Thời kỳ Ngũ đại Thập quốc (1), xã hội rối ren, chính quyền thay đi đổi lại chẳng khác gì đèn kéo quân. Trong hoàn cảnh ấy, có một người đã trải qua năm triều, phụng sự 11 Hoàng đế, làm Tể tướng hơn 20 năm, đúng là đã trở thành một ông phỗng, đó chính là người tự đặt cho mình cái tên “Trường Lạc lão” vào cuối đời: Phùng Đạo.
Phùng Đạo, tự Khả Đạo, người kinh thành Doanh Châu (nay ở phía tây Thương Châu, tỉnh Hà Bắc). Ông xuất thân trong một gia đình quý tộc nhỏ, tổ chưa từng làm quan lớn, nhưng Phùng Đạo là người được tiếng “Bạch thủ khởi gia”, ông có bí quyết gì để trở thành “ông phỗng quan trường”? Trả lời câu hỏi này không phải dễ.
Phùng Đạo tính tình thuần hậu, nhân ái với người, nghiêm khắc với mình, đây chính là phẩm chất để ông vừa giành được sự ưu ái của các ông vua qua nhiều triều đại, vừa nhận được sự ủng hộ của những đại thần trong triều dưới quyền mình.
Ban đầu, ông làm Chưởng thư ký (2) cho Tấn Vương Lý Tồn Úc. Mỗi lần mang quân đi đánh dẹp, ông đều cùng với các binh lính đồng cam cộng khổ, không hề cho mình ưu đãi riêng.
Có lần, ông gặp lại một người bạn từ thuở nhỏ, nghe nói Phùng Đạo đã làm quan to, người bạn tỏ ra rất kính trọng, chắc chắn ngày ngày, ông hưởng cuộc sống hào hoa phú quý, rất muốn tới thăm nơi ông ở.
Phùng Đạo nói với bạn:
– Giờ tôi đang chuẩn bị ra trận, việc gì cũng phải gác lại, bác không cần tới thăm tôi đâu!
Thấy Phùng Đạo từ chối, người bạn càng tò mò. Không còn cách nào khác, ông đành phải đưa bạn tới thăm túp lều cỏ rách nát của mình:
– Tôi đang ở đây, bác vào mà xem.
Người bạn thấy căn lều rách, không thể nào tin, nhưng lại nghĩ: chắc là bên trong sang trọng lắm bèn đẩy cửa bước vào. Thấy đồ đạc sơ sài, người bạn không dám tin vào mắt mình nữa, đến cái giường cũng không có, xung quanh vách cũng bằng cỏ, cỏ vương vãi khắp cả nền nhà.
– Đây có thật là chỗ ở của bác không? Bác không lừa tôi đấy chứ?
Người bạn chưa tin, hỏi đi hỏi lại Phùng Đạo.
– Đúng mà, tôi lừa bác để làm gì? Phùng Đạo cười, trả lời bạn.
– Thế bổng lộc của bác để đâu hết rồi? Chẳng phải bác đã tiêu sài hoang phí hết cả bổng lộc hay sao? Người bạn hỏi.
Phùng Đạo không trả lời, chỉ cười. Thực ra, bổng lộc của ông đã đem cho các binh lính và tùy tùng hết sạch. Vì có cách đối đãi như thế, Phùng Đạo nhận được sự quý trọng và tin cậy của tất cả mọi người.
Phùng Đạo nhiều tài, hiểu rộng, rất linh hoạt trong việc trị nước. Năm 926, Hậu Đường Minh Tông Lý Tự Nguyên lên ngôi Hoàng đế muốn dời kinh đô tới Lạc Dương, khi nghe nói tới Phùng Đạo, liền bảo những người xung quanh:
– Cái người tên Phùng Đạo đó, tôi biết rõ lắm, nếu ông ta mà làm Tể tướng , nhất định sẽ là một Tể tướng tốt.
Rồi vua tìm Phùng Đạo, giao cho làm Tể tướng . Phùng Đạo cũng không phụ cái ơn tri ngộ này, thời kỳ Minh Tông làm vua, ông đã phát huy đầy đủ tài năng chính trị của mình.
Phùng Đạo chú trọng tới những người có chân tài và thực học, trong khi lúc bấy giờ, người ta thường chú ý tới các “môn đệ xuất thân”. Trong triều nhiều người xuất thân hàn vi, từng đã nếm trải nghèo khổ nhưng làm quan nhờ có tài và thực học, hầu hết đã được Phùng Đạo phát hiện và đề bạt. Với những người xuất thân cao quý nhưng bụng chỉ có cỏ rác, Phùng Đạo dù thế nào cũng không dùng. Vì thế, những người này đã luôn luôn phản đối và phê phán ông.
Có người là Công bộ thị lang Nhậm Tán, thường cùng với các bạn đồng lieu bàn luận sau lưng Phùng Đạo, châm biếm ông:
- Nếu như Tể tướng nói cái gì chưa đúng, ắt là do đã bỏ quên “Thố viên sách”. “Thố viên sách” là cuốn sách phổ cập kiến thức ở các trường tư thục ở nông thôn, cũng là một trong những cuốn sách cơ bản của trẻ con ở nông thôn học tập. Ở dây, Nhận Tán muốn châm biếm Phùng Đạo đề bạt những người vốn chỉ mới có vốn tri thức phổ cập trình độ chẳng khác gì lũ trẻ ở nhà quê.
Nghe được, Phùng Đạo gặp Nhậm Tán, nói với ông ta:
– Chính là tôi đang đọc “Thố viên sách”, Nhậm Thị lang làm sao lại biết? “Thố viên sách” đã sưu tập được nhiều áng văn chương nổi tiếng. Tôi đọc “Thố viên sách” vì nó có thể giúp tôi trị quốc bình thiên hạ, so với những người chỉ mong muốn thăng quan phát tài, chỉ học thói a dua nịnh nọt thì có ích hơn nhiều.
Lời của Phùng Đạo khiến Nhậm Tán không nói được câu nào, đành phải im lặng.
Phùng Đạo cũng là người “cư an tư nguy” (sống lúc yên ổn đã nghĩ tới khi nguy khốn), can gián nhà vua. Đường Minh Tông rất tự mãn, thường nói với Phùng Đạo:
– Ngươi thử xem tình hình giờ đây tốt đấy chứ?
Phùng Đạo hay nhân những cơ hội như thế để can gián Đường Minh Tông. Có lần ông nói:
– Tình hình hiện nay rất tốt, đó đều là do bệ hạ trị nước có phương pháp. Nhưng bệ hạ nghìn vạn lần không thể chủ quan, mà càng phải gắng sức hơn, càng phải cẩn trọng hơn, khiến cho tình hình ngày càng tốt hơn, nếu không hậu quả sẽ không thể lường trước được. Nhớ lại thời thần làm Chưởng Thư ký, đưa quân xuất chinh, con đường ban đầu vô cùng khó khăn, nhưng thần đã hết sức thận trọng, đề phòng những nguy hiểm sẽ xuất hiện, kết quả là hoàn toàn vô sự. Ngay khi đã thành công, thần cũng hết sức cảnh giác, khi đã trên mình ngựa, sai một ly sẽ chết. Thần nói tuy là những việc nhỏ nhặt hàng ngày của thần, nhưng đó cũng chính là nguyên tắc để cai trị quốc gia, hy vọng bệ hạ sẽ luôn chú ý cẩn trọng. Ngay ở chỗ bằng phẳng cũng cần mang theo cái gậy.
Có lần, Minh Tông được một viên ngọc quý, trên viên ngọc có dòng chữ “Truyền quốc bảo vạn tuế bội”. Viên ngọc này rất hợp với ý thích của Minh Tông nên nhà vua vô cùng yêu quý, thường cầm trên tay. Một hôm, vua đưa viên ngọc cho Phùng Đạo xem, rồi nói với ông:
– Đây chính là viên ngọc quý của trẫm.
Nghe xong, Phùng Đạo thản nhiên nói:
– Viên ngọc này có gì mà quý? Làm đế vương phải biết quý cái “vô hình chi bảo” (viên ngọc vô hình).
Minh Tông lạ lùng, hỏi:
– Vô hình chi bảo là cái gì?
Phùng Đạo nói với nhà vua:
– Vô hình chi bảo chính là nhân nghĩa.
Minh Tông thầm hiểu. Chính nhờ sự phò trợ của Phùng Đạo, thời gian Minh Tông trị vì là thời kỳ cục diện chính trị Ngũ đại Thập quốc vững vàng nhất.
Phùng Đạo giỏi nhìn gió mà chèo lái, coi nhà vua là ông chủ thuê mình, ông chủ này bị lật đổ, sẽ có một ông chủ khác.
Sau khi Đường Minh Tông Lý Tư Nguyên chết, con là Lý Tòng Hậu nối ngôi, chính là Đường Mẫn Tông. Nhưng Đường Mẫn Tông là người do dự, thiếu quyết đoán, không thể phò tá. Không lâu sau, anh nuôi của nhà vua là Lý Tòng Kha (3) đem quân đánh vào kinh đô Lạc Dương, Mẫn Tông đành phải bỏ chạy. Lúc này Phùng Đạo đang làm Tể tướng , ông là người hiểu rất rõ tình hình đương thời, biết Lý Tòng Kha tất sẽ xưng đế, Mẫn Tông hoàn toàn không thể là đối thủ.
Cho nên, khi Lý Tòng Kha còn chưa tới Lạc Dương, Phùng Đạo đã chuẩn bị cùng các quan nghênh đón, kịp thời cử người viết văn kiện xưng đế cho Lý Tòng Kha. Có người khuyên ông:
– Hoàng đế của chúng ta còn đang lưu vong ở bên ngoài, chúng ta là thần tử, sao có thể ủng hộ người khác xưng đế? Đây là việc quá bất thường.
Nhưng Phùng Đạo kiên quyết không nghe.
Khi Lý Tòng Kha đến Lạc Dương, Phùng Đạo không chỉ cùng với hàng trăm quan đi đón mà còn cùng dâng biểu mời ông ta lên ngôi Hoàng đế, dĩ nhiên thái độ này rất phù hợp với ý muốn của Lý Tòng Kha. Việc làm của Phùng Đạo tuy không làm cho Lý Tòng Kha coi trọng ông nhưng chí ít cũng đảm bảo tính mệnh cho ông.
Đến thời kỳ Thạch Kính Đường, Phùng Đạo vẫn làm Tể tướng . Thạch Kính Đường là “Nhi Hoàng đế” cho Khiết Đan, thường cử sứ giả mang lễ vật hoặc tới bái kiến Hoàng đế Khiết Đan, vua Khiết Đan cũng thường câu lưu sứ giả để sử dụng nên rất nhiều người không muốn đi sứ Khiết Đan. Phùng Đạo đã chủ động xin Thạch Kính Đường cho mình đi sứ. Việc này khiến Thạch Kính Đường rất vui. Phùng Đạo tới Khiết Đan, vua Khiết Đan biết ông là người nổi tiếng ở Trung Nguyên, rất muốn giữ Phùng Đạo ở lại. Phùng Đạo nghĩ: Khiết Đan là “phụ Hoàng đế”, Thạch Kính Đường chẳng qua chỉ là “Nhi Hoàng đế”, ông thấy không thể không chấp nhận ở lại. Vua Khiết Đan cho ông rất nhiều của cải, tất cả ông đều bán đi để mua củi, mua than. Thấy thế, có người hỏi:
– Ông sao lại mua nhiều củi than như thế?
Phùng Đạo giải thích:
– Tôi năm nay tuổi đã cao, thân thể không còn khỏe mạnh, phương bắc rất giá lạnh, tôi không thể chịu nổi, đành phải bán tất cả mua than, mua củi để chống rét!
Vua Khiết Đan thấy thế, không dám giữ ông lại nữa.
Vào cuối đời, ông viết một tự thuật vô cùng đặc biệt, dần kể lại những vinh quang của đời mình mà ông gọi là “Trường lạc lão”.
Đánh giá Phùng Đạo, lịch sử có nhiều tranh cãi. Âu Dương Tu từng mắng ông là không có liêm sỉ, còn Vương An Thạch lại vô cùng yêu quý ông. Ngày nay, chúng ta cũng có cách đánh giá của mình, không thể coi ông là con người tuyệt vời, không thể khẳng định cái cách lựa gió mà bẻ lái, nhưng cũng phải thừa nhận ông là người có tài năng, trong suốt cuộc đời mình, ông cũng làm được những việc có ích.
Người dịch: Dương Đình Giao
Chú thích:
- Ngũ đại Thập quốc: Sau khi triều Đường diệt vong, Trung Quốc rơi vào cục diện phân tranh. Người ta gọi giai đoạn lịch sử này là Ngũ đại Thập quốc.
- Chưởng thư ký: Từ đời Đường Cảnh Long nguyên niên (707), gọi người Tổng chỉ huy các cuộc hành quân xuất chinh.
- Công bộ thị lang: Phó trưởng quan của bộ Công.
- Lý Tòng Kha (885 – 963) ở ngôi 934 – 936, sinh ở Bình Sơn (nay thuộc Hà Bắc). Vốn họ Vương, con nuôi của Minh Tông Lý Tư Nguyên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét