Người dịch: Dương Đình Giao
Thời kỳ Nam Tống, nhiều đại thần nối tiếp nhau giành lấy chuyện triều chính, bắt đầu là Hoàng Tiềm Thiện, sau là Tần Cối, rồi đến Sử Di Viễn. Họ nguời thì sát hại trung thần, nguời thì muốn lật đổ ngôi vua, tuy thủ đoạn khác nhau, nhưng đều có chung một đặc điểm, đó là đều chú trương nghị hòa, đầu hàng khuất phục.
Đến cuối đời Nam Tống, quyền thần Giả Tự Đạo chuyên quyền bán nước, vừa từng bước đem triều đình Nam Tống dâng cho triều Nguyên tràn vào Trung nguyên, trở thành kẻ nịnh thần lớn nhất trong suốt thời kỳ Nam Tống.
Thời còn trẻ tuổi, Giả Tự Đạo là kẻ chỉ quen ăn chơi, vô nghề nghiệp, ngày ngày tụ tập cờ bạc, mọi người coi hắn như một kẻ lưu manh vô lại. Về sau, nhờ dựa vào quan hệ của cha hắn mới làm một chức quan nhỏ. Rồi khi em gái được tuyển vào hậu cung trở thành quý phi của Tống Lý Tông, đường làm quan của hắn mới hanh thông, làm Thái thường thị và Quân khí giám. Giả Tự Đạo nhờ mang thân phận quốc cữu, lại có tài ăn nói giảo hoạt, rất nhanh chóng được Tống Lý Tông yêu chiều. Nhưng hắn không chú ý tới các hành vi của mình, thường lợi dụng chức vụ để tham lam tiền bạc, lại thường tới các kỹ viện buổi tối cũng chẳng về nhà, rồi yến tiệc ở Tây Hồ, ngày lại ngày đắm chìm trong những cơn say khướt.
Thời Lý Tông, nguời Mông Cổ ở phương bắc đã mạnh lên. Năm 1234, Mông Cổ tiêu diệt nước Kim, bắt đầu nhòm ngó Nam Tống, mơ tưởng đến mảnh đất địa linh nhân kiệt nhiều sản vật ở vùng đất Giang Nam. Năm 1235, quân đội Mông Cổ mở cuộc tấn công Nam Tống. Tháng 9 năm 1259, Hốt Tất Liệt cho quân bao vây Ngạc Châu (nay là Vũ Hán, Hồ Bắc). Ngạc Châu gặp nguy trong gang tấc.
Tống Lý Tông lệnh cho Giả Tự Đạo mang quân trợ chiến, nhưng kẻ tham sống sợ chết này không dám đối mặt với quân Mông Cổ dũng mãnh, mặt cắt không còn hột máu, nhưng vẫn luôn miệng kêu:
– Hạ thần xin có mặt ngay!
Nhưng sau đó cầu hòa với Hốt Tất Liệt.
May vào lúc đó, nội bộ quân Mông Cổ phát sinh mâu thuẫn, Hốt Tất Liệt chấp nhận lời cầu hòa của Giả Tự Đạo và rút quân. Giả Tự Đạo mừng như điên, trong lòng đã nghĩ ngay đây chính là cơ hội để thăng quan.
Hắn ba hoa với Tống Lý Tông là mình chỉ huy giỏi, lại anh dũng thiện chiến mới có thể đánh lui được quân Mông Cổ. Tống Lý Tông vốn là nguời hồ đồ tưởng thật, bèn thăng cho Giả Tự Đảo lên làm Thứ tướng, thứ bậc chỉ đứng sau Tể tướng Ngô Tiềm.
Giả Tự Đạo chỉ muốn giành lấy toàn bộ quyền lực, thề sẽ nhất định diệt được Ngô Tiềm đang như cái đinh trong mắt. Hắn lợi dụng việc giữa Tống Lý Tông và Ngô Tiềm đang có những bất đồng trong việc lập Hoàng Thái tử, nói xấu Ngô Tiềm trước mặt Tống Thái Tông, lại ra sức ủng hộ Tống Lý Tông trong việc lập nguời cháu là Triệu Kỳ làm Hoàng thái tử.
Tống Lý Tông nghĩ: “Giả Tự Đạo đối với mình chân thành thẳng thắn, chỉ giận Ngô Tiềm không biết đối xử như thế.” Nên bãi chức quan của Ngô Tiềm, đưa ông ta tới miền biên viễn Tuần Châu, để Giả Tự Đạo thay làm Tể tướng. Giả Tự Đạo chưa toại nguyện, còn cử nguời tới Tuần Châu hạ độc Ngô Tiềm.
Tống Độ Tông Triệu Kỳ sau khi lên ngôi Hoàng đế để cảm ơn Giả Tự Đạo đã giúp đỡ mình càng thêm tin cậy chiều chuộng. Mỗi lần Giả Tự Đạo vào triều, nhà vua đều vái đáp với Giả Tự Đạo, cung kính gọi Giả Tự Đạo là “sư thần”. Giả Tự Dạo vốn gian trá xảo quyệt, thấy nhà vua suốt ngày đam mê tửu sắc, hèn yếu không dời được mình, bèn thường dở thủ đoạn dọa từ chức âm mưu giành được ngôi vị và quyền hành lớn hơn.
Năm 1265, sau khi tu sửa phần mộ Tống Lý Tông, Giả Tự Đạo vừa cho kẻ thân tín là Lữ Văn Đức hoang báo tin quân Mông Cổ tiến đánh Hạ Đà (nay là Chi Giang Đông, Hồ Bắc) vừa tuyên bố từ quan về quê ở Đài Châu. Nghe nói quân Mông Cổ xâm lăng, Tống Độ Tông đứng không vững; lại thấy Giả Tự Đạo nói từ quan, càng hoảng hồn khiếp vía. Để giữ chân Giả Tự Đạo, nhà vua truyền Thánh chỉ mời Giả Tự Đạo lập tức hồi triều chấp chính đại quyền. Về triều, Giả Tự Đạo vẫn vờ nói sẽ từ chức hồi hương. Tống Độ Tông vô cùng lo lắng, không biết làm thế nào, phải quỳ xuống trước mặt Giả Tự Đạo, xin ông ta lưu lại. Đại thần Giang Vạn Lý đứng bên cạnh, thấy thế phải tới trước mặt Tống Độ Tông nghiêm giọng, nói:
– Từ cổ tới nay, chỉ có thần lạy vua, không có việc vua phải vái thần. Giả Tự Đạo chẳng đã nói từ quan nhiều lần rồi sao.
Giả Tự Đạo không nói gì, rồi giả giật mình, nói với Giang Vạn Lý:
– Hôm nay nhờ có ngài, nếu không tôi đã trở thành kẻ mang tội với thiên cổ.
Thực ra, Giả Tự Đạo vẫn mang mối hận Giang Vạn Lý trong lòng, về sau đã tìm cơ hội cách chức Giang Vạn Lý.
Mấy năm sau, Giả Tự Đạo lại diễn lại trò ấy, Tống Độ Tông lại vội thăng quan cho hắn, phong làm Bình chương quân quốc trọng sự (3), đem cả quốc gia phó thác cho hắn. Vua còn thưởng cho Giả Tự Đạo Cát Lĩnh, Tây Hồ, cho hắn đưa cha mẹ tới đó phụng dưỡng. Vua còn cho hắn quyền ba ngày mới phải vào triều, bình thường, có thể xử lý công việc ở nhà. Ân sủng và thực quyền của Giả Tự Đạo vượt qua tất cả các Tể tướng trong lịch sử triều Tống. Tống Độ Tông khi ấy chẳng khác gì một bù nhìn.
Từ 3 ngày vào triều một lần, Giả Tự Đạo lại đổi thành 10 ngày vào triều một lần. Quốc gia có việc gì phải tìm đến hắn để bàn bạc bằng cách cho nguời mang công văn tới nhà hắn. Nhưng hắn chỉ thích ăn chơi, đem mọi việc giao cho vài môn khách như Liêu Huỳnh, Ông Ứng Long xử lý.
Giả Tự Đạo dùng tiền tài vơ vét được xây dựng ở Cát Lĩnh nhà cửa to đẹp. Hắn thích đánh bạc bèn cho tìm những con bạc khắp nơi, tụ tập để sát phạt lẫn nhau. Hắn còn say mê nữ sắc, thậm chí cả ni cô hay kỹ nữ, chỉ cần xinh đẹp là hắn lấy làm vợ bé.
Giả Tự Đạo còn cho xây dựng “Đa bảo các”, sưu tầm đủ các thứ quý hiếm. Hắn còn cùng rất nhiều vợ bé đắm chìm trong tiếng dế kêu không dứt mà quên hết những việc quốc gia đại sự.
Trong khi Giả Tự Đạo say đắm rượu chè cờ bạc, quân Mông Cổ lại tiến xuống phía nam, bao vây Tương Dương, Phàn Thành những yếu địa chiến lược của Nam Tống. Quân dân Tương Phàn cùng nhau kháng chiến nhưng địch mạnh ta yếu, lực lượng chênh lệch, tình hình vô cùng nguy cấp. Chủ soái Tương Phàn là Lữ Văn Hoán xin Giả Tự Đạo cho quân tiếp viện, nhưng hắn như không nghe thấy vẫn ngày ngày vui chơi. Hắn còn không cho nguời khác báo tin cho Tống Độ Tông, thậm chí còn lừa dối nhà vua:
– Bệ hạ cứ yên tâm hưởng lạc, binh lực triều ta rất mạnh, bọn giặc Mông Cổ không dám xâm phạm, thiên hạ vẫn thái bình an lạc.
Về sau, Tống Độ Tông nhờ một cung nữ mà biết Tương Phàn đã bị quân Mông Cổ vây hãm đã 3 năm, trở thành tòa thành bị phong tỏa, tình hình rất nguy cấp. Giả Tự Đạo vẫn an ủi nhà vua:
– Quân Mông Cổ sợ hãi quân triều ta nhất định sẽ sớm rút lui. Không biết Bệ hạ đã nghe kẻ nào nói những lời xằng bậy ấy.
Tống Độ Tông bèn nói:
– Ta nghe một cung nữ nói.
Giả Tự Đạo lập tức cho điều tra danh tính của cung nữ rồi giết chết, từ đó không còn ai dám đưa những tin tức từ tiền tuyến nói với Tống Độ Tông nữa.
Tương Phàn thất thủ, giang sơn của Nam Tống mất dần. Giả Tự Đạo vẫn không nghĩ gì đến số phận của quốc gia. Các chí sĩ yêu nước đề xuất chủ trương kháng chiến, hắn vẫn không thèm ngó ngàng đến, lại còn tìm cách trả thù. Đại thần Uông Lập Tín viết một bức thư gửi Giả Tự Đạo kiến nghị hai điều. Nhận được thư, Giả Tự Đạo chửi mắng ông là “hạt nhãn tặc” (ông vốn bị hỏng một mắt), rồi tìm cách bãi chức ông.
Dựa vào quyền thế, Giả Tự Đạo vẫn cố làm ra vẻ đất nước thái bình, cuối cùng tình cảnh đất nước không còn cách nào cứu vớt được nữa.
Chiếm được Tương Phàn, thế của quân Mông Cổ như chẻ tre, men theo bờ sông Trường Giang tiến về phía đông. Tống Độ Tông chết trong sợ hãi và chán nản, con là Triệu Hiển nối ngôi. Trước dư luận của quân dân, Giả Tự Đạo bị biếm đến Tuần Châu. Trên đường đi tới am Mộc Miên (nay là Thành Nam, Chương Châu, Phúc Kiến) bị nguời áp giải là Trịnh Hổ Thần giết chết. Nhưng sự diệt vong của Nam Tống thì không còn cách nào cứu vớt.
Chú thích:
- Thái thường thị: Quan lo những việc tế lễ, phong thưởng… Quan khí giám: quan lo việc chế tạo binh khí, giáp nỏ, …
- Ngô Tiềm (1196 – 1262), nguời Ninh Quốc, Tuyên Châu Nam Tống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét