XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Năm, 3 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 07.03. TRIỆU CAO CHỈ HƯƠU NÓI NGỰA

 Năm 210 trước CN, Tần Thủy Hoàng bị bệnh trên đường tuần du, không lâu sau chết ở Sa Khâu (nay là Quảng Tông, Hà Bắc). Hoạn quan Triệu Cao vốn là người có dã tâm, xuyên tạc di chúc của Tần Thủy Hoàng, trừ bỏ con trưởng Phù Tô của Tần Thủy Hoàng, lập Hồ Hợi làm vua. Sự kiện này được gọi là “Sa Khâu chi biến” nổi tiếng.
Khi đó, Tần Thủy Hoàng đi thị sát vùng đông nam, ngoài Triệu Cao còn có thừa tướng Lý Tư và Hồ Hợi, con của Tần Thủy Hoàng. Khi đến bình nguyên Tân Sơn Đông, vào ngày đại phục, do mệt nhọc trên đường đi, Tần Thủy Hoàng bị cảm sốt, bệnh tình chuyển biến rất nhanh. Tần Thủy Hoàng biết ngày tận thế đã đến, bèn gọi Triệu Cao viết thay một tờ di chúc cho con cả Phù Tô, gọi Phù Tô nhanh chóng từ vùng biên giới Trường thành về Hàm Dương lo việc lễ tang cho mình và kế thừa ngôi vua. Không lâu sau, Tần Thủy Hoàng tắt thở ở Sa Khâu.
Triệu Cao là người có dã tâm, hắn đem giấu di chúc đi, lại không cử người đi đưa thư cho Phù Tô. Thừa tướng Lý Tư thấy cái chết của Tần Thủy Hoàng ở bên ngoài, sợ các công tử tranh giành ngôi báu, lại cũng sợ dân chúng thừa cơ nổi dậy nên giữ bí mật về cái chết, chưa phát tang, cho giữ xe chở thi hài nghiêm cẩn, giả như Tần Thủy Hoàng vẫn còn ở trên xe, mau chóng trở về Hàm Dương.
Triệu Cao là thầy của Hồ Hợi, ông ta mong Hồ Hợi kế thừa ngôi vua chứ không phải Phù Tô, con cả của Tần Thủy Hoàng. Triệu Cao đem di chúc của nhà vua cùng ngọc tỷ truyền quốc (1) nói với Hồ Hợi:
–         Khi cha của công tử qua đời, chỉ để lại một di chúc cho anh cả Phù Tô. Khi anh cả của công tử về đến Hàm Dương sẽ kế thừa ngôi vua, đến khi đó, một chút địa vị công tử cũng không có, Như vậy có nên chăng?
Hồ Hợi nói:
– Thật đã hết cách. Cha tôi đã không để lại di chúc phân phong cho các con, tôi còn biết nói sao được?
Triệu Cao nói:
– Đại quyền hiện nay nằm trong tay ba người là công tử, tôi và thừa tướng Lý Tư. Chúng ta muốn có cách giành lại ngôi vua, để cho công tử nối ngôi, có được không?
Hồ Hợi vốn cũng là người có dã tâm, được Triệu Cao xúi giục, quyết định giành lấy ngôi báu của anh cả Phù Tô. Họ tìm thừa tướng Lý Tư đến, ba người cùng bàn việc cướp ngôi. Lý Tư là người rất có tài, ông có nhiều công lao trong sự nghiệp thống nhất 6 nước của Tần Thủy Hoàng. Ban đầu Lý Tư không bằng lòng với âm mưu của Triệu Cao và Hồ Hợi. Nhưng sau nghĩ lại, nếu không theo cách làm của họ, một là sợ mất quyền chức, hai là sợ bị hãm hại, nguy tới tính mệnh, cho nên trước việc vừa bị dụ dỗ vừa bị uy hiếp của Triệu Cao, cuối cùng Lý Tư cũng mắc vào cạm bẫy, cùng Triệu Cao và Hồ Hợi làm phản. Họ hủy di chúc của Tần Thủy Hoàng, làm giả một di chúc, bắt công tử Phù Tô và đại tướng Mông Điềm tự sát, cử sứ giả thân tín mang đi. Nhận được di chúc giả của Triệu Cao, công tử Phù Tô không phân biệt thật giả, khóc một hồi rồi tự sát (2). Mông Điềm không chịu tự sát, bị sứ giả của Triệu Cao bắt giữ, giam vào ngục, bức chết.
Sứ giả trở về báo cáo công việc, Hồ Hợi, Lý Tư, và Triệu Cao đều rất vui vẻ. Họ vội vàng trở về Hàm Dương, công bố tin Tần Thủy Hoàng tạ thế, lập Hồ Hợi nối ngôi, gọi là Nhị Thế Hoàng đế. Hồ Hợi tất nhiên vô cùng biết ơn Triệu Cao, càng thêm tín nhiệm ông ta, phong làm Lang trung lệnh, để cho Cao bên cạnh đề xuất mưu kế.
Triệu Cao thấy thế vẫn chưa đủ, hắn còn muốn dần cướp đoạt đại quyền triều chính. Cảm thấy thừa tướng Lý Tư cản trở chân tay, hắn nghĩ độc kế mưu hại Lý Tư. Triệu Cao phao tin con của Lý Tư là Lý Do có quan hệ với quân khởi nghĩa nông dân, lại nói Lý Tư có âm mưu cướp ngôi, dùng hai tội này để giết Lý Tư và cả nhà ông. Danh tướng Lý Tư ngang dọc một thời, cuối cùng nối giáo cho giặc phải nhận thảm cảnh.
Lý Tư vừa chết, Nhị Thế Hoàng đế đã cử Triệu Cao làm Thừa tướng, toàn bộ quốc gia đại sự giao cho hắn toàn quyền xử lý. Sau khi  cướp được đại quyền triều chính, sợ một số đại thần không phục, Triệu Cao nghĩ cách để thanh toán những người chống đối.
Một hôm, hắn dắt một con hươu vào triều. Trước mặt rất nhiều đại thần, hắn chỉ vào con hươu, nói với Nhị Thế Hoàng đế:
–         Thần tìm được một con ngựa hay, dắt tới đây dâng bệ hạ.
Nhị Thế Hoàng đế nhìn, thấy đó chỉ là một con hươu, liền cười, nói với Triệu Cao:
– Thừa tướng thật giỏi pha trò. Đây rõ ràng là một con hươu, làm sao lại nói là con ngựa?
Triệu Cao làm ra bộ không vui, nói:
– Đây là con ngựa hay mà thần tốn rất nhiều công sức mới tìm được, làm sao lại là con hươu? Các vị đại thần đều ở đây, bệ hạ bảo họ nói, đây là con hươu hay con ngựa?
Các đại thần nghe, trong lòng nghĩ không biết Triệu Cao lại dở trò quái quỷ gì. Một số người nhát gan, sợ mang tội với Triệu Cao, tranh nhau trả lời:
– Là ngựa! Là ngựa!
Một số người không muốn nói lời trái lương tâm, nhưng sợ chết, giả câm giả điếc, không nói một lời; một số ít bạo gan, thành thực nói:
– Đây là con hươu, không phải con ngựa.
Triệu Cao kín đáo ghi lại tên những người nói là hươu. Mấy ngày sau, họ đều bị gán vào một tội nào đó, đem giết cả.
Từ đó về sau, các quan lớn nhỏ trong triều đều rất sợ hãi Triệu Cao. Triệu Cao nói đông, họ không dám nói tây; Triệu Cao nói đen, họ không dám nói trắng. Nhị Thế Hoàng đế thấy đại thần đều rất sợ Triệu Cao, nghĩ đến những thủ đoạn tàn bạo của Triệu Cao với Lý Tư và những người khác cũng sợ toát mồ hôi. Hoàng đế cũng bắt đầu sợ Triệu Cao. Mục đích cuối cùng của việc Triệu Cao chỉ hươu nói ngựa là để kiềm chế Nhị Thế, áp chế đại thần, để chuẩn bị cướp ngôi vua.
Không lâu sau, khởi nghĩa nông dân chống sự thống trị của triều Tần bùng nổ, ách thống trị của triều Tần lung lay sắp đổ. Triệu Cao tìm cơ hội, cho người tâm phúc giết Nhị Thế Hoàng đế. Nhưng sợ đại thần không phục hắn vẫn chưa dám cướp ngôi, đem em của Nhị Thế Hoàng đế là Tử Anh nối ngôi. Tử Anh lên ngôi, không cam tâm làm bù nhìn, bàn mưu với quan thái giám Hàn Đàm là người tâm phúc của mình, lừa Triệu Cao vào cung rồi giết, lại diệt cả tam tộc (3) nhà hắn.


 Người dịch: Dương Đình Giao

Chú thích:
  1. Ngọc tỷ truyền quốc của triều Tần ghi 8 chữ: “thụ mệnh vu thiên ký thọ Vĩnh Xương” biểu thị Tần nhận thiên mệnh thống trị Trung Quốc.
  2. Luật lệ  truyền thống tiếp chiếu thời cổ “Vua bảo thần chết, thần không được không chết; cha bảo con chết, con không dám không chết”.
  3. Tam tộc chỉ phụ tộc, mẫu tộc và thê tộc (họ cha, mẹ, vợ). Theo “Đại đới lễ ký. Bảo truyện” ; Tam tộc phụ chi Lô Biện Duyệt “Tam tộc, phụ tộc, mẫu tộc, thê tộc dã”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét