XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 14.02. DƯƠNG QUẢNG GIẾT CHA ĐOẠT NGÔI

   Tùy Dạng Đế Dương Quảng (569 – 618) là một con người đặc biệt, ưu điểm và khuyết điểm đều vô cùng khác thường. Cuộc đời Tùy Dạng Đế, công lao chiếm phần hơn. Ông đem quân diệt Trần, khai thông Đại vận hà (1) có tác dụng tích cực với sự nghiệp thống nhất Trung Quốc, mở mang việc giao lưu kinh tế và văn hóa giữa hai miền nam bắc; nhưng ông cũng có cuộc sống hoang dâm vô độ, thống trị tàn bạo, là một hôn quân nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Quá trình đoạt ngôi Thái tử đã thể hiện tính cách phức tạp khác thường của ông ta.
Tùy Văn Đế Dương Kiên có năm người con trai, Dương Quảng là thứ hai, từ nhỏ đã được phong là Tấn vương. Ông có nhiều năng khiếu, văn thơ hoa mỹ, hoài bão lớn lao. Trong các cuộc chinh phạt nước Trần ở phương nam hay chống lại Đột Quyết ở phương bắc, Dương Quảng đều lập công lớn, thu hút được nhiều nhân tài.Từ sớm, Dương Quảng đã muốn giành ngôi Thái tử của anh là Dương Dũng, chỉ vì Tùy Văn Đế tín nhiệm Dương Dũng cho nên không dám ra tay. Sau đó, Dương Dũng ăn chơi xa xỉ, dần mất lòng tin của Tùy Văn Đế, Dương Quảng mới bắt đầu có những việc làm để giành ngôi.
Dương Quảng biết Tùy Văn Đế thích cuộc sống giản dị, cho nên luôn vờ vĩnh mình cũng là con người như thế. Mỗi khi Tùy Văn Đế có dịp tới thăm vương phủ, Dương Quảng liền cho các thê thiếp ở trong buồng riêng, chỉ giữ lại mấy người phụ nữ đã có tuổi, ăn mặc quần áo thô mộc hầu hạ. Ông ta còn cố ý để đàn đứt dây, nhạc cụ rơi dưới đất không buồn nhặt lên để cho mọi người chú ý. Tùy Văn Đế nhìn thấy những cảnh ấy, cho rằng Dương Quảng là người không ham thanh sắc, rất vừa lòng.
Có một lần, Dương Quảng đi săn, gặp mưa to, người hầu đem cho ông ta một tấm vải che mưa, ông ta nói:
– Binh sĩ đều bị mưa ướt hết cả, ta sao có thể che mưa một mình?
Tùy Văn Đế nghe chuyện này, rất vui, cho rằng Dương Quảng là người có nhân có nghĩa, sau chắc làm được việc lớn.
Thái tử Dương Dũng có một người vợ là Văn Chiêu Huấn, rất xinh đẹp. Hoàng hậu Độc Cô không thích người này, mấy lần khuyên Thái tử bỏ đi. Dương Dũng không những không nghe, lại còn tỏ ra yêu quý hơn. Hoàng hậu rất không vừa lòng, bà tìm một nguyên phi phu nhân cho Dương Dũng, chỉ mới qua ngày thứ hai, cô này đã bị bệnh chết. Hoàng hậu Độc Cô cho rằng chính Dương Dũng đã hãm hại cô ta.
Dương Quảng biết Hoàng hậu không ưa Dương Dũng, lại càng tỏ ra quý trọng Hoàng hậu. Phàm là người do Hoàng thượng hay Hoàng hậu cử đến, không cần biết địa vị cao thấp, vợ chồng Dương Quảng đều mở tiệc khoản đãi; phàm là các đại thần nắm được quyền lực, Dương Quảng đều kết thân. Vì thế, ai cũng nói Tấn vương là người hiếu thuận nhân nghĩa, Hoàng hậu Độc Cô lại càng yêu quý Dương Quảng.
Có một lần, Dương Quảng dời Trường An đi Dương Châu, khi tới từ biệt Hoàng hậu, anh ta cố ý nói những khó khăn, nước mắt sụt sùi tỏ ý lo bị Thái tử hãm hại rồi nói sợ rằng không còn gặp được Hoàng hậu nữa. Hoàng hậu Độc Cô tức giận, nói:
– Ta còn sống,  nó còn dám làm như thế? Không biết sau này khi ta chết đi, nó còn làm gì nữa?
Rồi dặn dò Dương Quảng:
– Chưa có thư của ta thì chưa được về kinh thành, càng không bao giờ được bước tới Đông cung.
Dương Quảng đã hiểu được suy nghĩ của mẹ, trong lòng thầm vui mừng.
Tới Dương Châu, Dương Quảng tìm gặp bộ hạ là Vũ Văn Thuật bàn mưu kế. Vũ Văn Thuật nói:
– Phế lập Thái tử là việc lớn, cần phải suy xét cho kỹ càng. Bây giờ, các đại thần trong triều, Hoàng thượng tín nhiệm nhất là Dương Tố. Việc này nếu được Dương Tố ủng hộ, nhất định sẽ thành công. Mà Dương Tố lại tin nhất người em mình là Dương Ước. Tôi và Dương Ước có quan hệ thân thiết nên muốn tới Trường An để bàn việc này.
Dương Quảng vui lắm, đưa tiền bạc, châu báu cho Thuật đi tìm Dương Ước.
Vũ Văn Thuật tới Trường An, mời Dương Ước tới uống rượu. Thuật biết Dương Ước thích đồ cổ, bày la liệt các đồ quý giá ngay nơi tiếp khách. Dương Ước tới, thấy toàn những món đồ hấp dẫn, hết ngắm nhìn lại nâng niu từ cái nọ tới cai kia, luôn miệng trầm trồ thích thú. Tiệc tàn, Vũ Văn Thuật đem quá nửa số vật quý xếp lại đưa cho Dương Ước. Ước sướng quá, há hốc miệng vì ngạc nhiên. Lúc ấy, Vũ Văn Thuật mới nói:
– Những vật quý giá này là do Tấn vương nhờ tôi đem tới biếu ngài.
Dương Ước vô cùng ngạc nhiên, hỏi:
– Sao lại như thế?
Vũ Văn Thuật mỉm cười, đáp:
– Một chút lễ vật nhỏ này có đáng gì, Tấn vương còn muốn mang đại phú quý đến cho ngài cùng Việt Quốc công (Dương Tố) nữa cơ!
Dương Ước càng ngạc nhiên:
–         Tôi tuy chưa được phú quý, nhưng mà anh tôi thì chẳng phải đã phú quý rồi sao, việc gì còn phải đưa tới?
Vũ Văn Thuật nói:
– Tuy ngài và Việt Quốc công đã đủ phú quý, nhưng chưa thể nói sẽ có phú quý lâu dài.
Nói tới đó, Vũ Văn Thuật dừng lại, lát sau mới tiếp:
– Việt Quốc công nắm đại quyền đã lâu năm, không biết đã đắc tội với bao nhiêu người. Khi Thái tử có việc gì, Việt Quốc công thường phản đối, Thái tử liệu có vui không? Một khi Hoàng thượng qua đời, Thái tử nối ngôi, liệu có bỏ qua cho ngài không?
Dương Ước vội hỏi:
– Vậy ngài có cao kiến gì chăng?
Vũ Văn Thuật tới bên Dương Ước, nói nhỏ:
– Hoàng thượng và Hoàng hậu có ý muốn phế Thái tử để lập Tấn vương, chỉ đợi một câu nói của các ngài. Một khi công việc thành, Tấn vương nhất định sẽ biết ơn các ngài, lúc ấy liệu các ngài có phải lo phú quý không được lâu dài không?
Dương Ước liên tục gật đầu.
Dương Ước tới gặp anh là Dương Tố, nói lại những lời của Vũ Văn Thuật, đem cái lợi hại, được mất nói hết. Dương Tố thấy phải, liền lập tức hành động.
Qua mấy ngày, Dương Tố nói với Hoàng hậu:
– Tấn vương đối với cha mẹ rất hiếu thuận, hàng ngày cuộc sống rất tiết kiệm, thật giống với Hoàng thượng.
Hoàng hậu động lòng, nói:
– Ngài nói rất đúng! Đúng là Tấn vương rất hiếu thuận, nhưng giờ nó đã xa ta rồi…
Dương Tố lại nói thêm những lời chê trách Thái tử, những điều này rất phù hợp với ý của Hoàng hậu. Hoàng hậu bèn cùng với Dương Tố lập mưu phế Thái tử để lập Tấn vương.
Dương Dũng biết việc này, vô cùng lo sợ. Nghe Hoàng hậu xúc xiểm, Tùy Văn Đế nửa tin nửa ngờ, cử Dương Tố theo dõi Thái tử. Dương Tố tới Đông cung (2), cố ý chưa vào ngay, để gây sự tức giận cho Thái tử. Quả nhiên, Thái tử chờ đợi mãi vẫn không thấy Dương Tố vào, bèn nổi giận. Dương Tố trở về, nói với Tùy Văn Đế:
– Thái tử rất tức giận bệ hạ, khi thần tới thấy Thái tử đang nguyền rủa, sợ sẽ sinh điều không hay, bệ hạ cần tăng cường đề phòng.
Tùy Văn Đế tin là thật, cho người giám sát Dương Dũng.
Dương Quảng thêm lửa rèn sắt, lại mua chuộc được người thân tín của Thái tử  là Cơ Uy. Cơ Uy bèn viết thư lên Hoàng thượng tố cáo Thái tử:
– Thái tử thường tìm thầy cúng, rất vui vẻ khi nghe thầy cúng nói, 18 năm Hoàng thượng sẽ chết (năm ấy Tùy Văn Đế lên ngôi 18 năm), ta tất nhiên sẽ lên ngôi.
Tùy Văn Đế đọc thư, nước mắt rơi lã chã, nói:
– Không thể ngờ, tâm địa Dương Dũng thật là tàn độc.
Rồi hạ lệnh bắt Dương Dũng.
Năm 600, Tùy Văn Đế tuyên bố phế ngôi Thái tử của Dương Dũng cho làm Thứ nhân (3), lập Dương Quảng làm Thái tử. Âm mưu của Dương Quảng cuối cùng đã đạt được. Bốn năm sau, Dương Quảng giết cha, tự lập làm vua, chính là Tùy Dạng Đế. Trong tay Dạng Đế, triều Tùy rất nhanh chóng trở thành một vương triều đoản mệnh, 14 năm sau bị triều Đường thay thế.
Chú thích:
(1) Đại vận hà: Tùy Dạng Đế sai đào Thông Tê Cừ, tiếp nối công trình đào Vận Hà dưới thời Tùy Văn Đế. Đoạn tây khởi đầu từ Tây Giao Lạc Dương hiện nay, dẫn nước Cốc Thủy và Lạc Thủy nhập vào Hoàng Hà, còn đoạn đông bắt đầu từ Tỉ Thủy Huỳnh Dương, theo thủy đạo do Phù Sai cho đào khi xưa, dẫn nước Hoàng Hà qua Biện Thủy, Tứ Thủy thông đến Hoài Hà; qua các thành thị là Biện châu,Tống châu, Túc châu, Tứ châu.
(2)  Đông cung: cung của Thái tử.
(3) Thứ nhân: cũng gọi Thứ dân, chỉ người bình dân, không có quan tước.
Người dịch: Dương Đình Giao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét