Năm 145 trước CN, tức là năm Cảnh Đế thứ 5 triều Hán, ở trấn Chi Xuyên, huyện Hàn Thành, tỉnh Thiểm Tây, bên bờ sông Hoàng Hà, có tiếng khóc vang lên. Gia đình họ Tư Mã mới sinh một bé trai đáng yêu. Nó mới sinh nhưng khi mở mắt đã thấy đôi mắt to đen nhánh, hiếu kỳ quan sát thế giới đẹp đẽ này. Tư Mã Đàm là quan Thái sử lệnh sinh con trai, vô cùng sung sướng, đặt tên là Thiên.
Thời gian như tên bắn, thấm thoắt thoi đưa, chỉ thoáng chốc, Tư Mã Thiên đã 20 tuổi. Một hôm, Tư Mã Đàm gọi con đến bên mình, nói với con:
– Con ạ, con là người có chí khí và hoài bão lớn, không thể cứ ở trong nhà mãi, con phải ra đi, nhìn núi cao sông rộng, đi để tìm hiểu nhân tình, phong thổ khắp nơi, như thế, suy nghĩ của con mới được rộng mở, sự từng trải của con mới phong phú.
– Vâng, thưa cha, con phải đi. Nhưng ai sẽ chăm sóc cha thay con?
Tư Mã Thiên nắm lấy hai tay của cha, nói.
– Chà! Ta đã già rồi, hy vọng của ta đều ở con, con đừng lo cho cha, ta sẽ ở nhà đợi con trở về.
Tư Mã Đàm động viên con.
Được sự khuyến khích của cha, Tư Mã Thiên mang theo hành trang cực kỳ giản đơn, dời Trường An, một mình dấn thân trên đường dài, bắt đầu cuộc sống thực tế gian khổ. Ông đã đi qua quá nửa đất nước Trung Quốc, đến Hội Kê, Triết Giang (Thiệu Hưng, Triết Giang ngày nay), xem nơi mà theo truyền thuyết Đại Ngu đã triệu tập cuộc họp thủ lĩnh các bộ lạc; đến Trường Sa, bên sông Mịch La tưởng niệm nhà thơ yêu nước Khuất Nguyên; khảo sát di chỉ Khổng Tử dạy học; qua quê hương của Hán Cao Tổ, nghe các phụ lão huyện Bái nói về hoàn cảnh Lưu Bang khởi binh… Chuyến đi khiến Tư Mã Thiên thu lượm được một kho tàng tri thức lớn, lại thu được nguồn nuôi dưỡng phong phú từ ngôn ngữ dân gian, đảm bảo cho những trước tác của ông sau này có cơ sở vững chắc.
Về đến Trường An, Tư Mã Thiên được chọn vào triều đình làm Lang quan. Với ông, đây là cơ hội vô cùng thuận lợi để hiểu thêm triều đình, tính cách của Hán Vũ Đế, tài năng của các đại thần. Cũng vào lúc đó, không lâu sau, ông lại có cơ hội quan sát khi tới các vùng tây nam nơi các dân tộc thiểu số cư trú. Những điều tai nghe mắt thấy trên đường, ông đều ghi chép lại. Đây cũng trở thành vốn tài liệu để ông căn cứ vào đó viết sử sau này.
Năm 110 trước CN, Hán Vũ Đế mang theo đội ngũ rầm rầm rộ rộ tới núi Thái Sơn cử hành đại lễ phong Thiền. Tư Mã Đàm muốn đến cuối đời còn có thể tham gia buổi lễ long trọng hiếm có này, vô cùng sung sướng. Ai ngờ, mới đi tới Lạc Dương, ông dã mang trọng bệnh, không thể đi tiếp.
Lúc đó, Tư Mã Thiên mới từ tây nam trở về, nghe tin cha bị bệnh nặng, vội đêm ngày đi gấp tới Lạc Dương. Tư Mã Đàm trong chức vụ Thái sử lệnh nhận thấy quốc sử nhiều năm nay không có người biên soạn, những sự tích của các nhân vật kiệt xuất của triều Hán cho tới nay vẫn không có người ghi chép, quyết tâm phải viết một bộ sử. Ông đã chuẩn bị về bố cục và sử liệu từ nhiều năm và đã viết được một phần. Nhưng ông đã thấy trước mắt mình thời khắc cuối cùng của cuộc đời. Nguyện vọng lớn của bản thân đã không thể thực hiện, lại không thể tham gia đại lễ phong Thiền của Hán Vũ Đế, trong lòng thật vô cùng ân hận. Trước khi chết, ông nắm tay Tư Mã Thiên, căn dặn nhiều lần:
– Sau khi triều Hán hưng khởi, đất nước đã thống nhất, trên có vua anh minh, dưới có nhiều trung thần nghĩa sĩ. Sự tích của họ đều rất phong phú, xúc động. Ta làm Thái sử lệnh, nếu không ghi chép lại công trạng của họ thật vô trách nhiệm. Ta chết đi, con hãy kế thừa công việc của ta, cố viết cho xong.
Tư Mã Thiên rơi lệ, cúi đầu, đáp:
– Con tuy ngu dốt, cũng nhất định sẽ đem những sự thực về lớp người trước viết lại, quyết không dám lơ là.
Qua hai năm, Tư Mã Thiên thay cha làm Thái sử lệnh, bắt đàu viết tiếp bộ sử mà người cha chưa hoàn thành.
Ai ngờ, chẳng bao lâu sau, tai họa ập đến với ông.
Năm 99 trước CN, Hán Vũ Đế cử tướng quân Lý Lăng đi đánh Hung Nô. Lý Lăng đơn độc, không địch nổi, phải đầu hàng. Tin đưa về triều đình, Hán Vũ Đế triệu tập quần thần bàn việc trừng phạt Lý Lăng. Các đại thần đều phê phán Lý Lăng tham sống sợ chết.
Tư Mã Thiên nói:
– Lý Lăng mang quân đi, bộ binh không có đến năm nghìn, đánh vào tận sào huyệt của địch, giết mấy vạn tên. Tuy thua trận, nhưng ông ta đã giết được nhiều địch như thế, cũng có thể châm chước. Lý Lăng không chết ngay cũng có thể là có chủ ý. Chắc ông ta còn muốn lập công chuộc tội để báo đáp Hoàng thượng.
Hán Vũ Đế nghe xong, nổi giận:
– Ngươi còn dám bảo vệ cho kẻ đầu hàng như thế, chẳng phải có ý định chống lại triều đình không?
Vua quát một tiếng, cho người đưa Tư Mã Thiên ra hạ ngục rồi xử cung hình (2).
Trong xã hội phong kiến, khí tiết luôn được coi trọng, sĩ đại phu thà chết chứ không chịu sỉ nhục nhân cách như thế này, đó là một hình phạt thường bị thiên hạ cười chê. Nhưng Tư Mã Thiên nhớ tới lời phó thác của cha lúc lâm chung, nghĩ đến trách nhiệm sử quan của mình, nên đã gạt bỏ ý định tìm đến cái chết, quyết tâm nhẫn nhục, mang gánh nặng mà sống.
Trong một đêm mưa gió, cửa lớn nhà ngục ngoại ô kinh thành Trường An kêu lên một tiếng “két”, sau đó thấy có một người bước ra. Chỉ thấy người đó tóc tai bù xù, áo mỏng, rách rưới.
Ông chính là Tư Mã Thiên mới được tha tù. Về tới nhà, bước tới trước chồng bản thảo để bên góc tường từ rất lâu, Tư Mã Thiên lao tới, ôm lấy nó, khóc thất thanh. Tiếng khóc thảm thiết đó cùng với tiếng mưa rả rich bên ngoài trong đêm khuya vang vọng rất lâu, rất lâu….
Từ đó, mặc cho tiếng cười giễu cợt của mọi người, Tư Mã Thiên một mình trong phòng vắng, ngày đêm quyết tâm vì bộ sách. Trong quá trình viết, ông thường dùng những hình ảnh của các chí sĩ giàu lòng nhân ái thời cổ, trong gian khổ, bị chèn ép vẫn quyết tâm trước thuật lưu danh nghìn đời để động viên mình. Như Chu Văn Vương bị Trụ Vương giam ở Dữu Lý mà viết Chu Dịch; Tả Khâu Minh mắt mù vẫn viết được Luận ngữ; Tôn Tẫn bị cắt xương bánh chè còn viết được bộ “Binh pháp”, …
Trong thư gửi cho bè bạn, Tư Mã Thiên viết:
– Quân tử thà chết không chịu nhục, tôi chẳng lẽ không biết? Tôi sở dĩ nhẫn nhục sống tạm vì muốn viết Sử ký, thật đáng tiếc nếu dự định không thành. Nếu như cuốn sách bắt đầu từ đây, cuối cùng, việc ghi chép lịch sử đã hoàn thành, có thể “tàng chi danh sơn, truyền chi hậu thế”, lúc ấy, tôi chết có khó gì, chết có sợ gì?
Đến năm ông 53 tuổi, cuối cùng, Tư Mã Thiên đã viết xong bộ Sử ký, cuốn ghi chép thể thông sử nổi tiếng.
Bộ sách có 130 thiên, hơn năm mươi vạn chữ. Trong đó bao gồm Bản kỷ 12 thiên, ghi lại các sự tích đế vương; Biểu gồm 10 thiên, dùng ghi lại các sự kiện lớn và nhân vật quan trọng; Thư gồm 8 thiên, ghi lại chế độ điển chương, hiện tượng thiên văn, thiết chế chính trị và cuộc sống kinh tế xã hội; Thế gia 30 thiên ghi lại chuyện các chư hầu vương và Khổng Tử, Trần Thắng và các nhân vật trọng yếu; Liệt truyện 70 thiên, ghi chép các nhân vật quan trọng, lịch sử dân tộc thiểu số và nước láng giềng. Trong đó, Bản kỷ và Liệt truyện là quan trọng nhất. Vì thế, người đời sau gọi nó là cuốn sử thể ký truyền.
Chính sử của Trung Quốc thường nói tới 24 cuốn, cũng cơ bản dựa vào Sử ký mà viết.
Sử ký của Tư Mã Thiên không chỉ tỉ mỉ, xác thực, là một bộ sử xuất sắc mà ngôn ngữ sinh động, đẹp đẽ, nhân vật chân thực, sống động như tồn tại ngoài đời. Đó cũng chính là một tác phẩm văn học nổi tiếng.
Người dịch: Dương Đình Giao
Chú thích:
- Thái sử lệnh: tương truyền có từ đời nhà Hạ, nắm việc văn thư. Nhà Tần, làm quan Phụng thường, đén Tây Hán cũng như vậy. Năm thứ 6 Cảnh Đế Trung Nguyên (144 trước CN) Lệ Thái Thường nắm thiên văn, lịch pháp, tu soạn sử sách.
- Cung hình: một trong “ngũ hình” thời cổ,là hình phạt cắt bỏ bộ phận sinh dục, mức độ dưới tử hình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét