XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Năm, 3 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 09.14. LƯU BỊ BA LẦN ĐẾN GẶP KHỔNG MINH

 Sau khi Viên Thiệu thất bại trong trận Quan Độ, Lưu Bị vốn là người dựa vào Viên Thiệu, đành phải cùng Trương Phi, Quan Vũ đi nương nhờ Lưu Biểu, Kinh Châu mục (1).
Đối với Lưu Bị, Lưu Biểu rất khách khí, cho Lưu Bị một số binh mã, nhưng với Lưu Bị, Biểu chưa thật yên tâm, cho Lưu Bị đồn trú ở huyện thành Tân Dã, một nơi hoang vu và đất hẹp.
Tổ của Lưu Bị là tông thất nhà Hán, sau này gia tộc sa sút. Cuối dời Đông Hán, thiên hạ đại loạn, Lưu Bị cũng nhân cơ hội hành động, muốn làm một cái gì đấy, khôi phục nhà Hán. Nhưng hơn hai mươi năm đã qua, Lưu Bị tuy danh tiếng rất lớn, nhưng vẫn phải sống nương nhờ người khác, chưa có một thế lực đủ lớn mạnh. Ông thường ca thán bên cạnh mình chưa có một nhân tài có thể đưa ra mưu kế để chỉ huy binh mã.
Khi Lưu Bị đóng quân ở Tân Dã, có không ít người ở các nơi đến theo, bản thân ông cũng đi khắp nơi tìm người tài. Có một mưu sĩ tên là Từ Thứ, đến Tân Dã nói với Lưu Bị:
– Có một người tên Gia Cát Lượng, người ta thường goi là “Ngọa Long”, là một nhân tài khó sánh được, tướng quân có muốn gặp ông ta không?
 Lưu Bị nghe nói vô cùng mừng rỡ, vội nói với Từ Thứ:
– Nhờ ngài bảo ông ta đến gặp tôi!
 Từ Thứ khua khua tay, nói:
– Gia Cát Lượng là nhân tài khó gặp. Người như ông ta,  không thể dễ dàng gọi đến, tướng quân phải đích thân kính trọng đi mời ông ta.
 Lưu Bị cho rằng Từ Thứ nói phải, quyết định tự mình đi gặp Gia Cát Lượng.
Gia Cát Lượng, tự Khổng Minh, là người Lang Nha, Dương Đô (phía nam huyện Nghi Thủy, tỉnh Sơn Đông nay). Ông từ nhỏ, cha mẹ dã chết, sống nhờ vào người chú ở Kinh Châu. Năm ông 17 tuổi, người chú chết, ông làm mấy gian nhà tranh trên đồi Ngọa Long ở Long Trung ( tây bắc huyện Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc nay), ở đó. Trừ những lúc đi ra ngoài, ông thường cùng với một số bạn bè đọc sách, trau dồi học vấn, đàm luận việc lớn trong thiên hạ. Gia Cát Lượng lòng mang chí lớn, thường so mình với Quản Trọng và Nhạc nghị thời Xuân Thu Chiến Quốc. Quản Trọng từng giúp Tề Tuyên Công sáng lập nghiệp bá, Nhạc Nghị từng giúp Yên Chiêu Vương đánh bại nước Tề giàu mạnh. Người hiểu rõ Gia Cát Lượng, đều cho rằng ông là nhân tài khó gặp, tôn ông là “Ngọa Long tiên sinh”, ý so ông với con rồng, trước mắt còn chờ thời.
Lưu Bị cùng Quan Vũ, Trương Phi mang theo lễ vật đến Long Trung. Ở đây, núi đồi nhấp nhô, cây cỏ tươi tốt, phong cảnh đẹp đẽ. Trong đó có một dãy núi ngoằn ngoèo quanh co, thật giống như một con rồng xanh đang ngủ. Lưu Bị cùng hai người tiến bước, đặt chân đến một quả đồi, chỉ thấy mấy gian lều tranh thấp thoáng trong màu xanh của tùng trúc. Lưu Bị nói với Quan Vũ và Trương Phi:
–  Đây chắc là đồi Ngọa Long.
Nói rồi, ba người đến trước lều tranh xuống ngựa. Lưu Bị đích thân gõ cửa. Một chú tiểu đồng mở cửa, hỏi:
– Các ông tìm ai?
 Lưu Bị khiêm nhường nói:
–  Nhờ nói với Ngọa Long tiên sinh, Lưu Bị xin bái kiến!
 Tiểu đồng do dự một lát, nói:
– Tiên sinh không có nhà, từ sớm dã đi rồi!
 Lưu Bị hỏi:
– Tiên sinh đi đâu?
 Tiểu đồng nói:
–  Không biết đi đâu, Có thể đi tìm bạn bè đọc sách.
 Trương Phi thấy Lưu Bị cứ hỏi mãi, không chờ được, nói:
–   Rõ là ông ta không có nhà, chúng ta đi về đi!
 Quan Vũ cũng ở bên cạnh nói:
–  Chúng ta đi về đi, sau sẽ cho người đến gặp lại!
 Lưu Bị đành phải nói với tiểu đồng:
–  Đợi tiên sinh trở về, nhờ cậu nói với ông, tôi là Lưu Bị đến thăm.
 Nói xong, thất vọng rời đồi Ngọ Long.
Quá mấy ngày, Lưu Bị nghe nói Gia Cát Lượng đã trở về nhà, lại cùng Quan Vũ, Trương Phi đến mời ông. Trời hôm ấy rất lạnh, đi được  nửa đường, trời  đổ tuyết lớn. Trương Phi có ý ngần ngại, muốn quay về Tân Dã. Lưu Bị cho rằng đội gió tuyết đi mời mới tỏ được lòng thành của mình, kiên trì muốn đi. Họ thật không dễ đến đồi Ngọa Long, nghe ra, mới biết Khổng Minh đã cùng bạn hữu mới đi được một ngày, lại quay về không.
Một thời gian sau,Lưu Bị tính là ngày tốt, chuẩn bị lần thứ ba đi mời Gia Cát Lượng. Lần này Quan Vũ cũng không thật vui vẻ. Lưu Bị nói:
– Các đệ có biết chuyện Chu Văn Vương cầu hiền gặp Khương Thượng không? Văn Vương kính trọng Khương Thượng như thế, Khương Thượng một lòng phò ta Văn Vương và Võ Vương, vua tôi một lòng, trên dưới hợp sức, cuối cùng hoàn thành được nghiệp lớn diệt Ân. Chúng ta cần phải học theo cổ nhân.
 Nói xong, cùng Quan Vũ, Trương Phi lên đường.
Bọn ba người Lưu Bị đến đồi Ngọa Long, chú tiểu đồng cho biết Gia Cát Lượng đang ngủ trên thảo đường, không dám tự ý đánh thức. Lưu Bị bảo Quan Vũ, Trương Phi chờ ở ngoài cửa, bản thân mình kính cẩn đứng ở bậc thềm trước thảo đường. Qua hồi lâu, Gia Cát Lượng mới trở mình tỉnh giấc. Tiểu đồng vội thưa:
–         Lưu Bị dã chờ lâu rồi.
Gia Cát Lượng lúc này mới mời Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi vào trong nhà. Lưu Bị thấy Gia Cát Lượng còn rất trẻ, chỉ khoảng 27, 28 tuổi, diện mạo thanh tú, cử chỉ nho nhã, rõ là nhân tài. Hai người yên vị, bắt đầu bàn bạc việc lớn trong thiên hạ.
Lưu Bị nói:
– Bây giờ nhà Hán suy vong, gian thần lộng hành, tôi không tự lượng sức mình, muốn ra tay an định thiên hạ. Nhưng tôi trí mưu ngắn ngủi, năng lực kém cỏi, đến bây giờ thật chưa có được thành tựu nào. Xin tiên sinh chỉ dạy, tôi phải làm thế nào mới có thể thành công?
Gia Cát Lượng thấy Lưu Bị khiêm tốn, chân thành, đã phân tích cặn kẽ tình hình lúc ấy, đề xuất đường lối chiến lược để thống nhất cả nước. Ông nói:
– Từ khi Đổng Trác tiến vào Lạc Dương đến nay, anh hùng trong thiên hạ đua nhau nổi dậy, không có thế lực nào có thể thắng lợi. So với Viên Thiệu, Tào Tháo binh lực ít, danh vọng thấp, nhưng cuối cùng đã đánh bại được Viên Thiệu. Đây là do Tào Tháo là  người có mưu kế. Nay Tào Tháo có tới vạn dân, ép thiên tử lệnh cho chư hầu, trước mắt tất nhiên không ai có thể cạnh tranh được với ông ta. Còn Tôn Quyền, ông ta có Trường Giang hiểm trở, dân chúng thuận theo ông ta, người có tài năng vì ông ấy mà tận lực, vì thế, đối với ông ta chỉ có thể liên kết, không thể thay chủ ý của ông ta. Kinh Châu địa thế hiêm trở, bắc có Hán Thủy, Miễn Thủy, nam thông với Nam Hải, đông liền với Ngô Hội, tây thông với Ba Thục, đây alf đất dụng binh. Nhưng chủ tướng của Kinh Châu là người bình thường, Tướng quân cần giành lấy thay ông ta. Ích Châu (3) là nơi thiên nhiên hiểm trở, dễ giữ, khó đánh, nơi ấy đất đai màu mỡ, sản vật phong phú, sau này có thể gọi là “thiên phủ chi quốc”. Hán Cao Tổ Lưu Bang cũng lấy Ích Châu làm căn cứ, cuối cùng hoàn thành được đại nghiệp thống nhất cả nước. Tướng quân nếu có thể trước hết chiếm được Kinh Châu, đặt vững chân, rồi chiếm Ích Châu, lo toan việc nước việc dân, tăng cường sức mạnh, liên hợp với Tôn Quyền, hòa hảo với các dân tộc tây nam, sau đó đợi thời cơ, phát triển về hướng Trung Nguyên. Như vậy, sự nghiệp thống nhất thiên hạ mới có thể thành công được.
Lưu Bị liên tục gật đầu khen phải. Ông nói với Gia Cát Lượng:
– Những lời tiên sinh nói, thật vô cùng sâu sắc. Tôi mong tiên sinh có thể lên đường, giúp tôi tiến bước trên con đường hoàn thành sự nghiệp thống nhất thiên hạ!
 Gia Cát Lượng thấy Lưu Bị rất chân thành, xúc động, nói:
– Nếu tướng quân coi trọng tôi như thế, tôi sẽ mang hết sức mình giúp tướng quân.
 Lưu Bị thấy Gia Cát Lượng đã đồng ý nhận lời mời, vô cùng sung sướng, ông mời Gia Cát Lượng nhanh chóng xuống núi, cùng mưu đồ sự nghiệp. Ngày hôm sau, Gia Cát Lượng từ biệt thân hữu, cùng Lưu Bị đến Tân Dã.
Từ đó về sau, Gia Cát Lượng tận lực giúp Lưu Bị giành thiên hạ, có thể nói hết lòng hết sức.
Chú thích:
(1) Mục: quan đứng đầu một châu. “Lễ. Điển lễ hạ”: “Cửu châu chi trưởng, nhập thiên tử chi quốc, viết mục.” Đời Hán về sau, châu mục cũng goi là mục.
(2) Từ Thứ: Người Dĩnh Xuyên thời Tam Quốc (phía đông Hứa Xương, Hà Nam nay), khách ở Kinh Châu, bạn tốt của Gia Cát Lượng sau về với Tào Tháo.

Người dịch: Dương Đình Giao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét