XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Năm, 3 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 08.17. HỌA ĐỒNG CỐT TRONG CUNG

Hán Vũ Đế hùng tài đại lược, nhưng đến cuối đời, việc chọn thái tử đã mắc sai lầm, khiến bọn gian nịnh thừa cơ làm loạn, làm cho lòng người lo sợ, rất nhiều người đã chết oan.
Hán Vũ Đế trước đã lập Lưu Cứ, con của Vệ hoàng hậu làm Thái tử. Nhưng Lưu Cứ tính cách khoan hậu, nhân từ, rất khác với cha. Đặc biệt sau khi đại tướng Vệ Thanh và Phiêu kỵ tướng quân Hắc Khứ Bệnh chết, Vệ hoàng hậu không có chỗ dựa, Hán Vũ Đế đối với Lưu Cứ ngày càng lạnh nhạt.
Hán Vũ Đế có tất cả 6 người con. Vua yêu quý nhất là người con út Lưu Phất Lăng.
Lưu Phất Lăng sinh năm Thái Thủy thứ ba (94 trước CN), kém Thải tử Lưu Cứ 34 tuổi. Mẹ của Lăng họ Triệu, người Hà Gian (Hà Gian, Hà Bắc ngày nay). Nàng rất đẹp, vì thích nắm tay nên thường gọi là “Quyền phu nhân”. Người ta nói Quyền phu nhân mang thai 14 tháng mới sinh ra Lưu Phất Lăng. Hán Vũ Đế khi đó đã 64 tuổi. Đã già lại có con, tất nhiên vô cùng yêu quý. Vua nói với các đại thần:
– Đế Nghiêu thời cổ 14 tháng mới sinh, con ta cũng 14 tháng mới sinh, có thể thấy mẹ của nó cũng không khác gì mẹ của Đế Nghiêu.
Vì thế, Hán Vũ Đế cho gọi cửa lớn trong cung thất của Quyền phu nhân là “Nghiêu mẫu môn”. Vua thường khen Lưu Phất Lăng giống mình, dự định phế Thái tử Lưu Cứ, lập Lưu Phất Lăng làm Thái tử.
Một hôm, vào sáng sớm, Thái tử Lưu Cứ tới thỉnh an Vệ hoàng hậu, mãi tới trưa mới trở về. Có một hoạn quan tên Tô Văn đã tâu với Hán Vũ Đế:
– Thái tử trêu ghẹo cung nữ ở hậu cung, rất coi thường phép tắc!
Hán Vũ Đế không nói gì, lại cố ý cho Lưu Cứ thêm rất nhiều cung nữ để thử. Vệ hoàng hậu nghe nói việc này, giục Lưu Cứ đi tìm Hán Vũ Đế tìm cách giải thích tránh gặp tiếng xấu. Lưu Cứ nói với mẹ:
– Bản thân con không làm điều gì không phải, việc gì phải sợ họ? Hoàng thượng là người sáng suốt, làm sao lại tin vào bọn gian nịnh?
Vào lúc đó, Vu cổ mộc (1) đang thịnh hành ở kinh thành. Loại Vu cổ này cũng truyền vào trong hoàng cung. Một số người oán hận Hoàng đế, Hoàng hậu và các mỹ nhân khác, cung nữ hận nhau cũng thi nhau chôn giấu đầu người gỗ, nguyền rủa ngầm. Hán Vũ Đế vốn mê tín, rất tin việc này. Một hôm, vào buổi trưa, vua đang ngủ, bỗng mơ thấy mấy nghìn người đầu gỗ dùng côn đánh mình khiến nhà vua tỉnh lại. Vua cho rằng có người nguyền rủa mình, lập tức sai Ngự sử Giang Thống điều tra..
Giang Thống là một kẻ lòng lang dạ thú. Hắn cử không ít những kẻ tâm phúc, đến các nơi đào tìm đầu người gỗ, hắn dùng cả biện pháp thô bạo, lấy kìm sắt nung đỏ kẹp người ta để cưỡng bức khai cung. Bất kể là ai, chỉ cần Giang Thống khép vào tội “nguyền rủa Hoàng đế” sẽ không còn đường sống. Qua có mấy ngày, hắn đã giết mấy trăm người. Con gái của Vệ Hoàng hậu là công chúa Dương Thạch, công chúa Chư Ấp đều chịu oan phải chết thảm.
Giang Thống thấy Hán Vũ Đế giết cả công chúa, càng lấn tới, không sợ gì. Trước đây, hắn đã có mâu thuẫn với Thái tử Lưu Cứ, giờ tận dụng thời cơ này để hãm hại. Hắn nhờ thầy mo Đà Hà tâu với Hán Vũ Đế:
– Trong hoàng cung có người nguyền rủa Hoàng đế, khí độc rất nặng, nếu không đào hết đầu người gỗ, bệnh của Hoàng thượng chắc khó khỏi.
Hán Vũ Đế giao cho Giang Thống theo lời, cử người tới Hoàng cung đào bới để tìm đầu người gỗ. Họ trước hết bắt đầu từ hậu cung nơi cách xa chỗ ở của Hán Vũ Đế, rồi dần tới nơi ở của Vệ Hoàng hậu và Thái tử Lưu Cứ. Bên trong, bên ngoài đào bới không trừ một nơi nào. Để hãm hại Thái tử Lưu Cứ, Giang Thống nhân khi mọi người không chú ý đã đem những đầu người gỗ chuẩn bị trước mang tới rồi rêu rao: trong cung của Thái tử có rất nhiều đầu người gỗ. Rồi còn nói, Thái tử viết bạch thư, trên đó viết lời nguyền rủa Hoàng thượng. Rồi hắn lập tức tâu lên Hoàng thượng, khép Thái tử vào tội chết.
Lưu Cứ thấy Giang Thống cố ý hãm hại mình, vội bàn với thầy học là Thạch Đức. Thạch Đức nói với Lưu Cứ:
– Ta thấy chi bằng trước hết cần bắt Giang Thống, tra xét, luận tội của hắn.
Lưu Cứ không muốn làm như thế, nói với Thạch Đức:
– Giang Thống là đại thần được Hoàng thượng cử, ta làm sao dám tự mình bắt ông ta? Ta chẳng thà tự đến cung Cam Tuyền (2) để tấu minh Hoàng thượng, có thể còn được Hoàng thượng xá tôi.
Rồi Lưu Cứ chuẩn bị xe ngựa, đến cung Cam Tuyền gặp Hán Vũ Đế.
Giang Thống sợ Lưu Cứ vạch trần âm mưu của mình, vội cho người chặn xe ngựa của Lưu Cứ, nói thế nào cũng không cho đi. Lưu Cứ không có cách gì, đành phải bàn với Thạch Đức, chọn một người tâm phúc, giả làm sứ giả do Hán Vũ Đế cử đến, bắt giữ bọn Giang Thống. Lưu Cứ chỉ vào Giang Thống, mắng:
– Ngươi là gian thần, bây giờ còn muốn chia cắt quan hệ cha con chúng ta phải không?
Nói xong, Lưu Cứ lấy cớ Giang Thống mưu phản, lệnh cho võ sĩ chém. đầu thị chúng. Thầy mo Đàn Hà cũng bị thiêu sống ở ngay đó.
Để đề phòng bất trắc, Lưu Cứ cho người thông báo với Vệ Hoàng hậu, điều quân tới bảo vệ Hoàng cung. Đồng đảng của Giang Thống Tô Văn, Chương Cán chạy tới cung Cam Tuyền, nói với Hán Vũ Đế rằng Thái tử Lưu Cứ làm phản. Hán Vũ Đế không tin, nói:
– Chắc là vì Thái tử sợ hãi, lại tức giận Giang Thống cho nên mới như vậy, Ta sẽ gọi hắn đến xem sao.
Nói xong, vua cho sứ giả đi truyền gọi Thái tử,
Sứ giả tới thành Trường An, thấy một số dân chạy tới nói Thái tử khởi binh làm loạn, không dám vào thành, quay về, tâu lên Hán Vũ Đế:
– Thái tử đúng là đã làm phản. Thần bảo tới bái kiến Hoàng thượng, Thái tử không những không phục tùng mệnh lệnh còn muốn đem giết thần, thần đành phải bỏ về.
Hán Vũ Đế tin là thật, lập tức giao một đạo chiếu thư cho Thừa tướng Lưu Khuất Mao, lệnh cho Thừa tướng mang quân tiến công Trường An, bắt Thái tử.
Lưu Khuất Mao tập hợp quân đội các quận huyện lân cận tiến công Trường An. Lưu Cứ đành phải mở kho vũ khí (3), vũ trang cho các phạm nhân trong kinh thành do Thạch Đức cùng môn khách của mình là Trương Quang chỉ huy chống lại đội quân của Lưu Khuất Mao. Lưu Cứ còn tuyên bố với văn võ bá quan trong thành:
–         Hoàng thượng đang dưỡng bệnh trong cung Cam Tuyền, có gian thần làm loạn.
Quan dân trong thành cũng không biết cuối cùng ai là người tạo phản. Tình hình ngày càng hỗn loạn.
Hán Vũ Đế phải mang quân về cung Kiến Chương tự bảo vệ. Lưu Khuất Mao và Lưu Cứ hỗn chiến trong thành đến bốn năm ngày, chết và bị thương đến mấy vạn người, trên đường phố đầy xác chết và máu chảy. Cuối cùng, Lưu Khuất Mao đánh bại Lưu Cứ, bắt Thạch Đức và Trương Quang làm tù binh. Lưu Cứ mắt nhìn thấy đại thế đã mất, vội cùng hai con bỏ chạy khỏi Trường An.
Ba cha con Lưu Cứ chạy đến huyện Hồ (phía tây Linh Bảo, Hà Nam ngày nay), được một cụ già che giấu. Nhà cụ rất nghèo, chỉ dựa vào bán giày cỏ sống qua ngày. Bỗng nhiên thêm ba miệng ăn, có bữa trước không có bữa sau, khó đảm bảo được cuộc sống. Lưu Cứ không có cách gì, đành nhờ người đi tìm một người bạn giàu có, nhờ tiếp tế. Nhưng chưa tìm được bạn thì đã lộ tin tức. Không lâu sau, Huyện lệnh Tân An (phía đông Miễn Trì, Hà Nam ngày nay) là Lý Thọ biết tung tích của Thái tử, liền cho người đến bắt. Lưu Cứ không còn nơi ẩn náu, đành chịu trói mà chết. Hai đứa con và chủ nhà cũng bị giết.
Sau đó, Hán Vũ Đế cho người điều tra mới biết Vệ Hoàng hậu và Lưu Cứ không hề chôn đầu người gỗ, tất cả đều là do tội của Giang Thống bịa đặt. Trong cái loạn này, vua mất Thái tử và hai đứa cháu nội, vừa đau thương, vừa ân hận. Vua hạ lệnh giết toàn bộ tông tộc của Giang Thống, đem Tô Văn trói ở Vị Kiều thiêu sống. Huyện lệnh Tân An Lý Thọ cũng bị giết.
Hán Vũ Đế về cuối đời càng nghĩ càng buồn bã, bèn cho người đến huyện Hồ, sửa sang một tòa cung điện goi là “Tư tử cung” (cung nhớ con), lại xây một đài cao, gọi là “Quy lai vọng tử chi đài” để gửi gắm nỗi nhớ Thái tử Lưu Cứ và hai đứa cháu nội.
Sự kiện này sau được lịch sử goi là “Vu cổ chi họa”.

Người dịch: Dương Đình Giao
Chú thích:
  1. Vu cổ: người ta làm những đầu người bằng gỗ, trên đó khắc họ tên người có oán, sau đó đem chôn dưới đất hoặc trong nhà, ngày đêm nguyền rủa. Họ cho rằng bằng cách này, người bị nguyền rủa có thể gặp tai họa, còn mình thì được phúc.
  2. Cam Tuyền cung: vốn   là cung Lâm Quang đời Tần. Hán Vũ Đế lúc trị vì thường tới nghỉ mát, làm việc.
  3. Võ khố: nơi chứa binh khí, do Tiêu Hà xây dựng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét