Thái Công họ Khương, tự là Tử Nha. Lúc nhỏ, chí khí Thái Công rất lớn, ra sức học tập, tinh thông binh pháp, thạo việc chính sự, chỉ tiếc là tài không được dùng. Ông từng làm đồ tể mổ trâu, mở quán rượu, sau làm một chức quan nhỏ thời vua Trụ, do sợ bị bức hại nên bỏ việc quan. Trong nhiều năm, ông đã qua nhiều nước chư hầu, hy vọng gặp được ông vua hiền để được trọng dụng, thi thố tài năng của bản thân, cuối cùng, hy vọng thành hão huyền, chẳng nước non gì.
Thời gian trôi đi, chớp mắt đã hơn 70 tuổi, Khương Thượng nghe nói Tây Bá Chu Văn Vương cai trị thiên hạ sáng suốt, đời sống dân chúng ổn định, quyết định tìm đến nước Chu để mưu sinh. Ông lặn lội đến được nước Chu, đến mới thấy, hoàn cảnh ở đây quả không khác gì lời đồn. Mọi người đều có quần áo lành lặn, mặt mũi hồng hào, mùa màng cũng tươi tốt, tất cả toát lên một cảnh tượng thanh bình. Khương Thượng nghĩ: đây quả là nơi có thể tìm đến để an thân. Ông đến một nơi bên bờ sông Vị, ở đây rừng trúc rậm rạp, cây cỏ xanh tốt, người ở thưa thớt. Khương Thượng quyết định ẩn cư ở đây. Đây là nơi núi cao nước sâu, trúc mọc khắp nơi, khai hoang tương đối khó khăn. Nhưng dưới nước có nhiều cá, có thể nhờ cá sống qua ngày. Nhưng, ông chưa câu cá bao giờ, mới đầu mấy ngày mà không được con cá nào. Câu không được cá, sống bằng gì cho qua ngày? Khương Thượng trong lòng bực bội, ném cả nón, cởi bỏ áo, lo lắng đi đi lại lại bên dòng nước. Lúc đó có một ông già đi qua, thấy Khương Thượng bực bội không yên liền hỏi ông gặp việc gì khó khăn? Khương Thượng nói:
– Mấy ngày liền mà câu không được con cá nào, cụ thấy có buồn cười không? Tôi phải làm thế nào? Tôi đã già yếu, có thể làm gì được?
Lão nông thấy cái lưỡi câu, trầm tư một lát, nói:
– Tôi thấy ngài còn phải học câu cá. Đây là nơi nước sâu, nhiều cá, chỉ do ngài chưa có kinh nghiệm, đồ dùng câu cá chưa thích hợp. Lưỡi câu của ngài quá to, phải thay đi, mồi câu cũng phải có hương vị. Khi thả câu xuống nước phải nhẹ nhàng, không được làm cho cá sợ. Như thế cá sẽ chạy mất, sao câu được?
Khương Thượng được cụ già dạy cho cách câu cá, quả nhiên có hiệu quả. Mấy hôm đầu, cá câu được đều là cá nhỏ. Sau mấy hôm, kỹ thuật thành thục, đã câu được không ít cá chép lớn. Khương Thượng là người thích tìm tòi, ông không ngừng cải tiến phương pháp, nghiên cứu tập quán sống của các loài cá, dần quen tay, trở thành chuyên gia câu cá. Việc này sau đó được truyền đi rất kỳ lạ, có người nói lão nông chính là thần tiên biến thành, do được thần tiên truyền dạy, Khương Thượng câu cá đều dùng lưỡi câu thẳng. Đây chính là chuyện Khương Thái Công câu cá bằng lưỡi câu thẳng.
Tây Bá Chu Văn Vương Cơ Xương là một nhà chính trị tài ba. Khi ông lên ngôi, nước Chu mạnh hẳn lên, trở thành một thế lực uy hiếp triều Thương. Sự uy hiếp này đã khiến cho Trụ vương đem Văn Vương giam cầm một thời gian. Vua Trụ triều Thương hôn quân tàn bạo, sớm mất lòng người. Chu Văn Vương quyết định thay đổi hành đạo, lật đổ triều Thương. Nhưng bên cạnh ông còn thiếu những người tài năng về quân sự giúp ông chỉ huy tác chiến.
Chu Văn Vương mỗi năm đều đi săn mấy lần. Thực ra, đi săn chỉ là danh nghĩa, mục đích thực là để đi sâu vào đời sống, hiểu nỗi thống khổ của nhân dân, tìm hiểu lẽ được mất của chính trị, đồng thời cũng là để tìm kiếm nhân tài. Một lần, Văn Vương cùng quần thần đi săn, đến bở bắc của sông Vị, nghe mọi người nói, ở đây có một ông già tóc bạc rất hiểu biết về ở ẩn. Văn Vương đang khao khát cầu hiền, làm sao có thể bỏ qua cơ hội này? Ông nghe chỉ đường, lệnh cho những người trong đoàn săn dừng bước, tự mình cùng hai người đánh xe đi trước. Đi khoảng 8, 9 dặm đã thấy một người đang ngồi bên mỏm đá như đang cầm cần câu cá. Văn Vương xuống xe, không đợi tùy tùng, đi bộ tới. Đi khoảng hai dặm nữa, nhìn thấy rõ một ông lão đầu tóc bạc phơ đang chăm chú ngồi câu.
Văn Vương nhẹ nhàng đi đến phía sau ông lão, dừng bước nhìn. Không lâu sao chỉ thấy ông lão liên tiếp câu được mấy con cá lớn. Văn Vương không kìm được lời khen:
– Kỹ thuật câu cá của tiên sinh quả là siêu việt, đây có phải là thú vui chăng?
Khương Thượng nghe thấy có người nói, quay đầu lại nhìn, thấy cách ăn mặc, lập tức hiểu đây là vua, vội cúi đầu lạy. Văn Vương vội đỡ dậy, nói:
– Xin đứng dậy, xin đứng dậy! Ta là Chu Cơ Xương, đã quấy rầy tiên sinh đang câu cá, xin bỏ qua vì thất lễ!
Khương Thượng vội nói:
– Tôi là Khương Thượng quê mùa, không biết nhà vua hạ giá, không đón từ xa, xin bệ hạ tha tội!
Văn Vương hỏi:
– Tôi thấy kỹ thuật câu cá của tiên sinh thật tài ba, câu cá cũng phải có triết lý sâu sắc, có phải không?
Khương Thượng đáp rành rọt:
– Trong trời đất, mọi sự, mọi vật đều có triết lý nhất định. Câu cá phải xem mưa nắng, ấm lạnh của trời đất, nông sâu của dòng nước, nhanh chậm của dòng chảy, phải xác định thời gian và phương pháp thả câu, còn phải hiểu thói quen sống của các loài cá và thức ăn mà cá thích. Thả câu phải đúng lúc, không được nhanh, cũng không được chậm. Nhất thiết phải tập trung chú ý, mọi thứ phải hoàn hảo mới câu được, cá không chạy mất!
Văn Vương nghe rồi tấm tắc:
– Hay quá! Hôm nay nghe ông nói về việc câu cá, tôi hiểu được triết lý trị nước.
Hai người ngồi trên mỏm đá trò chuyện một hồi, càng nói càng say sưa. Khương Thượng nghe hỏi là đáp, bàn đến việc điều quân, trị nước, tài chính, không gì không có kiến giải sâu sắc, điều nào cũng cặn kẽ. Văn Vương vô cùng sung sướng, nói:
– Tôi nhớ Tiên vương Thái Công từng nói: sẽ có thánh nhân đến nước Chu, giúp cho nước Chu phồn vinh, hưng thịnh. Tiên sinh có phải là thánh nhân mà tiên vương nói đến chăng? Từ khi Tiên vương Thái Công nói, ta đã chờ đợi ông rất lâu rồi.
Văn Vương lập tức mời Khương Thượng lên xe, cùng trở về kinh đô. Ông tôn Khương Thượng làm thầy, gọi là “Thái Công Vọng”. Về sau, mọi người gọi là Khương Thái Công.
Thái Công giúp Văn Vương cai trị quốc gia rất được lòng người. Sau khi Văn Vương mất, ông lại giúp cho con của Văn Vương là Võ Vương, nước Chu ngày càng mạnh lên. Nhờ sự giúp đỡ của Thái Công, Vũ Vương đã chỉ huy các chư hầu mang quân diệt vua Trụ vô đạo, kiến lập vương triều Chu.
Người dịch: Dương Đình Giao
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét