XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Tư, 2 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 06.15. TRIỆU QUÁT

 Năm  270 trước CN, Tần Chiêu Vương giao cho Phạm Thư làm khách khanh, giúp ông cai trị nước Tần. Phạm Thư chủ trương “viễn giao chi cận công” (giao hảo với nước ở xa, đánh chiếm nước ở gần), trước hết tiến công các nước Hàn, Ngụy ở gần, đồng thời giao hảo với nước Tề, một nước lớn ở xa nước Tần. Địa bàn của nước Tần được mở rộng dần sau khi chiếm được Hàn, Ngụy, đối phó với nước Tề sẽ dễ hơn. Tần Chiêu Vương rất đồng ý với ý kiến của Phạm Thư.
Năm 262 trước CN, Phạm Thư đem quân đánh Dã Vương của nước Hàn (nay là Tẩm Dương, Hà Nam), như vậy, nước Hàn bị chia làm hai phần, một phần vốn là nước Hàn, một phần là Thượng Đẳng quận.
Hàn Hoàn Huệ Vương hoảng sợ, không biết làm thế nào, suy đi tính lại, cuối cùng quyết định dứt khoát cắt đất Thượng Đẳng quận cho nước Tần để cùng Tần giảng hòa.
Quận trưởng quận Thượng Đẳng là Phùng Đình không tán thành việc này, ông cho rằng nếu đổi lại, đem Thượng Đẳng cho nước Triệu, quân đội của nước Tần sẽ phải quay sang đối phó với nước Triệu, còn nước Triệu, khi được đất đai, thành trì sẽ cùng nước Hàn giao hảo, cùng đối phó với nước Tần. Vua Hàn bằng lòng
Triệu Hiếu Thành Vương được tin rất mừng rỡ, lập tức cử người đi tiếp nhận đất Thượng Đẳng. Tần Chiêu Vương thấy đất Thượng Đẳng tưởng đã vào tay mình nay lại rơi vào tay người khác, bèn cử đại tướng Vương Hột mang quân đi đánh Thượng Đẳng. Nước Triệu chưa kịp đưa quân đến Thượng Đẳng, không ngăn được quân Tần tiến công đành phải rút quân về Trường Bình (nay là tây bắc Cao Bình, Sơn Tây) đóng quân.
Vua Triệu nghe nói tiền tuyến Trường Bình nguy cấp vội cử lão tướng Liêm Phả mang số lớn người ngựa đến Trường Bình chi viện. Liêm Phả đã trải qua hàng trăm trận, thấy sức mạnh của quân Tần chủ trương cố thủ trong thành, không nghênh chiến, dùng chiến thuật “dĩ dật đãi lao”, muốn làm cho quân Tần từ xa đến suy yếu. Hai bên giằng có qua ba năm, vẫn chưa bên nào đủ sức phân thắng bại.
Chiến tranh kéo dài, Tần Chiêu Vương không chịu được. Ông ta giao cho Phạm Thư tìm cách sớm chiến thắng quân Triệu.
Liêm Phả rất hiểu tâm lý của vua tôi nước Tần, càng cố thủ chắc chắn, kiềm chế quân Tần, khiến cho quân Tần tiến thoái lưỡng nan.
Phạm Thư đưa ra biện pháp ly gián, ông ta cho người đến nước Triệu, dùng vàng bạc và nhiều vật quý hối lộ những người gần gũi với vua Triệu, gây chia rẽ quan hệ giữa Triệu HIếu Thành Vương với Liêm Phả, nói Liêm Phả thực đã quá già, gan cũng nhỏ, không dám đối mặt với quân Tần, chỉ có cử Triệu Quát một tướng trẻ  ra trận mới có thể đánh bại quân Tần, giành được thắng lợi.
Liêm Phả giữ thành được ba năm, Triệu HIếu Thành Vương rất không vừa ý với tình trạng này, lòng tin với Liêm Phả ngày càng giảm. Ông ta muốn tìm người thay thế Liêm Phả, xem các tướng lĩnh trong nước, ngoài Triệu Quát cũng chẳng có ai có thể đủ sức đối chọi với quân Tần.
Triệu Quát là con của đại tướng Triệu Xa, thông minh, lanh lợi, từ nhỏ đã học tập binh thư, có hiểu biết rộng, thao thao bất tuyệt  khi bàn luận việc quân, quả là chưa có ai vượt được. Triệu Quát cũng vì thế giương giương tự đắc, cho rằng mình có tài làm tướng xuất chúng trong thiên hạ, chỉ hận chưa có cơ hội cầm quân ra trận.
Triệu Xa, cha của Triệu Quát, không bằng lòng với thái độ của con mình, cho rằng Triệu Quát chỉ có lý thuyết suông, tuy nói thì trên trời dưới bể nhưng dù sao cũng chưa có chân tài thực học. Ông nói với vợ:
–  Mọi người đều hy vọng con mình được trọng dụng, nhưng tôi lại lo sợ. Nếu quả Triệu Quát được làm tướng chỉ huy quân đội, nó nhất định sẽ trở thành kẻ có tội, làm mất nước Triệu.
Thừa tướng Lạn Tương Như biết vua Triệu muốn sử dụng Triệu Quát, cũng ra sức khuyên can, nói:
– Triệu Quát chỉ biết bàn việc quân trên giấy, chưa có kinh nghiệm thực tế trận mạc, không thích hợp để làm thống soái.
Vua Triệu đã có chủ ý, muốn có người thay Liêm Phả đã già, không nghe lời can của Lạn Tương Như.
Khi đó, Triệu Xa, cha của Triệu Quát đã mất, mẹ Triệu Quát nhớ lời chồng nói trước đây, đến gặp vua Triệu:
– Triệu Quát không những không bằng được Liêm Phả, thậm chí cũng còn xa mới bằng cha mình. Thời Triệu Xa làm đại tướng, được phần thưởng đều đưa cho bộ hạ cùng hưởng, quan hệ với quân lính rất  hòa hợp. Khi nhận lệnh, chỉ toàn tâm toàn ý vì công việc của đất nước, một chút cũng không hỏi tới việc nhà. Còn Triệu Quát, khi làm tướng thường cả vú lấp miệng em, không thấy có bè bạn, không quan tâm đến quân lính. Đại vương thưởng cho tài vật, hắn cũng không chia cho mọi người cùng hưởng mà mua ruộng đất cho mình, rồi tiêu sài hưởng thụ chẳng nghĩ tới ai. Khẩn thiết xin đại vương thay đổi ý định, đừng để cho Triệu Quát cầm quân.
Vua Triệu nói:
– Ý của ta đã quyết, không thể nói lại được!
Triệu mẫu thở dài:
– Nếu đại vương sử dụng Triệu Quát, vạn nhất hắn gặp sai lầm, xin đại vương đừng nổi giận, làm liên lụy đến cả gia đình chúng tôi.
Vua Triệu đồng ý.
Năm 260 trước CN vua Triệu triệu hồi Liêm Phả, thay Triệu Quát còn trẻ làm đại tướng quân nước Triệu. Triệu Quát vừa nhậm chức, không nghe lời các tướng lĩnh, thay đổi kể cả chiến lược chiến thuật của Liêm Phả, muốn đánh bại quân Tần nhanh chóng, lập chiến công để báo đáp ơn của vua Triệu.
Vua Tần thấy vua Triệu thay chủ tướng, vô cùng mừng rỡ, giao cho danh tướng Bạch Khởi làm thượng tướng, đổi Vương Hột làm thiên tướng, lại tăng thêm quân số, chuẩn bị giao chiến với quân Triệu.
Bạch Khởi biết Triệu Quát tuổi trẻ, xốc nổi, kiêu ngạo khinh địch, vì thế dùng kế dụ binh, cố ý đánh trước mấy trận rồi sau đó nhanh chóng rút lui.
Triệu Quát thấy vậy đắc ý, nói:
– Ai dám nói ta chỉ biết đánh trận trên sách vở? Ta nhất định đánh một trận đại thắng cho mọi người xem!
Rồi chỉ huy binh mã truy kích.
Bạch Khởi lại dùng hai đạo tinh binh, từ bên sườn đánh vu hồi vào phía sau quân của Triệu Quát, chặn lối về của quân Triệu, khiến Triệu Quát không thể về thành. Bạch Khởi cũng dùng năm vạn tinh binh tiến công quân Triệu. Những công sự phòng ngự Liêm Phả cho xây dựng trước đây đều bị Triệu Quát cho là biểu hiện của sự hèn nhát, phá hết, giờ đây, chủ tướng lại ở bên ngoài, quân lính không có người chỉ huy, đại doanh Trường Bình bị quân Tần công phá.
Kỵ binh tinh nhuệ của quân Tần không ngừng đột kích quân Triệu, quân Triệu không thể chống cự đành phải ở yên trong trại lâm vào thế bị bao vậy.
Biết đại quân của Bạch Khởi bao vây quân Triệu vua Tần rất mừng, đích thân đến Hà Nội (nay là Tầm Dương, Hà Nam) đem toàn bộ trai tráng từ 15 tuổi trở lên chiêu mộ được, tổ chức thành quân đội, đưa đến vùng đất cao ở đông bắc Trường Bình, chia cắt con đường tiếp ứng lương thảo và cứu viện của quân Triệu.
Cuộc bao vây đến hơn 40 ngày, lương thực của quân triệu đã hết. Trong quân thậm chí đã xảy ra thảm kịch người ăn thịt người. Triệu Quát tổ chức quân đội thành bốn mũi phá vây quyết mở một con đường máu. Nhưng quân Tần giữ chặt vòng vây chẳng khác gì chiếc đai sắt, không một tên lính nào của Triệu Quát có thể vượt qua. Triệu Quát không còn cách nào khác, đích thân cầm quân phá vây, vừa mới xuất trận đã chết trong loạn tên của quân Tần.
Quân Triệu mất chủ tướng, không còn lòng dạ nào, lập tức hỗn loạn. Quân Tần tiến công mãnh liệt, quân Triệu đại bại, đua nhau đầu hàng.
Bốn mươi vạn quân Triệu đầu hàng khiến nước Tần không thể cung ứng được lương thực. Nếu thả cho họ về nước, chẳng phải chiến thắng này không có ý nghĩa gì. Bạch Khởi quyết định, trừ 240 người còn rất trẻ, số lính tráng còn lại đều bị đem chôn sống, tạo nên một vụ thảm án nổi tiếng trong lịch sử.
Nước Triệu lần này tổn thất nghiêm trọng, từ đó, không còn đủ sức chống lại nước Tần. Còn nước Tần tăng cường được uy thế và thực lực, bước đầu hình thành tình thế thống nhất thiên hạ.
Chú thích:
  1. Khách khanh: các nước Tần, Tề, Yên, Triệu thời Chiến Quốc đều có. Do người trong nước đảm nhiệm gọi là khanh, được đỗi đãi như khách.
  2. Thượng Đẳng quận: nay là vùng Trường Trị, Sơn Tây. Thời Xuân Thu, các nước lớn Tần, Tấn đặt quận ở vùng đất mới mở mang ở biên cương, trực thuộc vua. Thời Chiến Quốc dần hình thành hai cấp hành chính địa phương là quận và huyện. Quan đứng đầu quận được gọi là quận thủ.
  3. Triệu Xa: danh tướng nước Triệu thời Chiến Quốc. Năm 269 trước CN, đại phá quân Tần ở Át Dữ (nay là Hòa Thuận, Sơn Tây). Được mang tước hiệu cùng với Liêm Phả, Lạn Tương Như.
  4. Bạch Khởi: người Mi (nay ở phía đông huyện Mi, Thiểm Tây), giỏi dùng binh, từng mang quân đánh Hàn, Ngụy, Sở, dó có công được phong Vũ Anh Quân. Sau mâu thuẫn với Phạm Thư bị biếm, cuối cùng tự sát. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét