Người dịch: Dương Đình Giao
Vương An Thạch là nhà cải cách chính trị kiệt xuất thời Bắc Tống. Để đất nước giàu có, quân đội hùng mạnh, ông đã đề xuất với Tống Thần Tông những biến pháp, tiến hành trên phạm vi cả nước những cuộc cải cách triệt để trên quy mô lớn. Biến pháp của Vương An Thạch tuy không thành công nhưng nó đã trở thành một sự kiện lớn có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong lịch sử Trung Quốc.
Vương An Thạch là người Lâm Xuyên, Giang Tây (nay là Vũ Châu, Giang Tây), sinh ra trong một gia đình quan lại bậc trung, từ nhỏ đã thích đọc sách, trí nhớ rất tốt, được coi là “chỉ thoáng nhìn qua suốt đời không quên”. Lớn lên, ông dự kỳ thi tiến sĩ rồi làm quan địa phương, vẫn giữ được thói quen đọc sách. Thường, ông đọc sách quên cả thời gian, trời rạng sáng mới đi ngủ. Khi mặt trời lên bằng con sào mới giật mình tỉnh dậy. Khi đó đã quá thời gian phải làm việc. Vương An Thạch không kịp rửa mặt, súc miệng, vơ vội cái áo mặc rồi tới nha môn.
Có những lần ông mặc cái áo xộc xệch, khuy áo cài nhầm mà không biết. Cấp trên thấy thế rất không vui, coi ông là loại công tử chỉ biết chơi bời lêu lổng, đêm mải ăn chơi, bảnh mắt vẫn chưa thèm dậy. Một hôm, cấp trên gặp ông, nghiêm túc nói:
– Anh bạn trẻ, không thể chỉ biết ăn chơi, không thể không đọc sách, đừng có để lỡ thời gian làm nên sự nghiệp như thế!
Vương An Thạch nghe rất khó chịu. Nhưng ông vốn là nguời bướng bỉnh, người ta vẫn gọi là “áo tương công” (1) (kẻ cố chấp), cũng không giải thích nguyên nhân, quay đầu bỏ đi.
Sau đó, Vương An Thạch được điều về kinh làm Hàn lâm học sĩ (2). Một hôm, ông cùng các Hàn lâm học sĩ khác bàn công việc, nhận được một tấu chương. Mở ra xem, bản tấu viết: “Hiện nay, các nơi gặp thiên tai nghiêm trọng, tài chính quốc gia đang khó khăn, tiền không đủ dùng. Đây là việc rất khẩn cấp trước mắt, xin ra lệnh tiết kiệm các khoản chi, thiếu tiền, không được dùng đến vàng.”
Vương An Thạch đọc xong, chưa kịp nói gì, một Hàn lâm học sĩ khác là Tư Mã Quang đã lên tiếng:
– Đúng, để cứu nguy, phải tiết giảm các khoản chi. Tôi thấy có thể phê chuẩn.
– Không.Vương An Thạch tiếp lời. Tôi cho rằng thiếu tiền không phải là việc tối khẩn cấp hiện nay.
Tư Mã Quang xua tay:
– Chẳng rõ rồi sao, thiếu tiền là chuyện khẩn cấp nhất.
Vương An Thạch lớn tiếng nhấn mạnh:
- Tôi xem ra, tiền không có là vì không biết tính toán.
- Ông nói “không biết tính toán”? Chẳng qua vì dân không chịu nộp thuế. Nhưng dân khổ cực quá sẽ tạo phản. Đến lúc ấy thì việc gì sẽ xảy ra?
Tư Mã Quang nói xong, cười nhạt.
Vương An Thạch không lùi bước, nói:
- Không phải như thế. Người biết tính toán chính là người không trông vào thu thuế của dân chúng mà quốc gia vẫn đủ tiền để tiêu dùng.
- Nói đùa! Tư Mã Quang không đồng ý. Tiền không trong tay quan phủ, thì trong tay dân chúng. Ông nói không cần tăng thuế mà quốc gia vẫn giàu có thì thật là nói mò!
Hai nguời cứ tranh cãi mãi. Vậy cuối cùng, ai đúng? Tất nhiên là Vương An Thạch đúng, vì muốn quốc gia giàu có việc cần thiết trước hết là phát triển sản xuất, khi sản xuất phát triển, tiền cũng sẽ nhiều lên. Sau đó, Vương An Thạch đã đề xuất ý tưởng cải cách.
Hoàng đế Tống Thần Tông biết ý tưởng cải cách của Vương An Thạch. Vừa lên ngôi chưa lâu, mới hai mươi tuổi, nhà vua cũng muốn quốc gia giàu mạnh, nghe nói Vương An Thạch có cách làm được điều ấy, nhà vua quyết định cho ông làm Tể tướng, bắt đầu thực hiện cải cách. Tống Thần Tông còn cho thành lập một cơ quan chuyên môn để tiến hành cải cách, gọi là “Chế trí tam tư điều lệ tư” (3). Việc này xảy ra năm 1069, lịch sử gọi là “biến pháp Vương An Thạch”.
Nội dung của biến pháp Vương An Thạch rất phong phú, có quân chuyển pháp, có thanh miêu pháp, có miễn dịch pháp, còn có thị trường pháp, bảo giáp pháp, v.v… Những tân pháp này đều có lợi cho quốc gia, có thể phát triển được sản xuất nông nghiệp, có thể tăng thêm thu nhập tài chính, có thể khiến quân đội mạnh lên, có thể phát triển văn hóa và giáo dục…. Nhưng rất nhiều đại thần trong triều phản đối biến pháp của ông. Họ đều không muốn thay đổi những cái đã có sẵn từ trước. Tống Thần Tông và Vương An Thạch kiên trì thực hiện, nhưng những người này liên kết với nhau, đua nhau phản đối khiến cho nhà vua cũng trở nên do dự.
Một hôm, Tống Thần Tông gặp Vương An Thạch, vội vàng hỏi:
– Khanh có nghe nói nói tới “tam bất túc” không?
– Chưa ạ. Vương An Thạch lạ lùng hỏi. “Tam bất túc” là cái gì, tâu bệ hạ?
– Bây giờ, ngoài kia nguời ta nói chúng ta biến pháp là “thiên biến bất túc cụ, nhân ngôn bất túc tuất, tổ tông chi pháp bất túc thủ (nghĩa là không biết sợ sự thay đổi của Trời Đất, không chú ý đến dư luận của mọi người, không tôn trọng những quy tắc của tổ tông). Thế chẳng phải là biến pháp phản đối trời, phản đối mọi người, phản đối lão tổ tông sao?
– Nguời nói thế tuy là không nói phản đối biến pháp nhưng họ vin vào mấy điều của đạo lý. Vương An Thạch cười, nói.
– Tại sao? Tống Thần Tông hỏi.
– Lời mọi người nói không đáng sợ, những lời nói này không sai, Nếu chúng ta biến pháp là hợp với đạo lý sẽ không sợ nguời khác phản đối . Nhưng không thể cố giữ bằng được quy tắc cũ của tổ tông. Thần thấy cần phải như vậy.
– Vì sao vậy? Nhà vua lại hỏi.
– Thần nghĩ, từ lâu rồi thì không dám nói, nhưng mấy Hoàng thượng gần đây chẳng cũng đã mấy lần đã có thay đổi sao? Nếu pháp không thể biến thì sao các vị vua trước chúng ta còn dám làm như thế?
Nghe xong, nhà vua cười:
- Hiểu như vậy, nói chúng ta “tam bất túc” là nói đúng.
- Đúng thế. Vương An Thạch khẳng định. Trước khi chúng ta biến pháp, liệu có người phản đối không? Họ có phản đối cũng không có gì lạ.
Những người phản đối biến pháp chính là phản đối Vương An Thạch, công kích ông “tam bất túc”.
Nhưng biến pháp bị nhiều đại quan liêu, đại địa chủ, đại thương gia có nhiều đặc quyền, đặc lợi bị xâm phạm công kích. Gặp sự phản đối quyết liệt của các thế lực bảo thủ, cuối cùng, Vương An Thạch đành dời bỏ chức Tể tướng. Đại biến pháp thất bại, giấc mơ quốc phú binh cường của ông tan vỡ.
Chú thích:
- Tương công: từ tôn xưng nam thanh niên tầng lớp trên trong xã hội cũ.
- Hàn lâm học sĩ: các tiến sĩ được chọn qua khoa cử, vào Viện Hàn lâm làm việc, có quyền đọc trước các tấu chương, có quyền quyết định sơ bộ trước khi dâng lên nhà vua.
- “Chế trí tam tư điều lệ tư”: cơ quan chủ trì biến pháp, hoạch định các chính sách tài chính, kinh tế, cải cách cái cũ, phân bố tân pháp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét