XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Tư, 2 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 06.09. CUỘC ĐỜI GIÁN ĐIỆP CỦA TÔ TẦN

Thời Chiến Quốc, phong trào “tung hoành gia” sôi nổi, họ “năng ngôn thiện biện”, qua lại giữa các nước lớn, phân tích tình hình chính trị, ngoại giao trong thiên hạ, đề xướng mưu lược, kế sách dâng vua. Tô Tần và Trương Nghi là hai “tung hoành gia” nổi tiếng. Chúng ta trước hết nói chuyện Tô Tần.
Tô Tần là người Lạc Dương, ông qua lại đông tây suốt mấy năm, cũng không được chức quan nhỏ. Sau đó, tiền không còn một đồng, quần áo rách mướp, không còn đường mà đi, đành phải trở về nhà. Mọi người nhìn thấy ông dáng vẻ nhếch nhác, biết là ông chẳng thể làm rạng danh cho gia đình, chỉ thở dài, quay mặt đi. Vợ ông không thèm nhìn mặt, chị dâu không nấu cơm cho ăn, cha mẹ đều chửi mắng. Tô Tần thấy bị xúc phạm, quyết tâm vượt lên số phận. Từ đó, ngày ngày ông đọc sách tới đêm khuya. Nửa đêm trong khi ngồi học, ông tìm một cái dùi, khi nào ngủ gật lấy dùi đâm vào đùi, vì đau nên tỉnh táo lại, tiếp tục học tập.
Cứ như vậy, Tô Tần đọc được rất nhiều sách. Ông còn liên hệ với tình hình chính trị ở các nước để phân tích, nghiên cứu, nghiền ngẫm biện pháp xử lý, giải quyết. Sau khi học xong, ông lại gió bụi lên đường. Trên đường đi, ông nghe tin Yên Chiêu Vương thông báo tìm người hiền tài, liền vội đến nước Yên. Lúc đó, Yên Chiêu Vương đang muốn đánh nước Tề. Tô Tần hiến kế cho Yên Chiêu Vương: Nếu có thể làm cho nước Tề kiềm chế được phía tây của nước Tống và phía nam của nước Sở, lúc đó, xuất quân đánh Tề, chắc sẽ giành được thắng lợi lớn. Yên Chiêu Vương gật đầy đồng ý. Nhưng làm thế nào để nước Tề sa vào cái bẫy này? Vua tôi hai người bí mật bàn kế đến nửa ngày, tìm được kế phản gián do Tô Tần thực hiện.
Năm 300 trước CN, Tô Tần đến nước Tề. Lúc đó, tình hình của nước Tề khác xa so với đánh giá của Tô Tần. Tề Tuyên Vương đã chết, Tề Mân Vương dùng Mạnh Thường Quân làm Tướng quốc, phía nam đánh Sở, phía tây đánh Tần, lại còn tích cực lôi kéo nước Triệu. Tô Tần muốn phá quan hệ giữa Tề và Triệu, nhưng làm trong năm năm vẫn chưa đạt được mục đích, đành nhanh chóng trở về nước Yên, chờ đợi tình hình thay đổi.
Qua mấy năm, quả nhiên, thời cơ đã đến. Tề Mân Vương đã bãi miễn Mạnh Thường Quân, đích thân điều hành chính sự. Ông thay đổi chủ trương liên Triệu kháng Tần, giao hảo với nước Tần. Như vậy, quan hệ giữa Triệu và Tề đã thay đổi. Yên Chiêu Vương cho rằng đây là cơ hội rất tốt, liền cử Tô Tần nhanh chóng tới nước Tề, bên ngoài là để tăng cường mối bang giao Yên – Tề, bên trong là tiếp tục tiến hành hoạt động phản gián. Để được sự tín nhiệm của Tề Mân Vương, trước hết Tô Tần viết một phong mật thư, cho người dâng lên Mân Vương. Đại ý bức thư nói: “Vì thần là người thân tín của Chúa công, Yên Vương đã giam cầm thần, khiến thần gần một năm nay không dốc lòng vì Chúa công được. Gần đây, thần được biết “Tam Tấn” (chỉ ba nước Hàn, Triệu Ngụy sau khi tham gia phân Tấn) ngầm chuẩn bị liên lạc với nước Yên, muốn liên kết với nhau để tiến công nước Tề. Thần đã khuyên Yên Vương đừng có nghe lời Tam Tấn, chính vì thế đã đắc tội với Yên Vương, thần cũng cam chịu. Thần đã chủ ý quyết định đến nước Tề một lần nữa ra sức vì Chúa công. Nếu ngài dùng lễ nghi long trọng để tiếp đãi thần, thần sẽ dẫn 150 chiếc xe tới”. Tề Mân Vương xem thư, sai người chuyển lời cho Tô Tần, đáp ứng yêu cầu của ông ta. Vì thế Tô Tần nói với Yên Chiêu Vương chuẩn bị cho ông ta 150 cỗ xe, nhanh chóng đến nước Tề. Quả nhiên, Tô Tần được tiếp đãi long trọng.
Tề Mân Vương là người thích làm to thắng lớn, liền hỏi Tô Tần:
– Ta muốn làm nên nghiệp bá, xin hỏi tiên sinh, trước hết, cần phải làm việc gì?
Tô Tần trả lời:
– Đánh Tống, nước Tần cũng phải sợ Chúa công.
Tề Mân Vương nghe nói, liên tục gật đầu, lập tức quyết định đánh Tống.
Vốn Tống là một nước nhỏ ở tây nam nước Tề, nước Tề nếu đem quân đánh Tống, tất nhiên, phải điều bớt quân ở phía bắc, đây chính là làm giảm bớt áp lực với nước Yên. Nước Tống tiếp giáp với nước Sở và nước Ngụy, Tề đánh Tống, tất hai nước này cũng bị uy hiếp. Như vậy chính là làm sâu sắc thêm mâu thuẫn giữa Tề với Sở và Ngụy. Quan trọng hơn là: Tần là nước bảo hộ cho nước Tống, Tề đánh Tống, tất sẽ dẫn đến xung đột giữa Tề và Tần. Như thế, nước Tề bị đánh từ bốn mặt. Nước Yên có thể ngồi hưởng cái lợi của ngư ông. Trước mắt, Tề Mân Vương chỉ cảm thấy nước Tống là miếng thịt béo trước miệng, chỉ muốn nuốt chửng nó, đâu có nghĩ tới điều này? Không lâu sau, Tề Mân Vương mang theo Tô Tần đến đất A (nay ở đông bắc huyện Dương Cốc, tỉnh Sơn Đông) hội minh với nước Triệu. Hai nước thỏa thuận: Nước Tề không tiếp tục xưng đế, nước Triệu đồng ý để Tề đánh Tống. Tống, Tề, Triệu cùng liên minh chống Tần. Tô Tần thay mặt Yên vương thể hiện: sau khi nước Tề đánh Tống, nước Yên sẽ đưa quân giúp Tề. Việc này xảy ra vào năm thứ hai khi Tô Tần đến nước Tề lần thứ hai. Khi nước Tề phát động đánh Tống, Triệu, Ngụy, Yên đều cử quân tham gia, kết quả giành được thắng lợi lớn, nước Tống đành cắt đất cầu hòa.
Tề Mân Công đánh Tống giành được mối lợi lớn, nhưng quan hệ với nước Tần sinh mâu thuẫn. Ông ta dứt khoát đã làm là làm tới cùng, quyết tâm tiến thêm một bước trong việc thôn tính nước Tống, đồng thời liên hiệp với Tam Tấn và nước Yên đánh Tần. Từ đó, Tô Tần càng được tín nhiệm, được cử tới các nước du thuyết.
Trước hết, Tô Tần đến nước Yên. Ngoài mặt, Chiêu Vương quyết định ủng hộ, cử hai vạn quân dưới sự chỉ huy của vua Tề, làm tê liệt nước Tề, bên trong cho Tô Tần liên lạc với Tam Tấn để liên hợp chuẩn bị chống Tề. Sau khi vua tôi bàn bạc, Tô Tần đến nước Ngụy. Lúc ấy, làm Tướng quốc nước Ngụy là Mạnh Thường Quân vừa từ nước Tề ra đi, ông ta tất nhiên ủng hộ đánh Tề. Nước Ngụy thế yếu, đành phải hành động theo nước Triệu. Ở nước Triệu, người nắm đại quyền là Lý Đòai, chủ trương thân Tề, cho nên liên hợp chống Tề khó có thể thực hiện. Để lôi kéo Lỳ Đoài của nước Triệu, vua Tề cử ông ta làm chủ soái của liên quân, còn phong đất cho ông ta. Lúc này ông ta mới cố gắng hành động liên hợp để chống Tần. Đây chính là cái mà lịch sử vẫn gọi là “Tô Tần hợp tung”.
Năm 287 trước CN, quân đội năm nước Tề, Hàn, Triệu, Ngụy, Yên tập trung ở Thành Cao của nước Hàn (3). Do các nước đều có tính toán riêng nên dềnh dàng không thể phát động được cuộc chiến chống Tần. Lúc đoa, Tề Mân Vương lập tức hạ lệnh cho quân Tề quay lại đánh Tống lần thứ hai. Đến lúc này, Tam Tấn đều cảm thấy đã mắc lừa vua Tề. Yên Chiêu Vương nhân cơ hội, cùng Mạnh Thường Quân của nước Ngụy, Hàn Từ Vi của nước Triệu (Hàn Từ Vi là nhân vật đương quyền của nước Triệu chủ trương chống Tề) bí mật đánh Tề. Không ngờ âm mưu bại lộ, Tề Mân Vương quyết định kết thúc việc đánh Tống lần thứ hai trước dự định, tháng 8 năm đó thu quân. Mạnh Thường Quân lúc này hy vọng nước Tề phản bội Tam Tấn để tiện kích động Tam Tấn chống Tề. Để phối hợp hành động này, Tô Tần cố ý cử người tố cáo với Tề Mân Vương, nói:
– Tam Tấn thấy đánh Tần không thành, đang vạch kế hoạch chống Tề giảng hòa với Tần.
Hoạt Vương tưởng là thật, quyết định giảng hòa trước với Tần. Vì thế, Tề Tần lại giao hảo. Tô Tần thừa cơ từ nước Ngụy đến nước Triệu, tiến hành tranh thủ Lý Đoài để chống Tề. Nào ngờ, Lý Đoài đã điều tra về những hành động gián điệp của Tô Tần liền cho giam lỏng Tô Tần. Tô Tần vội viết thư cho Yên Vương, xin cách giải cứu. Sau khi Yên Vương cử sứ thần đến nước Triệu kháng nghị, Tô Tần mới được giải thoát, lập tức lại tới nước Tề.
Tô Tần đến nước Tề, đầu tiên gây xích mích giữa Tề Mân Vương với Lý Đoài. Ông ta nói với Tề Mân Vương:
– Lý Đoài là tử thù của nước Tần, thế mà ngài một mặt giảng hòa với Tần, một mặt lại phong đất cho Lý Đoài, đây chẳng phải là trêu tức nước Tần sao?
Tề Mân Vương nghe nói có lý, liền thu hồi lại đất phong cho Lý Đoài. Việc làm đó thật đã kích động Lý Đoài, quan hệ giữa hai nước Tề Triệu hoàn toàn bị phá hoại. Chính vào lúc đó, nước Tống phát sinh nội loạn, Tề Mân Vương đơn phương hành động, lại phát động đánh Tống lần thứ ba, tiêu diệt nước Tống, cuối cùng thực hiện dã tâm thôn tính nước Tống. Thực hiện được  mưu kế, nhưng nước Tề không ngờ mình đã lâm vào tình cảnh hoàn toàn bị cô lập. Hành động của Tề làm chấn động các nước. Tam Tấn cảm thấy nước Tề có sự đe dọa lớn với mình. Yên Chiêu Vương thấy thời cơ đã đến đích thân đến gặp Triệu Huệ Vương, trình bày kế hoạch Tam Tấn cùng với Yên, Sở, Tần liên hợp chống Tề.
Tề Mân Vương bị kế phản gián bưng bít, đến lúc này vẫn  tin vào lời Tô Tần “nước Yên không bao giờ tiến công nước Tề, quân đội đều đem bố phòng ở chiến tuyến phia tây, chú trọng vào việc đối phó với Tam Tấn. Không ngờ, chính vào lúc đó, đại tướng của nước Yên là Nhạc Nghị chỉ huy quân 6 nước Tam Tấn cùng Yên, Sở, Tần xuất kỳ bất ý đánh vào phía bắc. Quân Tề trở tay không kịp, sao chống cự nổi? Kết quả, liên quân 6 nước đánh cho Tề đại bại. Sau đó, quân các nước Hàn, Triệu, Ngụy đều rút, chỉ có Nhạc Nghị chỉ huy quân Yên tiếp tục chiến đấu, suýt nữa diệt được nước Tề.
Kế phản gián của Tô Tần thực hiện trước sau đã hoạt động ở các nước Tề,  Triệu, Ngụy, Hàn mười mấy năm. Tề Mân Vương hoàn toàn không biết gì. Đến khi quân 6 nước đánh tới nơi, mới phát hiện Tô Tần vốn là gián điệp, nổi giận, hạ lệnh đem Tô Tần phanh thây trên đường phố.
Chú thích:
(1)  Tung, tức “hợp tung”  , chỉ các nước phương đông liên hợp để chống Tần; Hoành: tức “liên hoành”, chỉ việc nước Tần phá hoại hợp tung của các nước để chống lại. Tung hoành gia chính là hoạt động hợp tung liên hoành của một nhóm người thời Chiến Quốc.
(2) Yên Chiêu Vương: ở ngôi 311 – 279 trước CN. Khi tại vị, ngoài việc dùng Tô Tần còn trọng dụng Nhạc Nghị. Đất nước giàu mạnh, năm 284 trước CN, đem quân đánh Tề, diệt được Tề, nước Yên bước vào  thời kỳ cực thịnh.
(3) Thành ao: nay là trấn Tỵ Thủy, huyện Vinh Dương, tỉnh Hà Nam, vốn là ấp Hổ của nước Trịnh thời Xuân Thu, sau đổi là Thành Cao, nằm trên đường giao thông trọng yếu ở Quan Trung. 
Người dịch: Dương Đình Giao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét