XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 18.04. THƯ HỌA GIA TRIỆU MẠNH PHỦ

 Người dịch: Dương Đình Giao
Triệu Mạnh Thủ (1254 – 1322) là thư pháp gia và họa gia kiệt xuất thời đại Tống Nguyên ở Trung Quốc. Hội họa của ông thừa kế cái ung dung, điển nhã của hội họa đời Đường và cái hùng tráng rộng mở của hội họa đời Tống, hấp thụ cách dùng bút trong thư pháp, hình thành phong cách của văn nhân đời Nguyên. Trong lịch sử mỹ thuật, ông là nhà nghệ thuật có sự kết hợp hài hòa giữa lý luận và thực tiễn.
Triệu Mạnh Phủ là nguời Ngô Hưng, Chiết Giang, trong một dòng họ có nhiều điều kỳ lạ. Ông là con cháu đời thứ 8 của Tần vương Triệu Đức Phương con Tống Thái Tổ, cuộc sống vô cùng sung túc, được nguời cha yêu quý và được học tập quy củ về nghệ thuật ngay từ thuở niên thiếu.
Khi 5 tuổi, Triệu Mạnh Phủ bắt đầu luyện tập thư pháp. Sau khi được học những điều cơ bản, nguời cha đưa cho ông xem bức thư pháp “Lan đình tự” của nhà thư pháp nổi tiếng đời Tấn Vương Hy Chi, Triệu Mạnh Thủ xem, lập tức yêu thích tác phẩm thư pháp tuyệt thế vô song này. Xem đi xem lại kỹ lưỡng, rồi phỏng theo, viết nhiều lần, chú bé Triệu Mạnh Thủ nói với cha:
– Cha ơi, bức thư pháp này đẹp quá, con làm sao có thể học được!
Nguời cha biết nỗi lo lắng của con, nói:
– Ta có một bí quyết, bất kể dù việc gì khó đến đâu, chỉ cần con cứ theo đó mà làm, nhất định sẽ học được.
Nói xong, ông đưa con tới khu vườn hoa của gia đình.
Bên cạnh hồ nước trong vườn hoa có một bãi cỏ rộng, nước hồ trong vắt có thể nhìn tới đáy.
– Nếu ở đây có một trái núi nhỏ, vườn hoa này sẽ đẹp đẽ hơn; nếu hồ nước này có thể biến thành một hồ mực, thì cũng tuyệt vời như thế.
Nguời cha chỉ đám cỏ nói.
– Cha chưa nói gì với con về cái bí quyết ấy, sao cha lại nói tới núi nhỏ và hồ mực?
Triệu Mạnh Phủ chưa hiểu, hỏi lại.
– Đúng thế, bí quyết ta nói với con là ở quả núi nhỏ và hồ nước có quan hệ với nhau. Ta muốn con hoàn thành công trình này. Mỗi khi con viết hỏng một cây bút, hãy ném nó vào bãi cỏ ấy, viết xong một chữ hãy đem bút rửa vào hồ nước, cho tới khi bãi cỏ trở thành một trái núi nhỏ toàn bút, hồ nước biến thành một hồ mực thơm, khi ấy, con có thể trở thành nhà thư pháp giống như Vương Hy Chi, thậm chí còn có thể tiến bộ hơn.
Triệu Mạnh Phủ nghe cha nói, rất thích thú, từ đó nhiệt tình ngày càng mạnh, ngày ngày viết theo Lan Đình tự. Triệu Mạnh Phủ càng lớn, hồ nước ngày càng xẫm màu, bắt đầu có mùi mực, đống bút hỏng cũng ngày một cao dần chưa thành quả núi nhưng nghệ thuật thư pháp của chàng trai ngày một điêu luyện.
Khi Triệu Mạnh Phủ 11 tuổi, cha mất. Ông là “thứ xuất” (1), mất sự chăm sóc của cha, địa vị của chú trong nhà càng xuống thấp. Nhưng nguời gặp bất hạnh trong cuộc sống đã nhờ đó mà hình thành tính cách chăm chỉ học hành và khổ luyện. Nhờ sự chăm sóc của cha mẹ trong hơn mười năm, ông chưa bao giờ quên lãng nghệ thuật. về văn học cũng bỏ công tìm tòi, học hiểu. Thời gian thấm thoắt, chẳng mấy chốc, Triệu Mạnh Phủ đã trở thành chàng trai ngoài hai mươi tuổi, đã có thể “xuất khẩu thành chương”, thư họa cũng thành thục, trở thành nguời nổi tiếng ở Ngô Hưng.
Về thư pháp, Triệu Mạnh Phủ có nền tảng “bút sơn mặc hải”, lại biết học hỏi các nhà thư pháp ở khắp nơi, hình thành những đặc điểm của riêng mình bằng “Triệu thể” vô cùng đẹp đẽ. Suốt đời, ông kiên trì luyện tập thư pháp, mỗi ngày thường viết không dưới một vạn chữ. Sự cần cù tích góp lại đã khiến ngọn bút ông như có thần, viết vừa nhanh vừa đẹp.
Có một lần, Triệu Mạnh Phủ ngồi bàn chuyện thư pháp với một số nguời bạn. Một nguời trong số đó khoe khoang:
– Tôi học chữ của Mễ Phất (2), kỳ diệu tuyệt vời, tôi sẽ viết mấy chữ để mọi người xem.
Quả nhiên. Mấy chữ do ông ta viết đều mang cái thần thái của Mễ Phất. Những nguời xung quanh ai cũng tán thưởng, nguời bạn càng kiêu ngạo, nói với Triệu Mạnh Phủ vẻ khiêu khích:
– Thư pháp của Tử Ngang (tự của Triệu Mạnh Phủ) có được như thế này chăng, hôm nay cũng muốn huynh viết vài chữ xem thử có giống chữ của Mễ Phất?
Triệu Mạnh Phủ vốn nguời xử sự cẩn trọng, thường không muốn tranh giành cao thấp với nguời khác, hôm nay gặp sự khiêu khích, không thể bỏ qua, đành phải trả lời. Mọi người im lặng nhìn Triệu Mạnh Phủ viết chữ, chỉ thấy cổ tay cầm bút của ông đưa qua đưa lại nhẹ nhàng, những hàng chữ Mễ Phất dần hiện rất trước mắt mọi người. Họ tìm một tờ thiếp có chữ của Mễ Phất đối chiếu, không có một sai khác nhỏ nào, tất cả đều vô cùng kỳ diệu. Nguời bạn kiêu ngạo kia như bị “mất mặt”, chữa thẹn:
– Sợ rằng Tử Ngang suốt ngày chỉ chăm chú viết theo chữ của Mễ Phất mới có thể được như vậy. Chữ của  Tô Đông Pha chẳng hay có viết được không?
Thấy nguời bạn chưa chịu buông tha, Triệu Mạnh Phủ quyết định không thể khiêm nhượng mãi, ngẩng đầu cười ha ha, rồi cao giọng, nói:
– Lại nói Tô Đông Pha, cùng với 13 thư pháp gia đời Tống, tôi đều có thể viết được. Trở lại  các nhà thư pháp đời Đường, Tấn tôi cũng có thể viết được tám chín phần.
Mọi người nghe, hầu hết đều kinh ngạc vì các nhà thư pháp từ đời Tấn tới nay có rất nhiều và họ đều không những  đặc điểm không giống nhau, đời một con người, viết cho giống chữ của một nguời đã là điều không dễ. Họ chỉ thấy Triệu Mạnh Phủ lấy giấy bút, rồi từ Vương Hy Chi đến Trương Húc, từ Âu Dương Tu đến Tô Thức….trong một loáng, đã có hơn chục cái thiếp của hơn chục thư pháp gia. Đem đối chiếu, ai cũng thấy không có sai khác. Đến lúc này, nguời bạn muốn đọ tài cao thấp với ông mới chịu tâm phục khẩu phục.
Không chỉ xuất sắc về thư pháp, Triệu Mạnh Phủ còn nổi bật về hội họa. Ông là đỉnh cao về vẽ ngựa, không chỉ ngoại hình rất giống mà còn  thể hiện được cái thần thái rất sinh động của chúng. Làm sao ông có thể vẽ được ngựa như vậy? Câu chuyện thú vị này đã giải thích thành công ấy của Triệu Mạnh Phủ.
Có một quy luật trong việc học tập hội họa Trung Quốc là phải vẽ theo cách vẽ của những nguời đi trước, sau khi nắm vững các chi phái trong hội họa mới có thể vẽ mọi thứ trong giới tự nhiên. Nhưng nếu nguời họa sĩ suốt đời chỉ biết vẽ theo cổ nhân thì các bức tranh không thể có sức sống, không có vẻ đẹp riêng. Bắt đầu vẽ ngựa, Triệu Mạnh Phủ cũng vẽ theo những nguời đi trước, giống ngựa của Hàn Can, Vĩ Yển  đời Đường, Lý Công Lân đời Tống. Với dáng vẻ của ngựa, Triệu Mạnh Phủ rất thành thạo, bức tranh nào cũng đẹp, nhưng sao vẫn không có thần thái.
Làm sao để vẽ ngựa cho sống động? Ông khổ công suy nghĩ, tìm tòi mà vẫn chưa có lời giải. Một hôm, ông quyết định đích thân tới chuồng ngựa xem xét để thấy chúng đích thực là như thế nào. Tời gần chuồng ngựa, ông ngồi dưới một gốc cây quan sát mọi cử động của ngựa. Nhưng những con ngựa trong chuồng đều bị buộc vào cột, mọi hoạt động chỉ xoay quanh cây cột gỗ với sợi dây thừng. Ông rất thất vọng, con ngựa mà ông vẽ sao có thể là con ngựa mất tự do, con ngựa đang nghỉ ngơi trong chuồng, nó phải là con ngựa đang phi nhanh trên đồng cỏ với vẻ sinh động vốn có.
Vào một ngày thu trong sáng, ông giấu nguời coi ngựa, đưa nó ra khỏi chuồng, tới bên một hồ nước ngoại ô. Được tự do, con ngựa vô cùng hào hứng, lúc ngựa hý, lúc ngựa phi nhanh khắp nơi, khi nó tới bên hồ uống nước, con ngựa màu tía còn lăn lộn bên bờ hồ, ánh sáng phản chiếu trên những cọng cỏ, lá cây bám trên lưng nó, khi lao nhanh, bờm ngựa tung bay theo gió, quả là uy phong lẫm lẫm. Hình ảnh chú ngựa luôn ám ảnh ông, buổi tối, nằm trên giường, ông trằn trọc, trong đầu luôn luôn không dời hình ảnh chú ngựa tía, luôn nghĩ tới những chú ngựa trên bãi cỏ ở ngoại ô. Chính nhờ sự say mê ấy, ông càng quan sát tỉ mỉ để cuối cùng, hoàn thành bức tranh nổi tiếng “Thu giao ẩm mã đồ”.
Trình độ nghệ thuật khiến Triệu Mạnh Phủ trở thành nhân vật trung tâm của họa đàn đời Nguyên. Những bức tranh của ông có ảnh hưởng to lớn với hội họa đương thời và hậu thế.
Chú thích:
  • Thứ xuất, Xã hội Trung Quốc thời cổ thực hành chế độ nhất phu nhất thê đa thiếp. Thứ xuất là con do thiếp sinh ra, địa vị thấp hơn con của thê.
  • Mễ Phất (1051 – 1107), nguời Đan Đồ, Bắc Tống (nay là Trấn Giang, Giang Tô). Cùng với Thái Tương, Tô Thức, Hoàng Đình Kiên hợp thành Tống tứ gia.
  • Trương Húc: nguời huyện Ngô, Tô Châu (nay là Tô Châu, Giang Tô), nổi tiếng về Thảo thư, được coi là thần phẩm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét