XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Ba, 1 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 01.01. BÀN CỔ KHAI THIÊN LẬP ĐỊA

 Vũ trụ đã được ra đời như thế nào? Con người bắt nguồn từ đâu? Con người ngay từ thời cổ đã đầy những thắc mắc về các vấn đề này, rất muốn lý giải cho rõ ràng. Rất nhiều dân tộc trên thế giới đều có thần thoại Sáng thế ký, người ta tưởng tượng một vị thần có sức mạnh vô biên khai thiên lập địa, sáng tạo nên muôn vật. Những thần thoại loại này đều biểu hiện “thời đại ấu thơ” của loài người giải thích hồn nhiên hiện tượng tự nhiên, đời sống xã hội và hướng về cái đẹp.
Trong rất nhiều dân tộc ở  Trung Quốc, lưu truyền rộng rãi thần thoại Bàn Cổ khai thiên lập địa. Theo đó, vào lúc trời đất còn chưa hình thành, tất cả đều là một khối hỗn độn, chưa có trên dưới, phải trái, đông tây nam bắc, không có ánh sáng cũng chẳng có thanh âm, tất cả chỉ là một không gian hoàn toàn không có sự sống. Ở trung tâm của khối hỗn độn đó là thủy tổ của loài người chúng ta: Bàn Cổ.
Qua 18.000 năm thai nghén, cuối cùng Bàn Cổ cũng sinh đẻ. Ngài cảm thấy không gian này vô cùng chật chội, liền dùng một cái rìu phá tan khối hỗn độn. Khối hỗn độn ấy mở ra, chia làm hai phần: phần nhẹ mà trong mỗi ngày đều bay lên cao, vì thế hình thành bầu trời; phần nặng mà đục mỗi ngày đều rơi xuống thấp, vì thế hình thành mặt đất. Giữa Trời và Đất, Bàn Cổ cũng mỗi ngày lớn lên một trượng. Ngài càng lớn càng cao, trở thành đầu đội trời, chân đạp đất, một người cao lớn không ai sánh nổi.
Từ khi bắt đầu đến khi Trời Đất hình thành trải qua 18.000 năm. Lúc này giữa Trời và Đất chỉ có một con người là Bàn Cổ, mọi nỗi buồn vui của Bàn Cổ đều ảnh hưởng trực tiếp đến tự nhiên. Khi Ngài vui vẻ, bầu trời trong xanh; khi Ngài tức giận, trời sinh u ám; khi Ngài khóc, nước mắt thành mưa và tuyết; khi Ngài thở dài, thành gió và mây.
Bàn Cổ sống 18.000 tuổi. Khi Ngài chết. mắt trái biến thành mặt trời, mắt phải biến thành mặt trăng, máu biến thành sông, thịt biến thành đất đai, tóc biến thành tinh tú, da biến thành cây cỏ, xương cốt và răng biến thành vàng đá, tinh túy biến thành châu ngọc, mồ hôi biến thành mưa. Đầu Ngài biến thành Đông Nhạc Thái Sơn, hai chân biến thành Tây Nhạc Hoa Sơn, ngực và bụng biến thành Trung Nhạc Tùng Sơn, vai trái biến thành Nam Nhạc Hoành Sơn, tay phải biến thành Bắc Nhạc Hằng Sơn.
Đây chính là thần thoại khai thiên lập địa.
 Vậy con người từ đâu mà có? Một thần thoại khác trả lời câu hỏi này.
 Sau khi Bàn Cổ chết, giữa Trời và Đất hoàn toàn trống trải. Về sau không biết bao nhiêu năm, lại xuất hiện Nữ Oa. Nữ Oa là một người sống giữa Trời Đất, cảm thấy quá vắng vẻ mới nghĩ tới việc tạo ra một số người để sống cùng với Bà. Bà dùng nước và đất sét vàng nặn thành người. Bà nặn một người đàn ông, rồi nặn một người đàn bà. Thật là kỳ lạ, bà nặn xong một người, thổi một hơi vào người đất, người đất đã biến thành một người biết nói biết cười. Những người này thành từng bầy sống quanh Nữ Oa, nhảy múa, gào thét. Gọi Nữ Oa là mẹ. Đây chính là thần thoại “Nữ Oa tạo người”.
Những thần thoại này rất hoang  đường , nhưng chúng ta cũng đọc được  một số thông tin. Thần thoại Bàn Cổ khai thiên lập địa nói rõ tổ tiên chúng ta tin rằng sức mạnh của con người là vĩ đại, con người có thể dùng lao động để cải tạo tự nhiên. Thần thoại Nữ Oa tạo người đã phản ánh cuộc sống của con người buổi đầu. Hiện tại chúng ta biết, lịch sử loài người còn tồn tại thời đại thị tộc mẫu hệ, lúc ấy, người phụ nữ giữ vai trò quan trọng trong sản xuất và đời sống, con cái chỉ có thể nhận được mẹ của mình, không biết ai là cha. Thần thoại Nữ Oa có phải ảnh hưởng của xã hội mẫu hệ?
Người dịch: Dương Đình Giao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét