XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Tư, 2 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 06.06. MẶC TỬ PHÁ THANG MÂY GIỮ THÀNH

Mặc Tử họ Mặc, tên Địch, là nhà tư tưởng và nhà khoa học đầu  thời kỳ Chiến Quốc, ông chủ trương “kiêm ái, phi công” (1), phản đối chiến tranh. Câu chuyện ông ngăn Sở đánh Tống đã làm rõ điều này.
Lúc bấy giờ, Lỗ Ban cũng gọi là Công Thân Bàn biết chế tạo các loại binh khí. Một lần, ở nước Sở, ông đã chế được một loại công cụ đánh thành giúp cho vua Sở, gọi là “vân thê” (thang mây). Loại thang này đặt cố định trên xe, có thể đến mặt tường thành. Dựa vào công cụ này, binh lính có thể leo lên tường thành cao, đánh thành tương đối dễ dàng. Thang mây chế tạo xong, vua Sở rất mừng rỡ, quyết định dùng nó đánh nước Tống. Lúc đó, Mặc Tử đang ở nước Tề, nghe được tin này, rất tức giận. Ông một mặt cử học trò của mình đến nước Tống giúp họ chuẩn bị phòng ngự, một mặt đích thân đến nước Sở, khuyên vua Sở dừng việc đánh Tống.
Mới đến Dĩnh Đô, chưa kịp nghỉ ngơi, ông đã tìm đến Công Thân Bàn. Công Thân Bàn từ lâu đã nghe tên Mặc Tử, thấy ông mồ hôi còn đẫm lưng đã vội vàng tìm gặp, hỏi:
– Tiên sinh hạ cố có việc gì dạy bảo vậy?
Mặc Tử trả lời:
– Ở phương bắc có một người làm nhục tôi, tôi muốn nhờ sức của ngài giết hắn đi!
Công Thân Bàn nghe xong, lập tức nghiêm nét mặt, nói:
– Làm sao có thể tùy tiện giết người được?
Mặc Tử nói:
– Tôi sẽ tạ ơn bằng một nghìn lạng vàng.
Công Thân Ban nói:
– Tôi là người chỉ làm việc chính nghĩa, quyết không thể vì tiền mà giết người bừa bãi được.
Nghe xong câu ấy, Mặc Tử ha ha cười lớn, bước lên một bước, nói:
– Đã như vậy, xin ngài hãy giải thích giúp tôi, nghe nói ngài vì vua Sở chế tạo thang mây để đi đánh nước Tống, nước Tống có tội gì vậy?
Công Thân Bàn lúc ấy không biết trả lời thế nào. Mặc Tử không để cho ông ta giải thích, nói tiếp:
– Theo lời ngài nói, ngài là người chỉ làm việc chính nghĩa, không muốn giết người vô cớ, bây giờ lại không có lý do gì đi đánh một nước, không biết giết bao nhiêu người. Xin hỏi ngài, ngài chỉ làm việc chính nghĩa ở chỗ nào? Hay người chỉ làm việc chính nghĩa là chỉ giết nhiều người chứ không giết ít, như vậy nó đáng bao nhiêu tiền?
Một loạt những câu hỏi gai góc khiến Công Thân Bàn không thể không trả lời, đành nói
– Tiên sinh nói rất đúng. Chẳng qua tôi đã thỏa thuận với đại vương, đại vương cũng đã quyết định rồi.
Mặc Tử hỏi:
– Ngài có thể đưa tôi đến gặp Sở vương không?
  Công Thân Bàn nhận lời, đưa Mặc Tử đi gặp Sở vương.
Khi bái kiến Sở vương, Mặc Tử đã kể cho ông ta nghe câu chuyện về một người:
– Thần đã gặp một người như thế này: Bản thân có xe lộng lẫy mà không ngồi, lại đi ăn trộm cái xe cũ nát của nhà hàng xóm; bản thân có quần áo bằng tơ lụa không mặc, lại cứ ăn trộm quần áo rách nát của nhà hàng xóm; bản thân có sơn hào hải vị không ăn, lại cứ ăn trộm cơm nước đạm bạc của nhà hàng xóm để ăn, ngài thử nói xem, người ấy bị bệnh gì?
Sở vương cười, nói:
– Ta thấy người này tám phần mười là nghiện ăn trộm.
Mặc Tử tiếp lời:
– Theo như thần nghĩ, lãnh thổ của quý quốc vuông năm ngàn dặm, nước Tống chỉ có năm trăm dặm, đó chính là cỗ xe lộng lẫy và cỗ xe cũ nát; đất đai của quý quốc màu mỡ, sản vật phong phú, nước Tống thì hoang dã, đất xấu dân nghèo, cũng giống như sơn hào hải vị và cơm nước đạm bạc; quý quốc thì rừng núi xanh tốt, nước Tống cây cối thưa thớt cũng giống như quần áo tơ lụa và quần áo rách nát. Nói như thế, đại vương đem quân đi đánh nước Tống cũng giống đã mắc bệnh giống người kia sao? Đại vương làm như vậy, chỉ có thể chuốc lấy tiếng cười khinh bỉ của thiên hạ, quyết không mang lại kết quả gì!
Sở vương nghe xong, như tỉnh mộng, liền nói:
– Tiên sinh nói rất đúng!
Nhưng lại không muốn dừng việc đánh Tống, mượn cớ, nói:
– Tuy nhiên nói như vậy nhưng Công Thân Bàn đã vì ta mà chế tạo được thang mây, ta muốn đánh Tống là để thử một lần xem tác dụng của nó.
Mặc Tử nói:
– Có thang mây cũng chưa chắc đã giành thắng lợi.
Sơ vương hỏi:
– Tiên sinh nói như thế là có ý gì?
Mặc Tử cười, nói:
 – Bởi vì thần mà còn chưa đối phó nổi, nói gì đến cả nước Tống? Nếu chưa tin, xin để thần cùng Công Thân đại phu dùng một số đồ vật thay thế khí giới, tỷ thí ngay bây giờ.
Sở Vương nghĩ, đây quả là việc rất có ý nghĩa, đồng ý cho họ thử tại chỗ. Chỉ thấy Mặc Tử cởi đai lưng của mình, vây thành hình tường thành, dùng mấy chiếc đũa làm khí giới giữ thành. Công Thân Bàn dùng mấy cây gỗ nhỏ thay cho thang mây, xe đâm, đá bay… làm khí giới công thành, tổ chức tiến công hết lần này đến lần khác, kết quả đều bị Mặc Tử dũng vũ khí phòng ngự đánh lui. Cuối cùng, bao nhiêu biện pháp tiến công Công Tôn Bàn đều dùng hết, các biện pháp phòng ngự của mặc Tử còn không ít cách chưa dùng.
Công Thân Bàn bỗng đột nhiên đứng dậy, tức giận nói:
– A, tôi biết phải đối phó với ông thế nào, nhưng tôi không nói.
Mặc Tử mỉm cười, nói:
– Tôi cũng biết ngài phải đối phó với tôi thế nào, nhưng mà tôi cũng không nói!
Đến lúc này, Sở vương không hiểu ra sao, vội quay lại câu chuyện. Mặc Tử nói:
– Ý của Công Thân Bàn chẳng phải thật là rõ ràng sao? Ông ấy muốn giết tôi, để không có người giữ thành nước Tống, ông ấy đánh Tống sẽ thành công. Ông ấy không biết học trò của tôi như Cầm Hoạt Ly có tới hơn ba trăm người, đã sớm mang khí giới phòng ngự mà thần đã thiết kế để bố phòng trên các thành lầu của nước Tống rồi. Dù thần bị giết, các người cũng đừng hòng đánh được nước Tốn!
Sở vương nghe xong, nản lòng, đành nói:
– Được rồi! Được rồi! Ta quyết định không đánh Tống nữa!
Chú thích:
(1)  Mặc Tử chủ trương “Kiêm tương ái, giao tương lợi”, cho rằng “Thiên hạ kiêm tương ái tắc trị, giao tương ác tắc loạn” Ông đề xuất “phi công”, đả kích chiến tranh cướp đoạt “công phạt vô tội chi quốc”.
(2) Trước tác của Mặc Tử tập hợp trong “Mặc Tử” trong đó “Bị thành môn” đến “Tạp thủ” 11 chương chủ yếu giảng về chiến thuật phòng ngự và công cụ giữ thành.
Người dịch: Dương Đình Giao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét