Tùy Dạng Đế xây dựng Đông Đô, đào vận hà, đánh Cao Lệ (1) hao tiền tốn của quốc gia, làm chết vô số dân chúng, khiến mọi người vô cùng căm giận, đua nhau nổi dậy, phất cờ khởi nghĩa. Một trong những cuộc khởi nghĩa lớn nhất là cuộc nổi dậy của quân Ngõa Cương do Trạch Nhượng lãnh đạo.
Trạch Nhượng vốn là một viên quan coi ngục nhỏ, vì có tội với cấp trên bị bắt giam. Hình phạt của triều Tùy rất nghiêm khắc, tội lớn nhỏ gì cũng có thể là tội chết, anh ta bị giam như một con lợn, chỉ đợi ngày đồ tể tới thi hành phận sự.
Khi ấy, người coi nhà giam là Hoàng Quân Hán. Anh ta đồng tình với hành động chống lại cấp trên của Trạch Nhượng, hàng ngày vẫn cư xử với Trạch Nhượng rất quý trọng, không muốn Trạch Nhượng chịu tội chết một cách oan uổng. Một buổi tối, Hoàng Quân Hán ngầm tháo gông cho Trạch Nhượng, rồi bảo anh ta trốn đi. Trạch Nhượng rất cảm kích, nhưng sợ liên lụy tới gia đình Hoàng Quân Hán, còn đang do dự chưa quyết. Hoàng Quân Hán tức giận, trách:
– Anh còn đợi gì nữa? Giờ đây trách nhiệm của anh là gì? Mau đi đi! Việc lớn của thiên hạ đang đợi anh đấy, đừng để phí công của tôi!
Sau đó, Trạch Nhượng tới trại Ngõa Cương (2) cùng mọi người tụ tập vào đội ngũ những người giết kẻ giàu, giúp người nghèo.
Khi trại Ngõa Cương dựng cờ khởi nghĩa, người cầm đầu chính là Trạch Nhượng, một người có uy tín rất cao khi đó. Nông dân khăp nơi không đủ cái ăn qua ngày đua nhau tìm đến. Trạch Nhượng tụ tập các anh em họ Trạch, những hào kiệt có uy tín trong vùng, những nhà gia thế.. .. hơn một vạn người mang theo của cải, khí thế ngất trời cùng nhau vùng lên. Triều Tùy lập tức cử đại quân tới đánh dẹp. Trạch Nhượng không chống nổi với sự dũng mãnh tiến công của Trương Tu Đà, liên tiếp thua trận, nhanh chóng rơi vào tình thế bất lợi.
Khi ấy, ở trại Ngõa Cương có một thư sinh bề ngoài giống như một người ăn mày tên là Lý Mật, danh tiếng xa gần đều biết. Khi đi chăn trâu, anh ta đặt sách trên sừng trâu mà đọc, Dương Tố, một đại thần của Tùy Văn Đế tới bên cạnh mà không biết, vì thế, được Dương Tố coi trọng, lại cùng em của Dương Tố là Dương Huyền Cảm kết giao thân thiết.
Về sau, khi Dương Tố bị Tùy Dạng Đế cách chức, Dương Huyền Cảm rất bất mãn, nhân cơ hội khi Tùy Dạng Đế xuất chính đánh Cao Lệ đã khởi nghĩa. Lý Mật cũng gia nhập hàng ngũ, trở thành người bày mưu đặt kế cho Dương Huyền Cảm. Đáng tiếc là Dương Huyền Cảm không chịu nghe kiến nghị của Lý Mật, tiến công Đông Đô nên bị thất bại, bản thân cũng bị giết chết. Lý Mật không dễ dàng chịu tù đày, chạy trốn khắp nơi, nhiều khi phải ăn vỏ cây rễ cỏ để sống. Sau đó, nghe nói trại Ngõa Cương quân đông tướng giỏi bèn lên núi gia nhập nghĩa quân.
Có thêm Lý Mật, sơn trại như hổ mọc thêm cánh. Lý Mật khuyên Trạch Nhượng:
– Lưu Bang thời trước, vốn chỉ là một Đình trưởng, sau đó lật đổ nhà Tần. Thủ hạ của ngài lính khỏe ngựa hay, vua thì hôn quân bạo ngược chẳng khác gì vua Tần hồi trước. Dân chúng đã sớm căm giận oán hờn, sao không mau chóng mang quân tiến về đánh lấy Đông Đô, Trường An, đánh đổ hôn quân?
Nghe Lý Mật nói, Trạch Nhượng như được mở mang đầu óc, thấy mình trước nay chưa bao giờ nghĩ tới điều này, tầm nhìn của Lý Mật thật cao xa. Rồi Trạch Nhượng cùng Lý Mật bàn bạc mục tiêu tiến quân. Sau hồi lâu bàn bạc, hai người quyết định, mục tiêu thứ nhất là đánh vào Lạc Dương và trung tâm quân sự phía đông là Vinh Dương. Quan quân ở Vinh Dương thấy Trạch Nhượng tiến công, hồn bay phách lạc, phi ngựa về Đông Đô xin cứu viện. Tùy Dạng Đế thấy quân Ngõa Cương tiến vào lãnh thổ của mình, không dám coi thường, lập tức cử tướng quân Trương Tu Đà mang đại quân tới Vinh Dương trấn áp. Nghe tin Trương Tu Đài xung trận, Trạch Nhượng có đôi chút lo ngại. Quân Ngõa Cương đã mấy lần thất bại trước đám thủ hạ của Trương Tu Đà, lần lâm trận này, khả năng thắng lợi quả không lớn. Nhưng Lý Mật vẫn tự tin, nói:
– Trương Tu Đà hữu dũng vô mưu. Trước nay đã mấy lần thắng lợi, tất sẽ chủ quan khinh địch. Cổ nhân đã nói: binh kiêu tất bại, chúng ta nắm lấy nhược điểm của hắn, nhất định có thể đánh bại hắn.
Sau đó, hai người bàn bạc kỹ càng cách đối phó với Trương Tu Đà.
Hai nên cuối cùng cũng gặp nhau ở ngoại thành Vinh Dương. Trương Tu Đà thấy các bại tướng chẳng khác gì trước đây, lập tức cả cười, chỉ huy người ngựa xung trận. Trạch Nhượng cũng đem quân triển khai thế trận. Hai bên cùng đánh chưa lâu, Trạch Nhượng đã vội cho quân rút về phía sau. Trương Tu Đà thấy thế cười nhạo, thúc quân truy kích. Quân hai bên đuổi nhau kéo dài mười mấy dặm trên đường. Trước mắt, con đường hiện ra ngày càng hẹp, rừng cây lại rậm rạp. Đó chính là nơi Lý Mật bố trí làm nơi mai phục. Đang lúc Trương Tu Đà còn đang dương dương đắc ý, Lý Mật lệnh một tiếng, hàng nhìn quân tinh nhuệ đang mai phục đổ ra, chặn đường rút của quân Tùy. Quân của Trạch Nhượng từ phía trước giả thua trận bỏ chạy cũng quay lại, hai bên khóa đầu đuôi của quân Tùy.
Trương Tu Đà đã bị quân Ngõa Cương bao vây, dù có dũng mãnh thiện chiến, nhưng vừa qua một trận quyết liệt, quân Tùy đã trở nên mệt mỏi, không có cách gì thoát ra khỏi sự bao vây của quân Ngõa Cương. Sau một trận quyết chiến, phần lớn quân Tùy bị diệt. Trương Tu Đà cũng bị giết chết. Quân Ngõa Cương đã giành được thắng lợi.
Giết được Trương Tu Đà, danh tiếng của quân Ngõa Cương vang dội. Nhưng Lý Mật và Trạch Nhượng không mảy may chủ quan, họ lại gấp rút chuẩn bị chiến dịch có ảnh hưởng lớn, đánh vào Lạc Khẩu (3) một kho lương thực của quân Tùy. Dũng khí của quân Ngão Cương đang dâng cao không gì địch nổi, rất mau chóng, họ đã chiếm được kho lương.
Kho Lạc Khẩu dự trữ rất nhiều lương thực, trong đó có lương từ thời Tùy Văn Đế. Trạch Nhượng và Lý Mật ra lệnh mở kho cứu dân. Dân đói khắp nơi già trẻ, đều được phân phát. Các cụ già tóc bạc phơ, bọn trẻ con tóc còn để trái đào, đều được nhận lương thực cứu đói, tất cả đều đồng thanh ca ngợi nghĩa quân Ngõa Cương, cảm ơn lãnh tụ nghĩa quân ơn đức như trời biển. Trạch Nhượng và Lý Mật lập tức trở thành lãnh tụ của đội quân được ngưỡng mộ.
Trước sức tiến công của quân khởi nghĩa trong toàn quốc, tầng lớp thống trị triều Tùy nhanh chóng điều quân tới đàn áp. Bị làn sóng của quân khởi nghĩa khắp nơi dồn ép, Tùy Dạng Đế phải rút về Dương Châu, vô cùng sợ hãi. Lúc đó, quan binh của triều Tùy khắp nơi cũng đua nhau nổi dậy chống Tùy. Tướng Tùy Vũ Văn Hóa Cập (4) ở Dương Châu cũng nhân cơ hội làm binh biến.
Tháng 3 năm 618, quân của Vũ Văn Hóa Cập bao vây hành cung của Tùy Dạng Đế, bắt được vua, Tùy Dạng Đế lóa mắt trước rừng gươm đao, còn hỏi đám lính tráng:
– Ta phạm tội gì? Các ngươi còn dám đối xử với ta thế này sao?
Quân lính đua nhau kể tôi của y, phẫn nộ nói:
– Thiên hạ ai cũng muốn xả thân ông thành vạn mảnh, ông sao không mau chết đi!
Trước khi chết, Tùy Dạng Đế còn sợ gươm đao, xin được chết toàn thây. Quân lính mang tới một giải lụa để cho ông vua để lại tiếng xấu muôn đời kết thúc cuộc đời.
Đáng tiếc trong nội bộ quân khởi nghĩa Ngõa Cương có mâu thuẫn khiến sức mạnh của quân khởi nghĩa giảm sút. Trạch Nhượng thấy Lý Mật có khả năng hơn mình đã nhường quyền lãnh đạo cho Lý Mật, tôn ông ta thành Ngụy vương. Nhưng Lý Mật và những người thân tín e sợ uy tín của Trạch Nhượng với quân khởi nghĩa, đã tìm cách giết Trạch Nhượng. Hành động này đã khiến quân khởi nghĩa chia năm xẻ bảy, không thể hoàn thành triệt để mục đích tiêu diệt triều Tùy, thực hiện nhiệm vụ to lớn thống nhất cả nước. Một triều đại phong kiến mớicó sức mạnh hơn hẳn sẽ được kiến lập.
Chú thích:
(1) Cao Lệ: Cũng gọi Cao Câu Lệ, tương truyền do Cao Chu Mông thành lập năm 37, kinh đô ở Bình Nhưỡng. Đất cũ ở vùng nay là Bắc Triều Tiên.
(2) Ngõa Cương quân: Trạch Nhượng khởi nghĩa ở Ngõa Cương (đông nam huyện Hoạt, Hà Nam ngày nay), sau đó gọi quân khởi nghĩa là Ngõa Cương quân. Thực ra thời cuối Tùy, đầu Đường chưa có tên này. Mãi tới đời Thanh, trong Tùy Đường diễn nghĩa tên này mới được sử dụng.
(3) Kho Lạc Khẩu: cũng gọi là Kho Hưng Lạc (nay ở đông nam thành phố cổ Cũng Nghĩa, đông bắc thành phố Cũng Nghĩa, Hà Nam). Thành xây dựng năm 606, kho chứa được 8 nghìn thạch.
(4) Vũ Văn Hóa Cập ( ? – 619), người quận Vũ Xuyên đời Tùy (tây Vũ Xuyên, Nội Mông Cổ ngày nay). Từng làm Thái phó Thiếu khanh, Hữu đồn vệ tướng , Tùy tùng Giang Đô, sau bị Đậu Kiến Đức giết.
Người dịch: Dương Đình Giao
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét