Vào thế kỷ thư 4 ở thượng du Liêu Hà có một dân tộc thiểu số tên là Khiết Đan. Lúc đó, họ còn trong xã hội thị tộc, sinh sống bằng bắt cá và săn thú. Về sau, dân số mỗi ngày một tăng thêm, phát triển dần trở thành bộ lạc.
Vào triều Đường, một số bộ lạc ở đây liên kết thành liên minh bộ lạc. các thủ lĩnh bộ lạc suy tôn một người làm thủ lĩnh liên minh bộ lạc, lãnh đạo các bộ lạc cùng tác chiến, sản xuất và xử lý các quan hệ với bên ngoài.
Cuối triều Đường, người Hán không ngừng di cư tới khu vực người Khiết Đan cư trú, trong quá trình khẩn hoang để mưu sinh đã mang tới đây một số phương thức, kỹ thuật canh tác tiên tiến. Trong quá trình tiếp xúc, người Khiết Đan đã học hỏi được từ người Hán kỹ thuật canh tác, dệt vải, rèn sắt, xây dựng nhà ở, … và bắt đầu có cuộc sống định cư.
Đồng thời với sự phát triển của sức sản xuất, trong thị tộc nảy sinh hiện tượng phân hóa giàu nghèo. Những thành viên nghèo trong thị tộc dần trở thành nô lệ, một số thủ lĩnh bộ lạc trong cuộc giao tranh với các thị tộc khác chiếm đoạt được các nhiều sản vật và tù binh biến họ thành nô lệ, bản thân mình trở thành chủ nô lệ.
Đến lúc này, hình thức tổ chức của các thị tộc bộ lạc không còn phù hợp với nhu cầu và lợi ích của các chủ nô lệ. Trước tình hình ấy, thủ lĩnh Da Luật A Bảo Cơ của tộc Khiết Đan, xưng Hoàng đế, kiến lập quốc gia.
Da Luật A Bảo Cơ sinh năm 872 trong một gia đình quý tộc thị tộc Điệt Lạt Bộ Da Luật, giữ một vị trí quan trọng trong liên minh bộ lạc gọi là Di lý cận (1), sau đó, liên minh bộ lạc Khiết Đan đặt thêm một chức vụ gọi là Vu việt nắm quyền hành chính và quân sự của liên minh bộ lạc, còn cao hơn Di lý cận. A Bảo Cơ từng đảm nhận chức vụ Di lý Cận và Vu việt, nắm toàn bộ đại quyền quân chính.
Sau đó, Da Luật A Bảo Cơ không ngừng phát động các cuộc chiến tranh với láng giềng, chiếm đoạt tài sản và nô lệ. Ông ta rất nhanh chóng vượt qua quyền của một thủ lĩnh liên minh bộ lạc. Khi triều Đường diệt vong (907), qua cuộc tuyển cử, Da Luật A Bảo Cơ trở thành thủ lĩnh của liên minh bộ lạc.
Từ đó, ông ta liên tục đảm nhận chức vụ Vu việt và Di lý cận. Nhưng vẫn chưa vừa lòng với quyền lực quân sự và hành chính, Da Luật A Bảo Cơ còn thiết lập một đội quân tinh nhuệ làm đội thị vệ thân quân của mình.
Thủ lĩnh của liên minh bộ lạc Khiết Đan thường ba năm bầu cử một lần. Nhưng Da Luật A Bảo Cơ làm tới 5 năm vẫn chưa muốn dời bỏ chức vụ. Rất nhiều quý tộc bất mãn, tỏ ý phản đối. Da Luật A Bảo Cơ bèn trấn áp những hành vị phản kháng của những quý tộc này.
Năm sau, lại có một số quý tộc phản đối, trong đó có những quý tộc đã từng đảm nhận chức vụ Vu việt và Di lý cận. Lúc ấy, Da Luật A Bảo Cơ đang đem quân chinh chiến ở bên ngoài, không thể cho quân đàn áp mà hạ lệnh tiến hành nghi thức tuyển cử truyền thống. Kết quả, ông ta lại trúng tuyển thành thủ lĩnh của liên minh bộ lạc. Đây chính là lý do khiến những người đã có thái độ phản kháng phải tỏ ý “tạ tội” với Da Luật A Bảo Cơ, và chịu phục tùng sự lãnh đạo của ông ta.
Nhưng sự việc vẫn chưa kết thúc, một số quý tộc vẫn không cam chịu, quyết tâm bày kế hoạch chống lại với quy mô lớn hơn.
Mấy tháng sau, cuộc chiến nổ ra. Quân phiến loạn giết hại nhân dân, cướp bóc của cải, phần lớn gia súc đều bị chết. Binh lính của Da Luật A Bảo Cơ đành phải giết ngựa, kiếm cỏ dại làm thức ăn. Sau 2 tháng gian khổ đàn áp, Da Luật A Bảo Cơ đã giành được chiến thắng, hơn ba trăm người tham gia vào cuộc nổi loạn đều bị xử tử hình. Từ đó, địa vị của Da Luật A Bảo Cơ càng được củng cố.
Các quý tộc tham gia vào cuộc nổi loạn đều là những người ủng hộ và bảo vệ chế độ thị tộc. Họ phản đối Da Luật A Bảo Cơ kiến lập một quốc gia chuyên chính chủ nô. Cuộc đấu tranh giữa Da Luật A Bảo Cơ và họ thực chất là cuộc đấu tranh giữa hai thế lực, hai chế độ. Da Luật A Bảo Cơ trải qua bao đấu tranh quyết liệt mới giành được thắng lợi, quyết định phế bỏ chế độ liên minh bộ lạc cũ, chính thức thiết lập cơ cấu quốc gia.
Nhưng cơ cấu quốc gia mới được kiến lập sẽ như thế nào?
Từ khi Da Luật A Bảo Cơ thường thâm nhập vào khu vực của người Hán, bắt được những tù binh người Hán dã chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán tương đối sâu sắc. Vì thế, ông ta quyết định sẽ dựa theo chế độ chính trị của người Hán để thiết lập cơ cấu quốc gia của người Khiết Đan.
Ở thời Ngũ Đại, Hậu Lương có một viên quan tên Hàn Diên Vi (2) đã từng đi sứ Khiết Đan, được Da Luật A Bảo Cơ giữ lại. Da Luật A Bảo Cơ coi ông ta là người có tài nên ngày càng trọng dụng. Về các mặt chính trị, quân sự và nhiều phương diện khác, Hàn Diên Vi dã giúp Da Luật A Bảo Cơ rất nhiều ý kiến, về sau được phong là khai quốc công thần của Khiết Đan.
Năm 916 (tương đương với đời Hậu Lương của thời kỳ Ngũ Đại), Da Luật A Bảo Cơ lên ngôi Hoàng đế ở phủ Lâm Hoàng (nay là vùng gần Chiêu Ô Đạt Minh Ba Lâm Tả Kỳ, khu tự trị Nội Mông), xưng “Đại thánh đại minh thiên Hoàng đế”, vợ của ông xưng “Ứng thiên đại minh địa Hoàng hậu”, con là Da Luật Bội được lập làm Thái tử. Niên hiệu “Thần sách”, một quốc gia mới ở phương bắc ra đời.
Quốc gia được thiết lập, Da Luật A Bảo Cơ tiến hành một loạt các cải cách. Nhà vua cử người sáng tạo văn tự Khiết Đan, chế định luật pháp, với một số vùng người Hán sinh sống, dùng pháp luật Hán để cai trị.
Ông còn mô phỏng các thành thị của người Hán, xây dựng kinh thành ở hai bên sông Hoàng Hà (nay là sông Tây La Mộc Luân), gọi là Thượng Kinh. Ngoài ra, nhà vua còn sử dụng một số các biện pháp phát triển nông nghiệp và thương nghiệp. Những việc làm này đều có ý nghĩa tiến bộ.
Da Luật A Bảo Cơ xưng đế, kiến quốc là một sự kiện lớn trong lịch sử Khiết Đan. Từ đó, Khiết Đan bước vào một thời kỳ mới.
Sau khi Khiết Đan kiến quốc, Da Luật A Bảo Cơ không ngừng tiến hành bành trướng ra các khu vực lân cận. Lúc đó, vùng Trung Nguyên đang ở thời kỳ Ngũ đại Thập quốc, không ngừng tranh giành, quần hùng tranh bá. Lợi dụng cơ hội ấy, Da Luật A Bảo Cơ thâm nhập vào vùng đông bắc Hà Bắc, đánh chiếm nhiều quận huyện, tiêu diệt dân tộc Mô-hơ ở vùng lưu vực Liêu Hà, kiến lập chính quyền ở Bột Hải (3), thống nhất khu vực nam bắc đại sa mạc và phần lớn vùng phía bắc. Khiết Đan do Da Luật A Bảo Cơ lãnh đạo trở thành một chính quyền quốc gia vũng mạnh ở phía băc Trung Quốc lúc đó.
Người dịch: Dương Đình Giao
Chú thích:
- Di ly cận: Quan cai quản việc binh Khiết Đan.
- Hàn Diên Vi (882 – 959), người An Thứ, Nam Kinh, Liêu (nay thuộc Hà Bắc). Từng làm Liêu chính sự lệnh, Tả bộc xạ, có nhiều tài năng.
- Bột Hải quốc (698 – 926) chính quyền kiến lập cuối đời Đường, đô ở Kinh long tuyền phủ (nay là trấn Bột Hải, Ninh An, Hắc Long Giang, được xưng là “Hải đông thịnh quốc”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét