XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 17.25. “CẮNG CỔ NAM NHI NHẤT PHÓNG ÔNG”

  Người dịch: Dương Đình Giao
“Thi giới thiên niên mỹ mỹ phong, 
Binh hồn tiêu tận quốc hồn không. 
Tập trung thập cửu tòng quân nhạc, 
Cắng cổ nam nhi nhất Phóng Ông.”
(Dịch: Ngàn năm thi giới gió trùng trùng 
Binh hồn tan hết quốc hồn không 
Bao người mấy kẻ vui quân tử 
Tự cổ nam nhi một Phóng Ông.
Theo Từ điển văn học cổ điển Trung Quốc – Nxb Văn nghệ Tp HCM – 1999)
Đây là một bài thơ đặc sắc trong cả một đời thơ của nhà thơ đời Nam Tống: Lục Du.
Lục Du tự Vụ Quan, hiệu Phóng Ông, nguời Sơn Âm, Việt Châu (nay là Thiệu Hưng, Chiết Giang). Trên con đường nguời cha tới kinh thành nhậm chức, vào một đêm mưa to gió lớn, trên con thuyền lênh đênh giữa dòng, Lục Du chào đời. Cái đêm mưa gió ấy như dự báo tương lai ông sẽ trải qua, một thời đại loạn lạc liên miên đầy gian khổ.
Từ tuổi ấu thơ, Lục Du đã sống trong cảnh nước mất nhà tan, trải qua bao cảnh lưu lạc cùng khốn. Quân Kim đánh xuống phía nam, đến đâu cũng tàn sát, cướp bóc khiến ông ngay từ nhỏ đã nếm trải đói khổ. Ông cũng nhìn thấy, nghe thấy biết bao câu chuyện, lời than tiếng khóc của nhân dân Giang Nam trong cuộc kháng chiến chống quân Kim. Ngay từ khi còn nhỏ, trong tình cảm của ông đã nảy sinh  tình yêu thắm thiết với dân tộc, với Tổ quốc.
Khi lớn lên, qua thơ văn đã sáng tác, tiếng tăm vang khắp nhưng con đường làm quan của ông không được thuận lợi. Chẳng mấy chốc ông đã 50 tuổi, Tướng Vương Viêm, phụ trách việc quân vùng Xuyên Thiểm (Tứ Xuyên – Thiểm Tây) nghe tên mới đưa ông về Hán Trung làm Trợ lý.
Hán Trung là nơi gần tiền tuyến chống Kim, Lục Du nghĩ rằng ở đây cũng có điều kiện tham gia vào cuộc kháng chiến cứu nước, đóng góp sức mình vào công cuộc đòi lại lãnh thổ đã mất nên rất vui mừng nhận công việc này.
Tới nơi, Lục Du thân mang giáp sắt, tay cầm trường thương, mình trên chiến mã, chỉ huy một số binh lính men theo những con đường núi gập ghềnh, ăn gió nằm sương qua lại giữa các cứ điểm nơi tiền tuyến Hán Trung. Tuy đời sống nơi trận mạc gian khổ nhưng lòng ông đầy phấn khích, niềm tin trào lên đầu ngọn bút. Ông vô cùng tự hào viết:
“Đầu bút thư sinh cổ lai hữu,
Tòng quân lạc sự thế gian vô.”
Thời gian qua mau, tới Nam Trịnh từ đầu mùa xuân, ông không ngờ nửa năm đã trôi qua. Để sớm thu lại được Trung nguyên, ông cho điều tra tỉ mỉ tình hình quân địch, dần hình thành những kế hoạch cụ thể xây dựng vùng căn cứ địa. Ông cho rằng: Muốn thu phục lại Trung nguyên, trước hết phải lấy lại Trường An, muốn lấy được Trường An phải lấy được Long Thạch (2). Vương Viêm cùng các bạn đồng liêu đều tán thành suy nghĩ này và khuyến khích ông sớm vạch ra phương án tác chiến. Lục Du vô cùng sung sướng, rất nhanh chóng vạch ra kế hoạch tiến công quân Kim. Xem xong, Vương Viêm lập tức bẩm báo lên triều đình, vừa chờ đợi nhà vua ra lệnh vừa tổ chức tích lũy quân lương, rèn luyện binh sĩ ở Hán Trung chuẩn bị mọi mặt để sẵn sàng lâm trận. Nhưng triều đình Nam Tống ở Lâm An lúc ấy không muốn tiến lên phía bắc, kế hoạch tác chiến của Lục Du gửi tới triều đình như hòn đá rơi xuống nước, chẳng thấy tin tức phản hồi. Bao nhiêu hy vọng của Lục Du tan như bong bóng.
Không lâu sau, Vương Viêm bị điều đi, Lục Du cũng bị chuyển tới Thành Đô, trở thành Tham nghị quan, bộ hạ của  An  phủ sứ (3) Phạm Thành Đại. Phạm Thành Đại là bạn cũ của ông, tuy là quan hệ trên dưới, nhưng giữa hai nguời không câu nệ lễ tiết. Mong ước chống Kim của Lục Du không được thực hiện, trong lòng buồn nản, ông thường uống rượu làm thơ, bộc lộ tình cảm yêu nước của mình. Nhưng nguời trong đám quan trường đâu hiểu ông, họ nói ông không biết giữ lễ, tư tưởng phóng túng. Nghe thế, Lục Du tự đặt cho mình biệt hiệu “Phóng Ông”. Về sau, nguời đời thường gọi ông là “Lục Phóng Ông”.
Cứ thế qua hai, ba mươi năm, vương triều Nam Tống vẫn không  muốn lấy lại vùng đất đã mất. Lục Du vẫn kéo dài cuộc sống nhàn cư ở quê nhà, đem tấm lòng yêu nước thương dân gửi gắm vào những sáng tác thơ ca.
Một lần, đêm đã về khuya, Lục Du một mình đọc sách trong thư phòng. Dưới ngọn đèn leo lét, ông lật giở từng trang nhật ký “Lãm bí lục” của nguời bạn thân thiết Phạm Thành Đại viết trong cuộc kháng chiến chống Kim hơn hai mươi năm trước. Đọc từng trang, bao sự việc hiện về trong đầu ông, đó là những trang viết Phạm Thành Đại ghi lại chân thực bao điều mắt thấy tai nghe  trên con đường kháng chiến với bao tình cảm nồng hậu dạt dào, khiến Lục Du vô cùng xúc động. Nhật ký có ghi lại một chuyện, Một hôm, Phạm Thành Đại đi qua Tương Châu (nay là An Dương, Hà Nam) già trẻ trai gái ở khu Luân Hãm thấy sứ giả của triều Tống đến, ùa nhau ra ven đường quỳ lạy, than lớn khóc ròng, nước mắt ướt đẫm cả áo họ. Hình dung cảnh tượng những con người ấy, Lục Du nhớ đến tình yêu Tổ quốc của biết bao những con nguời tha hương, trong khi phái chủ hòa trong triều tìm trăm phương nghìn kế hãm hại những tướng lĩnh thuộc phe chủ chiến, Tông Trạch bị bãi chức, Nhạc Phi bị giết hại. Trong lòng đầy tức giận, nhà thơ bỗng lớn tiếng ngâm:
“Công khanh hữu đảng bài Tông Trạch,
Duy ốc vô nhân dụng Nhạc Phi
Di lão bất ứng tri bỉ hận
Diệc phùng Hán tiết giải triêm y.”
Những câu thơ hay nhất trong bài “Dạ độc Phạm chí năng “Lãm bí lục”” có thể nói đã chứa chất nỗi phẫn nộ trong những năm cuối đời của Lục Du và bao nguời dân yêu nước với phe chủ hòa đầu hàng.
Đến năm 1210, Lục Du buồn chán thành bệnh, bệnh ngày càng nặng thêm. Khi ấy, nhà thơ đã 85 tuổi. Trước phút lâm chung, nguời trong làng và con cháu ông  mắt đẫm lệ tới bên giường bệnh. Sau một lát mê đi, ông tỉnh lại, cầm tay nguời con, nói:
– Nếu quân ta lấy lại được đất đai đã mất vào tay giặc, đến ngày Cửu Châu thống nhất, nhà ta mở tiệc ăn mừng, các con đừng quên báo tin thắng lợi cho ta!
Nói xong, bàn tay ông dần buông lỏng. Nhưng vẫn chưa yên tâm, sợ con cháu ngày sau lãng quên, ông ra hiệu mang giấy bút, dùng sức tàn viết bài thơ Thị nhi:
“Tử khứ nguyên tri vạn sự không,
Đãn bi bất kiến cửu châu đồng. 
Vương sư bắc định Trung Nguyên nhật, 
Gia tế vô vong cáo nãi ông.”

“Dịch: Vốn biết chết rồi là hết chuyện, 
Chín châu chỉ tiếc chửa sum vầy. 
Ngày nào thu lại miền Trung thổ, 
Cúng bố đừng quên khấn bố hay.
Bản dịch của Nam Trân).
Thơ viết xong, nhà thơ từ từ nhắm mắt. Nhà thơ kiệt xuất Lục Du cả một đời không quên việc giành lại đất đai đã mất cho đất nước từ biệt thế giới này. Cả đời ông đã miệt mài sáng tác hơn 9.000 bài thơ, đó là di sản quý báu nhất nhà thơ để lại cho chúng ta. Những bài thơ thấm đẫm máu và nước mắt này, tập trung thể hiện tinh thần yêu nước vĩ đại của ông.
Hàng nghìn năm sau, tấm lòng ấy vẫn còn tác dụng cổ vũ và giáo dục lòng yêu nước cho mọi người chúng ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét