Trang

Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 17.01. TRIỆU KHUÔNG DẬN “TRẦN KIỀU BINH BIẾN”

 Từ năm 907 đến năm 960, trong thời gian ngắn ngủi có 50 năm, vùng đất Trung Nguyên trải qua năm triều đại nối tiếp. 13 ông vua như những kép hát lần lượt bước ra sân khấu, ông vua lâu  nhất được chừng 10 năm, ngắn nhất chỉ được một năm.
Trong quá trình lần lượt thay nhau của 5 triều đại ấy, có một đặc điểm khác thường, ngoài cha con Lý Khắc Dụng và Lý Tồn Úc giành được chính quyền từ nhà Hậu Lương bằng vũ lực, các ông vua khác đều do vua triều trước “thiền nhượng” cho các thủ hạ của mình. Đây là cách thức thường được sử dụng nhất khi thay đổi triều chính thời gian này. Triều Tống cũng được kiến lập cùng một cách như thế, Triệu Khuông Dận phát động Trần Kiều binh biến, không cần đổ một giọt máu đã giành được ngai vàng, kiến lập vương triều Đại Tống.
Triệu Khuông Dận là người Trác Châu (nay là huyện Trác, tỉnh Hà Bắc), sinh năm 927, gia đình nhiều đời làm quan. Truyền thuyết nói khi Triệu Khuông Dận sinh ra, bầu trời rực sáng, toàn thân tỏa một mùi hương  kỳ lạ, nên được gọi là “Hương hài nhi”. Đây dĩ nhiên chỉ là truyền thuyết, sự thực chắc không phải như thế.
Triệu Khuông Dận là người có tài, dung mạo đẹp đẽ, tính cách phóng khoáng, mọi người đều coi là anh hùng. Từ nhỏ, Triệu Khuông Dận đã chăm đọc binh thư, lại càng thích luyện rèn võ nghệ, trong tay luôn cầm một cây côn, khi múa lên, gió thổi vù vù. Côn thuật của ông ta thật cao siêu, không ai địch nổi. Khi Quách Uy (1) còn sống Triệu Khuông Dận xung phong hãm trận, chưa bao giờ chịu thất bại, rất được Quách Uy tin cậy, đường quan chức ngày càng hanh thông.
Khi Sài Vinh chết, tiểu Hoàng đế nối ngôi là Sài Tông Huấn, lúc này, Triệu Khuông Dận được phong Điện tiền đô điểm kiểm (2). Đồng thời Triệu Khuông Dận còn nắm được đông đảo quân đội ở các địa phương. Nắm được quân đội chính là đã nắm được thực quyền của Hậu Chu.
Thấy Sài Tông Huấn còn nhỏ tuổi, không thể làm ông vua tốt, Triệu Khuông Dận đã nảy sinh ý đồ, muốn thay vua lên ngôi, tự xưng Hoàng đế. Em của Triệu Khuông Dận là Triệu Khuông Nghĩa, người thường tính kế vạch mưu thấu hiểu suy nghĩ của anh. Lúc đó, trong dân gian đang lưu truyền câu “điểm kiểm làm vua”, Triệu Khuông Dận chính đang làm Đô điểm kiểm, sao lại không nghĩ tới ngôi Hoàng đế? Vì thế, Triệu Khuông Dận, Triệu Khuông Nghĩa Triệu Tấn bàn mưu, chuẩn bị giành ngôi.
Ngày 1 tháng giêng năm 960, cảnh tượng thành Khai Phong náo nhiệt khác thường. Trong cung mở tiệc lớn, văn võ bá quan đều có mặt chúc tụng Hoàng đế, tất cả đều vô cùng vui vẻ.
Tiệc rượu đang lúc cao trào, bỗng có người tới bên Tể tướng  Phạm Chất ghé tai nói nhỏ mấy câu, rồi Phạm Chất hốt hoảng cùng người ấy đi ra ngoài. Lát sau, Phạm Chất hốt hoảng chạy vội vào nội điện, tâu với vị Hoàng đế mới có 8 tuổi:
– Vạn tuế! Đại sự có điều chẳng lành. Hơn mười vạn quân Liêu và quân Bắc Hán (3) đang tiến xuống phía nam đe dọa vùng biên cương, tình hình rất khẩn cấp.
Nghe xong, vị vua nhỏ cất tiếng khóc thét lên:
– Phải làm sao bây giờ?
Nói xong, vua chẳng thèm chú ý gì đến các đại thần, chạy vào tìm mẹ ở hậu cung. Phù Thái hậu nghe tin cũng hốt hoảng, không biết làm thế nào, lát sao, nói với Sài Tông Huấn:
– Hoàng nhi, hãy bảo trọng ngay thân mình, việc này cứ để cho Phạm lão Tể tướng lo liệu, cử binh hùng tướng giỏi chống cự, không cần phải lo lắng.
Nghe lời mẹ nói, Hoàng đế cũng bớt hoảng sợ, đi vào trong điện, các đại thần đang chờ.
  • Phạm lão ái khanh, quân địch đang áp sát biên giới, tình hình rất khẩn cấp, ta xem cần cử một một vị đại tướng ra chặn địch.
Văn võ bá quan kể cả Phạm Chất đổ dồn mắt về phía vị võ quan đứng đầu, chẳng phải ai khác, đó là Triệu Khuông Dận. Phạm Chất tiến lên một bước:
– Vạn tuế! Thần thấy ngoài Điện tiền đô điểm kiểm tướng  quân Triệu Khuông Dận không còn ai khác.
Bá quan cũng đồng thanh phụ họa:
– Triệu tướng quân văn võ toàn tài, võ công càng xuất chúng, không ai địch nổi, trước đây đã cùng tiên đế đánh đâu thắng đấy, thật là anh hùng.
Tiểu Hoàng đế nghe chúng thần đề cử cũng tỏ ra đắc ý, bèn hạ chiếu lệnh cử Triệu Khuông Dận mang quân ra trận chặn địch. Triệu Khuông Dận vô cùng vui sướng, kế hoạch do ông ta định rất đã hoàn thành được một nửa. Thực ra, làm gì có quân Liêu, chỉ là do Triệu Khuông Dận cử người về cung hoang báo. Tiểu Hoàng đế nghe tin chắc sẽ hoảng sợ, cần cử người ngăn chặn kẻ địch còn ai ngoài Triệu Khuông Dận nữa! Sự việc diễn biến đúng như Triệu Khuông Dận đã dự liệu, đến nay, ông ta đã danh chính ngôn thuận nắm toàn thể quân đội. Tiểu Hoàng đế, Phù Thái hậu cho đến Tể tướng  cũng không thể nghĩ tới sự xếp đặt này.
Lĩnh chỉ ra khỏi điện, Triệu Khuông Dận lập tức điều binh mã trong kinh thành và các nơi nội trong hai ngày phải có mặt. Ngày 3 tháng giêng, Triệu Khuông Dận mang quân xuất phát từ Khai Phong ào ạt tiến về hướng đông bắc. Binh lính hành quân nói nói cười cười, tinh thần hưng phấn, biểu thị tinh thần sẵn sàng vào trận. Chiều đến, binh lính đã tới trạm Trần Kiều, Triệu Khuông Dận ra lệnh cho toàn quân hạ trại nghỉ ngơi, ông ta không muốn cho binh lính phải đi xa hơn.
Nhận được lệnh, quân lính lập tức dựng trại nấu cơm, một số binh lính không có việc gì ngồi chuyện gẫu. Trong đám binh lính có người tự nhận biết bói toán, anh ta ngẩng đầu nhìn mặt trời sắp lặn sau dãy núi, bỗng kêu lên:
– Anh em nhìn kìa! Hôm nay sao lại có hai mặt trời!
Mọi người nghe tiếng kêu, đua nhau nhìn theo hướng tay chỉ, hỏi:
  • Đâu? Đâu?
  • Thật không?
  • Kia kìa! Một trên một dưới. Cái này gọi là “Trời có nhị nhật, người có nhị chủ” đây mà!
Nhiều người chưa nhìn thấy hai mặt trời, trong lòng vội nghĩ:
– Chẳng phải đã nói “Thiên vô nhị nhật, nhân vô nhị chủ” sao? Hoàng đế cũng chỉ có một! Thật lạ lùng!
Binh lính đua nhau bàn tán chuyện này rất sôi nổi.
Lúc ấy, Triệu Khuông Dận đang đi lại trong trướng, ông ta chỉ nghĩ tới ba chữ “làm Hoàng đế”. Đây chẳng phải là “Thiên hữu nhị nhật, nhân hữu nhị chủ” sao? Ông ta không ngừng suy tính: “Thành bại là ở buổi tối ngày hôm nay!”.
Trời tối dần, trong trại của Đại tướng Cao Hoài Đức, ánh đuốc chập chờn, bóng người thấp thoáng. “Ai phản đối Triệu Khuông Dận lên ngôi Hoàng đế, lưỡi kiếm của ta sẽ không tha”. Đây là lời của Cao Hoài Đức, vốn ông ta và Triệu Khuông Dận đã kết nghĩa anh em. Triệu Khuông Nghĩa cũng tiếp lời:
– Đương kim Hoàng đế tuổi nhỏ bất tài, phải sớm phế trừ mới được!
Triệu Tấn thấy không ai nói gì thêm, hỏi các tướng đang trong trướng:
– Ai không đồng ý thì đi ra ngoài!
Không có ai bước ra. Mọi người đều nghĩ: Ai làm Hoàng đế chẳng thế? Nếu Triệu Khuông Dận lên ngôi Thiên tử, biết đâu ta cũng được thơm lây, chức quan to cũng có thể tới mình, được mà chẳng mất gì.
Thấy mọi người đều im lặng, Triệu Tấn cầm một tấm long bào màu vàng mới may. Màu vàng của long bào trong bóng tối tỏa sáng làm lóa mắt mọi người.
– Đi! Đi lập vua mới!
Các tướng quân tiền hô hậu ủng cùng nhau tới đại trại ở trung quân.
Thấy lửa sáng rực, lại nghe thấy âm thanh huyên náo “Cùng lập Triệu tướng quân…, Cùng lập tân Hoàng đế…”, Triệu Khuông Dận biết kế hoạch của mình đã thành công, lòng vui mừng khôn xiết. Nhưng không bước ra nghênh đón, ông lên giường, giả vờ ngủ.
Các tướng  tiến vào trướng, gọi Triệu Khuông Dận tỉnh lại, lấy long bào phủ lên người Triệu Khuông Dận. Triệu Khuông Dận lớn tiếng từ chối:
– Nhà Chu đối đãi với ta không bạc. ơn trọng như núi, làm sao dám phạm thượng thế này? Không dám, không dám đâu!
Nhưng vừa nói, vừa tự mặc long bào vào.
Các tướng  cả Triệu Khuông Nghĩa, Triệu Tấn, …đều cúi đầu, đồng thanh hô “Vạn tuế!”. Thế là Điểm kiểm đã thật làm Thiên tử rồi.
Đây chính là sự kiện được lịch sử gọi là “Trần Kiều dịch hoàng bào gia thân”.
Triệu Khuông Dận tự mình lên ngôi Hoàng đế, lập tức mang quân trở về Khai Phong. Các đại tướng giữ thành Thạch Thủ Tín, Vương Thẩm Kỳ cùng Triệu Khuông Dận đã sớm liên lạc với nhau, quân vừa trở về, cổng thành đã mở. Những người chống lại Triệu Khuông Dận đều bị giết. Lão Tể tướng Hậu Chu Phạm Chất quỳ xin hàng. Triệu Khuông Dận nói với Phạm Chất:
– Cổ nhân Nghiêu thiền nhượng  ngôi vua cho Thuấn, giờ ông khởi thảo chiếu thư, tuyên bố Sài Tông Huấn thiền nhượng ngôi vua cho ta Triệu Khuông Dận.
Phạm Chất y lời. Sài Tông Huấn cùng Phù Thái hậu không còn cách nào khác , chỉ xin để lại con đường sống, dời khỏi ngai vàng. Triệu Khuông Dận phong cho Sài Tông Huấn làm Trịnh vương, 8 năm sau, Sài Tông Huấn chết, Phù Thái hậu không lâu sau cũng chết.
Triệu Khuông Dận danh chính ngôn thuận lên ngôi Hoàng đế. Vốn là Tiết độ sứ Quy Đức Tống Châu thời Hậu Chu, nên ông định quốc hiệu là Tống, vào năm 960. Hậu Chu diệt vong, thời Ngũ Đại kết thúc, lịch sử Trung Quốc mở ra một thời kỳ mới, triều đại Bắc Tống.
Người dịch: Dương Đình Giao


Chú thích:
  • Quách Uy (904 – 954), tức Thái tổ Hậu Chu, ở ngôi 951 – 954, người Nghiêu Sơn Kinh Châu (nay ở tây Lăng Nghiêu, tỉnh Hà Bắc).
  • Điện tiền đô điểm kiểm: Trưởng quan Điện tiền tư Hậu Chu, Ngũ đại, thống soái quân cảnh vệ Hoàng đế.
  • Bắc Hán (951 – 979), năm 951, Tiết độ sứ Hà Đông Lưu Sùng xưng đế, quốc hiệu Hán, đô ở Thái Nguyên (nay thuộc Sơn Tây), sử gọi là Bắc Hán, liên hệ mật thiết với Khiết Đan. Năm 979 bị Tống diệt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét