XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 19. 18. LÝ TỰ THÀNH KHỞI SỰ Ở THIỂM BẮC

 Người dịch: Dương Đình Giao
Năm 1628, cũng là năm thứ 2 của vua Sùng Trinh, Thiểm Tây náo loạn vì mất mùa. Dân chúng không có cái ăn, đến rễ cỏ, vỏ cây cũng hết sạch, đành phải ăn đất sét. Nhưng ở một số nơi, quan lại vẫn theo lệ cũ truy tô bức thuế, khiến dân chúng không thể nhẫn nhịn được nữa. Nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân ở Thiểm Tây bùng phát.
Mùa đông năm ấy, triều đình nhà Minh điều một đội quân từ Cam Túc về Bắc Kinh, khi đội quân này tới huyện Kim (nay là Du Lâm, Thiểm Tây), binh lính không được nhận lương nên làm náo động ở nha môn. Quan huyện ra tay đàn áp, có một anh lính trẻ tức giận đứng lên, cầm đầu các binh lính giết quan lại. Nguời lính đó chính là Lý Tự Thành.
Lý Tự Thành là nguời Mễ Chỉ, Thiểm Tây, sinh ra trong một gia đình nông dân. Từ khi còn nhỏ, anh đã thích học cưỡi ngựa bắn cung, luyện tập võ nghệ. Về sau, khi cha chết, gia cảnh nghèo khổ, Lý Tự Thành phải đến dịch trạm ở Ngân Xuyên làm mã phu. Với mọi người, anh nhiệt tình giúp đỡ nên ai ai cũng quý mến.
Gia đình Lý Tự Thành làm công việc thu tô thuế thay cho quan phủ. Mễ Chỉ nhiều năm mất mùa, nông dân không có tô thuế để nộp. Có nhà địa chủ họ Ngải muốn thừa cơ cho vay nặng lãi để bóc lột nông dân, những  người không có tiền nộp tô thuế phải vay nợ để nộp. Sau một thời gian, địa chủ họ Ngải buộc Lý Tự Thành phải thu nợ. Vì không chịu, Lý Tự Thành bị địa chủ họ Ngải báo với quan phủ bắt đánh cho một trận rồi đóng gông đem phơi nắng, lại không cho ăn uống gì. Dân chúng gặp quan huyện xin đưa Lý Tự Thành vào dưới bóng râm và cho ăn uống nhưng quan huyện không nghe. Vì thế, mọi người phẫn nộ, tất cả đồng lòng, phá gông giải thoát để Lý Tự Thành dời Mễ Chỉ, tới Cam Túc đăng lính.
Ít lâu sau, ở Huyện Kim, Lý Tự Thành giết quan phủ, cùng với mấy chục nguời lính nữa đi theo quân khởi nghĩa nông dân do Vương Tả Quải cầm đầu, ở đây Lý cũng được nhận một chân đầu lĩnh.
Vương triều Minh cử Tổng đốc Dương Hạc đánh dẹp, thấy quân khởi nghĩa ngày càng đông, Dương Hạc hoảng sợ. Ông ta vừa cho quân trấn áp, vừa mang cao quan hậu lộc để dụ dỗ các tướng lĩnh quân khởi nghĩa. Vương Tả Quải không cầm lòng được, dao động rồi đầu hàng. Lý Tự Thành phải bỏ đi tìm nơi tụ nghĩa. Về sau, nghe nói Cao Nghênh Dạng đang cầm đầu một cuộc khởi nghĩa, tự xưng là “Sấm vương”, Lý Tự Thành bèn quyết tâm theo Cao Nghênh Dạng.
Nghe nói Lý Tự Thành đưa quân gia nhập, Cao Nghênh Dạng rất vui mừng, lập tức trao cho Lý Tự Thành một chức quan lớn của quân khởi nghĩa, mọi người đều gọi ông là “Sấm tướng”.
Một thời gian sau, Cao Nghênh Dạng liên hợp với nhiều đội quân khởi nghĩa khác, mở rộng địa bàn hoạt động ra năm tỉnh như Sơn Tây, Hà Bắc, … thanh thế ngày càng lớn. Vua Sùng Trinh giận dữ, điều động quân các tỉnh  bao vây quân khởi nghĩa để tiêu diệt.
Để đối phó với quân của triều đình, Cao Nghênh Dạng cùng với quân khởi nghĩa của 13 thủ lĩnh khác cùng  hội ở Vinh Dương bàn kế sách.
Ở Vinh Dương, mọi người bàn luận sôi nổi. Có nguời nói binh lực của triều đình rất mạnh, không thể đối địch, cũng có nguời không đồng ý, nhưng cũng không đưa được ý kiến gì hay. Đang lúc ấy, Lý Tự Thành đứng dậy, nói:
– Chỉ cần một nguời lính dám hy sinh cũng có thể đánh được; chúng ta có tới mười vạn đại quân, sao không thể đánh? Liệu quân địch có thể làm gì được chúng ta?
Cao Nghênh Dạng tán thành, nói:
– Ý của ngài rất hay, vậy làm thế nào?
Lý Tự Thành đề xuất chủ trương của mình. Ông cho rằng quân khởi nghĩa phải chia làm nhiều nơi, chia nhau mà đánh, phá vòng vây của kẻ địch. Mọi người nghe chăm chú, ai cũng thấy Lý Tự Thành nói có lý. Sau một hồi bàn bạc, tất cả nhất trí 13 đội quân khởi nghĩa chia làm sáu lộ. Có lộ đánh vào thành trì của địch, có lộ lưu động tác chiến. Cao Nghênh Dạng cùng Lý Tự Thành và một đội quân do Trương Hiến Trung lãnh đạo đánh giải vây ở hướng đông, giành lấy khu vực Phượng Dương, Giang Hoài (3). Quân khởi nghĩa đánh vào Phượng Dương chính là đánh vào sào huyệt của quân triều đình.
Quân khởi nghĩa do Cao Nghênh Dạng và Trương Hiến Trung chỉ huy tiến quân một đường, thế như chẻ tre, chưa tới mười ngày đã đánh tới Phượng Dương, phá hủy mộ tổ của Hoàng đế triều Minh thiêu hủy ngôi chùa mà Chu Nguyên Chương đã từng làm hòa thượng. Việc này gây chấn động triều đình nhà Minh, vua Sùng Trinh được tin tức giận xử tử Tuần phủ Phượng Dương.
Cao Nghênh Dạng và Lý Tự Thành lại đưa quân trở về Thiểm Tây, truy kích quân triều đình khiến quan quân triều Minh rụng rời chân tay, vô cùng hốt hoảng. Vua Sùng Trinh và quan lại các nơi đều coi quân của Cao Nghênh Dạng như cái gai trong mắt, tìm mọi cách để tiêu diệt họ. Có một lần, Cao Nghênh Dạng đưa quân tiến công Tây An, Tuần phủ Thiểm Tây Tôn Truyện Đình (4) cho quân mai phục ở một hẻm núi ở Châu Chất (nay là Châu Chí, Thiểm Tây). Cao Nghênh Dạng không đề phòng, sau một trận chiến đấu quyết liệt, hy sinh.
Ctướng sĩ mất chủ tướng rất hoang mang, Lý Tự Thành tập hợp tàn quân, mọi người cho rằng “Sấm tướng” Lý Tự Thành là nguời rất được Cao Nghênh Dạng tín cậy, lại thêm, ông là nguời võ nghệ cao cường, đánh trận dũng cảm, nên ủng hộ việc ông thay thế Cao Nghênh Dạng làm “Sấm vương”. Từ đó, tên tuổi của Lý Tự Thành ngày càng vang xa.
Uy danh của Lý Sấm vương càng cao càng kích thích mối thù và sự sợ hãi của triều đình nhà Minh. Vua Sùng Trinh lệnh cho Tổng đốc Hồng Thừa Trù, Tuần phủ Tôn Truyền Đình vây bắt Lý Tự Thành. Hoàn cảnh của Lý Tự Thành ngày càng khó khăn. Nhưng do quân khởi nghĩa dũng cảm chiến đấu cùng với Lý Tự Thành “túc trí đa mưu”, nhiều lần đã phá được vòng vây của quân triều đình ở Tứ Xuyên, Cam Túc, Thiểm Tây.
Trong hoàn cảnh nguy cấp, hai thủ lĩnh của nghĩa quân là Trương Hiến Trung và La Nhữ Tài đều chấp nhận đầu hàng triều đình nhà Minh, một số tướng lĩnh thủ hạ của Lý Tự Thành cũng có những nguời phản bội. Hoàn cảnh của Lý Tự Thành lại càng khó khăn hơn.
Năm 1638, Lý Tự Thành từ Cam Túc chuyển về Thiểm Tây, chuẩn bị đánh vào Đồng Quan. Hồng Thừa Trù, Tôn Truyền Đình thám thính trước biết được động tĩnh của quân khởi nghĩa đã bố trí sẵn ba đạo quân mai phục, cố ý để ngỏ hướng tiến vào Đồng Quan, dụ quân của Lý Đạo Thành tiến vào nơi đã chờ đợi sẵn.
Lý Đạo Thành trúng kế của kẻ địch, đang trong  lúc quân khởi nghĩa dũng mãnh tiến vào Đồng Quan, từ hai bên núi cao, tiếng hô “giết!” của quân triều đình nhà Minh vang động. Dựa vào quân số đông và địa thế thuận lợi, chúng xông vào tiến công quân khởi nghĩa. Qua mấy ngày đêm hành quân mỏi mệt, lại thêm mấy vạn binh lính đã hy sinh trong chiến đấu, quân khởi nghĩa tan tác.
Lý Tự Thành cùng bộ tướng là Lưu Tông Mẫn cùng mười bảy nguời lính phải mở đường máu mới thoát khỏi vòng vây. Họ trèo non vượt núi, qua bao gian khổ mới về được núi Thương Lạc ở đông nam Thiểm Tây để ẩn náu.
Quân Minh chiếm được Đồng Quan, cho quân truy tìm Lý Tự Thành, nhưng qua mấy tháng vẫn tuyệt vô âm tín. Về sau, nghe có nguời nói, trong chiến đấu, Lý Tự Thành bị trọng thương, đã chết, triều đình mới bãi bỏ lệnh truy tìm.


Chú thích:
  • Dương Hạc ( ? – 1635), nguời Vũ Lăng, Hồ Quảng (nay là Thường Đức, Hồ Nam).
  • 13 nhà: chủ lực trong khởi nghĩa nông dân. Thông thường, ghi tên các thủ lĩnh gồm: Cao Nghênh Dạng, Trương Hiến Trung, Mã Thủ Ứng, La Nhữ Tài, Hạ Nhất Long, …
  • Phượng Dương: Tháng 9 năm Hồng Vũ thứ hai (1369) vì Thái tổ Chu Nguyên Chương sinh ở phủ Lâm Hào (nay là Lâm Hoài quan, đông bắc huyện Phượng Dương, tỉnh An Huy) nên coi là Trung đô. 7 năm sau, đổi phủ Lâm Hào thành Trung lập phủ, 7 năm sau lại đổi thành phủ Phượng Dương, nay là huyện Phượng Dương.
  • Tôn Truyện Đình (1593 – 1643), nguời Chấn Võ Vệ, Đại Châu (nay là huyện Đại, Sơn Tây). Năm 1630, làm Tuần phủ Thiểm Tây. Năm 1642, làm Binh bộ Hữu thị lang, Tổng đốc Thiểm Tây, đưa quân tới Hà Nam. Năm sau chết ở Đồng Quan.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét