Năm 266 trước CN, Triệu Huệ Văn Vương mất, con là Đan nối ngôi, chính là Triệu Hiếu Thành Vương. Hiếu Thành Vương còn nhỏ, mọi quyền hành của đất nước thực tế nằm trong tay mẹ vua là Triệu thái hậu.
Lúc đó, nước Tần thừa cơ đem quân đánh nước Triệu, liên tiếp đánh được ba tòa thành. Tình thế nước Triệu nguy cấp, đành phải cầu cứu nước Tề. Nước Tề đưa ra một điều kiện, phải mang em của Hiếu Thành Vương là Trường An Quân sang làm con tin mới xuất quân. Làm con tin nhất định có rủi ro, một khi quan hệ hai nước tan vỡ, cảnh ngộ của con tin khó mà lường được (1).
Nước Tề muốn Trường An Quân làm con tin, Trường An Quân là con yêu nhất của Triệu thái hậu. Thái hậu không muốn con phải chịu rủi ro, dù thế nào cũng không bằng lòng để con đi. Trước mắt, quân Tần ngày càng đến gần, tình thế ngày càng nguy cấp. Các đại thần đều rất lo lắng, không tìm được cách nào khác, đều từng người một đến khuyên Thái hậu, xin bà đáp ứng yêu cầu của nước Tề. Thái hậu kiên quyết không đồng ý, còn giận dữ, nói:
– Ai còn đến khuyên ta, ta sẽ nhổ vào mặt!
Vì thế ai cũng sợ, không dám nói với bà việc này.
Tả sư Xúc Long biết chuyện, đã tới cầu kiến Thái hậu. Trong bụng Thái hậu đoán nhất định là lại việc khuyên giải, thầm nghĩ “sẽ cho hắn biết mặt”, rồi giận dữ chờ gặp.
Xúc Long đã cao tuổi, ông tập tễnh, chậm rãi tới trước Thái hậu, rụt rè nói:
– Lão thần chân đau, đi lại khó khăn, cho nên đã lâu không gặp Thái hậu, xin Thái hậu lượng thứ. Thái hậu có được khỏe không? Thần vẫn nhớ đến Thái hậu, sợ Thái hậu không được thoải mái, hôm nay tới thăm Thái hậu.
Thái hậu nói:
– Ta vẫn bình thường.
Xúc Long hỏi:
– Cơm ăn được bao nhiêu?
Thái hậu trả lời:
– Chỉ ăn cháo.
Xúc Long nói:
– Lão thần có khi không muốn ăn, buộc phải đi bộ, mỗi ngày đi ba bốn dặm, mới ăn được một ít, thân thể cũng thoải mái hơn.
Thái hậu nói:
– Ta thì không đi được.
Câu chuyện cứ như thế, Thái hậu dần bớt bực tức, sắc mặt đã trở lại bình thường.
Sau đó, Xúc Long đổi đề tài, nói:
– Lão thần có một đứa con trai, gọi là Thư Kỳ, chẳng có tài cán gì. Thần đã già rồi, yêu đứa con này nhất. Mạo muội xin với Thái hậu, mong Thái hậu khi có dịp, cho nó làm một vệ sĩ trong cung, không biết có được không?
Thái hậu nói:
– Ta sẽ làm. Con thần bao nhiêu tuổi?
Xúc Long nói:
– Mười lăm, tuổi tuy có nhỏ, nhưng nếu có thể gửi gắm Thái hậu trước khi chết, thần có chết cũng yên tâm.
Thái hậu vui vẻ hỏi:
– Đàn ông các ngươi cũng yêu con nhỉ?
Xúc Long nói:
– Chỉ sợ còn hơn cả phụ nữ.
Thái hâu cười:
– Điều đó thì chưa chắc, đàn bà mới là người yêu con mình nhất.
Xúc Long nói:
– Thần thấy không thể nói như vậy, ví dụ Thái hậu với Yên hậu (Yên hậu là con của Thái hậu gả cho vua nước Yên) còn yêu hơn cả Trường An Quân.
Nghe xong, Thái hậu cho là không phải, nói:
– Ngươi nhầm rồi, ta yêu Trường An Quân còn vượt xa so với Yên hậu.
Xúc Long nói:
– Thần thấy không phải vậy, cha mẹ yêu các con thì thực phải tính kế lâu dài cho chúng. Còn nhớ lúc Yên hậu xuất giá, Thái hậu tiễn lên xe, còn ôm lấy chân của Yên hậu mà khóc. Thái hậu nghĩ nàng phải gả chồng quá xa (2), trong lòng rất khó xử. Khi nàng đã đi rồi, còn thương nhớ đến nàng, mong cho con cháu nàng đời đời nối nghiệp làm vua nước Yên. Thái hậu lo lắng thay cho nàng còn không xa nữa sao?
Nghe xong, Thái hậu nói:
– Thật không sai.
Xúc Long lại hỏi Thái hậu:
– Nhà Triệu lập nước đến nay đã hơn hai trăm năm. Thái hậu nghĩ mà xem, ngoài ba đời gần đây nhất, các con cháu họ Triệu trước đây, có ai có thể kế thừa tước lộc cho đến nay không?
Thái hậu nói:
– Không có lâu rồi!
Xúc Long nói:
– Các nước khác thì sao?
Thái hậu nói:
– Cũng không nghe nói.
Xúc Long hỏi:
– Thái hậu có muốn biết nguyên nhân vì sao không? Đó là vì, số con cháu đều kế thừa tước vị do cha ông truyền lại, tước vị mà họ kế thừa tuy rất cao, nhưng công trạng thì không có gì; bổng lộc họ được rất hậu, nhưng cống hiến cho đất nước chẳng có bao nhiêu; không có năng lực và kinh nghiệm nhưng khi hành xử thì quyền lực rất lớn. Như vậy thật vô cùng nguy hiểm, địa vị của họ rất không vững chắc, dễ bị người khác công kích, bản thân phải sát thân khi gặp tai họa, lại còn liên lụy đến con cháu cho nên con cháu họ Triệu .trong quá khứ, hiện nay không còn ai làm hầu tước. Như nay, Thái hậu một lòng đề cao địa vị của Trường An Quân, phong cho An Quân đất đai màu mỡ, cho An Quân quyền lực lớn nhất, thế mà nhân lúc này, không biết cho An Quân lập công cho đất nước. Đến ngày Thái hậu mất rồi. Trường An Quân còn biết dựa vào công lao gì để đứng ở nước Triệu? Xem ra, Thái hậu đã nghĩ quá gần cho Trường An Quân, cho nên thần nói Thái hậu yêu An Quân không bằng yêu Yên hậu.
Nghe xong những lời ấy, Triệu Thái hậu mới tỉnh ngộ, vội nói:
– Ngươi nói đúng lắm, được, việc đi hay ở của Trường An Quân hoàn toàn do ngươi xếp đặt.
Sau đó, Thái hậu chuẩn bị cho An Quân một trăm cỗ xe, đưa đi làm con tin ở nước Tề. Nước Tề đón được Trường An Quân, mang quân cứu viện nước Triệu. Thấy nước Triệu và nước Tề liên minh, nước Tần đành rút quân.
Chú thích:
(1) Thời Chiến Quốc, giữa nước này với nước khác liên minh, thường phải giữ một nhân vật quan trọng ở nước mình làm con tin để đảm bảo giữ chữ tín trong minh ước.
(2) Thời Chiến Quốc, kinh đô của nước Yên là Kế (nay là khu vực cửa Tuyển Vũ, Bắc Kinh). Kinh đô của nước Triệu là Hàm Đan (nay là vùng gần Hàm Đan, Hà Bắc, hai nơi tương đối xa nhau.
Người dịch: Dương Đình Giao
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét