Năm 628 trước CN, Tấn Văn Công mất, Tần Mục Công muốn nhân chuyện tang lễ sẽ là cơ hội hiếm có để ông ta tiêu diệt nước Trịnh. Nhưng Kiển Thúc và Bách Lý Hề không đồng ý việc đánh úp nước Trịnh. Kiển Thúc nói:
– Nước Trịnh cách xa chúng ta, ta mang quân vất vả đi xa, liệu nước Trịnh có thể không biết chăng? Người, ta cứ chuẩn bị cho tốt, dĩ dật đãi lao, bất lợi cho ta như thế không thể làm được!
Tần Mục Công không nghe, cử Mạnh Minh Thị, Tây Khuất Thuật, Bạch Ất Bính bí mật mang đại quân xuất phát. Tây Khuất Thuật, Bạch Ất Bính đều là con trai của Kiển Thúc, trước khi lên đường, Kiển Thúc khóc ở ngoài thành, nói:
– Ta nay thấy các con xuất quân đi xa, chỉ sợ không thấy được các con trở về.
Tần Mục Công nghe được, mắng:
– Lão già không sợ chết sao, toàn nói những câu bất lợi.
Lại nói về nước Tấn, đã sớm nhòm ngó nước Trịnh, nay lại được tin tình báo, biết nước Tần sẽ đánh Trịnh khi đến nước Tấn dự việc tang, họ rất tức giận. Nước Tấn biết quân Tần khi về nước sẽ phải đi qua Hào Sơn (nay là Miễn Trì, Hà Nam), liền bố trí, đợi quân Tần đến.
Lại nói quân Tần vốn muốn diệt nước Trịnh, không cần biết gì khác, không ngờ đi được nửa đường gặp một người buôn trâu tên là Huyền Cao. Huyền Cao là người nước Trịnh, thấy quân Tần khí thế bừng bừng kéo đến nước mình mà nước mình vẫn không hay biết rất sốt ruột. Ông ta vội nảy ra một kế, một mặt cử người về nước Trịnh báo tin, một mặt lùa đàn trâu đi vào chỗ quân Tần.
Huyền Cao thấy tướng Tần Mạnh Minh Thị, điềm nhiên nói:
– Tôi là sứ thần của nước Trịnh, nghe nói tướng quân dẫn quân ra tệ quốc, tôi theo lệnh của vua Trịnh, mang chút lễ mọn tới thăm hỏi đại quân.
Mạnh Minh Thị trong lòng hoảng sợ, biết là mưu đồ đánh Trịnh đã bị lộ; đành tìm cách lo liệu. Sau khi Huyền Cao đi rồi, Mạnh Minh Thị cùng mọi người bàn bạc, tiện thể đánh nước Hoạt ở gần đấy.
Diệt được nước Hoạt, quân Tần cướp được rất nhiều vàng bạc, châu ngọc, lương thực, vải vóc, đem quân về nước. Đầu tháng 4, tướng Tần Mạnh Minh Thị đưa quân đến Miễn Trì (nay là huyện Miễn Trì tỉnh Hà Nam). Bạch Ất Bính nói với Mạnh Minh Thị:
– Đây cách Hào Sơn không xa, cha tôi đã luôn nhắc phải cẩn thận, chúng ta phải vô cùng chú ý phòng bị quân Tấn có thể mai phục.
Mạnh Minh Thị nói:
– Có gì mà phải sợ? Qua Hào Sơn đã là đất của nước Tần. Tôi sẽ đi trước mở đường, mọi người cứ yên tâm mà theo.
Mạnh Minh Thị cử dũng tướng Bao Mạn Tử làm tiên phong, đích thân cùng đi trước mở đường. Trên đường không thấy một bóng người, Mạnh Minh Thị càng yên tâm. Mạnh Minh Thị còn cho quân sĩ bỏ mũ giáp để nhẹ nhàng mà tiến. Quân lính có người trên xe, có người trên ngựa, năm người một tốp, ba người một nhóm, đội ngũ kéo rất dài, tiến một cách chậm rãi.
Quân Tần cứ đi. Đột nhiên nghe tiếng trống nổi lên từ xa, có người kêu to:
– Hỏng rồi! Quân Tấn tới!
Nghe thấy thế, đội ngũ quân Tần lập tức hỗn loạn. Mạnh Minh Thị nói:
– Không phải sợ, nơi rừng sâu núi thẳm, quân Tấn sao mà đến được? Các ngươi cứ yên tâm mà đi, ta sẽ đi sau cùng.
Nói xong, Mạnh Minh Thị đi xuống cuối hàng quân. Đi được một đoạn nữa, có người chạy tới báo cáo:
– Con đường phía trước có nhiều cây lấp kín, không thể đi được.
Mạnh Minh Thị chạy lên phía trước xem xét, chỉ thấy gỗ nằm ngổn ngang, trên có cắm một lá cờ cao đến hơn ba trượng, trên cờ có một chữ “Tấn” to tướng. Mạnh Minh Thị trong lòng đã có chút nghi ngờ, cố trấn tĩnh, lớn tiếng quát:
– Đây là quân Tấn dọa người, không được dừng!
Ông ta bảo quân lính hạ lá cờ đỏ, dọn gỗ mở đường tiến.
Ai ngờ khi quân Tần mới hạ lá cờ, lập tức ngay bên cạnh tiếng trống vang lên. Trong núi, cờ xí lay động, không biết có nhiều hay ít quân lính. Vốn đây là nơi cao nhất của Hào Sơn, người ngựa của quân Tấn đều đã mai phục ở trong núi. Lá cờ đỏ là tín hiệu của quân Tấn, theo sự định trước, khi quân Tấn thấy lá cờ đỏ đổ, lập tức xung phong, đánh thẳng vào quân Tần. Quân Tần không dám chống cự, chỉ lo tháo chạy. Chạy chưa xa đã thấy một cánh quân Tấn xông tới, quân Tần đành phải chạy ngược lại. Phía trước có quân chặn, phía sau có quân đuổi, quân Tần không còn đường chạy. Mạnh Minh Thị đành phải hạ lệnh đến nơi gỗ đang chồng chất. Có ai ngờ quân Tấn đã để sẵn các thứ rượu, lưu huỳnh và các chất dẫn lửa. Thấy quân Tần tập trung ở đó, quân Tần bèn phóng hỏa. Trong nháy mắt, gỗ bén lửa cháy bùng bùng, gió giúp lửa bốc cao hơn, rừng núi chẳng mấy chốc biến thành biển lửa. Quân Tần trở nên hoảng loạn, tranh nhau chạy thoát thân. Mạnh ai nấy chạy, vừa chết cháy, vừa chết kẹp, người chết không thể đếm xuể.
Mạnh Minh Thị thấy thảm cảnh này, hoàn toàn tuyệt vọng, ông ta thở dài, nói với Tây Khuất Thuật va Bạch Ất Bính:
– Bá Phụ thật đoán việc như thần, tiếc là ta đã không nghe lời ông ta! Nay ta đành chết ở đây thôi, các ngươi chạy đi mà giữ mạng.
Nói chưa hết lời, quân Tấn đã từ bốn phương tám hướng ập đến, ba viên đại tướng đều trở thành tù binh của quân Tấn. Quân Tấn đưa Mạnh Minh Thị cùng cả bọn lên xe tù chở về kinh đô, chuẩn bị làm vật tế lễ tổ tiên mừng thắng lợi.
Mẹ kế của Tấn Trang Công là Văn Doanh (tức Hoài Doanh) là con gái Tần Mục Công, nghe nói Trang Công đem ba viên đại tướng của nước Tần đem giết, vô cùng hoảng hốt, vội nói với Trang Công:
– Nay Tần và nước Tấn là thông gia, vốn có quan hệ tốt, không thể vì cái tên Mạnh Minh Thị mà làm tổn hại đến hòa khí của hai nhà. Nếu bây giờ quân Tần đại bại, Tần Bá sẽ tức giận họ. Chi bằng chúng ta hãy thả cho họ ra, để cho Tần bá trừng trị tránh cho chúng ta cái tiếng giết người, làm ảnh hưởng đến quan hệ hai nước.
Tấn Trang Công nghe nói có lý, bèn cho người đem thả bọn ba người đó ra cho về nước Tần.
Bọn Mạnh Minh Thị thoát chết trở về, sợ Tấn Trang Công đổi ý, cắm cổ chạy thục mạng. Mấy hôm sau, quả nhiên Tấn Trang Công hối hận, cử Dương Xứ Phụ đuổi theo. Dương Xứ Phụ đuổi đến bờ sông Hoàng Hà thì bọn Mạnh Minh Thị vừa mới lên thuyền sang sông. Dương Xứ Phụ nghĩ ra một kế, tháo ngựa ra khỏi xe, gọi:
– Ba vị đừng vội, vua nước tôi sợ ba người đi đường không có xe, nên cử tôi biếu các vị một con thiên lý mã, xin ba vị hãy nhận đã!
Ba tướng Tần nay vừa như cá thoát khỏi lưới, sao còn dám quay vào bờ? Mạnh Minh Thị đứng trên đuôi thuyền, nói với Dương Xứ Phụ:
– Vua của quý quốc đã không giết chúng tôi, đã cảm kích muôn phần, sao chúng tôi còn dám nhận lễ vật quý giá này nữa! Nhờ ngài trở về nói với vua của ngài, nếu chúng tôi còn sống, sau ba năm, nhất định chúng tôi sẽ đích thân tới quý quốc cảm tạ.
Dương Xú Phụ không biết nói gì, chỉ đứng nhìn con thuyền dập dờn trên sóng, qua bờ bên kia.
Mạnh Minh Thị, Tây Khuất Thuật và Bạch Ất Bính về được nước Tần.
Người dịch: Dương Đình Giao
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét