XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 19.03. HAI VỤ ÁN HỒ, LAM

 Người dịch: Dương Đình Giao
Minh Thái Tổ là nguời không yên tâm với các công thần khai quốc. Nhà vua đã thiết lập một bộ máy đặc biệt là “Cẩm y vệ” để giám sát, theo dõi mọi hành động của các đại thần. Các đại thần dù bên ngoài hay trong nhà có động tĩnh gì, ông đều có thể biết tường tận. Ai bị phát hiện có hành vi mờ ám đều bị tống giam, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Đối với các quan, Minh Thái Tổ cực kỳ nghiêm khắc. Trong các buổi thiết triều, khi ông nổi giận, các quan có thể bị đánh roi, gọi là “Đình trượng” (1), cũng có thể bị đánh đến chết. Vì những hình phạt như thế này, nhiều đại thần luôn phấp phỏng, lo ngay ngáy, hàng ngày, trước khi thiết triều, đều mặt ủ mày chau chia tay với những nguời thân trong gia đình. Nếu hôm đó trở về bình an vô sự, nguời thân vô cùng vui sướng vì may mắn đã được sống thêm một ngày.
Minh Thái Tổ còn tạo ra hai cái án oan, một là án Thừa tướng Hồ Duy Dung và một là án Đại tướng Vĩnh Xương hầu Lam Ngọc. Họ đều bị giết với tội danh “mưu phản”, mà còn “tru di tam tộc”, các công thần liên đới bị giết có tới hàng vạn nguời.
Vụ án đầu xảy ra vào tháng Giêng  năm Hồng Vũ thứ 13 (1380), Thừa tướng Hồ Duy Dung bị tố cáo mưu phản, Minh Thái Tổ lập tức giết cả nhà Hồ Duy Dung, còn truy cứu tới những nguời đồng đảng với ông. Việc truy cứu này liên quan tới hơn một vạn năm nghìn các quan văn võ. Minh Thái Tổ nổi giận, đem giết tất cả những nguời bị nghi ngờ.
Ngay Thái sư Hàn Quốc công Lý Thiện Trường theo ông từ ngày khởi sự, gắn kết với ông như hình với bóng suốt mười năm, đồng cam cộng khổ, lập rất nhiều chiến công cũng không tránh khỏi tai họa. Nghe nói Lý Thiện Trường có giúp đỡ cho Hồ Duy Dung làm phản, Minh Thái Tổ cũng ra lệnh giết. Năm ấy Lý Thiện Trường đã 77 tuổi, muốn sống những ngày cuối đời nhà vua cũng không cho. Cùng với ông, cả gia đình hơn bảy mươi nguời cũng bị giết.
Hết đợt sóng này tiếp nối đợt sóng khác, sau việc trên hai năm lại sinh ra vụ án Lam Ngọc (2). Thường ngày, Lam Ngọc có nhược điểm là hay kể công kiêu ngạo, Minh Thái Tổ vốn đã có cái nhin không mấy thiện cảm. Tháng 2 năm Hồng Vũ thứ 26 (1393) Cẩm y vệ báo cáo: Lam Ngọc có ý làm phản. Được tin, Minh Thái Tổ hạ lệnh bắt  vị Quốc công này. Cẩm y vệ dùng hình phạt tàn bạo để thẩm vấn, buộc ông phải khai đồng đảng. Liên lụy tới vụ này gồm Cảnh Xuyên hầu Tào Chẩn, Nhạn Ứng hầu Trương Dực, Thượng thư bộ Lại Chiêm Huy, Thị lang bộ Hộ Bạc Hữu Văn, … vì nhà vua cho rằng họ đã bàn bạc với nhau nhân khi Hoàng đế làm nghi thức “Tịch điền” (3) sẽ phát động chính biến. Lam Ngọc bị xé xác, tam tộc bị tru di. Phàm là những nguời có liên quan tới vụ án hoặc nguời có qua lại với Lam Ngọc đều bị giết cả nhà. Lần giết hại này có nhất Công, nhị Bá, thập tam Hầu, ngoài ra còn hơn mười nguời là những tướng lĩnh có công chinh chiến và rất nhiều quan văn cao cấp. Só nguời bị giết có nguời nói  hơn một vạn năm nghìn, có nguời nói tới hai vạn.
Hai vụ án Hồ, Lam là những nguời đã cùng Minh Thái Tổ vào sinh ra tử nhưng do tranh giành quyền bính mà hàng loạt văn võ đại thần đều bị giết. Hành động đại sát công thần này thật hiếm thấy trong lịch sử. Trong hai vụ án này, duy chỉ có Lam Ngọc do kiêu ngạo là có thể có tội với Minh Thái Tổ, còn những nguời khác, quả thật khó có thể kể tội của họ. Vậy vì sao Minh Thái Tổ lại giết nhiều nguời như thế? Nhiều nguời cho rằng vốn là Thái tử chết sớm, Hoàng Thái tôn là nguời kế thừa ngôi báu tuổi còn trẻ lại yếu đuối, Minh Thái Tổ lo sợ sau khi mình chết đi, vua trẻ không thể chế ngự được các công thần quyền cao vọng trọng, họ sẽ trở thành thế lực uy hiếp thiên hạ của họ Chu. Vì thế, nhà vua mượn cớ giết các công thần sớm lo diệt trừ hậu họa.
Ngoài những nguời bị giết trong hai vụ án này, còn có mấy công thần có liên lụy tưởng thoát nạn  nhưng cuối cùng cũng không gặp may mắn. Sau khi vụ án Lam Ngọc kết thúc một năm, Minh Thái Tổ giết Định Viễn hầu Vương Bật và Vĩnh Bình hầu Tạ Thành cũng vì bị coi là phạm tội lớn. Lúc đó, Vương Bật đã cáo lão về nghỉ, cũng bị triệu hồi kinh sư để giết. Qua hơn một năm Dĩnh Quốc công Bạc Văn Đức và Tống Quốc công Phùng Thắng không hiểu nguyên nhân vì sao cũng phải tự sát. Để thực hiện độc tài chuyên chế, bảo đảm thiên hạ tồn tại với con cháu vạn đời, Chu Nguyên Chương “lục thân bất nhận”, giết cả cháu ruột là Chu Văn Chinh, đầu độc cháu ngoại là Lý Văn Trung chỉ với lý do họ “thân cận Nho sinh”, “lễ hiền hạ sĩ”, trong khi họ đều là những nguời vào sinh ra tử, lập rất nhiều chiến công.
Trong cuộc khủng bố giết hại công thần của Chu Nguyên Chương, chỉ có một nguời may mắn tránh được là Khai quốc nguyên huân Tín Quốc công Thang Hòa (4). Ông là nguời cùng thôn với Chu Nguyên Chương, vốn xuất thân là nguời  coi gia súc. Ông là nguời rất hiểu Chu Nguyên Chương, tường tận tâm lý của Hoàng thượng nên ông đã cẩn thận lo xa, sau khi sự nghiệp thành công vội giao binh quyền, cáo lão  về quê nên mới bảo toàn được tính mạng.
Chú thích:
  • Đình trượng: Đại thần bị đánh roi.
  • Lam Ngọc ( ? – 1393), nguời Định Viễn, Phượng Dương (nay thuộc An Huy). Đại tướng quân, phong Lương Quốc công, nguời được Thái Tổ so với Vệ Thanh, Lý Tĩnh, sau bị giết vì tôi mưu phản.
  • Tịch điền: hoạt động tế lễ bắt đầu vào mùa xuân, Hoàng đế cày ruộng, có từ thời cổ.
  • Thang Hòa (1326 – 1395), nguời Hào Châu (nay là Phượng Dương, An Huy). Năm 1352, theo Quách Tử Hưng, sau theo Chu Nguyên Chương, được phong Trung Sơn hầu, Tín Quốc công. Năm 1385, cáo quan về quê.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét