XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 11.03. DANH SĨ THỜI NGỤY TẤN

Dòng họ Tư Mã thống trị tàn bạo thời Tây Tấn, nhưng họ đã tìm mọi cách dùng lễ giáo để đánh phấn tô son cho mình, những trò hề của họ khiến người ta phải buồn nôn.
Một số văn nhân thanh cao không muốn phục vụ cho tập đoàn Tư Mã, nhưng cũng không dám phản kháng nên đã có những thái độ tiêu cực. Họ sống giữa cảnh non nước, uống rượu ngâm thơ, thể hiện thái độ coi thường danh lợi, phản đối lễ giáo. “Trúc lâm thất hiền” chính là những đại biểu của số văn nhân này.
“Trúc lâm thất hiền” gồm 7 người: Nguyễn Tịch (210-263), Kê Khang (223-263), Lưu Linh (221-300), Sơn Đào (205-283), Hướng Tú (221-300), Vương Nhung(234-305), Nguyễn Hàm.. Trong 7 người đó, Nguyễn Tịch và Kê Khang được coi là thủ lĩnh, thơ văn đều kiệt xuất, trong lịch sử văn học Trung Quốc, hai ông có vị trí tương đối cao.
Nguyễn Tịch tính tình hào phóng, cốt cách lạ lùng. Ông bất mãn với cuộc sống hiện thực, thường lấy rượu làm bạn, cô đơn trong rừng thẳm, để giải tỏa nỗi niềm. Nhiều người không hiểu tâm sự của ông cho rằng ông điên. Thực ra ông không điên, ông là người rất có tài năng chính trị. Cuối đời Tào Ngụy, Nguyễn Tịch được giao làm Đông Bình tướng, ông cưỡi một con lừa tới nhậm chức. Sau đó, ông ra lệnh phá bỏ tất cả những tấm ngăn cách ở nha môn, khiến từ bên ngoài cũng có thể nhìn vào phía trong nha môn, xóa bỏ tâm lý e ngại của dân chúng với quan chức. Chỉ sau một thời gian ngắn, khoảng cách giữa quan lại và dân chúng đã được xích lại, quận Đông Bình do Nguyễn Tịch cai trị cũng có trật tự ổn định. Đến thời họ Tư Mã thống trị, một lần, Tư Mã Chiêu thay con là Tư Mã Viêm tới cầu hôn với nhà Nguyễn Tịch. Do không muốn con gái làm dâu nhà Tư Mã, ông cố ý uống rượu say khướt, rồi giả điếc giả câm suốt hơn sáu mươi ngày. Cuối cùng, rồi chuyện ấy cũng qua đi. Nguyễn Tịch thường dùng con mắt trong sáng để nhìn người, đối với bọn ngụy quân tử luôn miệng nói nhân nghĩa, đạo đức, ông vạch mặt không thương tiếc; với những người phẩm hạnh cao quý, ông có thái độ trân trọng khi nhìn nhận. Ông đã viết cuốn “Đại nhân tiên sinh truyện” so sánh những kẻ giả nhân ngĩa đạo đức như con rận lẩn tránh trong cái khố của người ta.
Kê Khang cũng là một con người có tính cách khác thường. Ông có những biểu hiện của nhân tài, học thức cực kỳ uyên bác, không chỉ giỏi đàn hay thơ, ông còn có sức khỏe, giỏi nghề rèn sắt, quả là văn võ toàn tài. Kê Khang nghe nói Sơn Đào dâng thư tiến cử mình làm quan cho nhà Tư Mã, vô cùng tức giận, bèn viết một bức thư tuyệt giao, trong thư không ngớt nguyền rủa Sơn Đào, thể hiện quyết tâm không để đời mình bị vấy bẩn.
Một lần, Kê Khang cùng Hướng Tú rèn sắt dưới gốc cây, có một quý công tử ăn mặc chải chuốt tới thăm Kê Khang. Người này tên Chung Hội, là người tâm phúc của Tư Mã Chiêu. Dù biết người đó nhưng Kê Khang chẳng có hứng thú gì khi gặp mặt, ông tiếp tục làm việc như không có ai đang chờ. Rất lâu sau, ông cũng chẳng nói với Chung Hội câu nào. Chung Hội chẳng vui vẻ gì, đứng dậy bỏ đi. Lúc đó, Kê Khang mới hỏi:
– Đã nghe gì mà tới? Đã thấy gì mà đi? (Hà sở văn nhi lai, Hà sở kiến nhi khứ?)
Chung Hội tức giận, nói:
– Tới vì nghe cái đã nghe, Đi vì thấy cái đã thấy. (Văn sở văn nhi lai, Kiến sở kiến nhi khứ).
Từ đó, Chung Hội rất hận Kê Khang. Về sau, một người bạn của Kê Khang là Lữ An bị giam vào ngục, Kê Khang cũng bị tống lao. Kê Khang sau khi vào nhà giam, Chung Hội muốn nhân cơ hội báo thù, nói với Tư Mã Chiêu:
– Kê Khang là con rồng đang nằm, không thể để cho ông ta sống trong ngục. Ngài cần rất cẩn thận đề phòng ông ta.
Rồi Chung Hội lại thêm một lần nữa, gièm pha:
– Kê Khang từng đã muốn giúp Vô Khâu Kiệm (4) tạo phản, may là ông ta chưa có cơ hội. Cần phải nhân lúc này giết ông ta đi, không thể để cho con người này làm bại hoại tới sự ổn định của quốc gia.
Tư Mã Chiêu tin vào những lời nói ấy, đem giết Kê Khang.
Tài năng âm nhạc của Kê Khang rất xuất chúng. Trên đường ra pháp trường, rất đông người trong đó có những bè bạn thân thích đi theo tiễn biệt, ai cũng khóc không thành tiếng, Kê Khang sắc mặt không hề thay đổi, nhìn mọi người, tay nâng đàn dạo khúc “Quảng Lăng”. Đàn xong, ông than:
– Trước đây, có người tên Viên Khang muốn theo ta học khúc Quảng Lăng này, nhưng ta không dạy. Không ngờ, khúc Quảng Lăng này tới hôm nay là mất.
Kê Khang mất lúc mới 40 tuổi.
Sau khi Kê Khang bị giết không lâu, Nguyễn Tịch cũng bị bệnh chết. Những người khác trong nhóm “Trúc lâm thất hiền” trước sau đều làm quan cho tập đoàn nhà Tư Mã.
Chú thích:
(1)  Lễ giáo: Dùng Lễ làm cơ sở cho mọi quy tắc. Hạt nhân trong Lễ giáo truyền thống của Trung Quốc là Tôn tôn, Thân thân (Kính trọng người tôn quý, gần gũi người thân thuộc).
(2) Trúc lâm thất hiền: 7 người sùng bái Lão Trang, ưa thích Huyền đạo, thường cùng uống rượu trong rừng trúc ở quận Hà Nội (nay ở tây nam Vũ Sa, Hà Nam).
(3) Chung Hội (225 – 264), người Trường Đỗ, Dĩnh Xuyên, từng làm nhiều chức quan đời Ngụy. Năm 263, cầm quân đánh Thục, sau khởi binh chống Tư Mã Chiêu, bị loạn quân giết.
(4) Vô Khâu Kiệm (? – 255), người Hà Đông thời Tam Quốc (nay thuộc Sơn Tây), từng giữ nhiều chức quan thời Tây Tấn. Năm 255 khởi binh chống Tư Mã Sư, thua trận hy sinh.
Người dịch: Dương Đình Giao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét