XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 16.04. “NHI HOÀNG ĐẾ” THẠCH KÍNH ĐƯỜNG

Tiết độ sứ Hà Đông Thạch Kính Đường là một người có mưu đồ lớn, trơ trẽn không biết liêm sỉ. Để thực hiện giấc  mộng làm Hoàng đế, ông ta tìm cách dựa vào quý tộc Khiết Đan, gọi một đưa trẻ Khiết Đan là Da Luật Đức Quang kém mình tới 11 tuổi là “Phụ Hoàng đế”, còn mình tự xưng là “Nhi Hoàng đế”.
Thạch Kính Đường cũng là người Sa Đà. Cha của Đường là  một đại tướng, thủ hạ của cha con Lý Khắc Dụng, Lý Tồn Úc. Khi còn ít tuổi, Đường là người trầm mặc, ít nói, thích học tập binh pháp, dũng cảm trong chiến đấu, có tài bắn tên “bách phát bách trúng”. Lý Tồn Úc rất thích Đường, cho cai quản thân binh, coi là tướng  tâm phúc. Con nuôi của Lý Khắc Dụng là Lý Tự Nguyên cũng rất quý trọng Đường, gả con gái cho.
Đời Hậu Đường, Thạch Kính Đường dù đã làm tới chức quan Tiết độ sứ, lại được phong Triệu quốc công nhưng vẫn chưa vừa lòng, chỉ muốn làm Hoàng đế. Đường Mạt Đế Lý Tòng Kha cho Đường làm Tiết độ sứ Thiên Bình (trị sở là Vận Châu). Đường giả có bệnh, không đi. Triều đình Hậu Đường ra lệnh tước hết các quan chức và tước vị, lệnh cho Thích sử Tấn Châu Trương Kính Đạt mang quân bao vây Tấn Dương. Thạch Kính Đường vội cử người thân tín là Thang Duy Hàn tới Khiết Đan xin cứu viện. Quốc vương Khiết Đan Da Luật Đức Quang (1) đang muốn xâm nhập Trung Nguyên, đương nhiên muốn lợi dụng cơ hội hiếm có này. Ông ta hứa luôn đợi tới sau tiết thu sẽ dưa quân tới cứu Thạch Kính Đường.
Tháng 9 năm thứ 3 Thanh Thái Hậu Đường Mạt Đế (936), Da Luật Đức Quang mang đại quân từ Nhạn Môn Quan tiến xuống phía nam giao tranh cùng quân Hậu Đường rồi chiến thắng, giết được hàng vạn quân Đường. Sau khi  được cứu, Thạch Kính Đường mang theo bộ hạ tướng  lĩnh từ thành Tấn Dương tới bái kiến Da Luật Đức Quang. Da Luật Đức Quang cầm tay Thạch Kính Đường cùng nhau kết tình cha con. Thạch Kính Đường hơn Da Luật Đức Quang 11 tuổi, thật khó để biết ai sẽ làm “cha” ai sẽ làm “con”? Thạch Kính Đường mặt dày trơ trẽn, bằng mọi cách nịnh nọt giống như con đối với cha. Da Luật Đức Quang sau khi kiểm tra cẩn thận, biết Thạch Kính Đường quả thực muốn trở thành một nhi thần tận trung tận hiếu, nói với Đường:
– Ta nhìn thấy tướng mạo và cốt cách của ngươi có thể làm Hoàng đế, ta sẽ lập ngươi làm Thiên tử.
 Thạch Kính Đường sướng quá nhưng sợ Da Luật Đức Quang nói chơi, giả bộ từ chối. Thang Duy Hàn thấy cơ hội khó gặp, nhắc Đường đừng từ chối. Lúc ấy, Đường mới chấp nhận. Da Luật Đức Quang đích thân mặc áo, đội mũ cho Đường. Chờ đến khi áo mũ chỉnh tề, phong cho Đường Làm “Đại Tấn Hoàng đế”, nói:
– Ta coi ngươi là con ta, ngươi đối với ta phải như con với cha. Ta và ngươi sẽ mãi mãi là quan hệ cha con.
Nghe nói thế, Thạch Kính Đường cảm động đến rơi nước mắt, chỉ lo làm thế nào báo đáp được cái tình “cha con” dị tộc này? Ông ta cùng bọn Thang Duy Hàn bàn bạc, quyết định đem toàn bộ đất đai 16 châu U Vân ở phía bắc Nhạn Môn Quan dâng cho Khiết Đan, hàng năm lại cống nộp cho Khiết Đan tơ lụa ba mươi vạn súc, ngoài ra còn hối lộ cho Vua, Thái hậu, Tể tướng  cùng các quan lớn của Khiết Đan. Thạch Kính Đường gọi Da Luật A Bảo kém mình 11 tuổi là “phụ Hoàng đế”, còn ông ta xưng “nhi Hoàng đế”. Từ đó về sau vua Khiết Đan thấy có điều gì không vừa ý đều cho người tới khiển trách Thạch Kính Đường.
Mỗi lần như thế, Thạch Kính Đường đều thành tâm nhận lỗi mang lễ tạ tội, xin được hưởng sự khoan dung. Sau khi  Thạch Kính Đường chết, em là Thạch Trọng Quý nối ngôi, đó là Tấn Xuất Đế. Khi Tấn Xuất Đế cho người tới Khiết Đan báo tang, trên biểu chỉ xưng cháu, không xưng thần. Vua Khiết Đan nổi trận lôi đình, cho quân tiến công Hậu Tấn. Năm Khai Vận thứ 4 Tấn Xuất Đế (947), quân Khiết Đan tiến công Khai Phong, tiêu diệt Hậu Tấn. Tấn Xuất Đế dâng biểu tận tay xin hàng, tự xưng “Tôn nam thần Trọng Quý”. Vua Khiết Đan cho người tới vỗ về, nói:
– Tôn nhi không phải lo sợ, ta sẽ cho người cơm ăn. Sau đó, vua Khiết Đan đưa cả gia đình Thạch Trọng Quý về Khiết Đan. Số phận nô lệ vong quốc nhục nhã ấy kéo dài suốt 18 năm, cuối cùng, Trọng Quý chết ở Khiết Đan.
Tầng lớp thống trị Khiết Đan mỗi lần đưa quân xâm phạm vùng Trung Nguyên đều cho quân lính cướp bóc lương thực, gia súc và những tài sản khác của dân chúng, thiêu hủy nhà cửa, hãm hiếp phụ nữ, bắt giết bao người. Mấy trăm dặm ở khu vực Trung Nguyên bị giày xéo trở thành đất hoang, có khi chúng kéo tới các thành thị tàn sát dã man, rồi gọi là “đồ thành” (thành dân bị giết sạch).
Mỗi lần như vậy dân trong thành bị giết hàng nghìn hàng vạn người, có những lần tới mười mấy vạn. Những hành động ấy của chúng đã gặp sức phản kháng của quân dân khu vực Trung Nguyên. Sau khi Thạch Kính Đường cắt 16 châu huyện ở U, Vân, tướng  Ngô Loan cùng các tướng sĩ, quan lại và dân chúng giữ thành, không chịu tiếp nhận lệnh của Thạch Kính Đường. Quân Khiết Đan cho quân bao vây, tiến công liền trong bảy tháng cũng không làm gì được, cuối cùng đành phải lui quân.
Năm Khai Vận nguyên niên Tấn Xuất Đế (944), Triệu Diên Thọ, một tướng  của Hậu Tấn đã đầu hàng Khiết Đan, mang quân Khiết Đan tiến đánh Trung Nguyên. Lúc trở về, chúng mang theo rất nhiều trâu dê đã cướp được ở Kỳ Châu (nay là huyện Vô Cực, tỉnh Hà Bắc), Thích sử Kỳ Châu là Trầm Bân mang quân đuổi theo quân Khiết Đan. Lúc ấy, Triệu Diên Thọ đang ở trong thành, không biết nhục, điềm nhiên nói với Trầm Bân:
– Chúng ta cùng là bạn cũ. Thấy tình cảnh của ông, tôi khuyên ông có thể đầu hàng, bảo đảm ông sẽ được đối xử tốt. Nếu không sợ sẽ gặp điều chẳng lành.
Trầm Bân tức giận mắng Triệu Diên Thọ:
– Nhà ngươi đầu hàng Khiết Đan, rồi còn mang quân tàn hại dân chúng Trung Nguyên, không biết nhục. Ta nguyện sống chết vì quốc gia, quyết không cùng nhà ngươi đi chung một đường.
Ngày hôm sau, Triệu Diên Thọ chỉ huy quân Khiết Đan đánh phá thành Kỳ Châu. Trầm Bân không chịu khuất phục, cuối cùng chết vì nước.
 Thạch Kính Đường đem dâng 16 châu ở U, Vân, trong đó có Úy Châu (nay là một vùng huyện Úy, tỉnh Hà Bắc). Dân tộc thiểu số Thổ Cốc Hỗn (3) ở đây không cam chịu sự cai trị tàn bạo của quý tộc Khiết Đan, dưới sự chỉ huy của thủ lĩnh Bạch Thừa Phú đã dời đến khu vực Hà Đông, thể hiện khí phách không cam chịu nô lệ.
Lúc đó, còn có nhiều người dùng nhiều cách khác nhau để chống lại ách thống trị của Khiết Đan. Quần chúng các nơi cũng không cam chịu khuất phục, ít thì hàng trăm hàng nghìn, nhiều thì hàng vạn đua nhau tổ chức chống lại quân Khiết Đan, đánh phá các châu huyện mà Khiết Đan xâm chiếm, giết những kẻ làm quan cho Khiết Đan. Tướng  sĩ yêu nước của Hậu Tấn cũng không cam chịu đầu hàng, giao chiến với quân Khiết Đan rất anh dũng. Trong rất nhiều lần phản kháng đó, cũng có những lần làm quân Khiết Đan đại bại. Vua Khiết Đan Da Luật Đức Quang vô cùng sợ hãi, nói với những người xung quanh:
– Không ngờ người Trung Nguyên lại khó đối phó như thế!
Năm 946, Da Luật Đức Quang diệt được Hậu Tấn sau 11 năm tồn tại.
Thạch Kính Đường vì lợi ích cá nhân, đã dâng 16 châu huyện U, Vân để lại một hậu quả vô cùng phức tạp. Người đời sau, để thu lại phần đất đã mất này đã phải trả cái giá quá đắt.
 Người dịch: Dương Đình Giao

Chú thích:
  • Da Luật Đức Quang (902 – 974), tức Liêu Thái Tông, ở ngôi 926 – 974, con Liêu Thái Tổ. Năm 922,làm Thiên hạ binh mã đại nguyên soái. Từ khi lên ngôi, nhiều lần đưa quân về phía nam đánh Trung Nguyên.
  • U Vân 16 châu: vùng nay là Bắc Kinh, Hà Bắc và phần phía bắc Sơn Tây. U là vùng nay là Bắc Kinh, Vân là vùng nay là Đại Đồng. Vùng đất có địa thế đặc biệt, một tuyến phòng ngự tự nhiên chống lại các cuộc tiến công xuống phía nam của các dân tộc du mục phương bắc.
  • Thổ Cốc Hỗn, vốn là một chi của Tiên Ty Mộ Dung, sau bị Thổ Phồn diệt. Từ đó sống phân tán ở Ninh Hạ, Thiểm Tây, Sơn Tây. Thời Ngũ Đại sống ở Úy Châu, chống Khiết Đan.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét