Dân gian có hai câu: “Gia Cát nhất sinh duy cẩn thận, Lữ Đoan đại sự bất hồ đồ” , trong đó có nói tới Lữ Đoan là một danh thần đời Bắc Tống. “Đại sư bất hồ đồ”, chỉ có năm chữ nhưng đã khái quát được một cách súc tích đặc điểm cơ bản trong việc đối nhân xử thế của ông.
Lữ Đoan (935 – 1000), tự Dị Chân, người An Thứ, U Châu. Ông từ nhỏ đã thông minh ham học, nhưng dự thi mấy lần khoa thi tiến sĩ vẫn không đỗ, sau nhờ Âm ân bổ quan (1) mới bắt đầu con đường làm quan..
Thái Tông lên ngôi không lâu, khi đó Lữ Đoan làm Phán quan ở phủ Khai Phong, nhận lời thỉnh cầu của người thân thích để cho họ được mua gỗ giá rẻ, những quan khác cũng không ít người mua như thế. Thái Tống biết việc này, cho điều tra, các quan đua nhau chối bỏ trách nhiệm, nhưng Lữ Đoan thì điềm nhiên nhận hết, vì thế, ông bị biếm là Tư hộ tham quân Tư Châu. Năm Thái Bình Hưng Quóc thứ 7 (982), Thủ lĩnh người Đảng Hạng là Lý Kế Thiên không ngừng đưa quân tới quấy nhiễu vùng biên giới của Bắc Tống. Có lần, quân Tống báo cáo đã bắt được mẹ của Lý Kế Thiên, xin triều đình xử trí. Thái Tông muốn đem giết đi. Lúc đó, Lữ Đoan đang làm Tể tướng , Khấu Chuẩn làm Khu mật phó sứ (2). Thái Tông rất tín nhiệm Khấu Chuẩn bèn giao việc này cho Khấu Chuẩn định liệu. Khấu Chuẩn cũng muốn đem mẹ Lý Kế Thiên chém đầu để trừng phạt. Khấu Chuẩn ra khỏi triều, khi đi ngang qua phủ Tể tướng , Lữ Đoan nhìn thấy. Đoán Khấu Chuẩn vào triều chắc có bàn việc gì quan trọng với Thái Tông, bèn hỏi Khấu Chuẩn:
– Thánh thượng cho gọi ngài sao không cho gọi tôi?
Khấu Chuẩn trả lời:
– Tôi không rõ.
Lữ Đoan nói:
– Nếu là việc nhỏ thì tôi không quan tâm, nhưng nếu là việc quân quốc đại sự, mà tôi đang là Tể tướng , không thể không biết.
Khấu Chuẩn bèn nói lại với Lữ Đoan đầu đuôi sự việc.
Lữ Đoan hỏi Khấu Chuẩn:
– Vậy sẽ xử trí như thế nào?
Khấu Chuẩn đáp:
– Sẽ đem bà ta ra cửa bắc để quân bảo an chém đầu.
Lữ Đoan rất ngạc nhiên, hỏi:
– Nếu làm như thế, rất không nên, xin ngài đợi tôi một lát, tôi muốn dâng tấu lên Thánh thượng.
Rồi Lữ Đoan lập tức vào triều xin yết kiến Thái Tông:
- Triều Hán, Hạng Vũ cũng bắt được cha của Lưu Bang, chuẩn bị cho vào vạc nước sôi. Lưu Bang nói: Mong ngài đừng quên để lại một phần thịt cho tôi ăn. Người làm việc lớn thường không muốn liên quan tới người thân của mình, Lý Kế Thiên là kẻ ngông cuồng phản nghịch cũng vậy. Bệ hạ nay giết mẹ hắn, ngày mai liệu có thể bắt được hắn không? Nếu không bắt được, hắn sẽ kết thành oán thù, lại càng thêm quyết tâm làm phản chống lại triều đình.
Thái Tông nghe thấy rất có lý, bèn hỏi:
- Vậy phải làm thế nào?
Lữ Đoan đáp:
- Theo ý thần, phải đưa bà ta về Diên Châu (nay là Diên An, Thiểm Tây), đối xử với bà ta cho tử tế, như thế có thể chiêu hàng được Lý Kế Thiên. Có thể hắn chưa đầu hàng ngay, nhưng cũng có thể hạn chế được sự ngông cuồng của hắn, vì cái sống hay cái chết của mẹ hắn đều nằm trong tay ta.
Thái Tông hiểu ra, bèn nói:
- Nếu nhà ngươi không thức tỉnh, ta đã làm hỏng một việc lớn của quốc gia.
Sau đó, mẹ của Lý Kế Thiên chết ở Diên Châu, rồi Lý Kế Thiên cũng chết, nhưng con hắn cuối cùng đã quy thuận triều đình, công lao chủ yếu là do Lữ Đoan.
Trong thời gian làm Tham tri chính sự và Tể tướng, Lữ Đoan đều cùng làm việc với Khấu Chuẩn. Khấu Chuẩn là người có tính cách mạnh mẽ, để quan hệ giữa hai người hòa thuận, Lữ Đoan thường rất mực khiêm nhường. Tháng 4 năm Chí Đạo nguyên niên (995), Lữ Đoan được phong Tể tướng, còn Khấu Chuẩn vẫn làm Tham tri chính sự. Đoán chắc trong lòng Khấu Chuẩn không được vui vẻ, để làm vơi đi nỗi buồn của Khấu Chuẩn, Lữ Đoan đã xin với Thái Tông coi Tham tri chính sự và Tể tướng ngang nhau, hai người cùng phân chia quyền lực, cùng thăng đường bàn bạc mọi việc. Thái Tông đồng ý đề xuất ấy. Khi Thái Tông ra lệnh phàm là mọi việc do các tỉnh tấu lên đều phải được Lữ Đoan xem trước, ông đã mấy lần chối từ. Từ đó về sau, hai chức Tham tri chính sự và Tể tướng kết hợp làm một. Lữ Đoan đối với Khấu Chuẩn rất khiêm nhường, những việc nhỏ thường không chú ý, chỉ quan tâm tới những việc có quan hệ tới đại cục của quốc gia. Quan hệ này dễ khiến nguời ta nghĩ tới câu chuyện Liêm Phả và Lạn Tương Như ở nước Triệu thời Chiến Quốc.
Đối với việc lớn, Lữ Đoan thường tỉ mỉ quan tâm tới từng chi tiết nhỏ, xem xét cẩn thận từ nhiều góc độ, biểu hiện đầy đủ phẩm chất của một nhà chính trị ưu tú khác thường, còn với những việc nhỏ, ông thường tỏ ra khoan dung nhân hậu, thể hiện đầy đủ phong thái độ lượng của một nhà nho. Khi vua Chân Tông cho biên soạn cuốn “Thái Tông thực lục”, Lữ Đoan được giao trách nhiệm Giám tu, Tiền Nhược Thủy được giao biên soạn chính. Theo lệ của đời Tống, Giám tu tuy không làm những công việc cụ thể, nhưng khi công việc hoàn thành, tên vẫn được ghi trên sách. Nhưng Tiền Nhược Thủy đã không ghi tên Lữ Đoan. Lữ Đoan không có ý kiến gì về việc này. Một viên quan là Lý Duy Thanh khi bị giáng chức cho rằng do Lữ Đoan có ý trả thù, thừa lúc Lữ Đoan bị bệnh không vào triều, dâng tấu chương xúc phạm ông. Biết việc này, Lữ Đoan nói:
- Tôi cả đời chỉ làm theo lẽ phải, không hổ thẹn với lương tâm, những lời nói hàm hồ có gì mà phải băn khoăn.
Rồi cũng không làm việc gì gây phiền toái cho Lý Duy Thanh.
Lữ Đoan là nguời trọng nghĩa khinh tài, sống thanh đạm. Có nguời bạn đồng hương, do con ốm đau trở nên tàn tật, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, Lữ Đoan đã đem bổng lộc của mình, chia một phần cho bạn, giúp bạn nuôi con. Có gia nhân của ông nói cuộc sống trong gia đình ông rất thiếu thốn, ông trả lời: sống được ngày nào hay ngày ấy, có gì phải phàn nàn!
Sau khi ông mất, vì đông con, gia cảnh trở nên nghèo túng. Cưới vợ, nguời con cả là Lữ Phan phải đem bán ngôi nhà do ông để lại. Vua Chân Tông biết việc này, đã lệnh xuất nội khố (3) 500 vạn tiền giúp Lữ Phan chuộc lại ngôi nhà. Nhưng 6 năm sau, khi em của Lữ Phan lấy vợ, vì gia cảnh nghèo khó, một lần nữa, ngôi nhà lại phải đem bán. Lữ Đoan dù làm Tể tướng nhưng cảnh nhà thanh bạch, trong nhà chẳng có của cải gì, thật là hiếm thấy.
Tháng 4 năm Chí Đạo nguyên niên đời Tống Thái Tông (995), khi chuẩn bị giao cho Lữ Đoan làm Tể tướng, có nguời nói với vua:
- Lữ Đoan là nguời hồ đồ.
Vua Thái Tông đã trả lời:
- Lữ Đoan với việc nhỏ thì có thể hồ đồ, còn với việc lớn thì không hồ đồ.
Cuối cùng vẫn giao chức Tể tướng cho ông. Chắc chắn, nhà vua biết ông là nguời như thế nào.
Người dịch: Dương Đình Giao
Chú thích:
- Âm ân bổ quan: chỉ cách bổ dụng quan lại từ đời Đường tới đời Tống.
- Khu mật phó sứ: Bắc Tống có Khu mật viện chuyên coi việc quân quốc. Khu aatj phó sứ là chức phó sau Trưởng quan.
- Nội khố: chỉ kho riêng của Hoàng đế, chi dung theo ý của Hoàng đế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét