Hoạn quan và ngoại thích tranh quyền đoạt lợi, khiến cho xã hội cực kỳ bất an, lại thêm nạn lụt, hạn hán, giặc châu chấu hoành hành không ngừng, bọn cường hào địa chủ thừa cơ chiếm hữu ruộng đất, vô số nạn dân không còn đường sống, phải bỏ nhà bỏ quê trở thành dân lưu tán.
Khi nông dân bị đẩy đến cảnh không còn đường sống, họ cuối cùng buộc phải cùng nhau đứng dậy, bắt đầu tập hợp khởi nghĩa. Năm 184, trong thời Hán Linh Đế Lưu Hoằng ở ngôi, đại khởi nghĩa Hoàng Cân như một làm sóng lớn bùng phát.
Cuộc đại khởi nghĩa Hoàng Cân do Trương Giác lãnh đạo. Trương Giác là người Cự Lộc (tây nam huyện Bình Hương, tỉnh Hà Bắc nay), thủ lĩnh đạoThái bình. ĐạoThái bình là một phái của Đạo giáo, họ tin vào một vị thần là Hoàng Thái, lấy “Thái bình thanh lĩnh thư” làm Thánh kinh, tuyên truyền tư tưởng “Hoàng thiên thái bình”, cho rằng chỉ có đến thời đại Thái bình, con người mới có thể không cần lo ăn lo mặc, sống những ngày vô lo vô nghĩ. Trương Giác vốn là người biết chút ít y học, thường chữa bệnh miễn phí cho nông dân, bệnh chữa khỏi, khiến Trương Giác trở thành vị cứu tinh của họ, đua nhau tin theo đạo Thái Bình. Trong thời gian khoảng 10 năm, tín đồ của đạo Thái Bình đã có tới mấy mươi vạn người.
Trương Giác theo lối phiên chế quân sự chia họ thành 36 phương. Đại phương có hơn một vạn người, Tiểu phương có 6, 7 nghìn người, mỗi phương đều cử một thủ lĩnh lãnh đạo, gọi là Cứ soái. 36 Cứ soái đều thống nhất dưới sự chỉ huy của Trương Giác. Trương Giác còn chế định ra khẩu hiệu khởi nghĩa 16 chữ “Thương thiên dĩ tử , Hoàng thiên đương lập, Tuế tịa Giáp tý, Thiên hạ đại cát”. Họ dự định ngày 5 tháng 3 năm đó, các nơi sẽ đồng loạt phát động khởi nghĩa.
Đệ tử, thủ hạ đắc lực nhât của Trương Giác là Mã Nguyên Nghĩa, một Cứ soái đại phương. Nghĩa thường đến thủ đô Lạc Dương truyền đạt những mệnh lệnh của Trương Giác. Trương Giác bảo Nghĩa mang mấy vạn tín đồ ở Kinh Châu và Dương Châu điều đến Nghiệp Châu (phía bắc thành phố An Dương, tỉnh Hà Nam nay) tập trung để tiện phối hợp với quân khởi nghĩa của các châu gần thủ đô tiến công Lạc Dương.
Trước ngày dự định khởi nghĩa một tháng, trong quân khởi nghĩa ở Tế Nam có một tên là Đường Chu làm phản, hắn viết thư báo tin cho chính phủ. Tin khởi nghĩa bị tiết lộ. Chính phủ Đông Hán bắt Mã Nguyên Nghĩa, đem giết trước mọi người ở Lạc Dương. Có đến hơn một nghìn người ở Lạc Dương bị tống lao, máu của quân khởi nghĩa đỏ cả đường phố Lạc Dương.Chính phủ Đông Hán còn hạ lệnh bắt Trương Giác, sau khi biết tin, ngay đêm ấy, Trương Giác cho người thông báo cho tín đồ các nơi, bảo họ lập tức khởi nghĩa. Tin của kẻ phản bội tuy có làm ngày khởi nghĩa bị đảo lộn, khiến cho quân khởi nghĩa tổn thất mất một lãnh tụ và hơn một nghìn nghĩa quân, nhưng không thể dập tắt được ngọn lửa khởi nghĩa, tín đồ đạo Thái Bình các nơi đã sớm được tổ chức, có sự chuẩn bị đầy đủ.
Sau mệnh lệnh của Trương Giác, ba mươi sáu phương lập tức đồng thời phát động khởi nghĩa. Quân khởi nghĩa dùng khăn vàng quấn trên đầu, trở thành hiệu “Hoàng Cân”, vì thế được gọi là quân Khăn Vàng. Trương Giác tự xưng là Thiên Công tướng quân, hai người em của ông là Trương Bảo và Trương Lương xưng là Địa công tướng quân và Nhân công tướng quân, ba người cùng chỉ huy cuộc chiến đấu của quân khởi nghĩa.
Quân khởi nghĩa mỗi khi đến nơi nào, đều đốt cháy nha môn phủ quan nơi đó, đánh vào cơ sở của bọn địa chủ cường hào (3) , bắt giết những tên quan lại và địa chủ làm điều xằng bậy. Trưởng quan của các châu quận cùng bọn đại địa chủ đua nhau bỏ trốn. Sau hơn mười ngày nổi dậy, trật tự thống trị phong kiến bị đảo lộn.
Triều đình Đông Hán vô cùng hoảng sợ, cử 8 Quan đô úy mang quân chủ lực giữ Lạc Dương và các vùng phụ cận, lại cử Hoàng Phủ Trung làm Tả trung lang tướng, Chu Tuyển làm Hữu trung lang tướng, mang hơn bốn vạn quân tinh nhuệ đàn áp quân khởi nghĩa Khăn Vàng. Thủ lĩnh Ba Tài của quân khởi nghĩa ở Dĩnh Xuyên đánh bại Hoàng Phủ Tung, vây chặt hắn ở Trường Xá (phía đông huyện Trường Cát, tỉnh Hà Nam nay).
Quan quân triều đình thấy quân Khăn Vàng chiến đấu dũng cảm, thanh thế vang dội, đều vô cùng sợ hãi. Hoàng Phủ Tung gian ngoan xảo quyệt thấy nhược điểm của quân Khăn Vàng là thiếu kinh nghiệm tác chiến, đã triệu tập bộ hạ của mình lại, nói: “Đánh trận phải dùng kế, không phải ở chỗ quân nhiều hay ít. Ta xem quân Khăn Vàng lấy cỏ làm trại, nhất định sợ hỏa công. Nếu chúng ta thừa lúc đêm tối trăng mờ, gió mạnh tập kích, đốt trại của chúng, chắc sẽ thắng lợi.”
Trong một đêm gió mạnh, Hoàng Phủ Tung hạ lệnh cho quân sĩ tập kích quân Khăn Vàng, phóng hỏa đốt trại quân của Ba Tài. Ba Tài tỉnh giấc, vội vàng chỉnh đốn đội ngũ, anh dũng chống lại, nhưng đã muộn.
Hoàng Phủ Tung, Chu Tuyển và Đô úy kỵ binh Tào Tháo bao vây họ, thừa lúc hỗn loạn, chém giết đến hàng nghìn hàng vạn quân Khăn Vàng. Quân khởi nghĩa ở Nhữ Nam, Trần Quốc nghe tin vội đến ứng cứu cũng bị đánh bại. Ba Tài không còn cách nào, đành phải rút về Dương Địch.
Ở phía bắc, quân Khăn Vàng do anh em Trương Giác đích thân chỉ huy thắng trận, đánh bại quân Đông Hán của Bắc trung lang tướng Lư Thực và Đông trung lang tướng Đổng Trác. Hán Linh Đế vội lệnh cho Hoàng Phủ Tung từ Hà Nam tiến lên phía bắc, cùng đánh quân Khăn Vàng. Trương Giác cử Trương Lương chiến đấu với Hoàng Phủ Tung, hai bên đại chiến ở Quảng Tông (phía đông huyện Uy, tỉnh Hà Bắc nay). Trương Lương chiến đấu rất dũng cảm, ông chỉ huy quân Khăn Vàng xốc tới, đánh cho Hoàng Phủ Tung không thể chống đỡ, đành phải rút về trại, đóng cửa chặt.
Trong khi tình hình vô cùng khẩn trương, Trương Giác bị bệnh chết. Trương Lương vì phải lo liệu hậu sự cho anh, lơ là cảnh giác. Hoàng Phủ Tung thừa cơ phản kích quân Khăn Vàng. Hắn hạ lệnh cho quan quân chuẩn bị suốt đêm, trời vừa sáng đã phát động tiến công, đánh phá doanh trại của quân Khăn Vàng. Trương Lương chỉ huy quân chống lại dũng cảm, ông cùng hơn ba vạn quân tử chiến, khi thất bại, hơn năm vạn quân Khăn Vàng đã anh dũng bất khuất, nhảy xuống sông hy sinh lẫm liệt.
Hoàng Phủ Tung cho khai quật quan tài của Trương Giác, chém lấy đầu ông, đưa về kinh thành báo công. Sau đó, Hoàng Phủ Tung lại tiến công quân Khăn Vàng do Trương Bảo chỉ huy. Trương Bảo trong thế đơn độc, chết ở Khúc Dương (phía tây huyện Tấn, tỉnh Hà Bắc nay).
Quân khởi nghĩa Khăn Vàng tuy bị đàn áp, nhưng nó đã giáng một đòn mạnh vào sự thống trị Đông Hán. Trong quá trình đàn áp quân khởi nghĩa Khăn Vàng, những quân phiệt Đổng Trác, Viên Thiệu, Tào Tháo cũng dần trưởng thành, vùng đất Trung Nguyên rộng lớn bước vào thời kỳ cát cứ tranh bá.
Người dịch: Dương Đình Giao
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét