Người dịch: Dương Đình Giao
Sau khi Tông Trạch mất, người kế nhiệm Lưu thú Đông Kinh là Đỗ Sung, thuộc phái đầu hang. Ông ta không những không ủng hộ nghĩa quân chống quân Kim tiến xuống phía nam mà còn vu cáo họ là thổ phỉ, ép buộc họ phải giải tán. Nghĩa quân chống Kim ở bờ nam và bắc sông Hoàng Hà vì bị quân Kim tấn công, lại bị phe đầu hàng phá hoại nối gót nhau tan rã.
Từ đó, quân Kim giải trừ được mối lo thường trực, thế mạnh như chẻ tre, rất nhanh chóng vượt sông Hoàng Hà, tiến vào vùng đất phía nam Sơn Đông và phía nam Hà Nam. Đầu năm Kiến Viêm thứ 3 (1129), quân Kim đột nhập Giang Tô, nhằm thẳng Dương Châu. Tống Cao Tông nhận được tin, mất hết hồn vía, vội vượt sông tới Trấn Giang. Ở đây cũng thấy chưa yên, nhà vua nghe nói quân Kim đã tới Dương Châu lại bỏ chạy tới Hàng Châu.
Ở Dương Châu, quân Kim thả sức cướp bóc rồi tự lui về phương bắc. Tống Cao Tông lại từ Hàng Châu chạy về phía bắc tới Giang Ninh, đổi tên Giang Ninh thành phủ Kiến Khang, chuẩn bị kiến đô ở đây. Tới Kiến Khang, nhà vua hai ba lần cử sứ tiết, mang thư do đích thân ông ta viết tới gặp quân Kim cầu hòa, xin quân Kim đừng tiến quân xuống phía nam nữa. Trong thư, nhà vua xin: “Ta nguyện tự tước bỏ danh hiệu Hoàng đế, coi thiên hạ chỉ có một mình Hoàng đế Đại Kim tôn quý; Ta nguyện sẽ phục tùng mọi mệnh lệnh của Hoàng đế Đại Kim, các nguời hà tất phải nhọc công đưa quân xuống phía nam!” Đó là biểu hiện chẳng khác gì của nô tài, còn gì là một vị Hoàng đế triều Tống?
Nhưng sự khẩn cầu ấy cũng chẳng có tác dụng gì, quân Kim lại một lần nữa tiến xuống phía nam. Tống Cao Tông vội vội vàng vàng bỏ Kiến Khang chạy xuống Hàng Châu. Vì Hàng Châu còn ở phía bắc sông Tiền Đường, ông ta cảm thấy không thật an toàn nên vượt sông tới Việt Châu (nay là Thiệu Hưng, Chiết Giang). Ở Việt Châu vẫn cảm thấy còn nguy hiểm bèn chạy tới Minh Châu (nay là Ninh Ba, Chiết Giang). Nhưng quân Kim vẫn đuổi theo nên vua lại từ Minh Châu bỏ chạy tới Định Hải. Rồi vua lại bỏ Định Hải lên thuyền vượt biển đến Ôn Châu, kiến lập triều đình trên thuyền. Quân Kim dùng thuyền đuổi theo, nhưng vì chúng sinh trưởng ở phương bắc, không quen di chuyển trên thuyền, nhất là khi gặp gió to sóng lớn, một số thuyền bị lật, những thuyền còn lại đành phải từ bỏ việc truy đuổi. Sau khi cướp bóc, bắt bớ ở Định Hải, Minh Châu, Việt Châu, Hàng Châu, chúng tự ý bỏ cuộc.
Khi quân Kim lui về phương bắc, một số người chủ trương kháng chiến của Nam Tống như các tướng Hàn Thế Trung, Nhạc Phi, … tổ chức quân đội đuổi theo khiến quân Kim chịu tổn thất nặng nề, lập được nhiều chiến công hiển hách. Trong đó, Hàn Thế Trung và nguời vợ của ông là Lương Hồng Ngọc đã chỉ huy cuộc chiến đấu nổi tiếng ở Hoàng Thiên Đãng.
Hoàng Thế Trung là một vị tướng nổi tiếng của triều Tống, ông tòng quân từ năm 18 tuổi, chiến đấu rất dũng cảm. Lương phu nhân cũng là người hiểu võ nghệ, có thể giúp chồng chỉ huy quân đội. Khi quân Kim tiến xuống phía nam, Hoàng Thế Trung đang làm quan ở Trấn Giang. Tướng Kim là Ngột Truật chia quân làm mấy đường tiến công phòng tuyến Trường Giang của quân Tống, đánh thẳng vào Chiết Giang. Nghe nói quân Kim cướp bóc ở phía bắc, Hàn Thế Trung lập tức cử tiền quân giữ Thanh Long trấn (nay là phía bắc huyện Thanh Bổ, Giang Tô), trung quân giữ Giang Loan (nay là trấn Giang Loan phía nam huyện Bảo Sơn, Giang Tô), hậu quân giữ Hải Khẩu, chuẩn bị khi quân Kim rút lui sẽ đánh phục kích. Thực ra, Hàn Thế Trung bố trí quân như thế để cố ý cho Ngột Truật biết, còn ý đồ của ông là để cho Ngột Truật tới trấn Thanh Long, đổi đường đi từ Giang Loan chuyển sang đường Trấn Giang, biến Trấn Giang thành nới tiêu diệt chúng. Tết Thượng nguyên (ngày 15 tháng Giêng âm lịch, còn gọi là Tết Nguyên tiêu) năm Kiến Viêm thứ 4 (1130), Hàn Thế Trung biết tin quân Kim rút về bắc đã hạ lệnh quân lính chăng đèn kết hoa ở Tú Châu (nay là Gia Hưng, Chiết Giang) mở hội Nguyên tiêu. Đợi tới khi đêm khuya yên tĩnh mới điều quân tới Trấn Giang.
Ngột Truật nghe tin tình báo quân chủ lực của Hàn Thế Trung đang ở Tú Châu bèn quyết định bỏ đường này, từ Trấn Giang tới Kiến Khang, sau đó vượt sông tiến về phía bắc. Hắn vẫn cứ nghĩ đại quân của Hàn Thế Trung đang đợi hắn ở Trấn Giang. Ba tháng sau, quân Kim tới vùng gần Trấn Giang, thấy tình hình không thuận lợi, đường vượt sông Trường Giang đã bị phong tỏa. Muốn biết rõ thực hư của quân Tống, Ngột Truật cùng bốn viên tướng, cưỡi ngựa lên miếu Long Vương trên núi bên bờ sông để quan sát tình hình. Hàn Thế Trung đã sớm biết việc này nên giăng lưới sẵn, ông cử hai trăm tinh binh mai phục ở miếu Long Sơn trên núi, hai trăm tinh binh mai phục dưới chân núi bên bờ sông, hẹn nhau khi nghe thấy hiệu lệnh, quân mai phục dưới chân núi sẽ tiến công trước, sau đó quân mai phục trên miếu sẽ ra tay, hai bên phối hợp, bắt sống Ngột Truật. Nhưng quân mai phục thấy bọn Ngột Truật năm người lên miếu vẫn chưa thấy hiệu lệnh bèn xông tới. Ngột Truật biết đã gặp phục binh bèn quay đầu ngựa tháo chạy. Phục binh dưới chân núi chặn đường nhưng không kịp chỉ bắt được hai viên tướng địch, Ngột Truật chạy thoát.
Ngột Truật về tới bản doanh, phát hiện hơn mười vạn binh mã của mình đã bị vây hãm ở con sông nhánh gần Hoàng Thiên Đãng, không thể vượt sông mà rút lui cũng không thể. Không biết làm thế nào, hắn bèn cho nguời hẹn ngày quyết chiến cùng Hàn Thế Trung. Đến ngày đã hẹn, Lương phu nhân của Hàn Thế Trung đích thân thúc trống, Hàn Thế Trung chỉ huy quân sĩ xung trận. Tướng sĩ thấy vợ chồng chủ tướng cùng ra trận, được cổ vũ mạnh mẽ, tinh thần càng thêm phấn khích, đánh cho quân Kim đại bại, chiếm được rất nhiều vũ khí và ngựa chiến. Ngột Truật thất bại, thay đổi thái độ, cho nguời tới gặp Hàn Thế Trung cầu hòa, hứa để lại toàn bộ của cải đã cướp đoạt, chỉ xin cho toàn quân rút về an toàn. Hàn Thế Trung kiên quyết cự tuyệt. Ngột Truật lại ngỏ ý dâng con ngựa Thiên lý mã quý báu của mình cho Hàn Thế Trung, nhưng ông cũng nhất định không chấp nhận. Quân Kim ở bờ bắc sông, nghe nói Ngột Truật bị vây hãm ở Trấn Giang vội đưa quân tới tiếp ứng. Hàn Thế trung đã sớm dự tính được việc này cũng cho thuyền chiến sẵn sàng trên hòn đảo Kim Sơn giữa sông, trên mỗi thuyền gồm rất nhiều binh sĩ giỏi thủy chiến mang theo những móc lớn bằng sắt, đợi quân địch tới gần, dùng móc sắt phá thuyền địch, đánh chìm ngay trên dòng sông. Ngột Truật lại đành phải cầu xin Hàn Thế Trung tha cho hắn rút quân. Hàn Thế Trung trả lời:
– Thả cho các ngươi không khó, nhưng phải có hai điều kiện: Một là phải trả lại hai vua; hai là: phải trả lại vùng đất đã chiếm đoạt. Không đáp ứng hai điều kiện ấy, các ngươi đừng nghĩ tới chuyện qua sông!
Ngột Truật thấy cầu hòa không được, đánh thì không thắng, hơn mười vạn quân đã bị vây hãm ở Hoàng Thiên Đãng đã hơn bốn mươi ngày, lương thực cũng đã gần cạn, trong lòng vô cùng lo lắng. Hắn luôn tìm cách làm sao phá vòng vây của quân Tống. Lúc này, có một người của quân Tống phản bội, nói với hắn:
– Phía bắc Hoàng Thiên Đãng có một dòng sông cạn, hiện đang bị tắc, nếu khai thông được nó sẽ có thể tới được Trường Giang, từ đó có thể vượt sông để thoát thân.
Ngột Truật nghe nói, mừng ra mặt, bèn ngày đêm đốc thúc quân lính đào cái kênh dài ba mươi dặm, rồi dùng hơn một nghìn con thuyền của dân chuyên chở suốt đêm, một phía đốt lửa, một phía bắn tên, thoát khỏi vòng vây của quân Tống tới Kiến Khang.
Trận Hoàng Thiên Đãng, Hàn Thế Trung trong tay chỉ có tám nghìn quân đánh bại hơn mười vạn quân của Ngột Truật, vây hãm bọn chúng ở Hoàng Thiên Đãng suốt hơn bốn mươi ngày. Quân Kim tuy cuối cùng đã bỏ chạy thoát chưa thể tiêu diệt nhưng đã bị tổn thất trầm trọng thay đổi cục diện đang thất bại của quân Nam Tống, khiến quân Kim không thể thực hiện ý đồ tiêu diệt Nam Tống.
Chú thích:
- Đỗ Sung (? – 1140), người Tương Châu, Bắc Tống (nay là An Dương, Hà Nam). Năm 1128, làm Lưu thú Đông Kinh kiêm Khai Phong doãn, sau thua trận đầu hàng quân Kim.
- Hoàng Thiên Đãng: vũng Hoàng Thiên, ở đông bắc Nam Kinh, Giang Tô.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét