XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 19.15. LỢI MÃ ĐẬU TRUYỀN GIÁO Ở TRUNG HOA

  Người dịch: Dương Đình Giao
Năm Vạn Lịch Minh Thần Tông thứ 10 (1582), có một giáo sĩ nguời Ý Đại Lợi (Italia) tên là Lợi Mã Đậu (Matteo Ricci) đã vượt trùng khơi muôn dặm tới Áo Môn (1) Trung Quốc. Ông muốn mang đạo Cơ đốc ở phương Tây  tới mảnh đất Trung Quốc thần kỳ này.
Thực ra, trước Lợi Mã Đậu đã có các nhà truyền giáo tới Trung Quốc, như nhà truyền giáo Tây Ban Nha Phương Tề Danh Sa Vật Lược, nhưng ông chưa thành công. Sau khi tới Trung Quốc ở giữa thế kỷ 16, nhưng Phương Tề Danh không được nhập cảnh, năm 1552 ông chết ở đảo Thượng Xuyên ngoài khơi biển Trung Hoa.
Sau khi Phương Tề Danh Sa Vật Lược chết, có sáu nhà truyền giáo Bồ Đào Nha muốn tới Trung Quốc, nhưng họ cũng không thành công, tất cả họ chỉ có thể đặt chân tới Áo Môn.
Áo Môn là căn cứ chủ yếu của đạo Gia Tô ở phương Đông, Lý Mã Đậu tới Trung Quốc lần đầu tiên cũng tới đây. Để hy vọng nguời Trung Quốc có thể tiếp thu, chuẩn bị cho công việc truyền giáo, ông đã chuyên tâm học tập Hán ngữ, dưới sự hướng dẫn của  đạo sĩ La Minh Kiên, ông cũng có hứng thú trong việc tìm hiểu phong tục tập quán và thể chế chính trị của Trung Quốc.
Năm 1583, Lợi Mã Đậu và La Minh Kiên được sự phê chuẩn của Tổng đốc Lưỡng Quảng, được tới cư trú ở Triệu Khánh, Quảng Đông. Cả hai đều được đồng ý nên họ vô cùng vui sướng, Lợi Mã Đậu nói:
– Rất nhiều nguời Trung Quốc tin Phật giáo, chúng ta chi bằng cứ tự xưng là các nhà sư phương Tây, như thế, có thể dễ được dân chúng tiếp nhận.
La Minh Kiên cũng gật đầu đồng ý.
Vì thế, hai nguời đã xuống tóc, mặc quần áo như các hòa thượng, tự xưng là “Tây tăng”, trước khi tới bái kiến Tri phủ Triệu Khánh. Khi tới công đường, hai nguời tuân theo lễ tiết của nguời Trung Quốc, cúi đầu vái Tri phủ Triệu Khánh, Lợi Mã Đậu rất chân thành, nói:
– Chúng tôi là các tăng nhân phương Tây, vì ngưỡng mộ danh tiếng của Thiên triều cho nên tới đây. Chúng tôi hứa nhất định sẽ tuân thủ mọi pháp luật của Thiên triều, thành tâm tu hành, khuyên nguời ta làm việc thiện, kính mong đại nhân bảo vệ cho chúng tôi  được an toàn.
Tri phủ Triệu Khánh nghe họ nói tiếng Trung Quốc rất lưu loát, dùng từ chuẩn mực, lại biết thực hiện các nghi lễ của nguời Trung Quốc rất vui lòng nên tỏ ý sẽ bảo đảm sự an toàn cho họ. Do sự giúp đỡ của Tri phủ, chỉ mấy ngày sau, Tổng đốc đã phê chuẩn cho họ được xây dựng giáo đường của mình.
Ngôi nhà của Giáo hội vốn được thiết kế hai tầng lầu theo phong cách châu Âu, nhưng để tránh sự nghi ngờ của mọi người, họ đã thay đổi theo hình dáng ngôi nhà của Trung Quốc, cũng có tiền sảnh và hai gian. Như vậy, dưới con mắt Tri phủ, Lợi Mã Đậu và La Minh Kiên và những nguời xuất gia của Trung Quốc không có gì khác nhau, nơi ở của họ tất nhiên cũng là những ngôi chùa. Vì thế, Tri phủ vui vẻ đặt bút đề cho họ hai tấm biển: “Tiên hoa tự” và “Tây lai tịnh sĩ”. Lợi Mã Đậu đem tấm trước đặt ở tiền sảnh, còn tấm sau đặt trước phòng khách.
Hai tấm biển do đích thân Tri phủ đề bút rất nhanh chóng khiến cho giáo đường nổi tiếng, quan viên các nơi ở Triệu Khánh đua nhau theo gương Tri phủ tới gặp gỡ với Lợi Mã Đậu. Nhưng thái độ nhiệt tình của các quan không ảnh hưởng tới cư dân. Ngược lại, họ vô cùng ác cảm với các “phiên quỷ”. Trong khi đang xây dựng, giáo đường thường bị cư dân địa phương ném gạch đá.
Một hôm, những nguời ủng hộ Giáo hội bắt được một đứa trẻ đang ném đá, muốn đem nó giải đến quan phủ. Đứa trẻ kêu khóc, tiếng kêu than vọng tới mấy nhà ở xung quanh. Họ phản đối việc đưa đứa trẻ tới công đường, có hai nguời phao tin, đứa trẻ bị cha cố bắt đã ba ngày, đánh cho đến tê liệt, chuẩn bị đưa tới Áo Môn bán làm “nô công”. Nhưng rất may, Tri phủ đã nhanh chóng làm rõ thực hư, trừng phạt kẻ bịa đặt. Nhưng sự việc khiến nguời địa phương càng thêm phẫn nộ.
Trong không khí đối nghịch bất lợi như vậy, Lợi Mã Đậu tuyệt nhiên không nói tới chuyện tôn giáo, mà chỉ chuyên tâm vào việc học tập Hán ngữ, mở rộng quan hệ với các sĩ đại phu. Thông qua việc tiếp xúc với các viên chức chính quyền, ông càng tỏ ra quan tâm đến nhiều mặt trong cuộc sống của nguời Trung Quốc, tránh để họ chú ý tới những khác lạ của phương Tây. Ông không bỏ qua mọi cơ hội để giới thiệu quả địa cầu, đồng hồ báo thức, lịch, … ra sức giành thiện cảm của nguời Trung Quốc từ đó, dần tạo nên sự giao lưu giữa văn hóa phương Tây với văn hóa Trung Quốc, đưa việc giới thiệu đạo Thiên Chúa tiến thêm một bước.
Để không kích thích tâm lý bài ngoại của nguời Trung Quốc, ông tự đặt cho mình một cái tên Trung Quốc, nói tiếng Trung Quốc, ăn các món ăn Trung Quốc, mặc quần áo như các nhà Nho Trung Quốc, đọc các trước tác kinh điển Khổng Mạnh, thậm chí trong nhà Lợi Mã Đậu cũng không có tượng Thánh Đức mẹ Maria. Sống ở Trung Quốc trong suốt mười mấy năm đã khiến ông hiểu con người nơi đây và thành công trong việc truyền giáo. Nhưng quan trọng nhất là phải chiến thắng được ảnh hưởng của quyền uy và ý chí tối cao ở Trung Quốc là Hoàng đế. Dựa vào sự giúp đỡ của những hoạn quan có quyền lực, vượt qua bao gian khổ, cuối cùng, ông cũng tiếp cận được để “tiến công” vào Hoàng đế Trung Quốc.
Năm Vạn Lịch, Minh Thần Tông thứ 28 (1600), Lợi Mã Đậu tới Bắc Kinh. Ông dâng lên Hoàng đế một biểu văn vô cùng khiêm nhường, dâng lên Hoàng đế một số lễ vật. Lễ vật gồm một tượng Thiên Chúa, một tượng Đức Mẹ, một bản “Thánh kinh” , một cây thiết huyền cầm, một tấm bản đồ thế giới, và cuối cùng là hai chiếc đồng hồ báo thức một lớn một nhỏ.
Minh Thần Tông xem các cống vật của Tây dương, thích thú nhất là hai chiếc đồng hồ báo thức. Chiếc đồng hồ có thể báo thời gian bằng tiếng chuông, báo giờ một cách chính xác thật là kỳ diệu được nhà vua tiếp nhận. Nhưng tám ngày sau, chiếc đồng hồ bỗng “chết” máy. Thần Tông lập tức sai Thái giám gọi nguời Tây dương tới hỏi nguyên nhân.
Lợi Mã Đậu đã giải thích nguyên lý và sơ đồ của đồng hồ báo thức, sau đó lên dây cót, điều chỉnh lại thời gian, cái đồng hồ lại “tích tắc, tích tắc” chạy bình thường.
Vua Thần Tông rất vui vẻ, cảm thấy bên cạnh mình không thể thiếu một con người như Lợi Mã Đậu, nguời có thể sửa chữa được những đồ vật kỳ lạ như thế, nhưng biết làm thế nào? Vua ra lệnh cho Lợi Mã Đậu ở lại Bắc Kinh để làm các công việc đó. Đây chính là mong muốn của Lợi Mã Đậu, từ đó, ông có thể gần gũi với Hoàng đế.
Vua Thần Tông lại phê chuẩn cho Lợi Mã Đậu được xây dựng giáo đường của mình ở Bắc Kinh. Từ đó, ông đã có cơ hội truyền giáo công khai, trải qua ba, bốn năm, ở Bắc Kinh, Lợi Mã Đậu đã có tới hơn hai trăm tín đồ, trong đó, quan trọng nhất là Từ Quang Khải (3), Lý Chi Tảo, con những  viên quan lớn trong triều, về sau, họ đều tiếp thu văn minh phương Tây, trở thành  những nhà khoa học. Giờ đây, Lợi Mã Đậu đã có ảnh hưởng tới từ vị Hoàng đế đến các thứ dân.
Cách truyền giáo của Lợi Mã Đậu vô cùng sáng suốt, ông khiến cho mọi người tin rằng có sự tương hợp giữa niềm tin của họ với giáo lý Khổng Mạnh. Cho nên những bài giảng của ông phù hợp với truyền thống  Trung Quốc, thừa kế truyền thống đạo lý Khổng Mạnh. Từ đó, thông qua ảnh hưởng của các sĩ đại phu, ông nhận được sự giúp đỡ của họ, Thiên Chúa giáo bắt đầu được truyền bá hợp pháp ở Trung Quốc.
Mục đích của Lợi Mã Đậu tới Trung Hoa tuy là để truyền giáo, nhưng ông đã vừa đưa tới Trung Quốc nhiều tri thức tiên tiến của phương Tây về toán học, thiên văn học, địa lý học, vừa từ những hiểu biết trong thời gian truyền giáo ở đây qua thư tín giới thiệu với nguời châu Âu tình hình Trung Quốc, ông đã có những cống hiến to lớn trong việc giao lưu văn hóa giữa Trung Quốc và phương Tây đặc biệt là giới thiệu học thuật phương Tây. Về mặt toán học, qua ba năm quan hệ với Từ Quang Khải, hai nguời đã hợp tác phiên dịch mấy trước tác nổi tiếng của châu Âu như cuốn “Kỷ hà nguyên bản”; về địa lý, ông đã biên soạn bản đồ thế giới “Khôn hưng vạn quốc toàn đồ”; về ngữ ngôn học ông đã viết “Tứ tự kỳ tích”, dùng cách ghi âm phương Tây ghi âm chữ Trung Quốc khiến cho nhiều nguời có thể vượt qua bao khó khăn trong việc học thứ ngôn ngữ này.
Có thể nói, Lợi Mã Đậu là nhà truyền giáo đạo Thiên Chúa vào Trung Quốc, đồng thời là một trong những nguời đầu tiên có những đóng góp rất vĩ đại trong việc giao lưu văn hóa Trung Quốc với phương Tây.

Chú thích:
  • Áo Môn: Vốn là một làng chài. Năm 1553, nguời Bồ Đào Nha qua đây buôn bán, được quan địa phương cho cư trú. Năm 1557, mượn danh nghĩa cho thuê. Năm 1573, chính thức nộp địa tô hàng năm, mỗi năm 500 lạng bạc.
  • Tự minh chung: đồng hồ. Năm 1581, lần đầu tiên La Minh Kiên giáo sĩ đạo Gia Tô mang tới Quảng Châu, so sánh với đồng hồ truyền thống của Trung Quốc, nó có nhiều ưu điểm hơn. Cuối đời Minh đã có nguời Trung Quốc phỏng theo để chế tạo.
  • Từ Quang Khải (1552 – 1633)nguời huyện Thượng Hải, phủ Tùng Giang (nay là Thượng Hải), thông hiểu nhiều khoa học, làm tới Lễ bộ Thượng thư, Đong các đại học sĩ. Nhập đạo Thiên Chúa, qua Lợi Mã Đậu học tập khoa học phương Tây, tác phẩm có “Nông chính toàn thư”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét