Chuyện Dương gia tướng chống Liêu được nhiều người biết, người đời sau không ngừng thêm thắt khiến có nhiều chuyện khá kỳ lạ.
Người dịch: Dương Đình Giao
Đúng là có một Dương gia tướng thời Bắc Tống, ban đầu, ông được gọi là Dương Nghiệp, rồi có tên Kế Nghiệp, vốn là một Đại tướng của Bắc Hán. Sau khi Bắc Hán bị Bắc Tống tiêu diệt, ông trở thành Tướng quân cho Bắc Tống. Đầu tiên, ông làm Thích sử Trịnh Châu, sau đổi đến làm Thích sử Đại Châu (nay là huyện Đại, tỉnh Sơn Tây), bảo vệ vùng biên cương phía bắc của Bắc Tống. Vì dũng cảm, thiện chiến, cho nên, ông được người ta gọi là “Dương vô địch”.
Sau trận sông Cao Lương (Cao Lương hà chi chiến), quân Liêu không ngừng tiến về phía nam. Năm Liêu Càn Hanh thứ 2 (980), quân Liêu lại đem mười vạn quân xâm phạm Nhạn Môn Quan (1). Dương Nghiệp trấn thủ Đại Châu mang hơn trăm kỵ binh từ một con đường nhỏ tới phía bắc Nhạn Môn Quan. Quân Liêu không ngờ bị quân Tống đánh từ sau lưng, lại không biết quân Tống có bao nhiêu người ngựa, phải bỏ chạy. Kết quả, Dương Nghiệp thắng trận. Tin thắng lợi truyền tới kinh thành, Tống Thái Tông rất vui mừng, đặc cách thăng quan cho ông.
Từ đó, uy vọng của Dương Nghiệp ngày càng cao. Cũng vì thế, ông bị nhiều quan lại ghen ghét. Phan Mỹ, một chủ tướng phòng thủ biên giới dâng sớ nói xấu Dương Nghiệp với Tống Thái Tông. Nhưng Tống Thái Tông đem tấu chương của Phan Mỹ đưa cho Dương Nghiệp xem, tỏ ý vẫn tín nhiệm ông.
Sau khi Liêu Cảnh Tông chết, Liêu Thánh Tông mới 12 tuổi nối ngôi. Tống Thái Tông thấy Liêu Thánh Tông còn ít tuổi cho rằng cơ hội để thu phục 16 châu Yên Vân đã tới, quyết tâm đưa quân để lấy lại những vùng đất đã mất trước đây. Năm Tống Ung Hy thứ 3 (986), Tống Thái Tông chia quân làm ba đường, tiến vào nước Liêu. Phía đông do Đại tướng Tào Bân chỉ huy quân chủ lực tiến vào U Châu; ở giữa, Điền Trọng chỉ huy đánh vào khu vực tây bắc Hà Bắc và đông bắc Sơn Tây; phía tây do Phan Mỹ chỉ huy mang quân đánh vào vùng phía bắc Sơn Tây. Sau đó, ba cánh sẽ hợp quân lấy lại U Châu. Dương Nghiệp ở cánh phía tây, làm Phó tướng cho Phan Mỹ.
Phan Mỹ, Dương Nghiệp đều dũng cảm, thiện chiến, rất nhanh chóng chiến được đất của 4 châu: Hoàn (phía đông huyện Sóc, tỉnh Sơn Tây ngày nay), Sóc (huyện Sóc tỉnh Sơn Tây ngày nay), Ứng (huyện Ứng, tỉnh Sơn Tây ngày nay) và Vân, thu lại được đại bộ phận vùng đất đã mất ở tây bắc Sơn Tây.
Đang khi quân của hai ông liên tiếp giành được thắng lợi,, không ngờ, cánh quân phía đông thất bại ở Trác Châu. Tống Thái Tông thấy đội quân chủ lực bất lợi, liền vội hạ lệnh rút quân. Phan Mỹ, Dương Nghiệp theo lệnh lui về Đại Châu. Không lâu sau, quân Tống lại rút khỏi Ứng Châu. Quân Liêu thừa cơ giành lại Hoài Châu, hình thế vô cùng khẩn trương.
Triều đình Tống hạ lệnh đưa dân ở bốn châu Hoàn, Sóc, Ứng, Vân tản cư vào sâu trong nội địa, yêu cầu quân lính của Phan Mỹ, Dương Nghiệp phải yểm hộ cho dân trong cuộc rút chạy này.. Nhưng Hoàn Châu và Ứng Châu đã mất, Vân Châu ở xa phía sau lưng địch, Sóc Châu cũng nằm sát vùng đất của địch, việc sơ tán dân gặp rất nhiều khó khăn.
Dương Nghiệp đã có nhiều năm tác chiến ở nước Liêu, đưa ra một phương án đáng tin cậy. Ông nói:
– Bây giờ, thực lực của quân địch tương đối mạnh, cần phải tạm thời tránh mũi nhọn của chúng, không nên đối chọi. Chúng ta cần trước hết giả như chuẩn bị đánh vào Ứng Châu, quân địch nhất định sẽ đưa quân tới ứng chiến, ta sẽ bí mật cho người hẹn trước với các tướng đang trấn giữ ở hai châu Vân, Sóc, yêu cầu họ lợi dụng thời cơ nhanh chóng đưa dân chúng chạy về phía nam. Quân ta sẽ đưa ba nghìn tay cung tên và kỵ binh hỗ trợ. Dân chúng sẽ có thể an toàn rút lui.
Ông vừa nói xong, Giám quân Vương Sằn phản đối:
- Chúng ta có mấy vạn tinh binh, làm sao phải nhát gan sợ hãi! Cần phải theo đường lớn tới Nhạn Môn Quan, rồi tiến tới Sóc Châu, sau đó sẽ đánh vào Hoàn Châu.
Ông ta còn cạnh khóe Dương Nghiệp:
– Tướng quân đã có tên là “vô địch”, sao vừa thấy địch đã không dám tiến, không dám đánh, có lẽ ngài không nghĩ được cách khác hay hơn sao?
Dương Nghiệp rất tức giận, nhưng ông không muốn tranh luận với Vương Sằn, cố kìm giọng:
– Tôi không sợ chết, chỉ vì thời cơ bất lợi, không muốn đẩy binh lính vào chỗ chết. Ông chỉ trích tôi như thế, tôi sẽ đưa quân đi.
Phan Mỹ sáng suốt biết đưa quân đi như thế lành ít dữ nhiều, nhưng từ lâu đã ganh ghét tài năng của Dương Nghiệp nên không ngăn cản. Trước khi đưa quân xuất phát, Dượng Nghiệp rơm rớm nước mắt, nói với Phan Mỹ:
– Lần này ra quân, nhất định bất lợi. Ta muốn chờ đợi thời cơ để giết địch lập công vì quốc gia. Giờ đây, ta muốn được chết trong tay kẻ địch.
Rồi ông nói tiếp:
- Các ngươi chuẩn bị sẵn bộ binh và cung tên ở Trần Gia Cốc đi tiếp ứng cho ta.
Nói xong, mang theo người ngựa, tiến thẳng tới Sóc Châu. Con ông là Dương Diên Ngọc và Thích sử Nhạc Châu Vương Quý cũng đi theo.
Quân Liêu nghe nói Dương Nghiệp tới bèn mang đại quân bao vây quân Tống. Cha con Dương Nghiệp cùng bộ hạ của ông tuy chiến đấu dũng cảm, nhưng quân số ít không địch nổi số đông, suốt từ trưa tới gần tối chỉ còn lại hơn trăm người, không dễ phá vòng vây trùng điệp, vừa đánh vừa rút về phía Trần Gia Cốc, nhìn ra thấy Phan Mỹ đang đưa quân tiếp ứng.
Vốn Phan Mỹ, Vương Sằn đợi đã lâu không thấy tin tức của Dương Nghiệp cho rằng quân Liêu đã bị Dương Nghiệp đánh bại, Vương Sằn sợ Dương Nghiệp một mình lập công lớn, muốn “dây máu ăn phần” nên vội mang quân dời khe núi. Phan Mỹ cũng đưa quân tiến theo hướng tây nam. Không lâu sau, họ nghe nói Dương Nghiệp đã thua trận bèn vội rút về, thêm một lần nữa cố tình không tiếp ứng cho Dương Nghiệp.
Dượng Nghiệp mang theo hơn trăm lính chuyển hướng về Trần Gia Cốc, không còn thấy tăm tích quân Tống, bất giác bật tiếng kêu khóc. Dương Nghiệp nói với các binh lính:
– Các ngươi còn có cha mẹ vợ con, không phải chết cùng ta, cố tìm cách trở về, báo cáo với triều đình.
Bộ hạ của ông đều cảm động than khóc, không một ai bỏ đi. Dương Nghiệp chỉ còn cách cùng với binh lính tiếp tục chiến đấu với kẻ địch. Vương Quý dùng tên bắn chết hơn chục tên địch, tên hết, Quý lại dùng tay không đánh chết thêm mấy tên nữa mới dũng cảm hy sinh. Dương Diên Ngọc cũng anh dũng hy sinh giữa trận tiền.
Dương Ngiệp trên thân mình cũng đã mang hơn chục vết thương, binh lính còn lại không nhiều nhưng ông vẫn kiên trì tiếp tục chiến đấu, giết chết mấy chục tên địch nữa. Vì chiến mã trọng thương, ông đành trốn vào trong rừng rậm. Kẻ địch phát hiện, ông bị bắt. Khi trở thành tù binh, Dương Nghiệp vẫn kiên trinh bất khuất, tuyệt thực ba ngày, rồi hy sinh anh dũng. Dương Nghiệp có 7 người con, ngoài Dương Diên Ngọc đã hy sinh, 6 người con khác đều làm quan, trong đó Dương Diên Lang (tức Dương Diên Chiêu) nổi tiếng nhất. Dương Diên Chiêu trấn thủ ở biên giới hơn hai mươi năm, nhiều lần đánh bại quân Liêu tới quấy rối, bảo vệ vùng biên giới phía bắc của triều Tống. Có lần, quân Liêu tiến đánh về phía nam, ông đề nghị với triều đình thừa cơ đưa quân thu phục lại 16 châu Yên Vân. Đáng tiếc là kiến nghị này của ông không được triều đình chấp nhận.
Con của Dương Diên Chiêu là Dương Văn Quảng, từng tham gia chiến đấu cùng quân Tây Hạ ở phía tây bắc, sau đó làm một chức quan địa phương ở Hà Bắc. Ông cũng đề xuất kế hoạch thu hồi lại 16 châu Yên Vân nhưng triều đình nhà Tống cũng không chấp nhận.
Con cháu Dương Gia Tướng ba đời anh dũng chống Liêu, đã cống hiến sức lực bảo vệ giang sơn của triều Tống. Mọi người vô cùng nhớ tiếc và kính phục một gia đình đã nối tiếp nhau kháng chiến chống xâm lược nước ngoài, anh dũng bảo vệ biên giới của đất nước. Vì thế, chuyện về Dương gia tướng đã trở thành những truyền thuyết trong dân gian tuy không ít chi tiết và nhân vật trong đó là hưu cấu.
Chú thích:
- Nhạn môn quan: có từ đời Đường trên dãy Nhạn Môn sơn ở tây bắc huyện Đại, tỉnh Sơn Tây ngày nay, hình thế hiểm yếu là cửa ngõ trọng yếu phía bắc ở Đại Châu, Bắc Tống.
- Liêu Thánh Tông (971 – 1031), ở ngôi 982 – 1031, con của Liêu Cảnh Tông.
- Dương Diên Lang (958 – 1014), tức Dương Diên Chiêu, người Lân Châu, Bắc Tống (phía bắc Thần Mộc, Thiểm Tây ngày nay), con thứ 6 của Dương Nghiệp, còn gọi là Dương Lục Lang.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét