XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Tư, 2 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 06.03. TRÂU KỴ KHÉO KHUYÊN VUA TỀ

  Nước Tề đến đời Tề Uy Vương lại cường thịnh trở lại. Tề Uy Vương có đủ khiêm tốn và nhẫn nại nghe phê bình và kiến nghị, đủ trí để phân biệt trung gian, thưởng công phạt tội, tích cực phát triển sản xuất, một thời được năm nước Sở, Ngụy, Triệu, Hàn, Yên tôn làm bá chủ.
Quốc gia mạnh lên, người can gián, kiến nghị càng nhiều. Tề Uy Vương vui vẻ khi nghe được những lời vừa ý, còn với một số ý kiến bất đồng thì không tiếp thu nổi. Tướng quốc lúc ấy có Tên là Trâu Kỵ, thấy Tề Uy Vương mới có một chút thành công  đã kiêu ngạo, rất không vừa ý, muốn tìm cơ hội để chữa cho ông ta căn bệnh này.
Một hôm, vào buổi sớm, Trâu Kỵ y phục chỉnh tề, mũ mão ngay ngắn, đứng trước gương soi đi ngắm lại, thấy mình không chê vào đâu được: vóc người cân đối, nét mặt nghiêm cẩn, da dẻ trắng trẻo, trong lòng đắc ý,. hỏi vợ:
– Tôi so với Thành Bắc Từ Công, ai đẹp hơn?
Người vợ cười, nói:
– Tất nhiên là chàng đẹp hơn rồi, Thành Bắc Từ Công sao có thể so với chàng được!
Thành Bắc Từ Công là người đàn ông đẹp nổi tiếng ở nước Tề lúc đó, Trâu Kỵ không tin lời người vợ, lại hỏi người thiếp:
– Nàng xem ta so với Thành Bắc Từ Công ai đẹp hơn?
Người thiếp trả lời:
– Từ Công sao có thể so với chàng được! Chàng đẹp hơn ông ta nhiều.
Lát sau, có một người khách đến, Trâu Kỵ lại hỏi ông ta:
– Người ta nói tôi đẹp hơn Thành Bắc Từ Công, ngài thấy thế nào?
Người khách nói:
– Quả không sai, ngài đẹp hơn Thành Bắc Từ Công nhiều.
Hôm sau, Thành Bắc Từ Công đến chơi. Trây Kỵ so với Thành Bắc Từ Công từ chi tiết nhỏ, thấy mình không thể đẹp hơn ông ta được, soi đi ngắm lại trước gương, rồi lại ngắm Từ Công, càng thấy mình kém Từ Công xa.
Buổi tối, Trâu Kỵ nằm trên giường, trằn trọc suy nghĩ: “Ta rõ ràng không thể nào sánh nổi với Thành Bắc Từ Công, tại sao vợ ta, thiếp của ta và người khách của ta lại nói ta đẹp hơn ông ta? Nghĩ mãi, Trâu Kỵ mới hiểu ra được một lẽ đời.
Sáng sớm hôm sau, ông ta vào triều, đem chuyện ấy kể cho Tề Uy Vương nghe từ đầu đến cuối. Uy Vương nghe xong, cười lớn hỏi:
– Tại sao họ đều nói khanh đẹp hơn Từ Công?
Trâu Kỵ nói:
– Thần suy nghĩ suốt đêm mới hiểu ra người vợ nói thần đẹp vì nàng là người quá yêu thần, người thiếp nói thần đẹp vì nàng sợ thần không vui; còn người khách nói thần đẹp vì ông ta đang có việc cần nhờ thần. Họ đều vì muốn lấy lòng thần.
Uy Vương gật gù, đáp:
– Khanh nói rất đúng, nghe lời khen của người khác phải suy nghĩ, tìm hiểu, không thì rất dễ nhận lấy điều dối trá, không phân biệt đúng sai.
Trâu Kỵ tiếp lời, nghiêm túc nói:
– Tâu bệ hạ, thần thấy những điều dối trá mà bệ hạ nhận được còn nhiều hơn thần!
Uy Vương sầm nét mặt, hỏi:
– Khanh nói như thế là có ý gì?
Trâu Kỵ không ngần ngại, nói:
– Tâu bệ hạ, ý của thần rất rõ ràng. Vợ thần, thiếp của thần, khách của thần vì muốn làm đẹp lòng thần mà lừa dối thần. Cũng giống như nước Tề, có hơn một nghìn địa phương, hơn một trăm thành trấn. Mỹ nữ trong cung vua, tất thảy đều quá yêu đại vương; đại thần trong triều không ai không sợ đại vương; các nước trong thiên hạ không ai không cần đại vương. Họ đều vì nịnh bợ đại vương, nói những lời cho đẹp lòng ngài. Xem thế, những điều dối trá mà đại vương nhận được là rất nhiều vậy.
Uy Vương chợt tỉnh ngộ, nói:
– A, lời của tiên sinh thật đúng quá!
Rồi ông ban bố một mệnh lệnh cho cả nước: Bất luận là ai, có thể chỉ ra sai lầm, khuyết điểm của ta sẽ được thưởng; trình bày những kiến nghị với ta, cũng được thưởng; bàn bạc về những sai lầm của ta sau lưng ta, nếu ta biết, cũng có thưởng.
Sau khi  lệnh được truyền đi, các đại thần đua nhau phê bình, kiến nghị không lúc nào ngớt, sau mấy tháng thì thưa thớt dần, chỉ còn ít người; sau một năm muốn nói cũng không còn điều gì để nói nữa.
Trâu Kỵ chỉ thấy có người để xuất ý kiến chưa đủ, còn phải cử người đi điều tra mới thực sự đầy đủ. Một lần, ông qua các đại thần trong triều tìm hiểu các quan cai trị địa phương, một số đại thần cho rằng quan Huyện lệnh A Thành tốt, còn quan Huyện lệnh Tức Mặc xấu. Trâu Kỵ đem việc này báo cáo với Uy Vương, xin Uy Vương cử người đi điều tra. Không lâu sau, người điều tra trở về, báo cáo với Uy Vương sự thực đã tìm hiểu được. Uy Vương lập tức hạ lệnh triệu Huyện lệnh A Thành và Huyện lệnh Tức Mặc vào triều.
Hôm đó, Uy Vương cho đặt trước đại điện một bên là vàng bạc, tơ lụa; một bên là một cái nồi lớn, đun đầy nước, sau đó triệu tập văn võ bá quan. Các đại thần suy đoán, lần này chắc Huyện lệnh A Thành sẽ được trọng thưởng, còn Huyện lện Tức Mặc sẽ chấp nhận rủi ro.
Uy Vương trước tiên triệu tập Huyện lệnh Tức Mặc, nói:
– Từ khi nhà  ngươi đến huyện Tức Mặc làm quan, ta luôn luôn nhận được những lời tố cáo nhà ngươi, nói người làm cái gì cũng xấu. Ta cử người tới điều tra, thấy mùa màng đều rất tốt, trăm họ an cư lạc nghiệp, quan lại đều tận tụy với trách nhiệm, khiên cho phía đông của đất nước được an ninh (Tức Mặc thuộc Giao Đông), đều là do cai trị tốt. Là vì nhà ngươi không lễ tết các đại thần của ta, đắc tội với họ, cho nên họ mới nói những lời không tốt cho ngươi. Nếu ta quá nghe, quá tin, há chẳng phải đã oan uổng cho một Huyện lệnh tốt? Bây giờ ta đem vàng bạc, tơ lụa thưởng cho ngươi, lại phong cho ngươi bổng lộc một vạn hộ.
Nghe xong, các đại thần đều mắt mở miệng há, tim đập như trống. Sau đó, nghe Uy Vương quát to một tiếng:
– Đem Huyện lệnh A Thành vào!
Vua chỉ viên Huyện lệnh này, nói:
– Từ khi ngươi làm Huyện lệnh A Thành, dường như ngày nào cũng có người khen ngươi, nói ngươi tốt như thế nào. Ta phái người đến đó điều tra, thấy ruộng đồng hoang phế, trăm họ đói ăn thiếu mặc. Nước Triệu đánh đến (A Thành ở biên giới tây bắc nước Tề, láng giềng với nước Triệu), người cũng chẳng quan tâm. Vì biết hối lộ, đút lót các đại thần thân cận của ta, để họ nói những lời tốt đẹp cho ngươi. Huyện lệnh cả nước đều giống như ngươi, nước Tề này liệu có thể không sụp đổ không?
Lời nói vừa dứt, binh sĩ đã ập tới, không cần nói nhiều lời, đem Huyện lệnh A Thành ném vào nồi nước sôi.
Việc làm của vua khiến bọn tham quan ô lại sợ hãi, không còn dám làm bậy, chúng sợ Uy Vương cho điều tra, đem trị tội. Từ đó, nước Tề càng mạnh lên. Uy Vương rất vui, cũng rất cảm kích tấm lòng vì nước của Trâu Kỵ, đem Hạ Bì (nay là vùng Hạ Bì, Giang Tô) thưởng cho ông, lại phong cho ông là Thành hầu.
Uy Vương nói với ông:
– Đại nghiệp của ta thành được, thật may mà có tiên sinh!
Người dịch: Dương Đình Giao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét