Võ Tắc Thiên vốn là Hoàng hậu của Cao Tông, sau khi đoạt ngôi giành thiên hạ của triều Đường, đổi quốc hiệu thành Chu, tự xưng “Thần Thánh Hoàng đế”.
Để củng cố chính quyền của mình, bà mở rộng cửa đón nhận những tố cáo, giăng lưới đặt bẫy, sử dụng cai ngục, đao phủ vô cùng tàn nhẫn, tìm mọi cách để tiêu diệt tất cả những người tỏ ý bất mãn, chống đối.
Trong các viên quan tàn ác của bà, Chu Hưng, Lai Tuấn Thần, Tố Nguyên Lễ là những kẻ ác độc nhất, đã hãm hại rất nhiều đại thần. Lai Tuấn Thần còn viết cuốn “La chức kinh” (“La chức” chính là giả mạo tội danh, hãm hại người lương thiện), dạy cho các học trò của hắn cách bịa đặt tội danh, khiến cho các bị cáo không có cách nào để thoát tội.
Chu Hưng, Lai Tuấn Thần sử dụng các hình phạt vô cùng tàn bạo. Có khi, phạm nhân phải quỳ, tay nâng một cái gông gỗ lớn, trên gông đặt một cái vại, gọi là “Tiên nhân hiến quả”, có khi phạm nhân phải đứng trên một cây gỗ cao, cổ đeo một tảng đá lớn, quay đầu nhìn về phía sau, gọi là “Ngọc nữ đăng thê”; có khi dùng một vòng sắt tròng vào đầu phạm nhân rồi chêm vào các đinh gỗ cho tới khi sọ phạm nhân nứt ra; có khi dùng thẻ trúc ghim vào móng tay, có khi dùng dấm nóng đổ vào mũi; có khi không cho ăn uống, thẩm vấn suốt đêm ngày, làm thân thể suy kiệt, không cho nhắm mắt. Những sự hành hạ ấy thật là tàn nhẫn tới cực điểm. Mỗi lần phạm nhân bị thẩm vấn, chỉ nghe tiếng gậy phang, các dụng cụ tra tấn đặt trước mắt phạm nhân, chưa cần ra tay, phạm nhân đã phách lạc hồn bay, mau nhận tội để được chết cho nhanh.
Cứ như thế, trong mọi cuộc xử, ai cũng sợ hãi. Mọi người đều hoảng sợ và căm giận Chu Hưng, Lai Tuấn Thần, so bọn chúng với hổ sói, gọi bọn chúng là “khốc sử” (kẻ tàn bạo).
Cháu của Võ Tắc Thiên là Võ Thừa Tự muốn làm Thái tử, Dự vương Lý Đán là hòn đá cản đường hắn. Võ Thừa Tự liền cho người tố cáo, giết luôn hai phi của Dự Vương, sau đó lại vu cáo Dự Vương mưu phản. Võ Tắc Thiên cho Lai Tuấn Thần xử lý. Lai Tuấn Thần liền bắt Dự Vương và những người gần gũi tới để thẩm vấn. Các hình cụ (dụng cụ tra tấn) cũng được bày ra, Lai Tuấn Thần ngồi trên ghế cao. Ban đầu, một số người còn bênh vực cho Dự Vương. Lai Tuấn Thần hạ lệnh tra khảo, có khi đánh bằng roi sắt, có lúc đánh bằng côn, lại có lúc dùng lửa đốt, rồi rót dấm, chưa đầy nửa canh giờ, máu thịt tả tơi kêu than ầm ĩ, rồi đành phải chấp nhận những điều bịa đặt do Lai Tuấn Thần đưa ra.
Họ vừa mới áp ngón tay điểm chỉ vào tờ giấy, bỗng có một người xông tới, hét lớn:
– Dự Vương không có ý làm phản, tại sao lại bức ông ấy thừa nhận? Tôi là nhạc công An Toàn Tạng. Tôi có thể làm chứng
Nói xong, cầm dao đâm vào ngực, máu chảy như trút, ngũ tạng phơi hết cả ra. Việc này xảy ra bất ngờ, Lai Tuấn Thần cũng hoảng sợ. Nghe bẩm báo, Võ Tắc Thiên sai người đưa An Toàn Tạng vào trong cung chữa trị. Bà ta sợ việc này lộ ra sẽ sinh loạn, khó mà dập được nên vội ra lệnh ngừng thẩm vấn, bắt Lai Tuấn Thần thả tất cả những người bị bắt, từ đó, cái án oan này mới được bãi miễn.
Sự tàn bạo hoành hành khiến người bất mãn ngày càng đông. Thấy nhiều người phẫn nộ, không có lợi cho sự thống trị của mình, Võ Tắc Thiên đã muốn giết mấy kẻ bạo ngược để dung hòa mâu thuẫn. Vừa lúc đó, có người cáo giác Chu Hưng có liên quan tới vụ án Khâu Thần Tích đã bị tử hình. Võ Tắc Thiên bèn sai Lai Tuán Thần thẩm vấn Chu Hưng.
Một hôm, Lai Tuấn Thần mời Chu Hưng tới ăn cơm, hai người vừa ăn vừa trò chuyện, rất vui vẻ. Bỗng nhiên, Lai Tuấn Thần hỏi Chu Hưng:
– Triều đình cử tôi thẩm vấn một phạm nhân, tội phạm rất xảo quyệt, sợ nó không chịu nhận tội. Ông xem thử có cách nào?
Chu Hưng nói:
– Có gì khó đâu, ông lấy một cái chum lớn, đốt lửa bốn xung quanh, nhốt hắn vào trong đó, làm sao mà hắn không nhận tội?
Lai Tuấn Thần nghe xong, cười ha hả, nói:
– Thật là một ý hay.
Rồi dặn dò thủ hạ:
– Cứ theo lời ngài Chu Hưng nói mà làm, chuẩn bị một cái chum lớn, đốt lửa xung quanh.
Chu Hưng cười rất thích thú, nói:
– Sao vội thế, ngài đợi ăn xong rồi thẩm vấn cũng không muộn.
Đợi lửa đã cháy ngùn ngụt, Lai Tuấn Thần đứng dậy, chỉ tay, nói với Chu Hưng:
– Tôi hôm nay phụng chỉ thẩm vấn lão huynh, chum đã có rồi, xin mời ngài vào chum.
Chu Hưng lúc này mới phát hoảng, vội cúi đầu nhận tội.
Theo quy định, Chu Hưng phải chịu tội chết. Võ Tắc Thiên đổi cho bị lưu hình (2). Mọi người căm hận Chu Hưng, đợi trên đường hắn bị giải đi, giết chết.
Sau vụ Chu Hưng, Lai Tuấn Thần vẫn không chùn tay, dã tâm của hắn ngày càng lớn. Hắn muốn vu cáo Võ Thừa Tứ, Võ Tam Tư và con gái của Võ Tắc Thiên là Thái Bình Công chúa để một mình nắm đại quyền. Bọn Võ Thừa Tứ biết thủ đoạn thâm độc của Lai Tuấn Thần, bèn ra tay trước, bắt Lai Tuấn Thần. Võ Tắc Thiên muốn tha tội cho hắn nhưng không có cách nào trước bao đại thần dâng thư xin xử tử Lai Tuấn Thần. Võ Tắc Thiên đành phải hạ lệnh giết hắn. Hôm hành hình, rất nhiều gia đình những người đã bị hại kéo đến pháp trường, để trút căm phẫn, họ tranh nhau cắt từng mảnh thi thể của hắn, chẳng bao lâu, xác của hắn không còn một mảnh vụn., tất cả đều bị giày xéo thành bùn đất. Dân chúng bảo nhau: “Từ nay về sau mới có thể ngủ yên.”
Võ Tắc Thiên sử dụng bọn “khốc sử” nhằm tiêu diệt những người chống đối, củng cố ách thống trị của mình, nhưng rất nhiều đại thần cùng hàng vạn dân chúng vô tội đã bị bức hại. Về cuối đời, Võ Tắc Thiên ngày càng mê muội, chính trị triều đình ngày càng hủ bại. Năm 705, bà ta đích thân cất nhắc Trương Gián Chi, nhân khi bị bệnh nặng, đề xuất thay đổi, giết Trương Dị Chi, Trương Xương Tông là những người thân tín của mình, ủng hộ Đường Trung Tông (3), khôi phục ngôi vua. Chính vào năm đóVõ Tắc Thiên bị bệnh chết năm 82 tuổi.
Chú thích:
(1) Gông là một trong những hình cụ.
(2) Lưu hình: người phạm tội bị buộc tới nơi xa xôi, đời Đường quy định xa 2000, 2500, 3000 dặm, gọi là tam lưu, tất cả đều phải lao động khổ sai.
(3) Đường Trung Tông (656 – 710): ở ngôi 683 – 684, 705 – 710, con của Đường Cao Tông.
Người dịch: Dương Đình Giao
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét