Ngũ Tử Tư là một con người nổi tiếng phi thường, về ông có rất nhiều chuyện. Ông vốn là người nước Sở, về sau trở thành trọng thần của nước Ngô, giúp Ngô vương Phù Sai đánh bại nước Sở, vốn là nước ông tiềm ẩn mối thù lớn.
Năm Chu Cảnh Vương thứ 18 (527 trước CN), tức là năm thứ hai Sở Bình Vương lên ngôi, Bình Vương cử đại phu Thái Vô Cực đến nước Tần cầu hôn cho thái tử Kiến.
Tần Ai Công đã hứa gả con gái là Mạnh Doanh cho thái tử Kiến. Mạnh Doanh lớn lên xinh đẹp muôn phần, người người rung động, Sở Bình Vương nhìn thấy lòng dạ mê mẩn. Phí Vô Cực là người xấu, hiểu được ý của Bình Vương, bèn nói:
– Ngài đã thích nàng, tại sao lại không lấy nàng cho mình?
Lời nói trúng ý của Bình Vương. Phí Vô Cực bèn đưa Mạnh Doanh vào cung của Bình Vương, còn đem thị nữ của Mạnh Doanh gả cho thái tử Kiến.
Sau thời gian dài, việc xấu Sở Bình Vương lấy con dâu của mình vỡ lở. Phí Vô Cực sợ thái tử Kiến biết, bèn khuyến khích Sở Bình Vương đưa thái tử Kiến dời Dĩnh Đô, đi trấn thủ Thành Phụ (nay là huyện Bảo Phong, tỉnh Hà Nam).
Nhưng Phí Vô Cực chưa yên tâm, ông ta lo sợ sau này khi Sở Bình Vương chết, thái tử Kiến nối ngôi sẽ tìm ông ta tính sổ nên tìm trăm phương nghìn kế để giết thái tử Kiến. Trước mặt Sở Bình Vương, ông ta luôn xúi giục:
– Với việc ngài lấy con dâu, thái tử rất không bằng lòng, nghe nói ở Thành Phụ, thái tử đang chiêu binh mãi mã, nhờ giáo sư Ngũ Xa đêm ngày luyện tập muốn đánh về Dĩnh Đô báo thù.
Sở Bình Vương tin lời của Phí Vô Cực, cho gọi Ngũ Xa về hỏi. Ngũ Xa chính là đời sau của Ngũ Cử người đã từng khuyên can Sở Trang Vương. Ông là người thẳng thắn, không vừa ý với hành vi của Sở Bình Vương, căm giận việc làm của Phí Vô Cực, bèn nói:
– Ngài lấy vợ của thái tử, việc làm đã không đúng, lại còn tin lời gièm pha của kể tiểu nhân, nghi ngờ người ruột thịt của mình là thế nào?
Sở Bình Vương vừa xấu .hổ vừa giận, hạ lệnh bắt Ngũ Xa tống ngục. Phí Vô Cực xúi giục thêm:
– Ngài đã bắt thầy của thái tử, liệu thái tử có để yên không? Thái tử có thể liên hiệp với các nước Tề, Tấn để khởi sự làm loạn, lúc ấy thì không thể đối phó được!
Sở Bình Vương thích nàng Mạnh Doanh, sớm có ý phế thái tử Kiến, lập con của Mạnh Doanh làm thái tử, nghe lời Phí Vô Cực, quyết tâm giết thái tử Kiến.
Thái tử Kiến được tin, lập tức chạy đến nước Tống. Phí Vô Cực nói:
– Ngũ Xa có hai người con, lớn là Ngũ Thượng, nhỏ là Ngũ Viên (tức Ngũ Tử Tư), đều là những nhân tài, có dũng, có mưu, nếu để cho họ chạy mất, có thể hậu họa vô cùng! Nhổ cỏ phải nhổ tận rễ, Chúa công gọi anh em họ tới, rồi giết luôn cả cùng với Ngũ Xa đi!
Sở Bình Vương nói:
– Đã bắt cha của họ rồi, liệu họ có đến không?
Phí Vô Cực nói:
– Thế này, ngài bảo Ngũ Xa viết cho họ một bức thư, nói nếu họ đến sẽ tha cho cha họ, nếu không đến, lập tức giết cha họ.
Kế này thật là nham hiểm. Ngũ Thượng và Ngũ Tử Tư nhận được thư, lòng như lửa đốt, thật là tiến thoái lưỡng nan. Ngũ Tử Tư nói:
– Bức thư này là hắn bức cha ta viết, nếu chúng ta không đi, họ sợ chúng ta, cha ta chưa chắc đã chết; nếu chúng ta đi, cha ta nhất định sẽ bị giết, còn chúng ta cũng sẽ không thoát.
Ngũ Thượng nói:
– Nếu chúng ta không đi, vạn nhất cha ta bị giết thì sao? Cho dù là giả, gặp được cha, chết cũng cam lòng.
Ngũ Tử Tư nói:
– Mọi người chết cả thì còn được gì? Nếu cha bị hại, có cách nào để báo thù cho cha, anh nhất định đi, em đành phải vĩnh biệt từ đây!
Quả nhiên, Ngũ Thượng vừa mới tới Dĩnh Đô, Sở Bình Vương đã đem hai cha con giết đi, sau đó còn hạ lệnh thông báo cho cả nước treo giải nếu bắt được Ngũ Tử Tư. Ngũ Tử Tư nghe tin cha và anh bị giết, vô cùng đau xót, thề rằng:
– Thù lớn này không trả được, thề không làm người!
Đêm ấy bèn trốn đi.
Trên đường đi, Ngũ Tử Tư gặp Thân Bao Tư, bèn đem chuyện cha bị hại, Sở Bình Vương còn treo thưởng người bắt được mình kể hết ngọn ngành. Thân Bao Tư rất đồng cảm, bèn hỏi:
– Bây giờ ông định làm gì?
Ngũ Tử Tư nói:
– Mối thù cha bị giết, nhất định tôi phải trả! Tôi sống không ăn thịt vua Sở, dao không chém được Phí Vô Cực, lật đổ nước Sở không làm đàn ông Hán!
Thân Bao Tư nói:
– Nước Sở là “phụ mẫu chi bang” của chúng ta, anh làm sao lật đổ được? Vì tình bè bạn, tôi nhất định không để lộ ý của anh. Nhưng tôi nói để anh biết, anh muốn lật đổ nước Sở, tôi nhất định sẽ có cuộc phục hưng nó!
Nói xong, hai người chia tay.
Ngũ Tử Tư đến nước Tống, tìm gặp thái tử Kiến. Không may nước Tống có nội loạn, nước Sở đưa quân đến can thiệp, thái tử Kiến và Ngũ Tử Tư phải chạy đến nước Trịnh. Trịnh Định Công rất nồng nhiệt tiếp đãi họ, không ngờ thái tử Kiến lấy oán trả ơn, giấu Ngũ Tử Tư, ngầm cấu kết với nước Tấn, muốn giành lấy đại quyền của nước Trịnh, lại lợi dụng lực lượng của nước Trịnh, đánh về nước Sở. Trịnh Định Công kịp thời phát giác âm mưu, liền giết thái tử Kiến.
Ngũ Tử Tư lại đem con của thái tử Kiến là công tử Thắng chạy về nước Ngô. Trên đường, sợ người nước Trịnh đuổi theo, cũng lại sợ người nước Sở đuổi, đành phải ban ngày trốn ở nơi núi sâu, đêm mới dám đi. Đi hơn mười ngày thì đến được Chiêu Quan, biên giới của nước Sở và nước Ngô. Ngũ Tử Tư đến trước cửa, không khỏi khiếp sợ. Vốn là Sở Bình Vương đoán Ngũ Tử Tư nhất định chạy sang nước Ngô, phái quân lính đến giữ Chiêu Quan, trước cửa quan treo tấm hình Ngũ Tử Tư, ái muốn qua cửa đều phải đối chiếu với bức vẽ để đề phòng. Thật là thiên la địa võng, có chắp cánh cũng khó bay qua. Ngũ Tử Tư và công tử Thắng dừng lại ở gần Chiêu Quan mấy ngày, mắt nhìn về Chiêu Quan mà không thể qua được.
Một hôm, Ngũ Tử Tư phát hiện trước cửa quan đông người chen chúc ầm ĩ hỗn loạn, binh lính canh cửa kiểm tra không xuể, ông vội hóa trang, cùng với công tử Thắng trà trộn vào đám đông, thừa cơ qua cửa, chạy đến nước Ngô. Nghe nói Ngũ Tử Tư lo nghĩ trước Chiêu Quan, một đêm đã bạc hết tóc, binh sĩ canh gác không nhận ra nên mới qua được Chiêu Quan. Sự thực thế nào không thể biết được, chẳng qua đây chỉ là biểu hiện sự đồng tình của mọi người với Ngũ Tử Tư.
Về sau, Ngũ Tử Tư giúp đỡ Ngô vương Hạp Lư cai trị nước Ngô, khiến nước Ngô nhanh chóng phồn thịnh. Năm 506 trước CN, Ngô vương Hạp Lư đánh Sở làm cho nước Sở tan tác. Sở Chiêu Vương phải chạy khỏi Dĩnh Đô để bảo toàn tính mạng.
Lúc này Sở Bình Vương đã chết, Sở Chiêu Vương cũng đã chạy trốn. Ngũ Tử Tư chưa hả giận, đem binh lính tay chân, tìm đến mộ của Sở Bình Vương khai quật thi thể, vụt ba trăm roi mới ngừng tay.
Người dịch: Dương Đình Giao
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét