhưng thừa lúc Hán Cao Tổ đi bình định phản loạn bên ngoài, Lữ Hậu lập mưu, lừa Hàn Tín vào cung Vi Ường (1), cho vào nhà chuông rồi ngầm giết chết.
Đại tướng Bành Việt cũng bị Lữ Hậu đẩy đến chỗ chết. Ông ta bị có người vu cáo mưu phản, Hán Cao Tổ thấy ông ta có công lớn, chứng cứ mưu phản không đầy đủ nên không muốn giết, chỉ tước chức rồi đưa ông ta vào đất Thục. Lữ Hậu nói với Hán Cao Tổ:
– Bành Việt là người có bản lĩnh, để cho hắn vào ở Tứ Xuyên, có phải là lưu lại hậu họa không? Sao không giết hắn đi! Thiếp đã đưa hắn trở lại Trường An rồi.
Bà ta tìm người làm chứng tố cáo Bành Việt, rồi giết chết, lại diệt tam tộc của Bành Việt: cha mẹ, anh em, vợ con.
Diệt xong “dị tính vương”, Lưu Bang cùng với văn võ bá quan giết ngựa trắng ở Thái miếu, thề:
– Từ nay về sau, phàm là không phải họ Lưu, nhất định không được phong vương; phàm là không có công, nhất định không được phong hầu.
Lưu Bang muốn tất cả đại thần văn võ đều thề. Đây chính là “Bạch mã minh ước” nổi tiếng.
Tháng 4 năm 195 trước CN, Lưu Bang ốm nặng, tự biết không lâu nữa sẽ chết. Lữ Hậu thấy sinh mệnh Hán Cao Tổ chỉ còn tính bằng ngày, muốn biết việc sau này Hán Cao Tổ chết thế nào, đã hỏi:
– Sau khi bệ hạ trăm tuổi, Tiêu tướng quốc nếu như cũng chết, ai có thể thay thế ông ta?
Hán Cao Tổ nói:
– Tào Sâm có thể thay thế.
Lữ Hậu lại hỏi:
– Ai có thể thay Tào Sâm?
Hán Cao Tổ nói:
– Vương Lăng có thể thay thế, chẳng qua ông ta có lúc lộ cái ngu ngốc, có thể dùng Trần Bình giúp ông ta. Trí mưu của Trần Bình có thừa, nhưng không thể một mình đảm đương. Chu Bột tuy nói có nhiều thiếu sót về văn hóa, nhưng thận trọng, nhân hậu, tương lai an định được thiên hạ của họ Lưu chính là ông ta, có thể phong ông ta làm Thái úy.
Lữ Hậu lại hỏi tiếp, Hán Cao Tổ trả lời:
– Còn sau nữa, bà cũng chết rồi, sắp xếp thế nào, bà cũng không thể biết được.
Không lâu sau, Hán Cao Tổ Lưu Bang mất.
Hán Cao Tổ chết, Lữ Hậu bắt đầu hành động. Bốn ngày bà ta không phát tang, lại ngầm cùng với người của mình là Thẩm Thực Kỳ âm mưu sát hại công thần. Bà ta nói với Thẩm Thực Kỳ:
– Mấy đại tướng của triều đình, ban đầu đều cùng với hoàng đế là dân chúng như nhau, sau đó lại xưng thần với hoàng đế, trong lòng chắc không vui. Bây giờ, họ lại phải phò tá một ông vua trẻ tuổi, họ có thể vui vẻ tự nguyện không? Ta thấy nếu không giết sạch bọn họ, thiên hạ khó mà thái bình.
Có người nghe thấy mưu mô của Lữ Hậu và Thẩm Thực Kỳ, vội đi báo cáo với đại tướng Lệ Thương. Lệ Thương tìm đến Thẩm Thực Kỳ, nói:
– Tôi nghe nói hoàng đế mất đã được bốn ngày, không phát tang, còn tính chuyện giết hại công thần, nếu đúng như thế, thiên hạ sẽ nguy. Trần Bình, Quán Anh có mười vạn binh mã đóng giữ Vinh Dương; Phàn Khoái, Chu Bột có hai mươi vạn binh mã đang bình định ở Yên, Đại, nếu họ nghe nói Hoàng đế đã mất, triều đình muốn giết công thần, nhất định sẽ liên kết với nhau tạo phản. Như vậy, thiên hạ sẽ đại loạn chăng?
Thẩm Thực Kỳ đem lời của Lệ Thương nói với Lữ Hậu. Lữ Hậu nghe xong mới không dám làm bậy, đành phải phát tang, lại lập Thái tử Lưu Doanh làm Hoàng đế, chính là Hán Huệ Đế.
Hán Huệ Đế 17 tuổi lên ngôi, hiểu việc đời chưa nhiều, tính cách do dự, thiếu quyết đoán, lại thêm cơ thể không khỏe, quyền lực toàn do mẹ là Lữ Hậu nắm giữ. Lữ Hậu dùng thủ đoạn tàn bạo trước sau giết Triệu Ẩn Vương Lưu Như Ý, Triệu U Vương Lưu Phát, bức tử Triệu Công Vương Lưu Khôi, Yên Linh Vương Lưu Kiến. Trong mấy năm, giết bốn trong số tám người con của Hán Cao Tổ. Còn Tề Điêu Huệ Vương Lưu Phì, suýt nữa cũng bị Lữ Hậu giết, sau do anh ta hiến thàng Dương Quận cho công chúa Lỗ Nguyên con của Lữ Hậu mới đổi được tính mạng.
Thủ đoạn của Lữ Hậu giết hại Triệu Ẩn Vương Lưu Như Ý và mẹ là Thích phu nhân có thể nói là tàn bạo đến cực điểm. Vốn tính cách của Như Ý rất giống Hán Cao Tổ, là đứa con được Hán Cao Tổ yêu quý nhất. Hán Cao Tổ trước đây đã muốn phế truất thái tử Lưu Doanh do dự, thiếu quyết đoán, lập Như Ý làm thái tử, nhưng do sự phản đối của các đại thần mà việc không thành. Sau khi Hán Cao Tổ chết, trước hết, Lữ Hậu đưa Thích phu nhân mẹ của Như Ý vào lãnh cung, cho bà ta một cái gông sắt của tù nhân đeo lên cổ, mặc quần áo của tù nhân, phạt bà mỗi ngày từ sớm đến tối phải giã được một lượng gạo nhất định, không được ăn cơm.
Sau đó, Lữ Hậu đưa Triệu Ẩn Vương Như Ý từ đất phong về kinh thành, chuẩn bị giết hại. Hán Huệ Đế Lưu Doanh từ nhỏ đã cùng Như Ý chơi đùa, tuy là anh em khác mẹ nhưng tình cảm rất hòa hợp. Hán Huệ Đế nghe nói mẹ triệu Như Ý về, biết là lành ít dữ nhiều, vội đưa Như Ý vào cung, bữa ăn giấc ngủ đều cùng nhau, bằng mọi cách bảo vệ cho Như Ý. Do được Huệ Đế bảo vệ, qua mấy tháng, Lữ Hậu vẫn chưa làm gì được Như Ý.
Một hôm, Hán Huệ Đế dậy sớm đi săn. Như Ý vì ngủ muộn không thể đi cùng. Lữ Hậu tìm được cơ hội, cho người mang rượu độc tới, bắt Như Ý phải chết. Như Ý chết rồi, Lữ Hậu cho người chặt chân tay của Thích phu nhân, khoét con ngươi, chọc điếc tai, đổ thuốc cho câm, gọi bà là “nhân trệ” (thời cổ gọi lợn là “trệ”), nhốt vào nhà xí. Qua mấy ngày, Lữ Hậu gọi Hán Huệ Đế đến xem “nhân trệ”. Hán Huệ Đế vừa nhìn, thấy “nhân trệ” không có tay chân, lại vừa mù, vừa điếc, vừa câm, chính là Thích phu nhân, một người vốn được cha mình là Hán Cao Tổ yêu quý nhất, kêu lớn một tiếng, ốm hơn một năm. Trong lúc bị bệnh, nhà vua cho người mang thư tới Lữ Hậu: “đem con người hại đến như thế này, còn có thể là hành vi của con người được không? Tôi là con của bà, thật là không thể cai trị được thiên hạ!” Từ đó nhà vua suốt ngày từ sáng đến tối chỉ uống rượu hưởng lạc, không chú ý gì đến quốc gia dại sự, đến 7 năm 8 tháng sau ngày lên ngôi, chết trong sầu muộn.
Sau khi Hán Huệ Đế chết, Lữ Hậu giả khóc một hồi, nhưng không có một giọt nước mắt. Trương Hoàng hậu của Hán Huệ Đế thực ra không sinh con. Lữ Hậu bảo bà ta độn các thứ vào trong áo, giả mang thai. Đến khi một cung phi sinh con, bèn giả làm Hoàng hậu sinh, rồi đem cung phi kia giết đi để diệt khẩu. Hán Huệ Đế chết, đứa con này nối ngôi làm Hoàng đế, sử gọi là Thiếu Đế. Lên ngôi, Thiếu Đế chỉ là bù nhìn, tất cả mọi mệnh lệnh đều từ Lữ Hậu mà ra, bà thực tế đã hành xử bằng quyền lực của Hoàng đế.
Sau khi Lữ Hậu thoán quyền, muốn phong cho con cháu của họ Lữ làm vương, củng cố địa vị cho mình. Trước hết, bà trưng cầu ý kiến của Hữu thừa tướng Vương Lăng. Là người ngay thẳng, Vương Lăng hiểu dụng ý của Lữ Hậu, phản đối:
– Không được! Khi Hán Cao Tổ còn sống, đã từng giết ngựa trắng thề, quy định “không phải người họ Lưu không được phong vương, người không có công lao không được phong hầu”, ai không tuân thủ minh ước sẽ bị trừng trị. Bây giờ, bà lại phong vương cho người họ Lữ, việc này phạm vào minh ước, tôi không thể đồng ý.
Lữ Hậu nghe rất không vui. Qua mấy ngày, bà miễn chức vụ của ông ta, cho ông làm thầy của Thiếu Đế. Vương Lăng tức giận, cáo bệnh, xin về quê. Loại bỏ được Vương Lăng, Lữ Hậu thăng Tả thừa tướng Trần Bình làm Hữu thừa tướng, cử Thẩm Thực Kỳ là người thân tín của mình làm Tả Thừa tướng.
Rồi Lữ Hậu tiếp tục phong lớn cho người nhà họ Lữ. Cháu là Lữ Đài làm Lữ vương, có đất phong ở quận Tế Nam. Phong Lữ Sản làm Lương vương (sau lại đổi là Lữ vương), Lữ Lộc là Triệu vương. Con của Lữ Đài là Lữ Thông làm Yên vương. Lại còn phong sáu người nữa của họ Lữ làm hầu. Các đại thần tức giận nhưng không dám nói, đành phải thuận theo.
Lại nói Thiếu Đế bù nhìn đến khi đã lớn, Lữ Hậu sợ bị uy hiếp, bèn giết đi, tìm người là con cháu của Lưu Hoằng làm Hoàng đế, bản thân vẫn nắm đại quyền triều chính như cũ. Đến lúc này, Lữ Hậu và con cháu họ Lữ đã giành được thiên hạ của họ Lưu.
Đến khi Lữ Hậu chết, anh em nhà họ Lưu mới dám nổi dậy chống lại, nhiều đại thần đã khuất phục họ Lữ như Trần Bình, Chu Bột (2) bây giờ mới dám giúp họ Lưu tiễu trừ họ Lữ, lập Lưu Hằng làm vua, tức Hán Văn Đế.
Người dịch: Dương Đình Giao
Chú thích:
- Cung Vị Ường: Thời Tây Hán, kiến trúc cung điện chủ yếu là quần thể. Năm 202 trước CN, Thừa tướng Tiêu Hà chủ trì việc xây dựng, lúc đó có Đông khuyết, Bắc khuyết, Tiền điện, Võ khố, Thái thương. Sau lại mở rộng thêm.
- Lúc đó Trần Bình làm Thừa tướng, Chu Bột làm Thái úy (nắm toàn bộ công việc quân chính), nắm quyền lớn mới có thể đương đầu với họ Lữ.
- Hán Văn Đế: ở ngôi 180 – 157 trước CN, con của Cao Tổ. Thời gian ở ngôi, thực hành chính sách an dân, trật tự xã hội tương đối ổn định, kinh tế được khôi phục và phát triển, cùng với thời Cảnh Đế cai trị sau đó, được gọi “Văn Cảnh chi trị”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét