XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Tư, 2 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 05.16. LÃO TỬ CƯỠI TRÂU XANH TỪ QUAN

 Lão Tử là nhà triết học lớn nổi tiếng sau thời Xuân Thu. Theo “Sử ký” ghi lại, ông sinh ra trong một gia đình họ Lý làng Khúc Nhân, xã Lệ, huyện Khổ, nước Sở (nay là một phần Lộc Ấp, tỉnh Hà Nam). Khi mới sinh, người ta thấy tướng mạo của ông không giống người bình thường, trán rất rộng, tai rất to. Tai to là chứng tỏ có phúc, cha ông nhất định đặt tên cho ông là Lý Nhĩ, lại dùng chữ “Đam” để chỉ cái tai to, hy vọng ông sẽ có phúc thọ lâu dài.
Lão Tử từ nhỏ đã thông minh, học giỏi, từng đọc đủ các loại sách vở, rất nhanh chóng trở thành người có danh tiếng đương thời. Để mở rộng tầm mắt cho mình, mở rộng vốn tri thức, khi mới ngoài hai mươi tuổi, Lão Tử đã một mình đến Lạc Dương, kinh đô của Đông Chu, trung tâm chính trị, văn hóa của cả nước. Rất nhanh chóng, dựa vào tài năng của bản thân, ông trở thành quan coi đồ thư quán (thư viện) của cả nước.
Trong hoàn cảnh rất thuận lợi cho việc đọc sách này, ông đọc sách như đói ăn khát uống, dần trở thành nhà đại học vấn nổi tiếng cả nước. Nhiều người từ xa nghìn dặm tìm đến ông thỉnh giáo. Khổng Tử cũng đã có lần gặp ông để hỏi về vấn đề lễ chế.
Khổng Tử dẫn rất nhiều các lời nói của các tiên hiền cổ đại về lễ chế với Lão Tử. Lão Tử mỉm cười, nói với Khổng Tử:
– Khổng Tử này, anh cũng không còn trẻ nữa. Anh nhắc tới các nhà hiền triết cổ đại, họ đã chết rất lâu rồi, sợ rằng xương cốt của họ dưới mộ cũng mục nát lâu rồi. Những lời này của họ còn lưu truyền trên đời, anh không cần dùng nó để hạn chế hành vi của mình, một mực bắt chước họ, người quân tử cần phải có khả năng thích ứng với xã hội, gặp cơ hội thì làm nên sự nghiệp thật hiển hách, chưa có cơ hội thì lánh xa chính trị, không ràng buộc cuộc sống tự do tự tại. Anh thấy ta nói như thế có đúng không?
Khổng Tử rất xúc động, khi trở về, nói với các đệ tử:
– Ta biết con chim bay, con cá lội, con thú chạy, chẳng qua có thể dùng lưới, dùng câu, dùng cung tên có thể bắt được. Nhưng con rồng ở trên bầu trời thì trí lực của ta không thể bắt được. Hôm nay ta gặp được Lão Tử, tri thức của ông thật rộng lớn, kiến giải sâu sắc, thật đúng là con rồng trong mây, con người hóa thành thần!
Lão Tử sống ở Lạc Dương, lúc đó Đông Chu ngày càng suy sụp, còn xuất hiện cuộc nội chiến kéo dài năm năm, kho sách lớn trong thư viện quốc gia cũng bị phá hoại. Lão Tử thấy không thể ở lại Lạc Dương được nữa. Ông suy nghĩ mãi, quyết định về nước với cuộc sống dân dã thuần phác, sống những năm cuối đời ở nước Tần ít rối ren.
Lão Tử cưỡi con trâu xanh lên đường. Được mấy ngày, ông đến cửa Hàm Cốc, qua Hàm Cốc là đi vào nước Tần. Ông vô cùng sung sướng, vừa thưởng ngoạn phong cảnh bên đường vừa nghe những khúc ca.
Đương lúc ấy, Y Hỷ, viên quan giữ cửa cung kính vài chào Lão Tử, nói:
– Lão tiên sinh đã đến đây, không nghênh đón từ xa, mong ngài đừng chê trách. Từng nghe tiên sinh học vấn rộng lớn, tri thức thâm sâu, được gặp ở đây, xin ngài lưu lại mấy ngày,mang những hiểu biết của ngài viết một bộ sách, để một là tôi có thể kính đọc, hai là để cho mọi người trong thiên hạ biết được cái biển học của ngài, xin ngài đừng từ chối.
Lão Tử cảm động trước sự chân thành của Y Hỷ, bèn ở lại, mang đạo đức, chủ trương vô vi như trị, những kiến giải về vũ trụ, nhân sinh, xã hội… toàn bộ viết thành sách một bộ hơn năm nghìn chữ là “Đạo đức kinh”. Nội dung quan trọng nhất của bộ sách này là “đạo”. Lão Tử cho rằng “đạo” là nguyên bản của vũ trụ, sự hình thành và phát triển của mọi vật, mọi việc trên thế giới đều do “đạo” chuyển hóa mà thành, nó giống như trời đất vận động không ngừng, quy luật của nó chính là quy luật của tự nhiên, quy luật của xã hội. Tư tưởng này của Lão Tử trở thành một trong những tư tưởng hàng đầu của Trung Quốc cổ đại, còn có ảnh hưởng sâu sắc đến người Trung Quốc ngày nay.
Sau khi viết xong, Lão Tử tiếp tục đi về phía tây, nhưng sau đó không ai biết gì về ông.
Người dịch: Dương Đình Giao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét