XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Năm, 3 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 06.17. TÍN LĂNG QUÂN TRỘM PHÙ CỨU TRIỆU

Năm 259 trước CN, quân Tần tiến công nước Triệu, bao vây kinh đô Hàm Đan của Triệu. Bình Nguyên Quân viết thư cho Ngụy An Hy Vương và Tín Lăng Quân cầu cứu vì chị của Tín Lăng Quân là vợ của Bình Nguyên Quân. Tín Lăng Quân nhận được thư của anh rể, thấy cấp bách, hai ba lần xin Ngụy vương xuất binh. Ngụy vương không thể từ chối, cử lão tướng Tần Bỉ mang mười vạn quân đi cứu Triệu.
Vua Tần biết tin cử sứ thần đến nước Ngụy, cảnh cáo:
– Nước Tần lấy Hàm Đan chỉ là việc sớm hay muộn, ai dám cứu nước Triệu, đợi ta lấy xong nước Triệu sẽ tiêu diệt.
Vua Ngụy bị đe dọa, không dám cứu nước Triệu, cử người truyền lệnh cho Tấn Bỉ, dừng việc tiến quân, đóng quân đợi lệnh.
Bình Nguyên Quân không biết sự phức tạp này, cho rằng Tín Lăng Quân không giữ tín nghĩa, viết thư, trách:
“Ta vẫn khâm phục phẩm chất cứu người trong lúc nguy nan của quý công tử cho nên mới cùng công tử kết thân. Nay Hàm Đan sẽ rơi vào tay quân Tần mà không thấy cứu binh của nước Ngụy. Cho dù công tử có xem thường tôi, không quan tâm đến sự sống chết của tôi, lẽ nào không thương chị của ngài, nhẫn tâm để cho bà trở thành tù binh của quân Tần?”
 Tín Lăng Quân cảm thấy vô cùng buồn tủi, chỉ có thể một lần nữa khẩn cầu vua Ngụy xuất binh. Ông lại tìm một số người phân tích lợi hại cho vua Ngụy. Nhưng sợ sự uy hiếp của vua Tần, vua Ngụy nhất định không chịu nghe.
Tín Lăng Quân thấy cuối cùng việc này vô vọng, quyết tâm cùng tồn vong với nước Triệu. Ông tổ chức các môn khách của mình tổng cộng được hơn một nghìn người, hơn một trăm cỗ chiến xa, chuẩn bị đi cứu nước Triệu.
Khi cả đoàn người ngựa qua cổng thành, Tín Lăng Quân từ biệt ông lão già giữ cổng thành. Ông lão tên gọi Hầu Doanh, đã hơn 70 tuổi. Ông tuy địa vị thấp hèn nhưng là người coi trọng tín nghĩa nổi tiếng gần xa. Trước đây, Tín Lăng Quân đã nghe tiếng tăm của Hầu Doanh, tự hạ mình cùng Hầu Doanh kết giao.
Lần này, Tín Lăng Quân đem việc nước Triệu nói với Hầu Doanh, ông lão chỉ bảo:
– Công tử bảo trọng, tôi tuổi cao sức yếu, không thể cùng công tử làm việc này được.
Tín Lăng Quân cáo từ Hầu Doanh, tiếp tục lên đường. Trên đường đi, trong lòng càng thấy không yên, ông nghĩ:
– Bình thường, ta với Hầu Doanh cũng tình sâu nghĩa nặng, hôm nay, ta đi vào chỗ chết, ông ta một câu nói thân thiết cũng không có. Tại sao ông ta lại lãnh đạm thế? Hay vì ta làm việc sai chăng? Ta phải quay lại hỏi ông ta.
Nghĩ thế, Tín Lăng Quân quay xe trở về thành.
Hầu Doanh còn đứng ở cổng thành, nhìn thấy Tín Lăng Quân, nói:
– Tôi biết công tử sẽ quay lại.
Tín Lăng Quân hỏi:
– Làm sao ngài biết?
Hầu Doanh nói:
– Công tử đi liều mạng với quân Tần, khác gì đem thịt nuôi hổ đói, chỉ là đi vào chỗ chết. Thường ngày công tử đối với tôi ơn trọng như núi. Bây giờ tôi đưa tiễn công tử như thế, tôi chắc nhất định công tử sẽ tức giận, việc quay lại đã rõ.
Tín Lăng Quân rất khâm phục, đoán nhất định ông ta có mưu kế gì, bèn thỉnh giáo. Hầu Doanh đến gần, đưa công tử đến một phòng nhỏ, nhẹ nhàng nói với Tín Lăng Quân:
– Đại vương bây giờ yêu thích nhất nàng Như Cơ, công tử là người có ơn lớn với Như Cơ, có đúng không?
Tín Lăng Quân hỏi:
– Có chuyện gì vậy?
Hầu Doanh nói:
– Cái năm cha của Như Cơ bị người ta sát hại, Như Cơ xin đại vương cho nàng báo thù, nhưng ba năm đã qua cũng không bắt được hung thủ. Sau đó, một môn khách của ngài đã giết được kẻ thù của nàng. Vì việc này, Như Cơ luôn nhớ đến việc phúc đáp ơn của công tử. Bây giờ chẳng phải là lúc công tử dùng đến nàng sao?
Tín Lăng Quân không hiểu, hỏi:
– Nàng có thể giúp gì được cho ta?
Hầu Doanh đáp:
– Công tử hãy nghĩ kỹ một chút, ngài mang hơn nghìn người này liệu có cứu được nước Triệu không? Chỉ có thể dùng  quân của nước Ngụy mới làm được điều ấy. Tấn Bỉ đang chỉ huy mười vạn người ngựa ở biên giới nước Triệu với Ngụy, nếu có thể điều động được họ, mối lo nước Triệu bị bao vây sao không thể giải được?
Tín Lăng Quân nói:
– Nhưng trong tay ta không có hổ phù (2) làm sao có thể điều động được quân đội?
Hầu Doanh nói:
– Bây giờ hổ phù một nửa do Tấn Bỉ giữ, một nửa ở bên người đại vương. Chỉ có một nửa hổ phù trong tay, đại vương mới có thể điều động được mười vạn nhân mã. Mà Như Cơ là người sớm hôm bên đại vương, chỉ cần nhờ nàng lấy một nửa hổ phù cho công tử, sẽ cứu được nước Triệu.
Tín Lăng Quân còn có một chút lo lắng, hỏi:
– Nếu đã lấy được hổ phù, Tấn Bỉ không nghe sự điều động thì làm thế nào?
Hàu Doanh nói:
– Tôi có thể tiến cử với công tử một người. Bạn của tôi là Chu Hợi, vũ công siêu quần, sức mạnh vô song, sử dụng binh khí là một thanh đại thiết chùy nặng hơn bôn mươi cân. Nếu ông ta đi cùng công tử, Tấn Bỉ nghe lệnh thì thôi, không thì đánh một chùy cho chết đi.
Tín Lăng Quân cho rằng không còn cách nào hơn thế, liền đem việc này nói với Như Cơ. Không lâu sau, quả nhiên Như Cơ mang hổ phù tới.
Tín Lăng Quân cầm được hổ phù đưa cho Chu Hợi, ngay trong đêm đến doanh trại quân Ngụy điều quân.
Gặp Tấn Bỉ, Tín Lăng Quân nói:
– Tướng quân vất vả quá, đại vương cho ta đến thay tướng quân để ngài được nghỉ ngơi.
Tấn Bỉ nhìn hổ phù, quả là thực, không sai, nhưng ông ta nói:
– Đại vương giao cho ta chỉ huy mười vạn đại quân, ta không phạm một  sai lầm nào, sao đột nhiên lại thay ta. Mà việc lớn như thế này, cũng không có thư, chỉ nói miệng, thực là không được yên tâm,
Rồi nói thêm:
– Xin công tử đợi cho mấy ngày để tôi kiểm kê danh sách quân đội, rồi tiến hành bàn giao, có được không?
Tín Lăng Quân vội nói:
– Tôi phụng mệnh chỉ huy quân đội đi cứu nước Triệu, Hàm Đan nguy cấp trong sớm tối, dù đi suốt đêm cũng không kịp, làm sao có thể nán lại được?
Tấn Bỉ nói:
– Mong công tử đừng chê trách, việc lớn như thế này, còn phải bẩm báo đại vương một tiếng mới có thể…
Chưa nói dứt lời, Chu Hợi đã quát:
– Không tuân mệnh lệnh của đại vương chính là làm phản!
Từ ống tay áo vung ra đại thiết chùy, thoáng chốc, đầu của Tấn Bỉ đã rơi.
Tín Lăng Quân nắm hổ phù, quát lớn:
– Đại vương mệnh lệnh cho ta thay Tấn Bỉ cầm quân đi cứu nước Triệu. Ông ta không phục tùng quân lệnh nên phải giết. Bây giờ mọi người không phải kinh sợ nữa, nghe ta truyền lệnh: một nhà có hai người cha và con ở trong quân, cha có thể về nhà, anh em hai người ở trong quân, người anh có thể về nhà, con duy nhất ở trong quân có thể trở về phụng dưỡng cha mẹ.
Qua chọn lọc, mười vạn người còn được tám vạn, dưới sự chỉ huy của Tín Lăng Quân tiến thẳng về Hàm Đan.
Quân Tần không tính đến việc quân Ngụy đến cứu, trong thành, Bình Nguyên Quân cũng chỉ huy quân lính xông ra, trong ngoài cùng đánh, quân Tần trước sau đều có địch, tử thương quá mửa, đành phải rút quân. Thành Hàm Đan bị bao vây cuối cùng được giải nguy.

Chú thích:
1. Ngụy An Hy Vương: ở ngôi từ năm 276 đến 243 trước CN,con của Ngụy Chiêu Vương. Năm 273 trước CN, liên quân với Triệu đánh Hàn, bị tướng Tần Bạch Khởi đánh bại, mất 13 vạn quân. Năm 254 trước CN, mang quân diệt Vệ; năm 247 trước CN, liên hợp quân  5 nước đánh Tần.
2. Điều quân thời cổ đại, một cách là dùng một con hổ đúc bằng đồng, chia thành hai nửa, một nửa trong tay đại tướng cầm quân, một nửa trong tay nhà vua. Nếu vua muốn điều động quân đội phải cử sứ giả mang hổ phù truyền lệnh, hai nửa của hổ phù ghép vào thật khớp mệnh lệnh truyền đạt mới có hiệu lực.
3. Chùy: một loại vũ khí cán ngắn, binh khí tấn công, hình dáng không quy định, có loại đầu hình tròn, đầu hình trụ, đầu hình củ tỏi, đầu hình đa diện, …
Người dịch: Dương Đình Giao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét